Làng cổ Cự Đà: Làm gì để giữ nghề cũ, nhà xưa?

Hảo Nguyễn| 29/10/2018 18:06

Làng cổ Cự Đà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, TP.Hà Nội) có cách đây hàng nghìn năm, thời kì phát triển cực thịnh nhất là những năm cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX… Cự Đà từ lâu được biết đến với những ngôi nhà cổ mang phong cách Pháp, xây dựng cách đây hằng trăm năm, cùng với nghề làm tương truyền thống có từ lâu đời. Tuy nhiên, đến với Cự Đà những ngày này, không khỏi không chạnh lòng khi những ngôi nhà cổ đang dần bị thay thế bởi những ngôi nhà cao tầng, khang trang, hiện đại. Nghề làm tương truyền thống cũn

Nhà cổ mất dần

Chúng tôi đến Cự Đà vào một buổi sáng đầu thu. Trên con đường vào làng, từng đoàn xe công nông rầm rập, chen chúc, kéo nhau thành hàng. Đường dẫn vào làng cổ vốn đã chật hẹp nay lại càng chật hẹp hơn bởi cát, đá, xi măng ngổn ngang để phục vụ cho việc xây dựng những ngôi nhà mới. 

Làng cổ Cự Đà: Làm gì để giữ nghề cũ, nhà xưa?
Những ngôi nhà cổ đang cố chen chúc giữa những ngôi nhà khang trang, hiện đại kiểu mới. Ảnh: Hảo Nguyễn.
Những ngôi nhà cổ ba gian, năm gian theo thời gian đã không còn giữ được vẻ đẹp vốn có của nó mà đã xuống cấp trầm trọng. Tường nhà nứt nẻ, lộ rõ cả những viên gạch sau lớp xi măng cũ; cổng nhà sập xệ, chẳng còn thấy rõ năm xây được khắc trên cổng; mái ngói đỏ cũng đã bạc màu. Để đảm bảo cho cuộc sống, nhiều người dân phải dỡ bỏ nhà cổ để xây dựng những ngôi nhà mới. Chỉ còn lại ít ỏi một số nhà cổ vì chủ nhân vẫn nặng lòng cố giữ nguyên vẹn nét kiến trúc xưa.

Ông Nguyễn Ngọc Long - một trong số ít những người còn giữ được nhà cổ ở Cự Đà nhắc đến sự mai một nhà cổ của làng với ánh mắt đượm buồn, khắc khoải và thở dài đầy tiếc nuối: “Ngôi nhà này gia đình tôi đã ở được mấy đời rồi. Tôi giữ lại vì luyến tiếc những nét cổ xưa mà cha ông để lại, dù rằng một số chỗ đã dột, nứt hết nhưng cũng chẳng đành lòng xây mới, vì như thế thì còn gì là cổ nữa. Thế hệ bây giờ không giống như chúng tôi ngày trước, cũng không còn mặn mà với những ngôi nhà cổ, nên nhà mới ngày càng nhiều.

Có lẽ điều tiếc nuối nhất với những người đã từng gắn bó lâu với những gian nhà cổ đó chính là những kỉ niệm, là công sức xây dựng và gìn giữ bao năm. Với họ, việc phá dỡ nhà cổ cũng đồng nghĩa với việc xóa bỏ các nét truyền thống văn hóa.

Nghề làm tương truyền thống còn không?

“Tương Cự Đà, cà Thụy Khuê” là câu nói đã đi sâu vào tiềm thức của người dân Hà Nội cũng như xứ Đoài năm xưa. Tương Cự Đà nổi tiếng là một nghề truyền thống của những người dân trong làng. Nghề làm tương có từ bao giờ thì không được sử sách ghi lại, nhưng theo các cụ cao niên trong làng thì số tuổi của nghề làm tương cũng cao gần bằng số tuổi của làng. 

Tương nếp Cự Đà được tạo nên bởi những nguyên liệu chính là gạo nếp và đậu tương, nước mưa và muối trắng. Công đoạn làm tương truyền thống được làm qua hai giai đoạn đó là mốc và làm đậu, mỗi công đoạn được chia làm nhiều khâu khác nhau. Thời gian tạo ra một mẻ tương kéo dài từ 2 - 3 tháng. Tương Cự Đà được biết đến với hương vị thơm ngon, được chế biến rất cẩn thận bởi những nghệ nhân khéo léo và không hề thêm một chất phụ gia nào. Tuy nhiên, trước vòng quay của cuộc sống hiện đại, cũng như bao làng nghề truyền thống khác, nghề làm tương Cự Đà cũng đang đứng trước nỗi lo bị mai một.

Làng cổ Cự Đà: Làm gì để giữ nghề cũ, nhà xưa?
Chị Minh Thế: “Chúng tôi không muốn đánh mất đi nghề truyền thống của gia đình, tôi giữ được ngày nào thì hay ngày ấy. Ảnh: Hảo Nguyễn
Do nhiều biến động của thời cuộc, sự thay đổi của cuộc sống hiện đại, nên đầu ra cho nghề làm tương truyền thống ngày một khó khăn. Ở Cự Đà bây giờ những nhà làm tương càng ngày càng heo hắt dần, ít nhà có thể bám trụ được với nghề. Tất cả chuyển sang nghề làm miến mới có ở làng tầm 20 năm nay, hoặc kinh doanh chứ không còn mặn mà với làng nghề truyền thống mà cha ông đã để lại.

Theo tìm hiểu của phóng viên, làng Cự Đà bây giờ chỉ còn vỏn vẹn 4 nhà giữ được nghề làm tương truyền thống. Chị Minh Thế, một người còn khá trẻ còn giữ lại được nghề làm tương nếp ở Cự Đà chia sẻ: “Gia đình tôi có lẽ là một trong những gia đình còn lại có thể gọi là yêu nghề, lưu giữ nghề qua 3 - 4 đời. Nghề làm tương vất vả, lại thu nhập ít nên người ta thường bỏ nghề vì nhu cầu cuộc sống, ít ai có thể bám trụ được với nghề”. 

Tôi đọc được trong ánh mắt của chị nét buồn và cả sự khắc khoải của một người tâm huyết với làng nghề truyền thống nhưng nghề cũ của làng đang dần mai một và bị lãng quên. Không buồn sao được khi nghề làm tương phải trải qua bao nỗi vất vả, để làm ra một mẻ tương hoàn chỉnh thì cần nhiều công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ, công sức qua nhiều tháng liền. Từ việc chọn gạo, đậu tương đến nấu cơm, rang đậu và ủ mốc với lá nhãn, tất cả đều được tuân thủ theo công thức cổ truyền. Khi mốc của xôi có màu vàng óng thì cho vào ủ trong các chum vại được đặt ở ngoài sân. 

Bao nỗi gian truân, vất vả, những giọt mồ hôi mặn chát ướt sũng lưng áo để cho ra được một mẻ tương thành phẩm là thế nhưng thu nhập lại chẳng tương xứng với công sức bỏ ra vì giá cả thấp, một chai tương thành phẩm chỉ có giá 12 nghìn đồng, thậm chí có những lúc rẻ như cho, tương làm ra chỉ để bán cho những người trong làng.

Làm gì đề giữ nghề cũ, nhà xưa?

Ông Vũ Thanh Ngọc – Bí thư Đảng ủy xã Cự Khê chia sẻ rằng địa phương cũng rất lấy làm tiếc vì không thể giữ lại những ngôi nhà cổ. Dù rằng Cự Đà nổi tiếng với những ngôi nhà cổ tuy nhiên đến nay làng vẫn chưa được Nhà nước chứng nhận là làng cổ và cũng không có chính sách bảo tồn nên việc giữ gìn là rất khó. Thêm nữa do nhu cầu sử dụng của người dân, không thể 5 - 6 người trong gia đình chen chúc trong một gian nhà được nên việc phá nhà cổ xây mới là chuyện tất yếu.

Với nghề tương truyền thống, ông Ngọc chia sẻ: “Chúng tôi cũng rất buồn vì không thể giữ được làng nghề truyền thống của làng, thời buổi kinh tế khó khăn, nghề làm tương thu nhập ít nên cũng không còn cách nào để giữ lại được”.

Theo ông Ngọc, trước đây làng cổ này có đến 100 ngôi nhà cổ, có niên đại hằng trăm năm, nhưng hiện nay thì chỉ còn trên dưới 20 ngôi nhà cổ được giữ lại. Xưa cả làng đều đua nhau làm tương, nhưng bây giờ số nhà còn giữ nghề chỉ còn là 4. Hiện tại, điều làm ông trăn trở là không biết trong 20 ngôi nhà và 4 hộ làm tương còn lại của làng Cự Đà bây giờ, còn có thể “sống sót”, trụ lại với cơn lốc đô thị hóa đang diễn ra một cách chóng mặt được bao lâu. 

Có lẽ không riêng gì ông Ngọc mà không ít người dân Cự Đà đều bày tỏ mong muốn rằng Thành phố sẽ có những chính sách phù hợp để bảo tồn những gì còn sót lại của làng cổ này, đồng thời tìm được đầu ra cho tương nếp Cự Đà. 

Còn với tác giả của bài viết thì còn thêm một hi vọng đó là những người dân nơi đây sẽ luôn nhớ và giữ gìn những gì mà cha ông để lại, vì đó là những gì mà chúng ta có thể hồi tưởng lại và tự hào về những giá trị truyền thống. Hi vọng để ước ao, trong một ngày không xa khi quay lại ngôi làng này sẽ được thấy nét rạng rỡ trên khuôn mặt những người dân, thấy bao nụ cười thích thú của khách du lịch khi tham quan, khám phá làng cổ. Và thêm nữa, sẽ không còn bùi ngùi khi thấy chum vại làm tương trở thành vật chứa nước mưa mà thay vào đó là các chum vại đầy các mẻ tương mới được phơi phóng ngoài sân. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Làng cổ Cự Đà: Làm gì để giữ nghề cũ, nhà xưa?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO