Làng Phú Xá

Hồ Sĩ Tá| 13/04/2018 10:04

Xù, Gạ thì giỏi chăn tằm/ Làng La canh cửi, làng Đăm bơi thuyền

Làng Phú Xá
Đình Phú Xá ngày lễ hội
Xù là làng Phú Xá, Gạ là làng Phú Gia. Trước năm 1942, Phú Gia, Phú Xá và Thượng Thụy đều thuộc tổng Phú Gia, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Năm 1955 lập xã Phú Thượng thuộc quận V ngoại thành Hà Nội. Năm 1961 thuộc huyện Từ Liêm, năm 1996 đổi là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội.

Ở bên đường An Dương Vương lối rẽ vào làng có câu đối chữ Hán: 

Nhật Lâm Phú Xá trường quang ngọc
Nguyệt chiếu Hồng Hà ánh bảo ngân

Tạm dịch:

Trời soi Phú Xá lung linh ngọc
Trăng chiếu Hồng Hà lóng lánh ngân

Làng Phú Xá được lập ra từ 14 hộ gia đình của xóm Cựu Quán. Đó là vào đầu thế kỷ XVIII đời vua Lê Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng đời thứ 9 thời Lê - Trịnh. Mùa thu năm 1749, cụ Nghè Nguyễn Kiều là chồng của Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm làm quan trong triều Lê - Trịnh đã cùng nhân dân khởi công xây dựng đình làng, đến mùa hạ năm Canh Ngọ 1750 đình làng được khánh thành với tên gọi “Tụy Lạc Đình” (nơi hội tụ vui vẻ và an lạc).

Cụ Nghè Nguyễn Kiều sinh ngày 27 tháng 2 năm Ất Hợi – 1695, hiệu là Hảo Hiên là người học rộng tài cao. Năm 20 tuổi, Nguyễn Kiều đỗ Hương Cống, năm sau 21 tuổi thi đỗ Tiến sĩ khoa Ất Mùi (1715) – là một trong hai người trẻ tuổi nhất đỗ đại khoa, được dựng bia năm 1717. Sau khi đỗ ông được cử làm Hiệu thảo ở Viện Hàn lâm. Vua giao biên soạn 4 bản văn bia các khoa thi năm 1667, 1683, 1687 và 1712 dựng ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Làng Phú Xá
Khu mộ ông Nguyễn Kiều và bà Đoàn Thị Điểm đã thành một số nhà bên đường phố vì làng đã thành phường. Ảnh: Lê Phương Liên
Năm 1734, Nguyễn Kiều được phong Tham thị xứ Nghệ An (lần thứ nhất). Năm Nhâm Tuất (1742) được làm chánh sứ sang nhà Thanh. Năm 20 tuổi lấy cô Lê Thị Hằng, con gái Thượng thư Lê Anh Tuấn nhưng bà mất sớm, không có con. Sau lấy cô Nguyễn Thị Đóa con gái Tham tụng Nguyễn Quý Đức sinh được 2 trai 1 gái rồi bà qua đời khi mới ngoài 20 tuổi.

 Năm 1742 trước khi đi sứ sang Trung Quốc Nguyễn Kiều kết hôn với Đoàn Thị Điểm – dịch giả “Chinh phụ ngâm khúc”. Năm 1745 sau 3 năm đi sứ về Nguyễn Kiều sống cùng vợ con ở Kinh thành Thăng Long. Năm Cảnh Thịnh thứ 9 (1748) đời vua Lê Hiển Tông, ông được thăng chức Tham tri vào trấn thủ Nghệ An (lần thứ hai). Lần này Nguyễn Kiều đưa cả gia đình theo, qua Thanh Hóa bà Điểm bị cảm lạnh, khi đoàn thuyền cập bến Nghệ An thì bà qua đời vào ngày 11 tháng chín năm Mậu Thìn (1784) thọ 44 tuổi. Linh cữu được đoàn thuyền đưa về quê hương chôn cất ở xứ Cống Đồng, nay mộ vẫn còn.

Sau thời kỳ làm quan Nghệ An, Nguyễn Kiều được điều về Thăng Long làm Phó đô ngự sử rồi Chánh đô ngự sử, tước Cấm Xuyên Hầu, rồi thăng Binh Bộ Tả Thị Lang Bồi Tụng (Phó Tể tướng).

Năm 1749, Nguyên Kiều khởi công xây dựng đình Phú Xá (vật liệu do ông chở từ Thăng Long về). Mùa hạ năm 1750 khánh thành, năm ấy làng Xù tách ra thành xã Phú Xá. Năm 1751, Nguyễn Kiều trồng cây gạo kỷ niệm ở phía bắc đình làng. Chính cây gạo này đã trở thành mối giao thông liên lạc của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam những năm 1941- 1945. 

Nguyễn Kiều mất ngày 16 tháng 6 năm Tân Mùi - 1752, thọ 57 tuổi, mộ hiện nay vẫn còn ở xứ Đồng Tâm.

Nguyễn Kiều học rộng tài cao, cương trực và khiêm tốn. Năm Canh Ngọ 1750, một năm sau khi xây dựng xong đình làng, cụ đã khiêm nhường cùng nhân dân tôn vinh hai vị nhân thần Đại vương: Hiền Huệ Linh Ứng và Bảo Hy Linh Ứng làm Thành hoàng làng.

Theo bản thần tích thần sắc của đình thì dân làng tôn vinh hai vị nhân thần với sự tích hóa thân cứu dân trên dòng thác lũ hung dữ mùa mưa bão của ghềnh Xù năm xưa nhằm giáo dục về tâm đức và lòng hướng thiện cho các thế hệ con cháu mai sau. Tiếc thay năm 1959 ngôi đình thờ Thành hoàng làng bị phá bỏ hoàn toàn. Năm Kỷ Sửu 2009 - sau 260 năm dân làng Phú Xá tổ chức lễ khởi công xây dựng lại đình trên nền đất cổ năm xưa. Năm Canh Dần - 2010, nhân kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhân dân Phú Xá long trọng tổ chức lễ khánh thành công trình tu bổ ngôi đình cổ - đình làng Phú Xá.

Đình có 3 gian 2 chái, cửa mở bốn bên. Chính giữa hậu cung là 2 bộ ngai thờ Nhị Vị Đại vương và ngai thờ Hà Bá, bên phải là khám thờ Tiến sĩ Nguyễn Kiều, bên trái là tượng Thánh Tăng. Hai gian bên trong đình có hai bộ kiệu đại (kiệu Anh và kiệu Em) từ thời Hậu Lê, 2 ngựa gỗ, 1 đôi hạc, 2 bộ chấp kích, 2 ông phỗng đá… và một chum Ngô đựng nước cúng cổ kính.

 Lễ hội đình Phú Xá diễn ra 3 ngày 9,10,11 tháng Hai. Trước đó làm lễ “mọc cột đình” như bao sái, mộc dục, chuẩn bị kiệu rước. Ngày mồng 9 dân làng tổ chức lễ rước nước, có rước long đình, chum Ngô, 2 bộ chấp kích, kiệu Anh, kiệu Em cùng cờ thần. Đoàn rước đi từ đình ra sông Hồng, dân làng cử ra một cụ đại diện cho lễ hội để múc nước bằng một gáo đồng vào chum Ngô. Nước được múc ở giữa dòng sông Hồng. Khi rước nước về đến đình thì đội tế cúng dân làng tiến hành làm lễ mộc dục. Sau khi tế lễ xong số nước còn lại trong chum Ngô được lưu giữ để làm nước thờ cúng trong cả năm.

Ngày 10 tháng Hai cúng cỗ chay như bánh trôi, bánh chay; cỗ mặn như xôi gà thủ lợn. Trai làng rước kiệu hai vị Thánh quanh làng. Rồi tế nam, tế nữ. Xưa kia trò chơi còn có cờ bơi, bơi thuyền đu bay… 

Nơi đây cũng là dấu tích lịch sử cách mạng: Ngày 24/8/1945, Bác Hồ từ chiến khu Việt Bắc đã qua sông Hồng vào bến đò Xù (Phú Xá) đến nghỉ tại đình làng Phú Xá  trước khi vào nhà cụ An làng Phú Gia, rồi về ở 48 Hàng Ngang (quận Hoàn Kiếm). Tại đây Bác viết bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945. 

Đình Phú Xá là điểm nhấn tâm linh của cư dân phía Bắc quận Tây Hồ. Tiếc thay ngôi đình giàu tính chất lịch sử này đến nay vẫn chưa được công nhận là Di tích lịch sử. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Làng Phú Xá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO