Ký giả Nguyễn Đôn Phục với Nam phong tạp chí

Nguyễn Hữu Sơn| 20/06/2018 09:30

Nhà Hán học, nhà báo, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Đôn Phục (1878 - 1954), tự Hy Cán, hiệu Tùng Vân Đạo Nhân, sinh ở thôn Cầu, làng Uy Nỗ Thượng, tổng Xuân Canh, huyện Đông Anh, phủ Từ Sơn - Bắc Ninh (nay thuộc xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội). Từ năm Canh Tý (1900) ông định cư ở làng La Nội, tổng La, phủ Hoài Đức (nay thuộc phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội), chuyên nghiên cứu, dịch thuật Hán Nôm, viết du ký, tiểu phẩm, thơ ca, từng là thành viên tích cực trong ban biên tập Nam phong tạp chí do học gi

Ký giả Nguyễn Đôn Phục với Nam phong tạp chí
Nhiều tác phẩm du ký giá trị của ký giả Nguyễn Đôn Phục được đăng trên Nam phong tạp chí.

Trong vòng bốn năm, khi đã gần cận tuổi năm mươi, nhà báo Tùng Vân Nguyễn Đôn Phục có liền 5 bài du ký viết về các chuyến du ngoạn đến các điểm di tích lịch sử và danh thắng các vùng xung quanh thành Hà Nội in trên Nam phong tạp chí. Bài du ký thứ nhất nhan đề Du Ngọc Tân ký (số 57, tháng 3/1922) viết về chuyến du ngoạn bến Ngọc Tân (nay thuộc phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Bài thứ hai Du Tử Trầm sơn ký (số 59, tháng 5/1922) viết về chuyến thăm chùa Trầm và núi Tử Trầm (nay thuộc xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ). Bài du ký thứ ba Cuộc đi quan phong làng Thượng Cát (số 63, tháng 9/1922) lược thuật ngày đến dự cuộc khánh thành trường công nghệ và phong trào cải lương ở Thượng Cát (nay là phường thuộc quận Bắc Từ Liêm). Bài thứ tư Cuộc đi chơi Sài Sơn (số 93, tháng 3/1925) kể về chuyến du khảo miền cổ tích chùa Thầy – Sài Sơn (nay thuộc huyện Quốc Oai)...

Riêng tác phẩm Bài ký chơi Cổ Loa, Tùng Vân Nguyễn Đôn Phục viết về một điểm di tích tối cổ ở ngoại thành Hà Nội. Trong cảm hứng du ngoạn “cái mục đích chỉ ở yêu mến lịch sử đấy mà thôi”, “đại khái là vì đường lịch sử mà đi chơi” vào đúng ngày trung thu và thể hiện tình nghĩa giữa những người làm báo Hà Nội – Sài Gòn, ký giả nêu rõ nguồn cơn chuyến du ngoạn: “Người đi chơi cũng có lắm hạng, mà cuộc đi chơi cũng lắm đường… Như ngày rằm tháng tám năm Khải Định thứ chín, lịch Tây năm 1924 vừa rồi, tôi với ông Phạm Quỳnh, ông Nguyễn Hữu Tiến, ông Nguyễn Háo Vĩnh (Chủ bút Nam Kỳ tuần báo – NHS thêm), ông Phạm Văn Duyệt, cùng nhau đi chơi Cổ Loa thành, há vị gì đâu, cũng là vì chút cảm tình với lịch sử mà đi chơi vậy” (Nam phong tạp chí, số 87, tháng 9/1924)... 

Trong một ngày dài, các bậc ký giả xuất sắc trong làng báo đương thời đã qua thăm chợ Sa, xóm Hương Nhai, đình “Ngự triều di qui” tương truyền là chỗ triều hội bách quan, miếu Bà Chúa thờ Mị Châu, rồi ra thăm khu đền chính thờ An Dương Vương, thăm giếng Ngọc Tỉnh, lầu Ngọc Đôi… Đặc biệt khi đến thăm khu chính điện, Nguyễn Đôn Phục vừa bộc lộ cảm xúc vừa bày tỏ thái độ mà đến hôm nay vẫn còn nguyên ý nghĩa khoa học nhân văn và tính thời sự: “Điện thấy đề là Chính pháp điện, nét vàng còn sáng còn tươi, mà nét chữ với lối chữ thì thật cổ. Nào là tiền điện, nào là nội điện, nào là phương đình ở trung tâm, nào là dịch đình ở đôi bên tả hữu, nhưng rặt là qui chế mới sửa sang lại, khoảng ba bốn mươi năm nay, không thấy cái gì là qui chế cổ cả. Nghe những người kỳ lão ở đây nói qui chế cổ thì thấp hơn và rộng hơn, làm ra đủ có chín tầng, mà đường ngự đạo lát đá đi thẳng mãi vào tận chỗ trung tâm. Tiếc thay mình không được xem cái qui chế ấy. Mà cái văn minh thuộc về mỹ thuật ở cận đại, chửa tất đã hơn được cái văn minh đời cổ sơ. Tôi chỉ ước ao rằng, phàm những nơi đình chùa miếu vũ ở các làng, dù có lâu ngày mà phải tu tạo lại, thì cứ nên theo như qui chế cổ mà làm, dù có muốn trang sức thêm chăng nữa, thì làm riêng hẳn ra một tòa đình mới, cũng bất phương. Khiến cho người xem biết thế là cái văn minh thượng cổ, thế là cái văn minh cận đại, thế là cái văn minh hiện thời. Đó cũng là một sự quan hệ về đường văn hóa của nòi giống, quốc dân ta cũng nên lưu tâm”…

Nguyễn Đôn Phục kể rõ, vào buổi chiều, cả đoàn cùng nghe hát ả đào và tỏ ý khen vẻ chân phương của ả đào miền quê bình dị: “Nhân hỏi qua tục lệ đình này, rồi phiền với các ông viên chức cắt người cho triệu ra đây. Khi các ả ra, thì thấy đội nón thắt, lồng quai mây, áo nâu non, quần chồi, thắt lưng ra ngoài, nét mặt thì đầy đợm, da thì ngăm ngăm da nâu, tuyệt nhiên không có màu son phấn gì cả, mà lại rụt rè bẽn lẽn, coi ra khác với các ả ở Thái Hà, ở Hàng Giấy và ở Bạch Mai lắm lắm”…

Ngày vui ngắn chẳng tày gang… Nguyễn Đôn Phục đi đến đoạn kết cho một chuyến du ngoạn ngoại thành: “Hát xong, trời đã xế chiều. Ông Phạm Văn Duyệt thì đi tiêu dao ngắm cảnh. Ông Nguyễn Hữu Tiến, ông Nguyễn Háo Vĩnh thì đi ra Ngọc Tỉnh tắm mát. Sự tắm mát ở cái Ngọc Tỉnh ấy, ông Nguyễn Háo Vĩnh vẫn có cái nhiệt thành ước ao; ông lại lấy hai chai nước Ngọc Tỉnh để đem về Nam Kỳ, cũng đủ hiểu ra cái lòng ông đối với lịch sử, đối với cổ tích nước nhà, có nhiệt độ khác thường. Ông Phạm Quỳnh thì ngồi lại chuyện trò với mấy ông viên chức trong làng cho tỏ lòng thân ái. Tôi thì dạo qua sang miếu bà Chúa, xét lại cái cổ tích cho rõ ràng”… 

Đi xa hơn, Tùng Vân Nguyễn Đôn Phục có hai tác phẩm du ký viết về vùng quê Bắc Ninh. Thứ nhất, với du ký Cuộc đi chơi năm tầng núi (số 91, tháng 1/1925), tác giả cùng chủ bút Phạm Quỳnh và mấy bạn tâm giao đi tàu đến ga Cầu Lim và thăm cảnh năm tầng núi: “Một là tầng Hồng Vân Sơn. Hai là tầng Ma Khám Sơn. Ba là tầng Đông Sơn. Bốn là tầng Bát Vạn Sơn. Năm là tầng Phật Tích Sơn… Núi đều là núi đất, lẫn sỏi và đá; những hòn đá thiên nhiên bày ra la liệt ở xung quanh sườn núi, sắc đá hơi đen đen, lại thỉnh thoảng điểm có chỗ trắng; đi ở dưới đường mà trông lên, tựa như hình đàn trâu đàn dê, con thì nằm, con thì ăn, con thì lên núi, con thì xuống núi”, rồi đi nghe hát quan họ, thăm chùa Vạn Phúc trên núi Lạn Kha… Đến du ký Lời cảm cựu về mấy ngày chơi Bắc Ninh (số 100, tháng 11+12/1925), Nguyễn Đôn Phục về thăm quê và bồi hồi tưởng nhớ quá vãng tuổi thơ một thời loạn ly, nạn Tàu ô, quân Pháp, quân triều đình, giặc cỏ; những ngày học chữ Hán, Quốc ngữ rồi dịch thuật, làm báo; một thuở ngỡ ngàng giao thời Á – Âu, kim – cổ… 

Cuối cùng là du ký Cuộc xem cổ tích miền Đông Bắc tỉnh Hải Dương (số 102, tháng 2/1926), Nguyễn Đôn Phục mở đầu bằng suy tưởng: “Phàm nước, nước nào đã có lịch sử thì dấu vết của tiền nhân để lại tức là cổ tích, cổ tích tức là quốc hồn. Vì quốc dân ví như cái hoa, cái lá, cái cành, tổ tiên ví như cái gốc, cái rễ. Kẻ để tâm về sự phóng cổ nên biết rằng không phải là một chốc mà gây nên được một dân tộc, chắc là tiền nhân ta phải trải qua nhiều mưa gió, bao nhiêu tâm huyết mới gây đúc nên được một khối tinh hoa”; rồi kể chuyện cùng Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến và đồng hữu xuống Hải Dương gặp bạn văn Nguyễn Trọng Thuật cùng đi thăm các danh thắng, di tích đền chùa thuộc núi Yên Phụ, Kính Chủ, Côn Sơn, Kiệt Đặc, Phượng Hoàng; đan xen vào đó là sự tích, truyền thuyết về các danh nhân Mạc Đĩnh Chi, Chu Văn An, Phạm Sư Mạnh, Trần Nguyên Đán, Nguyễn Thị Lộ…

Trên thực tế, các tác phẩm du ký của Tùng Vân Nguyễn Đôn Phục (một nhà cựu học nhập cuộc tân học, Hán học chuyển sang Quốc ngữ, bút lông chuyển sang bút sắt) in trên Nam phong tạp chí đã thể hiện rõ niềm tự hào và ý thức coi trọng truyền thống dân tộc, tinh thần yêu nước, yêu quê hương xứ sở. Ông không trực diện cầm gươm giáo chống ngoại xâm nhưng đã nỗ lực dùng cây bút với nguyện ước chấn hưng tinh thần dân tộc, ngôn ngữ, văn hóa và văn học dân tộc. Có thể xem các tác phẩm du ký của ông in trên Nam phong tạp chí thuộc loại hình bảo tàng bằng ngôn từ nghệ thuật và giúp độc giả sau cả trăm năm vẫn thư thái thâu nhận kiến thức “ngồi một chỗ mà thấy ngoài muôn dặm”… 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Ký giả Nguyễn Đôn Phục với Nam phong tạp chí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO