Lâm Hà (Lâm Đồng) - Hơn 40 năm vẫn nồng nàn Hà Nội

Ngọc Hà/KTĐT| 06/05/2019 10:55

Hơn 40 năm trước, hàng ngàn thanh niên đã tạm biệt Thủ đô để vào Nam Tây Nguyên khai hoang mở đất theo tiếng gọi đi xây dựng vùng kinh tế mới. Hành trang của họ không chỉ là sức trẻ mà còn là cốt cách, tâm hồn của quê hương để dựng xây nên một huyện phát triển, một Hà Nội thu nhỏ trên cao nguyên.

Từ ngày đầu mở đất…
Mê Linh, Gia Lâm, Từ Liêm, Đông Anh... những cái tên mà chỉ nghe thôi đã nghĩ về Hà Nội. Nhưng không, đó là những địa danh trên bản đồ hành chính của huyện Lâm Hà – vùng kinh tế mới Hà Nội trên đất Lâm Đồng. Những cái tên do lãnh đạo TP lúc bấy giờ đặt khi người dân Thủ đô vào sinh sống trên vùng kinh tế mới với tâm niệm: Đây là một phần máu thịt của TP Hà Nội.
Và vùng kinh tế này thực sự là một phần máu thịt của Hà Nội, bởi qua hơn 40 năm, giữa Nam Tây Nguyên nơi đây vẫn nồng nàn hơi thở của Thủ đô. Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà Nguyễn Đức Tài từng khẳng định: “Có lẽ khó có nơi nào đặc biệt như Lâm Hà vì một vùng đất ở miền Nam mà người dân chỉ nói tiếng Hà Nội. Thậm chí có những người miền Nam tới sinh sống ở đây, sinh con ra cũng nói tiếng Bắc. Bởi Lâm Hà như một Hà Nội thu nhỏ trên cao nguyên”.
Chúng tôi ghé thị trấn Nam Ban, nơi mà mỗi khu phố, mỗi con đường cũng được đặt theo những địa danh của Hà Nội. Đây cũng là vùng đất mà những thanh niên tiền trạm đặt chân đầu tiên từ năm 1976 để khai hoang, mở đất.
Dòng ký ức của ông Trần Ngọc Lành (63 tuổi) hiện sống tại tổ dân phố Đông Anh 2, thị trấn Nam Ban – một trong những người có mặt trong đoàn thanh niên tiền trạm vào với cao nguyên Lâm Viên khi vừa tròn 20 tuổi đang nhớ về những ngày xưa xũ. Đó là những ngày mà sau những bước chân đầu tiên của đoàn khảo sát, ngày mồng 6 Tết Bính Thìn 1976, hàng trăm thanh niên tiền trạm từ các làng quê ngoại thành, phố phường Hà Nội khăn gói lên đường.
Thanh niên tiền trạm vào trước mở đường, đốn cây và dựng tạm những chiếc lán bằng tranh nứa để đưa dân vào. Rồi tháng 5, tháng 10 năm đó Ban Xây dựng kinh tế mới Hà Nội đã đưa người dân 4 khu: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đồng Đa, Hai Bà Trưng và 4 huyện: Gia Lâm, Từ Liêm, Đông Anh, Thanh Trì vào vùng kinh tế mới. Tiếp đó, ban kinh tế mới quyết định mở tiếp vùng đất Lán Tranh bên kia sông Đạ Dâng vào năm 1977 và đón thêm hàng ngàn hộ dân của các huyện Đan Phượng, Phúc Thọ, Hoài Đức vào lập nghiệp. Đến năm 1984 đã có 12.861 hộ dân Hà Nội có mặt ở vùng rừng núi này với hơn 21.500 nhân khẩu.
Những hạt giống đầu tiên đã được gieo xuống. Những nương lúa nước xanh rì mọc lên bên bạt ngàn cây rừng, đồi núi. Ông Nguyễn Tiến Kình (67 tuổi) sống tại tổ dân phố Từ Liêm 1, là người con của huyện Từ Liêm đi thanh niên tiền trạm năm đó vẫn nhớ như in chuỗi ngày đầy gian khổ mà những người con Đồng bằng sông Hồng đối mặt với ruồi vàng, vắt xanh, sốt rét và tàn quân Fulro.
Người dân chủ yếu bám trụ vào nông nghiệp, từ bắp, đậu tương, lúa để đủ sống qua ngày. Sau đó bà con trồng cây thầu dầu. Thất bại, thành công đều đã nếm trải nhưng tất cả không đủ sức làm sờn lòng những người con của Thủ đô. Để rồi cuối cùng một cơ cấu kinh tế đã được hình thành: Cây công nghiệp dài ngày cùng với chăn nuôi gia súc, khai thác vùng sình lầy cấy lúa nước và gần đây là phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản và dịch vụ. Từ định hướng đó, những nương dâu, đồi chè, vườn cà phê đã phủ một mầu xanh trù phú, ấm no lên mảnh đất này.
Tháng 10/1987, Vùng kinh tế mới Hà Nội chính thức hoàn thành nhiệm vụ của mình. Huyện Lâm Hà ra đời như một sự kết nối đầy nghĩa tình giữa Lâm Đồng và Hà Nội. “Cũng chính từ thời khắc này, những người kinh tế mới thực sự hết suy nghĩ sẽ quay về Thủ đô để đứng chắc chân xây dựng quê hương mới làm nên một Hà Nội trên cao nguyên” ông Trần Ngọc Lành khẳng định.
Cho đến ngày đất lạ hóa quê hương
Lâm Hà hiện có trên 141 ngàn người. Trong đó trên 61% là dân kinh tế mới Hà Nội. Đó là lý do Lâm Hà thường được nhắc đến như “huyện thứ 30 của Thủ đô”, là “cửa ô thứ 6”...
Tổng diện tích đất tự nhiên của huyện trên 93 ngàn ha. Trong đó trên 90% là đất nông nghiệp. Người dân trong huyện chủ yếu sống bằng nghề nông. Huyện Lâm Hà cũng trở thành một vùng chuyên canh cây công nghiệp có tiếng trong đó chủ đạo là cà phê, chè và dâu tằm. Hiện địa phương này đã xây dựng được vùng nguyên liệu tập trung gồm trên 40 ngàn ha cà phê, trên 2 ngàn ha dâu và 257 ha chè. Sản lượng cà phê nhân đạt trên 99 ngàn tấn, tơ tằm đạt trên 60 tấn và chè trên 3 ngàn tấn. Toàn huyện hiện có trên 10 ngàn ha đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm 21% diện tích đất nông nghiệp.
Sau nhiều nỗ lực, giờ đây, đời sống của người dân đã giàu có và sung túc. Nếu năm 2007, tổng thu nhập bình quân đầu người của huyện Lâm Hà chỉ đạt 10 triệu đồng, thì đến nay theo số liệu thống kê cuối năm 2018 con số này đạt 59,5 triệu đồng. Tổng giá trị sản xuất của huyện đạt trên 10 nghìn tỷ đồng. Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt trên 115 tỷ. Giá trị sản xuất/ha canh tác đạt 125 triệu đồng...
Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện hiện còn 3,11%. Các chính sách an sinh xã hội luôn thực hiện tốt, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững. Số lượng doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tăng đều qua từng năm. Nếu như 2013 Lâm Hà có 240 doanh nghiệp đứng chân thì hiện con số này đã tăng lên 510 doanh nghiệp. Trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. 
Về cơ sở hạ tầng, hiện Lâm Hà có 2 công trình thủy lợi kiên cố, 29 hồ đập chủ động nước tưới cho 46% diên tích canh tác. Hệ thống điện lưới quốc gia phủ kín 16/16 xã thị trấn. Đường giao thông đến trung tâm các xã đều đã được thảm nhựa.
Về huy động nguồn lực xây dựng NTM, đến cuối 2018, tổng vốn và giải ngân trên 172 tỷ đồng. Trong đó ngân sách trung ương trên 12 tỷ đồng, ngân sách địa phương gần 17 tỷ đồng, vốn tín dụng trên 77 tỷ đồng, vốn lồng ghép trên 27 tỷ đồng, và vốn TP. Hà Nội hỗ trợ trên 14 tỷ đồng, vốn nhân dân đóng góp 24 tỷ đồng. Toàn huyện hiện có 11/14 xã đạt chuẩn NTM. ½ thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh. Lâm Hà phấn đấu về đích huyện NTM vào năm 2020…
Theo ông Nguyễn Đức Tài: Hiện địa phương đang tích cực đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng hoàn thiện hạ tầng cơ sở, tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư, ưu tiên trên lĩnh vực công nghiệp, thương mại và dịch vụ để đưa huyện Lâm Hà phát triển theo hướng bền vững.
Ngoài sự đầu tư của Nhà nước, nỗ lực của địa phương, những giúp đỡ hết lòng của TP Hà Nội là bước đệm giúp Lâm Hà có những bước tiến không ngừng. Nhiều thế hệ lãnh đạo của UBND TP Hà Nội, khi vào thăm Lâm Hà đều đã khẳng định “Lâm Hà là một phần của TP Hà Nội” và suốt nhiều năm qua, tinh thần đó, khẳng định đó vẫn được tiếp nối.
Tính đến cuối năm 2018, TP Hà Nội đã hỗ trợ cho Lâm Hà xây dựng 15 công trình bao gồm 8 công trình thuộc lĩnh vực giáo dục và 7 công trình giao thông với tổng tiền trên 141 tỷ đồng.
Riêng giai đoạn 2016 - 2020, kế hoạch TP Hà Nội hỗ trợ đầu tư cho Lâm Hà 3 công trình với tổng mức đầu tư 94 tỷ đồng. Hiện 2/3 công trình đã sắp sửa hoàn thành.
Cũng tính đến cuối năm 2018, 14 quận, huyện thuộc TP Hà Nội đã có chủ trương hỗ trợ Lâm Hà xây dựng 14 công trình với tổng số vốn trên 121 tỷ đồng. Kế hoạch hỗ trợ giai đoạn 2016 - 2020 là trên 119 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đức Tài khẳng định: Sự phát triển của Lâm Hà có sự tiếp sức không nhỏ từ phía Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hà Nội. Trung bình mỗi năm Hà Nội góp sức phát triển cho Lâm Hà từ 70 - 80 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, cơ sở hạ tầng của Lâm Hà ngày càng được nâng cao. Đồng thời đó cũng là sợ dây gắn kết vô cùng chặt chẽ mối tình khăng khít giữa Lâm Hà với các quận huyện của Hà Nội.
Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, Hà Nội và Lâm Hà còn thường xuyên phối hợp, hợp tác thực hiện các vấn đề liên quan đến văn hóa – xã hội như: Thông tin tuyên truyền tất cả các mặt trên các phương tiện thông tin đại chúng của hai địa phương. Vào các ngày lễ lớn, đại diện lãnh đạo TP và các quận huyện của Hà Nội đều đến làm việc, thăm hỏi và động viên nhân dân tại huyện Lâm Hà. Các đoàn văn hóa – nghệ thuật của Hà Nội thường xuyên có các chương trình biểu diễn phục vụ bà con kinh tế mới nói chung và người dân Lâm Hà nói riêng. Ngược lại lãnh đạo huyện Lâm Hà cũng thường xuyên tổ chức đưa đoàn cán bộ lão thành, những người dân kinh tế mới có thành tích giỏi trong lao động sản xuất về thăm Thủ đô...
Đặc biệt TP Hà Nội cũng như lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều chương trình nhằm kết nối cung – cầu để sản phẩm nông nghiệp của Lâm Hà tiêu thụ trên thị trường Hà Nội. Đơn cử như cà phê bột, rau công nghệ cao, chuối la ba, chè ô long…
Hơn 40 năm trước một thế hệ “chiết xuất từ Thủ đô” đã mang nhiệt huyết, sức trẻ và khí chất người Hà Thành đi vào lòng Nam Tây Nguyên. Và suốt chừng ấy, trải qua bao cuộc bể dâu để xây dựng nên một vùng kinh tế mới trù phú, phát triển họ vẫn giữ gìn những nét tinh túy của Hà Thành, vẫn nồng nàn một tình yêu Hà Nội.
(0) Bình luận
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
  • Bảo tàng Binh chủng Thông tin (quận Ba Đình)
    Bảo tàng Binh chủng Thông tin thuộc loại hình bảo tàng lịch sử chuyên ngành quân sự, là thể chế văn hoá, có chức năng bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử Binh chủng Thông tin liên lạc nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hoá của cán bộ, chiến sĩ trong Binh chủng và nhân dân, bạn bè quốc tế.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Lâm Hà (Lâm Đồng) - Hơn 40 năm vẫn nồng nàn Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO