Lá chuối vẫy tay

Du An | 02/06/2020 17:38

Đầu hồi, trong bếp nhà nào cũng có chuối. Nguyên buồng tựa vào vách, đã ra nải úp thìa bên nhau, đang ương ương, chín rũ… la liệt, hoa mắt. Tôi bẻ một quả, tích tắc ngon thẻm xuống bụng. Bà thấy, liền cầm cả nải đưa cho: Đây cháu, gì chứ chuối thì bà cho cả vườn.

Lá chuối vẫy tay
Minh họa của Lê Huy Quang
Đầu hồi, trong bếp nhà nào cũng có chuối. Nguyên buồng tựa vào vách, đã ra nải úp thìa bên nhau, đang ương ương, chín rũ… la liệt, hoa mắt. Tôi bẻ một quả, tích tắc ngon thẻm xuống bụng. Bà thấy, liền cầm cả nải đưa cho: Đây cháu, gì chứ chuối thì bà cho cả vườn. 

Thật là “trả thù” cho những ngày, chỉ sau bữa cơm, mỗi người được tráng miệng một quả. Trên tôi, dù to dù bé, quanh năm mùa nào cũng giống mùa nào, không phân biệt xanh chín, ai tên là chuối, rẻ nhất cũng nghìn một quả. Chuối đắt thế nên lâu lâu cả nhà mới được ăn canh chuối. Mẹ đi chợ về cũng chỉ dám mua dăm quả xanh, vài lạng ốc khêu sẵn. 

Tôi kể với bà, trên nhà cháu nấu canh chuối ăn cả vỏ. Bà cười, ối giời ôi, thế hóa ra ăn tranh của lợn à. Nhà cháu chỉ nuôi một con cún thôi, không có lợn đâu. Ông cũng cười ngất, khổ quá thế trên đấy không có đất trồng à. Bố xen vào giảng giải: Có, nhưng để trồng lúa trồng rau, còn lại mênh mông núi đồi, chuối không ở cao được.

Buổi trưa, mọi người ngả lưng, tôi ra vườn sau ngắm “chuối của mình”. Búi từng búi, thân nhẵn thín, vươn vươn cao thấp, lá nào cũng to, xòe kín, chỉ vài đốm nắng lọt xuống. Tôi vừa đi vừa ngửa mặt, ke đúng chỗ nắng cho dọi trúng mắt. Nắng đang nhấp nháy hay hay thì ái ui…. vấp luôn một buồng dài đưỡn. Không đau, nhưng tôi cũng xoa mặt. Thấy ướt, thấy dinh dính, cho vào miệng thử thì chát chát. Nhìn lại buồng, nhựa vẫn đang rỏ, nhìn thằng bé.

Tôi một mạch ra góc vườn, búi chuối này khác hẳn. Năm sáu cây to lừng lững, ngửa cổ cũng chỉ thấy đài lá vút lên. Tôi ôm thử một cây, trời ôi, căng hết cả bụng mà hai tay không ngón nào chạm nhau. Tôi trèo lên, định lên trên ấy xem chúng mày cao lớn nhường nào. Nhưng, to quá lại trơn quá nên thằng bé cứ bám vào lại tụt. Cố lên được một tí lại tụt xuống hai tí, ì ạch ì ạch. Tôi bị trỗ mông phịch một cái xuống đất. Tức quá, tôi chửi to. 

- Này cháu ai lại trèo chuối bao giờ… Con nhà Du mới về chơi hả. Một bà già từ trong đám lá chuối khô… hiện ra. 

- Cây nào chả trèo được hả bà. 

- Ối giời, thằng con nhà phố. Chuối này á, con mèo cũng chả thèm trèo.

- Thế không ai trèo thì trồng để làm gì?

- Thằng này lí sự ghê - bà lắc đầu, cười cười. Tôi khoái quá, đố bà trả lời được đấy, thua là cái chắc. 

Không phải, bà vẫn nói được.

- Lấy buồng để ăn để bán, thân cho lợn trâu bò, lá thì để gói bánh… Cây chuối chả có thứ gì bỏ đi cháu ạ. 

- Thế bà lấy lá gói bánh gì đấy?

- Ờ, bà xé khắp các vườn trong xóm, rồi mang lên chợ bán cho người ta. Các hàng bánh rậm, bánh gai, bánh tò te… đều lấy lá của bà đấy.

- Ôi chắc bà được nhiều tiền lắm. Nhà nào cũng toàn chuối thế này. 

- Ờ cũng khá khá, mỗi phiên được mươi nghìn.

- Phiên là gì hả bà?

- Phiên là ngày chợ chính, năm ngày một phiên.

Ối, năm ngày mười nghìn, một ngày hai nghìn… Xì… xì… Tôi như quả bóng bị gai đâm, hơi ra một tràng. Rồi tôi từ từ nhắm mắt, gục xuống (mỗi khi ngạc nhiên điều gì tôi hay làm như thế với lũ bạn). Bà già tưởng tôi bị làm sao, liền kêu thất thanh - Ới ơi, có ai ra đây nhanh lên, thằng cu bị ngất… Bà cúi xuống lay lay tôi. Ông bà, bố trong nhà huỳnh huỵch chạy ra. Ông bế tôi lên, bà xoa xoa vào cái chân thõng xuống, tôi he hé mắt xem. Lộ mất rồi, bố phát một cái vào mông thằng con - ngất này, cho bất tỉnh luôn thể này… Ơ cái nhà anh này, sao lại đánh con? Bà xé lá chuối kéo bố ra. Bố lại xông vào lôi tôi khỏi tay ông, “ném” xuống. Chân tôi như chân mèo, tiếp đất thẳng tưng. 

Ông, bà tôi và bà xé lá chuối tròn mắt. Chỉ mỗi bố đương nói to, thằng này nó hay làm trò thế đấy, mỗi khi “lên cơn” cho ngay một viên “sun phát vào mông” là khỏi ngay. 

Tôi phủi phủi áo quần và im tinh đi vào nhà, bị bóc mẽ thế là đủ rồi. Một lúc tất cả mọi người cũng vào, ngồi bàn uống nước. Bà tôi đưa miếng trầu cho bà xé lá chuối rồi bảo trưa nay bá ở đây ăn cơm với nhà em. Không, không, còn đi nữa… nhà Dậu dưới Quang Trung nó gọi bá xuống, em vẫn giữ phần cho đấy. Bà tôi lẳng lặng vào buồng, bê ra một cái thúng, đặt lên bàn, đây em cho bá, coi như ngày hôm nay bá vẫn đi làm. Thơm quá, như mùi bánh gì ý, tôi xuýt xoa. Thì lá được nắng lại chả thơm, bà tôi đang giơ lên từng cuộn như khoe. 

Thúng lá chuối đã giữ bà làm khách ăn cơm nhà tôi. Bữa trưa có bát canh chuối nấu ốc bươu và đĩa gà rang. Tôi chỉ nhằm bát canh chuối, miếng chuối xanh trắng còn nguyên tưởng cứng thế mà cho vào miệng, đá lưỡi một cái tan biến, vị trên vườn dưới đồng quyện nhau ngọt đậm. Ngon quá, cứ vào thun thút, tôi chén sang bát thứ tư thì bố bảo, thằng này hôm nay khéo đứt dây chun quần mất. Tôi sực tỉnh, ngại quá… cháu xin phép các ông bà, cháu thôi ạ… Tôi chống gối đứng lên, chân hơi khệnh khạng vì bụng to lên quá mức. Bố tôi nhìn theo, chỉ chun mũi cười nhẹ, không nói gì.

Tôi lên giường nằm, bà tôi và bà xé lá chuối vẫn rì rầm.

...Bữa nào bá cũng phải ăn cơm nóng, nhỡ nằm ra đấy thì khốn. Thì vưỡn, nhưng nấu ra lại chả nuốt được, đổ đi thì tiếc… đành một bữa ăn hai. Giời ạ, thảo nào dạo này nom da bá cứ xấu xấu là. Xấu đẹp cái con bọ nẹt ý, tám nhăm rồi đấy cô ạ... thôi kệ bố ông giời bắt đi ngày nào thì bắt. Này em bảo thật này, đừng lang thang xé lá chuối nữa, vườn còn mấy cây xoan cây mít to tướng ấy, gọi người ta, bán đi đong thóc mà ăn. Ấy ấy, không được, mấy cây ấy để dành việc nhớn đấy. Sau này ai chôn mình thì người đó hưởng. Gớm, chết thì khắc có làng có xóm, bá cứ lo xa. Chả lo thì lúc việc đến lại khổ các cháu, xóm mình chả nhà ai thóc lúa tiền nong rộng rãi gì. 

Tôi nghe chập chờn tiếng được tiếng mất rồi ngủ tít lúc nào không biết. Khi tỉnh dậy thì thấy một con bé đang hái rau trước nhà. 

- Ê đứa nào hái trộm rau kia. 

Tôi nhặt một hòn sỏi ném ra, rồi tọt vào nhà, he hé qua khe cửa. Nó quay lại, ngơ ngác. 

- Ra mà chơi còn định trêu chị hả. Bà tôi từ dưới bếp lên nói.

- Chị á. Chị gì mà bé thế… lớp 4 là cùng.

Đúng rồi chị Hòa học lớp 4. Chị con bác Hóa, bác Hóa là con ông Phi, ông Phi là anh ông mình. Thấy dây dợ lằng nhằng quá, tôi cắt lời, tóm lại là nó là chị cháu chứ gì. Ừ, hai đứa là chị em với nhau đấy, ở quê toàn họ mạc, không gần thì xa.

Hòa ôm một ôm rau muống chào bà về. Bà đang ngoài giếng quèn quẹt cái chổi cọ. Thấy nó đặt rau xuống gốc chuối bên cạnh, rồi múc nước cho bà kì cọ, vừa làm hai người trò chuyện với nhau cái gì đó. 

Bố đi chơi hàng xóm về, gọi to, Thanh ơi ra đây. Tôi ra, bố giữ vai tôi đứng nhìn chị bé. Cứ thế một lúc chả nói gì, tôi thừa biết mãi mãi sau này, những lúc tôi giả học bài trốn rửa bát hay nhoằng một cái đi xõa với lũ bạn… bố sẽ bảo - đấy tấm gương chị Hòa ở quê đấy, cứ lao động chăm chỉ thì sẽ ngoan ngoãn học giỏi. 

Sao mọi người có vẻ quí cái con ranh này thế nhỉ. Tự nhiên tôi thấy ghét nó.

Hòa không biết gì về thái độ của tôi. Chiều tối, nó lại sang, lúc tôi buồn quá đang hự hạ chiến nhau với bụi chuối đầu hồi. 

- Sao em lại phá chuối thế này!

- Phá cái gì mà phá, chơi chứ.
- Chơi mà đấm đá à!

- Thế có kiểu gì hay ho… làm đi.

Hòa vào bếp lấy con dao bài ra. Chặt một tàu chuối lá vàng, roẹt roẹt một loáng trên tay còn mỗi cái đài. Lại lia hai đầu, còn mỗi đoạn giữa… rồi nhoăn nhoắt ngón tay, lưỡi dao khía những vệt sâu vào cuống. Chị làm cái gì đấy? Bình tĩnh khắc biết. 

Mẩu đài chuối bây giờ dựng đứng lên những cái “vảy”, lưng xanh bụng trắng. Em xem này… pháo nổ này… sau cái lia bàn tay là… roạt roạt… pành pạch…. đôm đốp… Tôi tròn mắt rồi nhảy tung người lên, đưa em làm nào. Tôi làm như Hòa nhưng tiếng pháo chỉ đẹt đẹt bé tí. Không được, phải dựng “đạn” thẳng đứng, tay “bắn” thật nhanh thì mới nổ to. Tôi làm lại, nổ có khá hơn. Làm lại nữa, tiếng vang to đanh lảnh. 

Pháo chuối và tôi đã hợp nhau, bên bắn bên nổ bảo gì nghe nấy. Một lúc, chơi đã đã, tôi nhè nhẹ bảo Hòa, hôm nào em đi, chị làm cho một cây pháo, đảm bảo lên đấy bọn nó lác mắt. Em không phải lo, khắc có… bây giờ mình chơi trò khác đi.

Hòa xé một mảnh lá chuối xanh đậm, tẽ lấy một dải bé, thoăn thoắt gấp gấp… chị tặng em con rắn. Dải to làm nhanh hơn, tôi nhận ngay ra con mèo vì hai cái tai nhô lên. Nó lại xé tiếp một mảnh, đan đan, một loáng xong, chị tặng em cái ví đựng tiền. Tiếp nữa, quấn quấn… nào đưa tay đây chị đeo đồng hồ cho.

Một loáng, tôi đã thành người… giàu. Tôi ngoằn nghoèo kiểu rắn, meo meo giọng mèo, rồi tay giơ ví tiền, tay khệnh khạng khoe khoe đồng hồ. 

- Trẻ con ở đây thích nhỉ, chuối cho đầy đồ chơi. 

- Thích quái gì, chẳng có tiền mua thì tự làm thôi. 

- Sao không xé lá chuối đi bán như bà già gì đấy.

- À, bà Thạnh, khổ nhất xóm… nhưng tại bà ấy cứ lo lúc chết không ai chôn cơ.

Hai đứa tôi đang nói chuyện thì có tiếng gọi, Hòa ơi… về cho bò uống nước... Hòa chạy luôn. Tôi cầm mấy thứ lá chuối vào nhà. Ngắm nghía một lúc rồi đút vào túi bóng, cho vào balo. 

***
Tối nay nhà tôi chật ních người đến chơi. Bà biết trước, đã có sẵn hai ấm tích nước vối, một nồi khoai luộc rúc dưới bếp.

Bàn nước đã quây thêm chục cái ghế nhựa mà khách vẫn mấy người đứng, mấy người ngồi giường, bậu cửa. Mấy ông già cứ hỏi bố sau này về hưu có về quê không. Bố đáp, cháu còn tính đã. Một ông gắt, tính tính toán toán cái gì, cóc chết ba năm quay đầu về núi… anh định lập một chi họ Nguyễn trên đấy hả. Dạ… dạ… bố dạ dạ rồi im tinh.

Bà bê rổ khoai lên, khói thơm quắn mũi. Một bà bảo, vụ này khoai đồng Lâm mình được lắm, củ nào cũng lắm đỗ, ăn nghẹn mà sướng… đấy vừa nói xong, lại thành con gà tắc tắc rồi. Tất cả cười rung nhà.

Cả nhà đang vui quá thì bà… xé lá chuối chống gậy vào. Bố con thằng cu đâu, mai ngược hả… đây, bà chẳng biết quà gì… Bà lần lần tay vào trong áo, rút ra một túi nilon, giở giở. Tiền, loại một nghìn, hai nghìn, năm nghìn… Bà chọn mấy tờ xanh xanh, đến bên tôi, xoa đầu… cháu đi chăm ngoan học giỏi nhé, hè sau lại về chơi với bà. Tôi rụt người lại, ý không nhận tiền, thì bà lại bảo, bà có ít già rồi chẳng làm được gì… Tôi đang chẳng biết nhận hay không thì bố đã đỡ lời, vâng bố con cháu xin cảm ơn ạ.

Có vẻ khuya khuya, một cô nói mai vợ chồng cháu đi đào móng nhà trên Lang Sa cháu xin phép… Cô đưa bố tôi cái túi bảo, cháu có chục trứng chú cố mang lên cho thím. Tưởng bố sẽ bảo tàu xe lích kích nhưng bố vẫn nhận, cảm ơn. Rồi người nữa, người nữa. Người mười nghìn, người nải chuối, người mấy quả hồng… Bố cứ vui vẻ nhận. 

Đài đến chương trình đọc truyện đêm khuya thì khách về hết. Còn ông, bà, bố ngoài bàn (tôi đã vào buồng nằm trước). Thấy bố sắp đồ bỏ lại trứng, chuối, hồng…; bà hỏi - … thế để lại à, người ta quà cho bố con anh chứ. Mang làm sao được, mẹ cứ để mà dùng. Đúng thế, mang làm sao được, thôi tôi với bà phải giữ bí mật đấy - ông đồng tình với bố. Thế đợt này, hai bố con đã thăm hết các cụ, mọi người trong xóm chưa? - Bà hỏi. Cũng không hết được, có ai trách mẹ nói hộ con với. Ừ, đất lề quê thói… khó thế.

Mơ sớm hôm sau, hai bố con tôi ra quốc lộ bắt xe. Vợ chồng cô bảo đi đào móng nhà tối qua, nán lại chuyện trò. Bà Thạnh “xé lá chuối” cũng ra ôm lấy bố, rồi rờ rờ mặt tôi. Một lúc, cái Hòa… mấy người lạ lạ nữa quây quanh hai bố con tôi. 

Có tiếng còi xe ca đằng xa. Xe đến. Bố con đi bình an mạnh khỏe nhé. Hè sang năm lại về nhé… ríu rít chào tạm biệt.

Xe chuyển bánh, rồi vùn vụt. Hai bên đường những tàu chuối như bàn tay vẫy vẫy, xa dần.
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Lá chuối vẫy tay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO