Ký ức không quên về những ngày tháng Tư lịch sử

Đinh Mạnh Cường| 01/05/2020 06:47

Biên đạo Nguyễn Văn Bích hiện là Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội, ông liên tục giữ chức Chủ tịch 4 khóa (từ năm 2000 đến 2020). Trên cương vị của người “nhạc trưởng”, Nguyễn Văn Bích luôn thể hiện bản chất một người nghệ sĩ cựu chiến binh năng động. Cũng bởi lẽ ông đã từng đi qua những năm tháng chiến tranh, lửa đạn…

Ký ức không quên về những ngày tháng Tư lịch sử
Biên đạo múa Nguyễn Văn Bích

Năm 1965, chiến tranh loang ra miền Bắc, Nguyễn Văn Bích tình nguyện đi bộ đội - là một trong ba sinh viên Trường múa Việt Nam đầu tiên xung phong vào chiến trường. Năm 1968, trong chuyến biểu diễn phục vụ ở tuyến lửa Khu 4, Nguyễn Văn Bích là diễn viên múa của Đoàn Văn công Quân chủng Phòng không - Không quân, tham gia nhiều tiết mục múa chính: “Tuần Đuốc”, “Mảnh vải ngụy trang”, “Hoa Xô Viết”, “Quật ngã Thần Sấm”, “Con vịt Hoa Kỳ”, “Trận địa kiên cường” đem đến nhiều cảm xúc cho các chiến sĩ ra trận. 

Mùa xuân năm 1975, các phương tiện thông tin Hà Nội truyền những tin chiến sự về cuộc chiến đấu của quân và dân miền Nam anh hùng. Cả kinh kì sôi sục với những tin vui chiến thắng ngỡ ngàng. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước càng gần đến ngày thắng lợi càng ác liệt. Cuối tháng 3/1975, Nguyễn Văn Bích được Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân lựa chọn là một trong 11 văn nghệ sĩ từ Hà Nội hành quân cấp tốc vào Nam, theo bước chân các đoàn quân giải phóng để nắm bắt thực tế sáng tác. Tổ sáng tác của Đoàn Văn công Quân chủng Phòng không - Không quân gồm có: nghệ sĩ múa Nguyễn Văn Bích, Hoàng Xuân Cống, Nguyễn Long và nhạc sĩ Hoàng Tạo, Trương Trọng Đạt. 

Tại thành phố Huế, đoàn văn nghệ sĩ triển khai phân thành từng tổ đi thâm nhập các đơn vị. Trước khi phân tổ, các văn nghệ sĩ chụp ảnh trước cửa Ngọ Môn để kỷ niệm thời khắc lịch sử ngày đầu giải phóng Huế. Nghệ sĩ múa - biên đạo Nguyễn Văn Bích và nhạc sĩ Hoàng Tạo vào Sài Gòn, theo chân đoàn quân thực hiện chiến dịch Hồ Chí Minh.

Xe qua thị xã Quảng Ngãi đổ nát, Hoàng Tạo đang nghển cổ nhìn ra vùng ngoại ô, bất giác quay lại nắm tay Nguyễn Văn Bích, giọng run run: 

 - Bích ơi, quê mình đây rồi, không biết má mình còn sống không? Mình có nên xuống không? 

- Sao lại không? Chúng ta xuống ngay thôi!

Nguyễn Văn Bích nói rồi vỗ mạnh tay vào thành cabin: 

- Đồng chí chỉ huy ơi! Cho chúng tôi xuống đây với! 

- Sao lại xuống đây? Rồi các đồng chí sẽ đi vào bằng cách nào?     
- Chúng tôi sẽ tìm cách đi sau!

Hai người vượt đường quốc lộ, qua huyện lỵ Bình Sơn, theo nhiều con đường làng về đến xã Bình Trung. Hoàng Tạo nhận ra ngôi nhà của mình, sững sờ bước lên thềm và gọi: “Má ơi!”. Từ trong khoảng tối ngôi nhà, một bà cụ gầy gò bước ra: “Ai đó?” - “Má ơi! Con… Tạo đây mà!”.

Bà cụ đứng đờ người ra, không bước thêm được nữa. Hoàng Tạo trút vội ba lô xuống thềm, chạy vào nhà ôm chầm lấy má: “Má… Má ơi!”.

Bà cụ nghẹn ngào, ôm chặt con trai, hai dòng nước mắt chảy ướt đầm vai áo của con: “Hai mươi mốt năm má chờ đợi con về mà mãi biệt tăm tin tức!”.

Những người dân trong thôn biết tin kéo đến chật sân nhà. Ai cũng hào hứng ngắm nhìn, cầm tay anh bộ đội miền Bắc. Má bê ra mấy quả dưa, bổ thành từng miếng dưa đỏ au giục hai con ăn và mời mọi người. Bà con kéo đến ngày càng đông, họ đem trái cây tặng cho bộ đội. Nhiều người không cầm được nước mắt trước cuộc gặp gỡ đầy xúc động của người mẹ với đứa con trai độc nhất, mồ côi cha từ khi còn thơ dại.
Hoàng Tạo quyết định lên đường sau hai tiếng đồng hồ gặp má. Nguyễn Văn Bích nói: 

- Anh có thể ở lại thêm với má đêm nay, Bích sẽ đi một mình vào trước!. 

Nhưng Hoàng Tạo kiên quyết:

- Mình sẽ trở lại với má sau khi Sài Gòn giải phóng, bây giờ chúng ta phải cùng nhau vào đó ngay cho kịp!

Ngày 26/4/1975, nhạc sĩ Hoàng Tạo và biên đạo múa Nguyễn Văn Bích vào đến sân bay Thành Sơn - Phan Rang. Hai người chứng kiến những chiến sĩ giải phóng đang băng bó cho những tên lính ngụy bị thương bên những chiếc máy bay địch đang cháy dở, bốc khói. Nghe tin sẽ có máy bay A-37 đến sân bay Thành Sơn, hai nghệ sĩ quyết định lùi kế hoạch vào mặt trận Xuân Lộc, để ở lại chứng kiến phi công ta lái máy bay địch hạ cánh tại đây và chuẩn bị làm nhiệm vụ đặc biệt.

Nguyễn Văn Bích ra phố mua chiếc máy catsette nhỏ để phát nhạc phục vụ sáng tác múa, đồng thời để ghi lại những âm thanh sôi động đang dâng tràn trong chiến dịch Hồ Chí Minh mà anh tin rằng sắp đến thời điểm vang dội của những trận đánh cuối cùng. Nguyễn Văn Bích không ngờ rằng chiếc máy ghi âm của anh là vật chứng duy nhất ghi lại được những âm thanh của thời khắc lịch sử đó. Đó là tiếng truyền lệnh của Tư lệnh quân chủng, của đại diện Phi đội Quyết Thắng nói lời hứa quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ đánh vào khu tập trung máy bay địch ở sân bay Tân Sơn Nhất và âm thanh của toàn bộ diễn biến trận đánh này.

Ký ức không quên về những ngày tháng Tư lịch sử
Tổ công tác Đoàn Văn công Quân chủng Phòng không - Không quân trước Ngọ Môn (Huế) cuối tháng 3/1975 
(Biên đạo Nguyễn Văn Bích đứng ngoài cùng bên trái)

Lúc ấy, Nguyễn Văn Bích đã ở tuổi 30, chín chắn, có một tâm hồn nghệ sĩ nhạy cảm, được đào tạo bài bản tại Trường múa Việt Nam (khóa 1960 - 1964), một năm làm diễn viên thực nghiệm tại trường, 10 năm làm diễn viên - biên đạo múa của Đoàn Văn công Quân chủng Phòng không - Không quân. Nhưng khi ra chiến trường, nghệ sĩ Nguyễn Văn Bích đã trở thành một phóng viên thực sự. Anh dùng chiếc catsette của mình ghi âm, phỏng vấn các phi công, thợ sửa máy và tường thuật trực tiếp diễn biến của chiến dịch.

Buổi chiều ngày 30/4, hai nghệ sĩ Nguyễn Văn Bích và Hoàng Tạo vào đến Sài Gòn. Sáng ngày 1/5, các anh vào sân bay Tân Sơn Nhất, đi xem khu vực sân đỗ máy bay địch bị ta ném bom, khói còn bốc lên từ xác 10 chiếc máy bay vận tải bị cháy và hư hỏng nặng.

Trong những tháng ngày đáng nhớ ấy, nghệ sĩ Nguyễn Văn Bích đã lao động hết mình trong vai trò biên đạo múa và diễn viên, đem đến công chúng hàng loạt tác phẩm nghệ thuật cách mạng, có sức chinh phục tình cảm mến yêu, tin tưởng chế độ mới của nhân dân thành phố mang tên Bác và các tỉnh miền Nam những ngày đầu thống nhất đất nước. Ông đã sáng tác tác phẩm múa đầu tiên “Vui gặp gỡ” cho chương trình biểu diễn, phản ánh tinh thần dũng cảm chiến đấu của người lính Phòng không - Không quân và tình quân dân gắn bó (tác phẩm “Vui gặp gỡ” sau ngày giải phóng miền Nam đạt Huy chương Bạc tại Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc) và năm 2004 tác phẩm “Một thoáng Tây Hồ” được tặng Huy chương Vàng tại Hội diễn không chuyên toàn quốc; năm 2006, tác phẩm “Cuộc chia tay màu đỏ” của ông được tặng giải Nhất, Giải thưởng Thủ đô tại cuộc thi múa lần thứ 2 đề tài “Thăng Long - Hà Nội”.

Biên đạo Nguyễn Văn Bích được tặng thưởng Huân chương chiến sĩ vẻ vang hạng Nhì, Ba; Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Ba; Bằng khen của UBND Thành phố Hà Nội; Huy chương Vì sự nghiệp Văn học - Nghệ thuật Việt Nam; Huy chương Vì sự nghiệp múa Việt Nam; Huy chương Vì sự nghiệp Văn hóa - Thông tin.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Điện Biên Phủ - nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật
    Sáng 19/4, tại Điện Biên, Hội đồng Lý luận - Phê bình Văn học nghệ thuật Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật”.
  • Đấu xảo Hà Nội Vang bóng một thời
    Cách đây 78 năm, đúng vào ngày 1/5, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội) đã diễn ra cuộc mít tinh khổng lồ với trên 25.000 người tham gia. Địa điểm này khi xưa được mang tên Đấu xảo - một công trình tráng lệ và đồ sộ, mang tầm vóc quốc tế.
  • Vẽ tiếp bức tranh về “Văn minh trà Việt”
    Hành trình văn hóa uống trà trải dọc bề dày suốt hơn 5000 năm của người Việt đã được tác giả Trịnh Quang Dũng phác thảo sinh động trong cuốn sách “Văn minh trà Việt”. Sách do NXB Phụ nữ ấn hành vừa trình làng bạn đọc đúng vào dịp Ngày Sách Việt Nam lần thứ 3 – 2024.
  • Phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc thành phố Hà Nội năm 2024
    Sáng 19/4, tại Thư viện Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ III năm 2024 và phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc thành phố Hà Nội năm 2024 với chủ đề “Phát huy hào khí Thăng Long - Hà Nội, xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
  • Trường Tiểu học Nam Thành Công tổ chức mô hình điểm Liên hoan "Chiến sĩ nhỏ Điện Biên"
    Liên hoan “Chiến sĩ nhỏ Điện Biên” là đợt sinh hoạt truyền thống lịch sử, nhằm tạo nên bầu không khí thi đua học tập tốt, rèn luyện chăm sôi nổi trong toàn liên đội; qua đó biểu dương các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong hoạt động Đội.
Đừng bỏ lỡ
Ký ức không quên về những ngày tháng Tư lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO