Ký ức làng

Cao Ngọc Thắng| 17/03/2020 15:20

Dù đã sống và làm việc ở thành phố nhiều năm, đã hòa nhập vào đời sống thị thành quá nửa đời người, song tôi vẫn không thể quên những gì mình đã gắn bó với làng, nơi quê cha đất tổ, nơi thuở thiếu thời được đùm bọc, chở che và lớn lên từng ngày trong tình thương của người, của ruộng vườn, cây trái, của bốn mùa đắp đổi luân phiên.

Ký ức làng
Minh họa của Vũ Khánh

Thật là tự nhiên khi lòng ta bỗng bâng khuâng mỗi chiều tiết trời ngả cuối năm. Dấu hiệu của năm cũ sắp qua, năm mới sắp tới cứ phảng phất, bảng lảng, để rồi ngày một lan tỏa, giục giã đến bồn chồn hướng về những ký ức chưa hẳn đã xa, mà nao lòng, mà thắc thỏm. Giữa chen chúc phố phường tàu xe tấp nập tưởng như vẫn lẩn quất mùi khói rơm rạ ngai ngái là là bay trên đường thôn ngõ xóm, vờn chân bụi tre lá trút thành đệm cho trâu nằm thủng thẳng nhai “trầu”. Lẫn trong siêu thị ánh sáng chói lóa, hàng hóa chật căng, ký ức vẫn trở về cái chợ làng phơi mình giữa trời lá dong xanh mướt, thúng đỗ bóng mẩy, chen chân kẻ bán người mua những lời mời chào làng xóm. Về khu chung cư, tiếng rậm rịch bên trong mỗi căn hộ lại nhớ cảnh “đụng” thịt lợn háo hức, dăm bảy nhà chụm nhau chia phần và túm tụm xung quanh các mâm mẹt dùng món khoái khẩu cháo lòng tiết canh, nhâm nhi chén rượu cùng câu ca: Trông mặt mà bắt hình dong/ Con lợn có béo thì lòng mới ngon. Trong cái vội vã, tất bật của người thị thành bỗng thèm cung cách thung dung của người thợ cày phả khói thuốc lào, của các bà thong thả têm miếng trầu, của các chị thả mái tóc óng mượt vào chậu nước gội bồ kết cùng vỏ bưởi vàng ươm, của những đứa trẻ thản nhiên ngồi xếp bằng mân mê con quay, đồng xèng đồng cái chuẩn bị vào hội ngày đầu năm mới nơi sân đình phấp phới cờ bay.

Làng tôi đồng trũng nước trong, công việc đống áng rất vất vả, người luôn nơm nớp mùa vụ thất bát, quanh năm lo cho ngày ba tháng tám giáp hạt. Làng tôi có nhiều ao chuôm, đầm rộng, nên có nghề đan lờ đan đó. Sản phẩm đan lát – những dụng cụ đơm cá, vợt tôm  của quê tôi bán đi nhiều nơi lân cận. Có lẽ đặc biệt nhất là chiếc rổ xúc. Gọi là rổ vì nan đan nong mốt, thưa như rổ xảo, rổ để rửa rau, song nó to đùng, đường kính từ một đến hai mét, sâu mười tám hai mươi phân, khi thao tác dưới nước thường phải hai người hai bên đẩy và nhấc khỏi mặt nước, chuyển nó đi phải lồng đoạn tre chắc, to gần bằng đòn sóc, người khỏe cõng trông như cái mai con rùa khổng lồ sau lưng. Ông bà nội và bác cả tôi là những người đan lát giỏi, khi đã có tuổi vẫn “đánh vật” với chiếc rổ xúc, chiếc nong, chiếc nia, chiếc dậm, đó là những thứ để làm được chúng đòi hỏi phải có sức khỏe, đặc biệt hai cánh tay vừa cứng cáp vừa khéo léo, làm sao thành phẩm phải chắc, phải tròn trịa, bóng bẩy; nhất là khi vào cạp phải khỏe. Nghề đan lát có giỏi thì vẫn là lấy công làm lãi, cũng “giải quyết” được thời gian nông nhàn kéo dài dăm tháng và cái thiếu ăn lúc giáp hạt. Tôi nhớ như in những đôi bàn tay của ông, của bà, của bác cả tôi: thô nháp, chằng chịt những vết xước do nan tre cứa chồng chất. Những đôi bàn tay chai sạn rất điển hình, cứng đanh trong bàn tay mềm oặt của tôi.

Tôi rất thích món chè kho trong dịp Tết. Gạo nếp đồ thành xôi đánh tơi thả vào nồi mật mía pha nước gừng đã đun sôi, tiếp tục giữ cho ngon lửa lum dum, không được cháy đùng đùng cũng không để tắt, dùng đũa cả quậy liên tục và đều tay. Xôi và mật, do sức nóng đều của ngọn lửa, quyện vào nhau mỗi lúc thêm bện chặt, khiến người nấu chè phải dùng cả hai tay rồi sức của toàn thân, ban đầu ngồi sau đứng lom khom, để quậy, vì ngừng tay nồi chè sẽ khê. Từ nồi chè bốc lên mùi thơm rất đặc trưng của nếp, của mật, của gừng hòa trong nhau đến là quyến rũ, đậm đà mà thanh thao, không ngọt khé, cứng nhưng dẻo, bùi ngậy. Chè nấu xong phải đong ra đĩa ngay khi còn nóng, vì khi nguội đóng thành bánh cứng đanh. Anh em chúng tôi chầu chực chờ bà tôi khoát tay, ấy là lúc được vét nồi. Chè kho nấu “chuẩn” là phải dóc, mặc dù nhiều khi phải đập đĩa nhưng chè không để lại dấu vết ở đáy đĩa. Bác cả tôi nấu chè kho đã là “cao thủ” nhưng chưa thể sánh được với bà nội tôi. Chè bác tôi nấu khi ăn cũng phải đập đĩa, nhưng chưa phải lấy chày giã cua ghè lên sống dao để cắt “tảng” chè thành từng miếng nhỏ như chè bà nội tôi nấu. Món chè kho lạ lắm. Tưởng như ai răng khỏe mới khoái món này, vì trông và sờ vào giống như hòn gạch nung loại A, nhưng không phải, miếng chè kho cho vào miệng một lúc tự dưng mềm ra, ấy là mật tan, nếp trở nên dẻo, có vị cay cay của gừng. Bây giờ, người làng tôi vẫn nấu chè kho vào dịp Tết, nhưng chẳng ai đạt độ “ghè đĩa” như bà nội tôi nấu ngày trước.

Ngoài việc nuôi cá ở ao chuôm, đầm vạc trong làng, người làng tôi còn “nghề” thầu đầm sen, đầm cá ở các địa phương lân cận. Đi thầu phải có vốn bỏ ra mua “mặt nước”, tức là chưa nhìn thấy một dấu hiệu nào của sự sinh lời. Nhưng, họ giỏi lắm, có rất nhiều kinh nghiệm trong đoán định để từ đó ra giá với chủ đầm khá xít xao. Bố tôi bảo là họ đoán định được những diễn biến thay đổi của mùa vụ. Từ năm trước, người ta đã ngẫm ngợi trước sự thay màu đổi sắc quầng, tán quanh mặt trăng ngày rằm tháng bảy và tháng tám, xem con nước vào mùa lũ nước về, theo dõi cau, nhãn được hay mất mùa, rồi cả sự di trú của các loài chim thường giạt về đồng làng mỗi độ thu tàn đông sang… Chỉ có họ mới hiểu được và không thể truyền cho người khác. Thầu được đầm, họ trồng sen hoặc thả cá. Cá giống họ vớt ở sông Hồng mùa cá đẻ hoặc mua lại từ người khác. Họ có cách tính riêng mật độ các loại cá thả vào mỗi đầm và cách chăm sóc cũng rất riêng cho mỗi thời kỳ sinh trưởng của cá. Đối với người thầu đầm sen cũng vậy. Cảm giác họ là những người rất tinh tường và uyển chuyển tuân theo những biến thiên của giới tự nhiên, đặc biệt là của khí hậu và những thay đổi bất thường của thời tiết, của con nước. Những người làm công đã quen tuân thủ những chỉ dẫn sát sao của họ. Đến thời điểm thu hoạch, họ là thương lái thực sự. Họ biết bán ra lúc nào, không vội vàng mà cũng không chần chừ, phải đúng dịp, nhanh hay chậm đều ảnh hưởng tới doanh thu, từ đó kém lờ lãi. Đới với con cá, có thể ồ ạt thu hoạch khi có thời cơ. Nhưng đối với cây sen có phần “nhặt khoan” hơn: hoa, lá, gương sen lựa bán trước, hạt sen dùng nấu chè hay thực phẩm thì chậm hơn, sau rốt là hạt sen già để bán quanh năm. Đến mùa thu hoạch sen và cá làng tôi bỗng nhộn nhịp hẳn lên. Đó là thời kỳ gần như cả làng đi chợ cá, chợ sen, tức là mua buôn từ các đầm, bán lẻ ở các chợ trong thành phố, chẳng chợ nào vắng mặt người làng tôi. Ở nhà, từ cụ già đến trẻ nhỏ, những người không chợ búa đều tham gia vào công việc bóc sen: bóc vỏ ngoài, ngâm nước, bóc màng lụa, thông tâm để có được những mớ sen nuột nà còn nguyên hạt, không được sứt mẻ, để mang đổ hàng cho các quán bán chè sen, quán bán các món hầm với hạt sen. Công việc luôn chân luôn tay, chuyện trò rôm rả, tiếng cười khúc khích, hỏi nhau râm ran: “Cái con dao con của tớ vừa ở đây biến đâu mất rồi, có đứa nào cầm nhầm không?”. “Đứa nào thèm cầm nhầm của mợ. Đó nọ (hoặc kia kìa), nằm chình ình trước mũi mà không nhìn thấy, cứ toắng cả lên”. “Đó nọ”, “kia kìa” là những tiếng người làng tôi hay dùng để chỉ cho người khác cái vật (hay ai đó) ở gần hoặc ở xa ngay tầm mắt mà người đang tìm chưa nhìn thấy. Một tiếng nữa rất đặc trưng của làng tôi là “hớt” khi phản đối người khác: nói không đúng sự thật là nói hớt, dỏng tai nghe chỗ này đưa chuyện nơi khác là hóng hớt, mách chuyện không đúng nơi đúng việc là hớt lẻo. “Hớt” là không đúng, là đáng chê trách, tôi thấy những người làng khác ít dùng (hoặc không dùng).

Ba ngày Tết, ngoài những lời chúc phúc thường thấy, người làng tôi thường mở đầu khi bước qua cổng nhà, bất kể là họ hàng hay láng giềng: “Năm mới, chúc ông lái, bà lái mát tay, một vốn bốn lời, ăn nên làm ra, năm nay bằng ba năm ngoái”, rồi mới đến các câu chuyện khác, nghe rất vui tai. Đó là lời chúc đem đến may mắn cho gia chủ và cả gia đình trong ngày đầu xuân mới.

Giờ đây, làng tôi đã lên phường, lên phố, rất nhiều thay đổi, một số thói lề nhạt dần và mất hẳn, nhưng không hề mất trong ký ức của làng, của người làng. Với những người xa làng như tôi cũng không hề lãng quên những ký ức về làng, bởi đồng đất, hương trời, vị nước, cái tình, cái nghĩa của người dân lam lũ, siêng năng đã nhập vào, đã lắng sâu trong hồn vía tôi suốt một thời hoa niên…
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Điện Biên Phủ - nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật
    Sáng 19/4, tại Điện Biên, Hội đồng Lý luận - Phê bình Văn học nghệ thuật Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật”.
  • Đấu xảo Hà Nội Vang bóng một thời
    Cách đây 78 năm, đúng vào ngày 1/5, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội) đã diễn ra cuộc mít tinh khổng lồ với trên 25.000 người tham gia. Địa điểm này khi xưa được mang tên Đấu xảo - một công trình tráng lệ và đồ sộ, mang tầm vóc quốc tế.
  • Vẽ tiếp bức tranh về “Văn minh trà Việt”
    Hành trình văn hóa uống trà trải dọc bề dày suốt hơn 5000 năm của người Việt đã được tác giả Trịnh Quang Dũng phác thảo sinh động trong cuốn sách “Văn minh trà Việt”. Sách do NXB Phụ nữ ấn hành vừa trình làng bạn đọc đúng vào dịp Ngày Sách Việt Nam lần thứ 3 – 2024.
  • Vì sao phân khu Tài Lộc được ví như “mỏ vàng” trên đảo Vũ Yên?
    Nằm ngay cửa ngõ của Thành phố Đảo Hoàng Gia Vinhomes Royal Island, lại sở hữu nhiều lợi thế hiếm nơi nào có được, phân khu Tài Lộc được xem là biểu tượng của sự thịnh vượng và may mắn, hội tụ đầy đủ các yếu tố đầu tư sinh lời, kinh doanh thuận lợi.
  • Mảng xuất khẩu của Vinamilk khởi sắc nhờ các thị trường chủ lực
    Mảng xuất khẩu của Vinamilk năm 2023 tăng về cả doanh thu và số thị trường, kết quả quí I/2024 dự báo tích cực. Bên cạnh sự đóng góp lớn từ các thị trường chủ lực truyền thống, nhiều thị trường mới đã được khai phá.
Đừng bỏ lỡ
Ký ức làng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO