Lăng mộ Mausolus (Hy Lạp)

Trần Mạnh Thường| 26/07/2021 09:56

Lăng mộ Mausolus (Hy Lạp)
Mô hình lăng mộ Mausolus

Vương quốc Cari, một thành bang của Hy Lạp, có thành Mile bị đế quốc Ba Tư tàn sát, vì thế nhân dân Cari dưới sự lãnh đạo của Mausolus, cùng với người dân Hy Lạp kiên quyết đứng lên bảo vệ tổ quốc thân yêu của mình, anh dũng chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược. Cuối cùng đất nước Cari đã chiến thắng, thoát khỏi ách thống trị của đế quốc Ba Tư. 

Sau thắng lợi vẻ vang đó, Cari trở thành một vương quốc giàu có, hùng mạnh với sự sát nhập nhiều vùng lân cận và Mausolus trở thành hoàng đế của Cari. Vương quốc Cari chuyển thủ đô từ Milasa về Halicarnas và xây dựng Halicarnas thành một trung tâm chính trị, kinh tế, thương mại và văn hóa của vùng Tiểu Á. Hiện nay, Halicarnas đổi thành Budrum. Halicarnas là một thành phố sầm uất, xinh đẹp với những thảm rừng xanh tươi mát, xen lẫn là những công trình kiến trúc tuyệt mỹ, những ngôi đền lộng lẫy, với những bức tượng bằng đá hoa cương như tượng Aretes, tượng nữ thần Tình yêu Aphcodis, đây đó điểm xuyết những đài phun nước cao, tạo cho bộ mặt của Halicarnas càng thêm tráng lệ.

Trong số những công trình kiến trúc tuyệt vời đó, đã thu hút bao nhiêu du khách thập phương đến chiêm ngưỡng, trước hết phải kể đến lăng mộ Mausolus. Đây là một công trình kiến trúc vĩ đại kết hợp hài hòa giữa ba nền nghệ thuật của người Dorien, người Ionien và người Corain. 

Lăng mộ Mausolus được xây vào giai đoạn 353 - 350 TCN, trên một ngọn đồi cao, kề bên một đại lộ với quảng trường rộng bao la. Với một công trình kiến trúc hoành tráng, mỹ lệ lại ở vào một vị trí đặc biệt cao ráo thoáng rộng đã làm cho vẻ đẹp của lăng mộ nhà vua càng thêm sức quyến rũ. Người dân Hy Lạp đến đây hầu như được gặp lại hình ảnh quê hương yêu dấu của mình, đất nước và con người Hy Lạp như đang hiện  hữu ở đây.

Ngay từ thời đang trị vì đất nước, Mausolus đã cho xây dựng lăng mộ của mình. Với quyền lực trong tay, tiền bạc, nhân lực sẵn có, lại được người vợ Artemis và cô em gái nhà vua là nàng Mose đồng tình ủng hộ, nhà vua đã dồn mọi sức lực, tiền bạc cố gắng để tạo ra một bộ mặt phồn vinh của đất nước Cari và muốn cho tên tuổi Mausolus trường tồn mãi mãi.

Lăng mộ Mausolus không chỉ là nơi an nghỉ ngàn thu của nhà vua và hoàng hậu Artemis mà còn là nơi nghỉ ngơi, an dưỡng của ông và hoàng hậu trong những ngày còn sống trị vì đất nước. Vì thế cảnh quan môi trường lăng mộ Mausolus như một công viên sống động. Để xây dựng ngôi lăng mộ này, Mausolus đã mời tất cả các nghệ sĩ thiên tài của đất nước như Timophey, Seopates, Piphey… đến để tham gia xây dựng. Mỗi nghệ nhân tùy theo sở trường, trên cơ sở yêu cầu của vua đề ra, để suy nghĩ và trình bày ý kiến xây dựng phần việc của mình.

Ngôi lăng mộ là một tòa nhà cao, gần như vuông với kích thước một chiều 64m và chiều kia 75m. Phía trên là 36 cột trụ đỡ lấy phần mái hình Kim tự tháp. Trên các bức tường là cột được trang trí những bức phù điêu sống động và những pho tượng đã làm cho lăng mộ Mausolus càng thêm lộng lẫy, duyên dáng.

Lăng mộ Mausolus gồm hai tầng và một chóp, tầng một xây bằng đá hoa cương, có phòng ngủ, nơi nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí cả nhà vua và hoàng hậu. Trên các bức tường có khắc họa những phù điêu, miêu tả cuộc đấu tranh của người dân Hy Lạp chống lại những nữ kỵ sĩ thiện xạ, vừa cưỡi ngựa, vừa bắn cung tên. Họ là những nữ chiến binh hiếu chiến Amazon. Đó là những nữ chiến sĩ gan dạ, dũng mãnh, tài ba: Phi ngựa ngồi hai chân sang một bên, tài cung kiếm bách phát bách trúng, nhiều người trong số họ để tiện cho việc sử dụng  cung nỏ, họ đã tự mình thiêu cháy một bên vú.

Bao bọc tầng trên là một dãy cột  tròn bằng đá cẩm thạch. Giữa các cột đặt các bức tượng sư tử, đầu mỗi cột được trang trí tỉ mỉ, công phu. Loại cột được thiết kế theo kiểu Dorique. Đây là kiểu kiến trúc Hy Lạp thường gặp ở những công trình kiến trúc của người Dorien ở Polonèse và đảo Cret. Tầng ba người ta dựng những dãy cột, duyên dáng, thanh mảnh hơn, nó là biến dạng của kiểu Ionique. Đó là kiểu cột Corain. Đầu cột thường chạm trổ cành lá acanto, một loại cây mọc nhiều ở Hy Lạp, thoạt trông như những đóa hoa. Kiểu cột Corain là kiểu kiến trúc của người Corain. Kiểu cột Ionique do người Ionien ở miền Tây Á sáng tạo ra. Cột trông có vẻ nhẹ nhàng, thanh thoát, đầu cột có những đường cong uốn theo hình trôn ốc cuộn lại, hai đầu cong lại như hai sừng con dê. Mái lăng mộ là một hình tháp lớn có nhiều bậc thang. Trên đỉnh tháp đặt bức tượng con ngựa đang phi nước đại, lồng lên tượng trưng cho sự lãnh đạo của nhà vua.

Lăng mộ Mausolus (Hy Lạp)
Khu di tích lăng mộ Mausolus

Lăng mộ Mausolus được ba thế hệ nối tiếp nhau xây dựng. Khởi dựng do chính tay nhà vua khi còn trị vì đất nước, khi nhà vua băng hà, hoàng hậu Artemis đứng ra đảm đương cho xây tiếp. Hoàng hậu qua đời, con và cháu nhà vua tiếp tục xây cho đến khi hoàn thành.

Lăng mộ được đặt trên một ngọn đồi nên nền móng rất vững chắc, với những tảng đá vuông có sức chịu đựng được áp lực của một tòa lâu đài cao, với ngọn tháp cao 24 bậc bằng đá hoa cương với những dãy cột và tượng bằng đá cẩm thạch. Để hoàn thành một công trình kiến trúc đồ sộ với ba tầng và một tháp bằng những khối đá nặng hàng chục tấn phải vận chuyển đến từ một nơi rất xa và phải đưa lên đồi cao, rồi lần lượt được đưa lên ở những độ cao của tháp, chẳng những đòi hỏi hàng vạn nô lệ làm quần quật suốt ngày đêm, kéo hàng mấy chục năm, trong điều kiện xây dựng và vận chuyển hết sức thô sơ, lấy sức người là chính. Điều đó nói lên sức lao động của người nô lệ bỏ ra là vô hạn.

Nhà điêu khắc Piphey, người phụ trách tạc tượng ở lăng mộ Mausolus đã quần quật 12 năm trời, ròng rã suốt ngày đêm, không một khắc rảnh rỗi. Piphey cùng một số môn đệ giúp việc lặng lẽ làm trong 12 năm không một lời động viên, an ủi, không một tí vật chất bồi dưỡng, mà chỉ toàn là mệnh lệnh, chỉ dụ ban ra đôn đốc hoàn thành với chất lượng tốt…

Song vì lương tâm người nghệ sĩ, vì nghệ thuật để lại muôn đời sau, Piphey đã dồn hết tâm trí, sức lực cho sự sáng tạo các bức tượng, cần mẫn làm việc không một lời kêu ca phàn nàn. Công trình lăng mộ Mausolus là kỳ quan văn hóa của thế giới phương Đông cổ đại, chẳng những là niềm tự hào của dòng họ Mausolus, của nhân dân Hy Lạp mà còn là di sản của toàn nhân loại, nhưng cũng là một công trình đầy máu và nước mắt của hàng vạn nô lệ và của nhiều nghệ sĩ thiên tài.

Dưới thời Alexander, lăng mộ Mausolus vẫn còn nguyên vẹn và được giữ gìn cho đến thế kỷ XV. Nhưng rồi khói lửa chiến tranh, những trận hỏa hoạn thiêu hủy, những trận động đất kinh hoàng đã hủy hoại hoàn toàn lăng mộ Mausolus. Năm 1402, trận động đất kinh khủng ở Cari đã vĩnh viễn chôn vùi lăng mộ Mausolus. Người dân Cari đã dùng các khối đá còn sót lại của lăng mộ, đem xây dựng pháo đài chống bọn ngoại xâm và không ngoại trừ một số phần tử xấu đã lấy cắp số đá đó về làm nhà riêng của mình.

Giờ đây lăng mộ Mausolus không còn nữa, thủ đô Halicarnas đã đổi thành Budrum. Nhưng những bức phù điêu mô tả cuộc chiến đấu  của nhân dân Hy Lạp chống lại các nữ kỵ binh Amazon, đã trở thành kiệt tác nghệ thuật vô giá, đang được nâng niu bảo tồn trong các bảo tàng ở Athens và các bảo tàng khác ở châu Âu, đặc biệt là ở Bảo tàng London. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Lăng mộ Mausolus (Hy Lạp)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO