Lặng yên cho nước chảy

Nguyễn Hoàng Diệu Thủy| 17/05/2018 10:35

Dường như chúng ta đang quá ồn ào, chúng ta bận rộn với những cuộc tụ tập đông vui, chúng ta lao theo những tin tức thị phi và bình luận rôm rả... Chúng ta cho rằng đấy mới là sống, nhưng có thể đấy không phải là sống, theo cách nghĩ của một thi nhân. Bởi người ấy cho rằng phải lặng yên mới nghe được thấy được cảm được tất cả. Đó là lý do vì sao ông nhìn thấy thơ trong những chuyển động li ti của cuộc sống.

Một tình thế thấp thỏm, lo âu gần như tuyệt vọng: “Mong manh” - Giọt sương nín thở/ Treo/ trên vũng nước bẩn.

Một niềm thấu cảm vô biên: “Đi trong mưa” - Chạm một hạt/ Biết/ Nó một mình.

Một cơn rùng mình buốt giá: “Giữa mùa đông” - Mặt nạ treo trên tường/ Gió lạnh lùa/ Con mắt khoét.

Tôi đang nói về nhà thơ Mai Văn Phấn.

Năm 2009 tôi từng làm việc trong nhóm dự án tuyển một tập thơ của các tác giả Việt Nam để dịch sang tiếng Thụy Điển và giới thiệu ở Thụy Điển. Đấy là lần đầu tiên có một tập thơ như thế, nó nằm trong khuôn khổ dự án Hỗ trợ văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững giai đoạn 2005 - 2009 do Chính phủ Thụy Điển tài trợ. Mai Văn Phấn là một trong số các tác giả được chọn. Dự án kết thúc nhưng sau đó, Mai Văn Phấn tiếp tục thu hút sự chú ý, anh được tuyển dịch riêng một tập sang tiếng Thụy Điển.

Cuối năm 2017, tôi được giao tuyển một tập thơ của Mai Văn Phấn để Nhã Nam in. Trong khi đang làm việc, thật vui được tin Mai Văn Phấn hân hạnh được nhận giải thưởng văn học Cikada của đất nước này. Đó là lý do vì sao một miếng decal tròn xinh với dòng chữ "Tác giả đoạt giải văn học Cikada Thụy Điển 2017" được trang trọng đặt lên bìa sách.

Lặng yên cho nước chảy
Việc tuyển một tập thơ của Mai Văn Phấn, về mặt tư liệu vô cùng thuận lợi. Hiếm có một tác giả Việt Nam nào lại có ý thức xây dựng website cá nhân dù đơn giản nhưng lại đầy đủ và hiệu quả đến vậy. Các tập thơ theo thời gian, các bìa sách in trong nước, bìa sách in ở nước ngoài, phần bình luận tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, các bài trả lời báo chí… Điều đó khiến những người làm nghiên cứu, những nhà báo và biên tập viên như tôi đỡ được rất nhiều công sức.

Tôi tuyển tập thơ “Lặng yên cho nước chảy”- tập thơ nhỏ xinh này của Mai Văn Phấn (Nxb Hội Nhà Văn & Nhã Nam, 2018) theo tiêu chí hướng nhiều đến những độc giả trẻ, yêu thơ, không nhất thiết hoạt động trong chuyên môn có liên quan, vì thế các bài thơ được chọn tương đối nhẹ nhàng, không quá cách tân và dị biệt, đồng thời thể hiện được chặng đường thơ của Mai Văn Phấn. Tập thơ chia làm năm phần (tương đối) như ngụ ý về ngũ hành, vốn cũng là một yếu tố ẩn chứa trong thơ anh: 

“Trong sương” - những bài thơ 2 câu, 3 câu; “Thay mùa” - những bài thơ theo lối truyền thống; “Đất mở” - thơ tự do về đất đai mùa màng; “Cái miệng bất tử” - thơ cách tân với những vấn đề thế sự; “Buông tay cho trời rạng” - thơ văn xuôi và trường thi.

Thơ Mai Văn Phấn nhìn chung mạnh về hình ảnh, ngay từ thuở anh mới "dan díu" với thơ. Tôi vẫn không thôi mê câu: "Không gian như phủ chúa/ Hoa cười vang cung mê" trong bài thơ "Nghi Tàm" được giải năm nào, chỉ một câu mà nói hết vẻ đẹp, nét xưa cũ lẫn cái đắm say và ma mị. Còn đây cũng là một câu lục bát mà tôi thích: "Hoa ngâu vừa lịm cuối chùa/ Nhẩn nha tiếng mõ bỏ bùa tiếng chuông". Khả năng quan sát tinh tế và sức liên tưởng mạnh mẽ vẫn được tiếp tục bồi đắp về sau, tạo nên nhiều sự biến hóa hơn trong thơ anh. Ví dụ câu thơ: "Xác lá mủn, hồn chạy nhanh lên ngọn/ Cao xanh về trong hốc mắt tan sương" gây ấn tượng bởi vừa tạo ra chiều không gian thẳng đứng hun hút, vừa tạo ra một không khí tàn tạ huyền hoặc, khiến đọc câu thơ mà nghe gai gai lành lạnh trong người. Hay khi tả em - anh hôn nhau: "Con sâu đo em đu lên người anh/ Thì thầm gặm hết những xanh non" cũng là hình ảnh gây ấn tượng thị giác mạnh, vừa mang đầy những nỗi niềm ngọt ngào, âu yếm, lại ẩn chứa trong đó cảm thức về tự nhiên.

Nói về thơ Mai Văn Phấn quả thực không thể bỏ qua yếu tố tự nhiên. Ấy là đất đai, mùa màng, là cây cối, là sông suối và biển cả, là sự sinh sôi không ngừng nghỉ. Dường như anh luôn nhìn ra sự chuyển động, khai mở cuồn cuộn của tự nhiên xung quanh mình, và anh dùng tự nhiên để chiêm nghiệm về bản thân và soi chiếu thế giới. Nhưng Mai Văn Phấn không phải nhà thơ của đồng ruộng, mặc dù tự nhiên trong thơ anh mang đậm màu sắc Việt. Tự nhiên ở đây mang bóng dáng một đấng tạo hóa siêu phàm bao trùm lên tất cả, nó vừa thân thiết lại vừa vĩ đại, vừa dịu dàng mà lại đầy quyền uy. Với tự nhiên thì sinh sôi là một hoạt động cơ bản, đó là lý do vì sao nhiều bài thơ của anh mang màu sắc tính dục. Trong thơ Mai Văn Phấn, tính dục được nhìn qua lăng kính tự nhiên, trở nên hết sức đặc biệt.

Bài thơ “Hát từ đất” không khác gì hơn là một cuộc ái ân, và đấy chính là lời ca, là âm nhạc của trái đất. Anh và em ở đây không còn là con người xã hội mà là hai sinh thể của tự nhiên, và họ cảm về nhau bằng tự nhiên, và cuộc ái ân bỗng trở nên linh thiêng: dường như hai sinh thể đang thực hiện một nghi lễ của tự nhiên: Từ miệng bóng râm/ Vươn lên/ Hương quyến rũ/ Đu cành cao/ Chạm ngực em trái chín/ Thân bỏng rát/ Anh sấm rền gót chân.

Trong bài thơ “Giáng sinh”, nụ hôn không đơn giản là nụ hôn, hoặc nó không chỉ là cảm giác bồng bềnh tan loãng như nhiều người vẫn viết, mà nó phải là sự hòa hợp của đất trời và từ đó con người được định hình, nhận ra mình: Đôi môi/ Nơi đất trời gặp nhau/ Mở những lạch nguồn tìm về biển cả./ Ta mang nụ hôn/ Như con cá mang đuôi và vây lưng/ Quẫy vào biển rộng,/ Con chim mang tiếng hót sáng choang mơ mộng/ Lần hồi gieo xuống bãi bờ xanh./ Thế rồi sóng biết thầm thì/ Mây biết che đi nỗi buồn tiễn biệt.../ Và ta biết mình đã được sinh ra.

Nhưng không phải phần thơ tạm gọi là “thế sự” của anh không có dấu ấn (nhiều người vẫn gọi đấy là thơ hậu hiện đại của anh, tôi thì không chắc lắm). Tôi khá tâm đắc với những bài thơ mình lựa chọn trong phần này. Ở đây, sức mạnh hình ảnh của Mai Văn Phấn tạm nhường ngôi cho sức mạnh của ý tưởng. Nhiều bài thơ mang tứ lạ và độc đáo, gây bất ngờ, không đoán định được. Anh phản ánh một thế siêu thực, kỳ dị, kỳ cục, phi lý với những cái lưỡi treo trên đỉnh cột, cuộc nói chuyện với một con gián, một ông khách ma, về một cái miệng trôi lơ lửng trong không gian…, nhưng lại để nói câu chuyện của chính cuộc sống này. Về cái lưỡi chẳng hạn. "Lưỡi tôi bị thắt, treo trên đỉnh cột/ mỗi lần nói/ chiếc lưỡi phải co rút/ kéo thân thể béo ị lên cao/ Tôi giẫy giụa tựa mảnh vải quẫy trong gió mạnh". Tả một cái lưỡi bị treo thật, phi lý và tức cười...

Về một kẻ mất lái trên đường, cái chết đến trong tích tắc, nhưng "nơi ranh giới tiếp diễn và kết thúc/ lạc quan và bi đát/ lóe sáng tinh thần tôi vụt thoát/ cánh chim loang loáng như gươm tung lên". Sự "lóe sáng" của tinh thần trong giờ phút sinh tử khiến người đọc trông chờ một triết lý nhân sinh, một lý tưởng đẹp đẽ nào đó, nhưng không, kẻ sắp chết hớn hở và có thể ra đi trong… thanh thản bởi vì: "bét nhất thân xác phải biến thành/ kim cương hoặc chất dẻo". Khát vọng bất tử, khát vọng hóa thánh, khát vọng được để lại dấu vết phải chăng luôn là ham muốn vừa ngông cuồng vừa tội nghiệp của loài người xưa nay?

Mai Văn Phấn cũng là nhà thơ có sức sáng tạo lâu bền và luôn luôn thử mình ở những cách thể hiện mới. Năm 2013 anh viết trường thiên Bầu trời không mái che, nhưng từ năm 2015, anh bắt đầu thu về những câu thơ hai câu, ba câu và vẫn đạt được thành tựu. Như những câu thơ tôi giới thiệu ở đầu bài viết này. Trong giai đoạn thơ mới nhất này, tôi cảm nhận được sự ngây thơ. Dường như trải qua rất nhiều biến động và ngộ được một chân lý gì đấy mới trở nên ngây thơ và thấu tỏ như vậy. Ngắn nhưng bùng nổ, gọn mà gây dư âm dài lâu.

Tôi cảm giác như Mai Văn Phấn đã thực hiện một cuộc hành trình trở về với bản lai diện mục, nhưng giờ đây thấu triệt nó ở một tầng ý thức mới. 
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Lặng yên cho nước chảy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO