Loại bỏ biểu hiện mê tín, dị đoan: Nghiêm quản lý, minh pháp lý

Thanh Thủy/HNM| 11/03/2018 09:44

Quỳ lạy rắn “thần”, cá “thiêng”; xin lộc từ tảng đá; tranh cướp lộc tại nơi thờ tự… là những biểu hiện của sự mê tín, dị đoan diễn ra ở không ít địa phương. Việc sớm loại bỏ những biểu hiện lệch lạc trên là cần thiết nhằm bảo đảm tình hình an ninh trật tự và đời sống văn hóa lành mạnh trong cộng đồng. Để làm được điều đó đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội, nhất là trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý và xử lý nghiêm các trường hợp xảy ra.

Loại bỏ biểu hiện mê tín, dị đoan: Nghiêm quản lý, minh pháp lý
Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp đã góp phần đẩy lùi những biểu hiện mê tín, dị đoan trong lễ hội trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Khánh Huy

“Đất sống” của mê tín, dị đoan


Câu chuyện rắn nước nằm trên ngôi mộ vô danh ở Ba Đồn (Quảng Bình) những ngày qua sẽ chẳng có gì đáng nói nếu không có một số người phao tin là “rắn thần xuất hiện” rồi kéo điện, dựng rạp, thu hút dân chúng quanh vùng tới thắp hương, cầu khấn. Màu sắc mê tín dị đoan tiếp tục nặng nề hơn khi sau đó, tại khu vực này xuất hiện nhiều người vật vã “lên đồng” và bị đồn thổi là do “người âm” nhập. Hàng trăm người chen lấn, mong chạm vào “rắn thần” để được phù hộ. Khi chính quyền địa phương cho giải tán đám đông, phóng thích rắn về môi trường sống quen thuộc thì hương hoa, đồ mã tại khu vực này đã chất thành đống và số tiền ủng hộ để xây điện thờ rắn lên tới hàng trăm triệu đồng.

Trước đó, tại Đô Lương (Nghệ An) cũng có câu chuyện bi hài không kém. Người dân thấy dưới mương xuất hiện một con cá chép lớn, bắt hụt mấy lần không được nên kháo nhau đây là loài cá linh thiêng, không thể phạm vào. Câu chuyện phi lý đến thế nhưng vẫn được lan truyền rộng rãi tới mức ngày càng có nhiều người kéo đến cúng tế, dẫn đến tranh chấp, đánh chửi nhau, ảnh hưởng tới tình hình an ninh trật tự. Chỉ đến lúc một người dân trong xã quyết định dùng lưới vây bắt được con cá nặng hơn 3kg về nhà, thì đám đông mới chịu giải tán. 

Những câu chuyện kể trên là ví dụ điển hình cho tình trạng mất kiểm soát về niềm tin tín ngưỡng dẫn đến mê muội, cuồng tín ở một bộ phận người dân. Đó là chưa kể không ít câu chuyện tương tự gây tâm lý hoang mang, bất ổn cũng như ảnh hưởng xấu tới tình hình an ninh, trật tự, như chuyện xin lộc đá ở Quảng Nam, uống nước chứa lươn vàng ở Long An, bôi dầu lên tượng hổ ở Hà Tĩnh. Rồi là nạn dâng cúng vàng mã tràn lan; tranh cướp lộc tại đình, đền, phủ...

Về những hiện tượng trên, theo PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, trình độ dân trí thấp, nhận thức lệch lạc, thiếu thông tin khoa học, sự tác oai tác quái của những kẻ "buôn thần, bán thánh" đã tạo "đất sống" cho tệ mê tín, dị đoan. Nếu như người dân không cả tin, đủ tỉnh táo để phản biện thì họ sẽ không bỏ công sức, thời gian, tiền của vào những chuyện vô căn cứ như vậy.

Đồng tình với nhận xét này, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, Giáo sư Hoàng Chương nêu: Nhìn từ hiện tượng dâng cúng vàng mã tràn lan diễn ra thời gian qua, đủ thấy sự mê muội tác động tới nhận thức của người dân đến mức nào, cũng như ngành sản xuất phục vụ “người âm” đã tiếp sức, cổ súy khiến tình trạng "tả thực" một phong tục mang nhiều tính ước lệ bị đẩy xa đến thế. Đốt vàng mã vô tội vạ không chỉ là biểu hiện của sự lệch lạc về văn hóa, mà còn gây lãng phí tiền của, làm ô nhiễm môi trường. 

Mưa dầm thấm lâu

Loại bỏ biểu hiện mê tín, dị đoan: Nghiêm quản lý, minh pháp lý
Việc đốt vàng mã gây lãng phí tiền của và ô nhiễm môi trường. Ảnh: Anh Tuấn

Bên cạnh những lý do nêu trên, theo nhiều chuyên gia, tệ mê tín dị đoan có cơ hội nảy mầm, lan rộng còn do nguyên nhân từ sự chậm trễ, lúng túng, thậm chí buông lỏng trách nhiệm của những người làm công tác quản lý văn hóa ở địa phương. PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng: Câu chuyện “rắn thần, cá thiêng” thực chất không khó xử lý, chỉ cần một động tác đơn giản là có thể xóa những đồn thổi, suy diễn vô căn cứ, trả lại môi trường sống bình an cho cộng đồng. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại để tình trạng này tồn tại dài ngày mà không kịp thời chấn chỉnh, không có cách giải thích hợp lý khiến sự việc bị đẩy quá xa, gây tâm lý hoang mang cho người dân và làm ảnh hưởng tới tình hình an ninh trật tự ở cơ sở. 

Để đẩy lùi tệ nạn mê tín, dị đoan, theo Tiến sĩ Trần Hữu Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, việc cần làm là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân nâng cao nhận thức, “nói không” với hủ tục. Khi sự việc xảy ra, cần có cách xử lý kịp thời, không để phát sinh hệ lụy. Điều này phụ thuộc nhiều vào tinh thần chủ động, ý thức trách nhiệm của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Chúng ta đã có Nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo”, trong đó có điều khoản “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa”. Tuy nhiên, đến nay chưa có thông tin về cá nhân bị xử phạt vì đốt vàng mã vô tội vạ. Quy định xử phạt chưa cụ thể, khó áp dụng - như dư luận đã lên tiếng rằng “hành vi đốt vàng mã không đúng nơi quy định” nên hiểu như thế nào - là một nhẽ; vấn đề còn là sự thiếu quyết liệt của cơ quan quản lý đối với những hành vi này.

Những sự việc vừa qua cho thấy, đã đến lúc cần bổ sung chế tài chặt chẽ, cụ thể để xử lý hành vi sai trái khi thực hành nghi thức tâm linh và xem xét trách nhiệm những người đã để nạn mê tín, dị đoan lan rộng, gây dư luận xấu. Giáo sư Hoàng Chương khẳng định: Giáo dục, tuyên truyền, vận động người dân không đốt vàng mã là việc làm cần có thời gian, được tiến hành từng bước nhưng phải quán triệt tinh thần không khoan nhượng. Cùng với đó, có thể đánh thuế cao đối với ngành sản xuất, buôn bán vàng mã để hạn chế mô hình kinh doanh này lan rộng. Cần có kế hoạch đầu tư thích đáng cho công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, tăng cường tuyên truyền để lấp đầy khoảng trống hiểu biết văn hóa tâm linh, giúp người dân có nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về tín ngưỡng, có tư duy phản biện trước những hiện tượng phóng đại các yếu tố tâm linh, góp phần hạn chế tình trạng hùa theo đám đông, cổ súy cho hành vi gieo rắc mê tín dị đoan. Việc thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp trên sẽ góp phần đẩy lùi những biểu hiện của mê tín, dị đoan ra khỏi đời sống văn hóa lành mạnh của cộng đồng.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • Giải Cống hiến 2024: Hòa Minzy là Nữ ca sĩ của năm, Đen Vâu lập cú đúp
    Tối 27/3, tại Nhà hát lớn Hà Nội đã diễn ra lễ trao giải Cống hiến 2024. Đây là mùa giải Cống hiến lần thứ 18 được tổ chức và mùa thứ hai được mở rộng sang lĩnh vực thể thao, với hai hệ thống giải là giải Âm nhạc Cống hiến và giải Thể thao Cống hiến.
  • “Đào, phở & piano” - trọn vẹn tình yêu Hà Nội
    Từ cuối năm 2023, tín hiệu rất vui với điện ảnh trong nước khi những bộ phim cả tư nhân và nhà nước lần lượt ra rạp, tạo được hiệu ứng tích cực. “Đào, phở và piano” của đạo diễn Phi Tiến Sơn là một trong số đó. Phim được nhà nước đặt hàng, từng giành giải Bông Sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23.
  • Hà Nội và những gánh hàng rong...
    Khi nhắc về Hà Nội, trong vô vàn dáng hình hiện hữu, người ta không thể không nhắc tới những gánh hàng rong. Cùng Người Hà Nội hòa vào nhịp sống hối hả của 36 phố phường trên những gánh hàng rong...
  • Phố cổ của tôi
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Phố cổ của tôi của tác giả Nguyễn Duy Quý.
  • Quận uỷ Tây Hồ ra mắt Chi bộ Ban Quản lý Hồ Tây
    Sáng 27/3, Quận ủy Tây Hồ tổ chức lễ ra mắt Chi bộ Ban Quản lý Hồ Tây. Chi bộ Ban Quản lý Hồ Tây phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, tham mưu, giúp việc cho Quận ủy, UBND quận Tây Hồ quản lý toàn diện, tập trung thống nhất khu vực Hồ Tây và vùng phụ cận; triển khai thực hiện hiệu quả công tác xây dựng Đảng.
  • Quy hoạch Phong Hòa: Phát triển đô thị theo hướng bảo tồn các giá trị di tích lịch sử
    Định hướng Quy hoạch phân khu xã Phong Hòa (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) thành lập phường đến năm 2045 và phát triển đô thị theo hướng bảo tồn các giá trị của di tích lịch sử kết hợp giữ gìn cảnh quan sông Ô Lâu, làng cổ Phước Tích.
  • Quê hương tôi
    Quê hương luôn là nguồn cảm hứng sáng tác của các văn nghệ sĩ; Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Quê hương tôi của tác giả Nguyễn Thiện.
  • Độc đáo kiến trúc, tên gọi các cửa ra vào Kinh thành Huế
    Kinh thành Huế có 11 cửa thành đường bộ và 2 cửa đường thủy có kiến trúc, tên gọi độc đáo nhưng mỗi cửa mang một chức năng cùng những câu chuyện lịch sử khác nhau sau khi được xây dựng, phục hồi lại.
  • Hơn 300 người thuộc 54 thành phần dân tộc tham gia Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 2024
    Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024 sẽ diễn ra từ 18 - 21/4/2024 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội với sự tham gia của hơn 300 người thuộc 54 thành phần dân tộc của 63 tỉnh, thành phố.
  • Hà Nội đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền hiệu quả về triển khai Đề án 06/Chính phủ năm 2024
    UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về việc thông tin, tuyên truyền về “Kiểm soát thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và triển khai Đề án 06/Chính phủ” trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024.
Loại bỏ biểu hiện mê tín, dị đoan: Nghiêm quản lý, minh pháp lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO