Ký ức Trường Sơn

Thanh Bình| 17/05/2019 13:39

“Chiến tranh đã lùi xa, thời gian có thể xóa mờ dấu chân người lính trên các nẻo đường thuở ấy, nhưng đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh mãi mãi là trang sử hào hùng ghi lại những ký ức về lòng dũng cảm, sự sáng tạo, tinh thần hy sinh anh dũng của cán bộ chiến sĩ Trường Sơn nói riêng, của Quân đội nhân dân Việt Nam, của dân tộc Việt Nam nói chung”- Trung tá Nguyễn Văn Ngọc - Giám đốc Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh đã chia sẻ như thế khi nói về triển lãm “Ký ức Trường Sơn”. Triển lãm vừa được khai mạc sáng ngà

Ký ức Trường Sơn
Đại tá Phan Lan say sưa ngắm những kỷ vật ở Trường Sơn năm xưa. Ảnh: Đặng Thủy
 Dù trời mưa, Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh ngày khai mạc triển lãm “Ký ức Điện Biên” vẫn tấp nập những dòng người đổ về. Những anh bộ đội, những cô dân công mở đường ngày nào mới mười chín, đôi mươi nay mái tóc đã điểm bạc, bước chân cũng đã chậm chạp hơn.

Ngắm nhìn những bức ảnh, những kỷ vật một thời, dường như ai ai cũng xúc động. Đôi dép của Anh hùng LLVTND Nguyễn Viết Sinh, Binh trạm 3, Đoàn 559 đã sử dụng để đưa đón cán bộ, vận chuyển hàng trên tuyến chi viện chiến lược đường Trường Sơn năm 1961 - 1967; chiếc túi đựng cơm của thượng sĩ Hà Văn Thanh, Trung đội phó Đại đội 11 ô tô vận tải, Tiểu đoàn 51 sử dụng trong thời gian làm công tác vận chuyển lương thực vũ khí trên Trường Sơn năm 1973; hòn đá ở trạm giao liên T6 - Quảng Bình in những dấu chân của hàng vạn các cán bộ chiến sĩ; những chiếc gùi được các chiến sĩ Tiểu đoàn 301cải trang thành đồng bào dân tộc Vân Kiều để phục vụ vận chuyển hàng hóa lương thực cho chiến trường năm 1959 - 1962… và còn biết bao những kỷ vật được trưng bày trong triển lãm đã đưa họ trở về những năm tháng mà mình đã đi qua.

Ký ức Trường Sơn
Một số kỷ vật được giới thiệu tại triển lãm. Ảnh: Đặng Thủy 

Đại tá Phan Lan - nguyên Trưởng ban quân lực Tiểu đoàn 71, Đoàn 559 đưa tay chỉ vào kỷ vật là chiếc dao được gò từ nhíp xe ô tô rồi kể lại: “Chiếc dao này tôi sử dụng để phát cây làm lán, hầm chữ A, rồi cả săn bắt thú rừng phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt của đơn vị mình trong những năm 1962”.

Là người gắn bó với tuyến đường huyền thoại này trong suốt 13 năm, Đại tá Lan đã không giấu nổi niềm xúc động khi nhắc đến những ngày tháng ở Quảng Trị rồi Thừa Thiên Huế. Ông nhớ những ngày tháng mình là cán bộ đưa đường, nhớ cả những bữa ăn thiếu thốn phải ăn sắn của đồng bào dân tộc, nhớ những giây phút sinh tử đối mặt với quân thù… 

Bà Phạm Thị Lan - cô dân công ở Trung đoàn 8 công binh ngày nào cũng không khỏi xúc động khi nhớ lại những kỷ niệm ở Trường Sơn. 3 năm (từ 1973 - 1976) dù chỉ là khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng với bà Lan đó lại là những năm tháng vô cùng ý nghĩa của tuổi trẻ. “Lúc ấy tôi mới 18 tuổi, tham gia mở đường Trường Sơn cùng các anh chị dân công. Tôi nhớ hồi ấy cứ làm hết đoạn đường này lại chuyển sang làm đoạn đường khác. Ở rừng, lúc mưa, lúc nắng, vắt nhiều vô kể, chị em sợ đến phát khóc. Nhiều bữa đói phải ăn cả rau rừng nhưng vì còn trẻ tuổi nên ai cũng hăng hái” - bà Lan nhớ lại.

Có thể nói suốt 16 năm đương đầu với cuộc chiến tranh vô cùng ác liệt với hy sinh gian khổ không sao kể xiết, bộ đội Trường Sơn đã trở thành một tập thể anh hùng, hoàn thành trọn vẹn và xuất sắc sứ mệnh mà Đảng và nhân dân đã giao phó; thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chi viện chiến lược cho chiến trường miền Nam - một nhân tố quyết định để đưa sức mạnh cả nước vào cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược đi đến thắng lợi hoàn toàn. 

Ngắm nhìn hàng trăm tài liệu, hiện vật, hình ảnh tiêu biểu phản ánh quá trình mở đường, vận chuyển hàng trên Trường Sơn giai đoạn đầu, quá trình tiến lên cơ giới hóa, thể hiện sự phát triển của mạng lưới giao thông chiến lược đảm bảo chi viện cho các chiến trường rồi các trọng điểm ác liệt trên Trường Sơn với những mục tiêu, thủ đoạn đánh phá trong chiến dịch ngăn chặn của Mỹ với các phương tiện, vũ khí hiện đại… mới thấy hết những gian khó mà bộ đội Trường Sơn đã trải qua.

Ở nơi sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc, những cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn năm xưa luôn giữ vững tư tưởng tiến công, chủ động, mưu trí, dũng cảm, sáng tạo ra nhiều giải pháp độc đáo đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn khiến Mỹ phải kinh ngạc và khâm phục.

Cũng chính trong mưa bom bão đạn của Mỹ, những chiến sĩ Trường Sơn vẫn rất lạc quan, vượt qua mọi sự khắc nghiệt của núi rừng, tình đồng chí, đồng đội luôn là sự gắn kết vô cùng thiêng liêng, với cùng chung một ý chí “Quyết đánh thắng giặc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”. 

Một nội dung cũng đã được Bảo tàng đường Hồ Chí Minh chuẩn bị khá công phu để giới thiệu tới công chúng đó là những tư liệu hình ảnh giới thiệu về hoạt động của bộ đội Trường Sơn - Binh đoàn 12 trong thời kỳ đổi mới và phát triển kinh tế đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập thế giới.

Những  hình ảnh về những công trình giao thông cầu đường, thủy lợi, thủy điện, công trình công nghiệp, dân dụng…; những cuốn sách và tư liệu xuất bản của Hội truyền thống Trường Sơn… tất cả như một minh chứng tô điểm thêm truyền thống vẻ vang của bộ đội Trường Sơn.

Đại tá Nguyễn Phúc Hậu, Bí thư Đảng ủy, Phó Tư lệnh Binh đoàn 12 nhấn mạnh: “Qua 42 năm thực hiện nhiệm vụ xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng, đơn vị đã giành được nhiều thành tựu trên mọi phương diện, cả về quân sự quốc phòng và xây dựng kinh tế, góp phần quan trọng phát triển kinh tế xã hội, củng cố an ninh quốc phòng của đất nước và làm tròn nhiệm vụ quốc tế cao cả của Đảng và Nhà nước ta”.

Không chỉ giới thiệu tới đông đảo công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ về quá trình ra đời, xây dựng, chiến đấu và những mốc son tiêu biểu của bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; những đóng góp to lớn của những người lính Trường Sơn hôm nay trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, triển lãm “Ký ức Trường Sơn” đã góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng; khơi dậy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc và sự biết ơn của thế hệ trẻ hôm nay. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Ký ức Trường Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO