Lòng chim dạ cá

Truyện ngắn của Phạm Văn Năm| 21/09/2017 16:31

Cả khu phố này, ai cũng phải công nhận gia đình bà Ngoan là gia đình văn hóa chuẩn mực nhất. Hàng xóm láng giềng xưa nay chưa ai nghe thấy vợ chồng tiếng chì tiếng bấc với nhau bao giờ. Nhà chỉ có hai đứa con thì đứa nào cũng ngoan ngoãn, học giỏi. Đứa con gái lớn là Tuyết Nhung đi du học bên Úc, học xong ra trường được giữ lại làm việc rồi lấy chồng bên ấy luôn. Cậu con trai tên là Thành đi theo nghề của bố, hiện giờ đang học Đại học Xây dựng năm cuối.

Lòng chim dạ cá
Minh họa của Lê Huy Quang

Đáng nể nhất vẫn là ông Thậm - một tổng giám đốc ngành xây dựng của một tỉnh mà chiều nào cũng thấy đánh xe về nhà ăn cơm cùng vợ con đều như vắt chanh. Chả bù cho mấy tay đầu phố mới lên đến cái chức trưởng, phó  gì đó mà thấy đã ngo ngoe, suốt ngày nhậu nhẹt với lại tiếp khách. Tội nghiệp cho mấy bà vợ phây phây ở nhà đêm nào cũng thở dài thườn thượt. Đàn bà bức xúc quá dễ sinh ghen ghét, cạnh khóe lẫn nhau. Họ đồn rằng bà Ngoan trước đây vì mắc kỷ luật nên mới bị đầy lên miền núi dạy học, rằng thì là những năm ở rừng núi bà đã học được cách “chài” của người dân tộc… Thế cho nên bây giờ “lão” Thậm mới ngoan răm rắp như thế. Vía bảo không dám bồ bịch lăng nhăng. Tiếng đồn rồi cũng đến tai. Lúc đầu bà Ngoan bức xúc lắm nhưng rồi cũng quen dần. Bà cảm thấy thương cho những kẻ hay ghen ăn ghét ở, đơm đặt cho người mà sự hiểu biết thì quá ư là kém cỏi, nông cạn và lạc hậu. Có mấy ai đã hiểu được rằng cách đây hơn hai mươi năm bà đã tự tay làm đơn tình nguyện lên vùng cao dạy học. Chuyện thật mà khó tin, nếu ngày ấy không có Thường, không có cái đêm trăng lộng gió…

***

Học xong cấp hai, hầu hết bạn bè đều tạt ngang đi trung cấp. Cả thôn chỉ còn lại có hai đứa tiếp tục đeo đẳng học lên cấp ba – đó là Ngoan và Thường. Ngoan quý Thường vì cậu hoạt bát, láu lỉnh lại học giỏi. Ngoan thì tính tình có phần nhút nhát. Cô có năng khiếu về văn nhưng các môn khác lại chỉ đạt xấp xỉ trên trung bình một tí. Hai người đã trở thành cặp đôi hoàn hảo bù trừ cho nhau suốt trong những năm học cấp ba. Càng về cuối cấp nhìn Ngoan càng đẹp ra với đôi má luôn ửng hồng. Điều này chỉ có Thường là người nhận ra đầu tiên. Nhưng rồi ngày chia tay cũng đã đến. Thường thi đỗ vào Đại học Ngoại thương còn Ngoan được gọi vào trường Cao đẳng Sư phạm. Cả hai đều vui vì đúng nguyện vọng nhưng lại rất buồn vì sắp phải xa nhau. Đêm chia tay, hai đứa dạo bước trên con đê lộng gió mà chẳng biết nói với nhau chuyện gì. Họ lặng lẽ như hai cái bóng bước đi trên con đê chạy vòng ra cánh đồng. Trăng trải vàng lấp lánh trên những thửa ruộng lúa mới cấy. Đêm về khuya, tiếng ếch nhái gọi bạn tình nghe râm ran. Hai đứa ngồi cách nhau trên miệng cống, nói rặt những chuyện vu vơ không đầu không cuối. Khi trăng đã chếch về phía tây Ngoan mới giật mình hốt hoảng: “Thôi chết rồi! Mình về thôi!”. Gió từ phía mặt sông thổi hắt lên những bụi tre réo rắt nghe như tiếng xuýt xoa. Gần đến cổng, Thường cố bình tâm gọi tên Ngoan mà giọng cứ run run như bị nghẹt thở. Âm thanh phát ra nhỏ đến mức chỉ có người đang yêu mới cảm nhận được. Ngoan xoay người quay lại thì vừa lúc Thường quờ tay nắm lấy cổ tay cô kéo mạnh về phía mình. 

- Buông… ra! Có người nhìn thấy thì chết bây giờ! - Ngoan khẽ kêu lên và cố rút tay ra nhưng không được. Trong giây lát cô cảm nhận được hơi thở âm ấm của Thường phả vào mặt mình. Người cô như run lên khi đôi môi của Thường vội vàng đặt lên má mình và giọng nói khe khẽ, chảy tan trong làn gió thoảng: “Mình… yêu Ngoan!”

Không có ngày nào họ không nhớ về nhau. Những bức thư gửi qua lại không biết bao nhiêu mà kể xiết trong suốt những năm đầu đại học. Tiếc thay trên đời này không ai có thể nói trước được điều gì. Càng về sau những bức thư cứ nhạt và thưa dần. Đến năm cuối thì gần như tạnh hẳn. Một hôm người bạn thân cùng phòng với Ngoan hớt hải chạy về nói giọng như sắp khóc rằng, chính mắt nó đã bắt gặp “họ” nắm tay nhau từ trong nhà nghỉ đi ra. 

- Cậu có biết người đó là ai không? 

- Cái Lan lớp tại chức chứ còn ai nữa. Nghe nói là con của một ông “cốp” trên Bộ Ngoại giao kia đấy. Nhìn cái mặt cứ câng câng thật đáng ghét. 

Ngoan lặng lẽ ngồi nghe mà lòng ngổn ngang những suy tư. Sau khi thi xong, cô bất ngờ đến trường Ngoại thương. Cô bàng hoàng khi tận mắt chứng kiến hai người đang ngồi bón thức ăn cho nhau trong phòng. Sự xuất hiện đột ngột của Ngoan không làm cho Thường ngạc nhiên. Cậu nhìn cô với nét mặt ráo hoảnh: 

- Ngoan đến sao không báo trước cho mình biết? Thôi, tiện đây mời ngồi cùng ăn với bọn mình luôn cho vui! 

Cổ họng Ngoan như có một cục gì đó đang trào ngược…

Ngoan bỏ ăn đúng hai ngày hai đêm. Bạn bè lo lắng thay nhau đến an ủi động viên nhưng đều vô ích. Sang ngày thứ ba, Ngoan vùng dậy tỉnh táo như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Cô cầm bút, bình tĩnh ngồi viết đơn tình nguyện đi vùng cao. Ngôi trường mà Ngoan được điều về thuộc vùng rừng núi heo hút phía Tây - Bắc. Gọi là trường cho có tiếng thôi chứ thực ra chỉ có hai nếp nhà tạm bợ dựng lên sát nhau trên một khoảng đất trống bên bờ suối. Vách thưng bằng nứa, rui mè bằng nứa và mái nhà cũng được lợp bằng phên nứa. Đêm đến, gió hun hút thổi xô vào những cánh cửa liếp kêu ken két như tiếng nghiến răng cùng với những âm thanh của các loài thú đi ăn đêm gọi nhau nghe sởn hết cả gai ốc. Trường chỉ có ba thầy cô thay nhau dạy học sinh từ lớp một cho đến lớp bốn. Ngoan như cây măng già giấu những nỗi buồn trong bẹ lá. Cô sống ép mình giữa bốn bề núi rừng biên cương. Những đêm đầu nằm trằn trọc không sao ngủ được. Lâu ngày rồi cũng quen dần. Ở đây mọi thứ hầu như cái gì cũng mộc mạc, chân tình và sáng trong như nước suối ban mai.

Một buổi chiều đang mải mê giặt áo bên bờ suối, Ngoan bỗng có cảm giác như ai đó đang nhìn xoáy vào mình. Cô ngẩng lên thì thấy có ba người đàn ông ăn mặc chững chạc đứng cách không xa đang hướng về phía mình chỉ trỏ và bàn chuyện gì đó. Ngoan xấu hổ vội cúi xuống vò tiếp. Thực ra là cô cố tình né tránh ánh mắt mà cô vừa mới chạm phải đã làm cho cả cánh rừng trở nên xôn xao. Khi về đến trường, nhìn thấy chiếc xe Uaz đậu ở sân, hỏi ra mới biết đó là đoàn cán bộ tỉnh về khảo sát vị trí để xây dựng nhà máy thủy điện. Người thanh niên có đôi mắt sáng đó chính là kỹ sư trưởng Thậm - người mà sau này đã trở thành một nửa cuộc đời của cô.

***

Thậm nhận chức giám đốc công ty với một cơ ngơi cũ nát và nợ đọng chất chồng. Những ngày giáp tết, chủ nợ kéo đến đòi nợ đứng chật cổng công ty. Thậm phải tạm lánh mặt về trường sống nhờ vợ. Lịch sử đã sinh ra một thế hệ những con người như anh vừa là nhân chứng cho sự ra đi của một thời bao cấp trì trệ, lại vừa là người phải gánh chịu những hậu quả mà chính nó đã để lại. Thậm sẵn sàng chịu trách nhiệm với cấp trên về những việc làm của mình. Anh mạnh dạn thay đổi gần như toàn bộ vị trí nhân sự trong công ty mà không hề báo cáo và chờ cấp trên phê duyệt. Dưới quyền anh, những người có tài, có đức đã được đặt đúng chỗ với mức lương mới tương xứng. Điều này đã tạo ra một sự đổi mới đột phá chưa từng có trong công ty. Chỉ trong vòng ba năm công ty đã trả hết nợ và bắt đầu làm ăn có lãi. 

Mải mê với những chất chồng công việc, Thậm gần như đã quên mất bổn phận của một người chồng, người cha. Nhìn vợ con sống nheo nhóc trong gian nhà nứa lụp xụp mà lòng anh xót xa. Trong suốt những năm qua, Ngoan lầm lũi như một cái bóng tần tảo thay chồng nuôi dạy hai đứa con mà không một lời kêu ca hay đòi hỏi. Sự cam chịu của cô khiến Thậm rất nể phục và càng thương vợ hơn. Anh đã nhiều lần làm đơn xin cho Ngoan được chuyển trường về thành phố để vợ chồng gần nhau và có điều kiện nuôi dạy con hơn nhưng đều bặt vô âm tín mặc dù Ngoan đã có thâm niên hơn chục năm công tác vùng cao. Về sau anh mới vỡ lẽ là do trước đây anh đã đẩy một phó giám đốc không có năng lực xuống công trường làm thi công. Không ngờ đó lại chính là cháu của một xếp lớn ở Sở. Không thể để vợ con nheo nhóc mãi được. Lần này anh lên là để thuyết phục Ngoan từ bỏ nghề dạy học, về thành phố để vợ chồng được gần nhau và có điều kiện tập trung quản lý và nuôi dạy các con hơn.

***

Na chạy bổ vào bếp. Hai đứa ôm chầm lấy nhau mừng vui đến chảy nước mắt.

- Con ranh con, về mà không thèm báo trước để tao biết. 

Na là bạn thân của Ngoan từ hồi chăn trâu cắt cỏ. Học hết lớp bảy thì đi trung cấp ngân hàng. Lấy chồng được hai mặt con  rồi lại bỏ nhau vì chồng đi ngoại tình. Ngoan rót một cốc nước vối trong cái ủ ấm đặt vào tay bạn. 

- Vẽ chuyện! Ngồi xuống đây tao hỏi đã. Nghe nói ông xã làm giám đốc à? - Na nhìn Ngoan vẻ ái ngại. - Ừ,  công ty xây dựng tỉnh ấy mà. Nay cổ phần hóa hết rồi. 

- Nhưng vẫn đang làm giám đốc chứ gì? Chỗ bạn bè tao hỏi thật nhé, không phải là tọc mạch gì đâu. 

- Thì cứ hỏi đi, có sao mà phải rào đón mãi thế? 

- Tao hỏi thật này, ông xã mày có hay đi bồ bịch không? 

- Yên tâm đi! Chuyện ấy không có đâu. Ông xã nhà tao “ngoan” lắm. Ngày nào cũng về ăn cơm nhà với vợ con. Hàng xóm còn phải phát ghen lên ấy chứ. Nói để mày yên tâm, không chỉ thế thôi đâu, còn tâm lý lắm nhé. Đi công tác lần nào về cũng mua quà tặng vợ. Năm nào cũng mua vé máy bay cho tao đi Úc vài tháng thăm cháu ngoại. Thỉnh thoảng lại cho lái xe đưa về quê thăm bầm vài tuần, có khi cả tháng ấy chứ.

Na thở dài, uống một ngụm nước rồi quay đi chép miệng:

- Tao mừng cho mày lấy được một ông chồng tốt, nhưng dù sao cẩn thận vẫn hơn. Như đời tao đây này. Nói thật với mày, đàn ông bây giờ tao chả tin thằng nào sất. Càng sếp to lại càng phải cảnh giác.

Tiếng bà Hoa từ dưới bếp vọng lên bỗng cắt ngang câu chuyện: 

- Hai đứa thử ngó xem hình như tao nghe thấy tiếng còi xe ở ngoài cổng thì phải.

Ngoan nhìn ra đã thấy chú Hoàn lái xe đi vào đến sân. 

- Chào hai chị! Chị ơi, anh bảo em về đón chị lên ngay! 

- Sao thế, lại có chuyện gì phải không? 

- Em không biết. Nghe anh gọi điện bảo thế, em vội đi ngay không dám hỏi lại.  

Linh tính như báo có chuyện chẳng lành. Ngoan lẳng lặng vào lấy đồ, chào mẹ rồi bùi ngùi chia tay bạn. Trên đường về, hai người lặng lẽ theo đuổi những suy nghĩ riêng của mình. Ngoan thừa biết nguyên tắc của lái xe là không bao giờ được tò mò hay bép xép. Vì thế có gặng hỏi cũng vô ích. Lòng cô bồn chồn, thấp thỏm một nỗi lo...

Con đường số 2 nhiều đoạn đã xuống cấp nham nhở. Chiếc xe con lắc lư vì phải tránh những ổ gà. Nhìn nét mặt đăm đắm lo âu của Ngoan trong gương, Hoàn thấy thương chị vô cùng nhưng không thể làm gì được. Chị đâu có biết rằng giờ đây , đứa con trai duy nhất của mình đã không còn ở trên cõi đời này nữa. Tai nạn giao thông đêm qua đã cướp đi mạng sống của Thành khi nó vừa mới tốt nghiệp ra trường chưa đầy một tháng, cướp đi cả tương lai và niềm kiêu hãnh lớn lao của đời chị.

Ngoan nằm liệt giường gần một tháng. Ông Thậm phải cho người về quê đón mẹ vợ lên. Cả chú Hoàn lái xe và Thúy Mừng cũng thường xuyên thay nhau túc trực ngày đêm bên cô. Ngoan nằm còng queo trên giường như một cái xác, đôi mắt trừng trừng nhìn bất lực vào màn đêm. Giờ đây cô không còn khả năng sinh con cho ông nữa. Cô định sẽ bàn với chồng đi xin một đứa con trai về nuôi để sau này lấy người nối dõi.

Sự hồi phục trở lại cùng với lời đề nghị của Ngoan, ông Thậm vui như mở cờ trong bụng. Ông cảm động ôm ghì vợ vào lòng và hứa sẽ bàn kỹ về việc này khi nào cô khỏe hẳn. Thực ra tâm trạng ông lúc này rất khó tả. Từ lâu ông đã thấp thỏm lo làm sao đem được thằng Đoàn về nhà nuôi mà vẫn “trong ấm ngoài êm”. Việc thỉnh thoảng ông đưa mẹ con Thúy Mừng đến chăm sóc Ngoan trong những ngày qua cũng là một bước đi trước có tính toán rất khôn ngoan. Không ngờ chính nó lại đẩy ông rơi vào một cái ngõ cụt. Cảm giác đó bắt đầu nhói lên từ khi ông nghe thấy bà Hoa luôn mồm khen cô Thúy Mừng vừa đẹp người lại đẹp cả nết.  Khen chú Hoàn lái xe sao mà khéo chọn vợ thế. Khen cu Đoàn kháu khỉnh và giống hệt như bố Hoàn của nó từ cái dáng đi cho đến cái mắt, cái tai. Thật đúng là “Giỏ nhà ai, quai nhà ấy”. 

Thấy mẹ mình cứ nhắc đi nhắc lại mãi cái điệp khúc ấy, Ngoan mới vỗ nhẹ vào lưng bà:

- Không phải đâu bầm ơi! Cô Thúy Mừng đâu phải là vợ của chú Hoàn lái xe. Cô ấy là trợ lý của anh Thậm nhà con. Bầm đừng nói thế mà người ta giận đấy.

Ông Thậm ngồi lặng đi. Có đúng là thằng Đoàn giống chú Hoàn không nhỉ? Những điều bà Hoa nói tại sao bấy lâu nay ông không nhận ra? Không thể như thế được! Từ xưa đến nay ông đã đối xử rất tốt với Hoàn, lẽ nào cậu ta lại dám phản bội lại ông? Đã có biết bao nhiêu là công việc trọng đại, bí mật ông đều tin tưởng giao cho chú Hoàn. Ví như chuyện đưa đón Thúy Mừng bất kể ngày hay đêm, hay việc bí mật tìm mua một mảnh đất sao cho vừa kín đáo lại tiện lợi, rồi tiếp đến là việc xây căn nhà cho mẹ con Thúy Mừng ông cũng giao tất cho chú Hoàn cả. Tóm lại là mọi việc được giao chú đều hoàn thành một cách trơn tru và không để lọt ra một lời ong tiếng ve nào. Người như thế sao còn nghi ngờ được? Nghĩ vậy ông bật máy gọi điện cho lái xe. Có tiếng trả lời từ đầu dây bên kia: 

- Ồ, thế sếp vẫn chưa biết gì thật à?  

- Chưa. Chuyện gì? 

- Thúy Mừng còn có một đứa con trai nữa tên là Kết đang ở với bà ngoại dưới quê. 

- Thật à? Sao cậu biết? 

- Vâng, có lần cô ấy đã tâm sự với em như thế mà. Em tưởng sếp đã biết rồi - đó là sản phẩm của mối tình đầu đấy. Chính vì thế mà cô ấy thề sẽ không bao giờ lấy chồng nữa. 

Thậm tắt máy, trầm ngâm: “Thằng này cũng tài thật. Cái gì nó cũng biết!” 

Ngoan đưa cốc chè lipton pha mật ong thơm mát cho chồng, dịu dàng hỏi:

- Việc hôm trước em nói anh nghĩ sao rồi?

Ông Thậm lập cập đón cốc nước trên tay vợ rồi cúi xuống nói nhát gừng như một kẻ có lỗi:  

- Ý kiến của em được lắm nhưng… Có một chuyện này anh định nói với em từ lâu mà thấy khó quá. 

Ngoan lấy làm lạ trước cử chỉ rất khác thường của chồng hôm nay nhưng rồi cô lại nghĩ, có lẽ vì ông quá xúc động.
- Không sao đâu, tất cả là vì tương lai mà anh!

- Nhưng em phải hứa với anh là thật bình tĩnh mới được. 

- Vâng, em hứa! 

- Được rồi, cảm ơn em! Chuyện là thế này: cách đây hơn bốn năm, trong một lần đi công tác xa, công ty đã ký được một hợp đồng lớn với đối tác. Hôm ấy anh uống quá chén nên đã vào nhầm phòng  trợ lý. Thú thật là lúc đó anh không hề biết gì.

Chuyện đó sau này không ngờ đã để lại hậu quả là cô ấy mang thai và đã sinh ra một đứa con trai - Ông Thậm lấm lét nhìn vợ. Thấy Ngoan vẫn ngồi im, mắt nhắm nghiền nên ông lại nói tiếp -  Hiện giờ thằng bé đã lên bốn tuổi. Anh định…

Ngoan bất ngờ chồm lên, cắt ngang:

- Thôi đi, quá đủ rồi đấy! Các người lúc nào mà chả “nhầm phòng” rồi thì “không biết gì” –  đôi vai gầy của cô rung lên - thì ra ông đã lừa tôi suốt bấy nhiêu năm! Phải rồi, năm nào ông chả mua vé máy bay cho tôi đi thăm con, thăm cháu vài tháng. Năm nào ông chả cho người đưa tôi về quê thăm mẹ già. Thì ra ông đã tìm cách tống khứ tôi đi khỏi nhà để ông tự do hú hí với người tình của mình. Ông thật tử tế quá! Đạo đức quá! Tâm lý quá! Đồ lòng chim dạ cá...

Ngoan như cái cây còm cõi, héo hon bị chặt gần hết rễ nay lại bị đánh bật gốc. Cô nằm ủ rũ trên chiếc giường, mắt nhắm nghiền, mơ hồ nghĩ về cái chết. Bà bủ Hoa luôn tay ngồi xoa lưng cho con. Hôm nay bủ không hát ru nữa. Bủ đang ngồi lẩy Kiều cho con gái nghe: “Trăm năm trong cõi í i người ta. Chữ tài chữ mệnh i khéo là ghét í nhau…”. Giọng bủ đều đều, yếu ớt cứ bập bùng bên tai. Nhưng lạ thay, chính cái giọng rè rè, yếu ớt như ngọn lửa sắp tàn của bủ đã làm cháy lên một ngọn lửa khác tưởng như đã tắt lịm trong tâm hồn nguội lạnh của Ngoan. Hai hàng nước mắt cô bỗng trào ra trên đôi gò má khô gầy. Cô cựa mình rồi xoay người ngồi dậy chằm chằm nhìn rồi lại gục đầu vào lòng bà khóc nức nở như một đứa trẻ. Bà Hoa xoa đầu con, nói trong nước mắt: 

- Thôi con ạ, bầm nghĩ: cá vào ao ta thì ta được, chẳng đi đâu mất mà thiệt.

Ngoan ngước nhìn mẹ mếu máo: 

- Nhưng, bầm ơi! Con lo chắc gì đã phải là con của anh ấy?

Mới hơn năm giờ mà Ngoan đã trở dậy đánh răng rửa mặt rồi tự nấu ăn sáng. Ông Thậm nhìn vợ không đành lòng:

- Em hãy còn yếu lắm. Đừng làm gì vội. Những việc này anh làm được mà. 

- Anh khỏi lo, em đã khỏe rồi. Hôm nay em muốn thông báo với anh rằng, em đồng ý nuôi thằng bé.

Ông Thậm trố mắt nhìn Ngoan không hiểu. 

- Em nói gì vậy? 

- Em đồng ý đón thằng Đoàn về nhà mình. Nó sẽ là con của chúng ta. Em đã suy nghĩ kỹ rồi. Như thế vẫn còn hơn là đi nuôi con người. Anh cứ đón nó về đây!

Sự thay đổi đột ngột của Ngoan làm ông đâm hoang mang. 

- Anh biết thời gian qua đã có tội với em. Giờ anh ân hận lắm. Chỉ mong…

- Em nói nghiêm túc mà, nhưng phải kèm theo hai điều kiện. 

- Bây giờ em có cả chục điều kiện anh cũng chấp nhận hết. Chỉ cần em vui là được.

- Điều kiện thứ nhất là từ nay anh phải chấm dứt quan hệ với mẹ thằng bé. 

- Anh chấp nhận.

- Anh nhớ đấy! Còn điều kiện thứ hai là anh phải đưa thằng bé đến chỗ cậu Chiến bên pháp y Bộ công an để nhờ cậu kiểm tra, xác định AND. 

- Việc gì phải làm phiền cậu. Để anh đưa nó đến bệnh viện là xong. 

- Không được, nhất thiết phải nhờ cậu Chiến! 

-  Thôi được rồi, anh sẽ làm theo ý của em. Còn gì nữa không em?

- Còn điều này nữa - nếu mọi việc suôn sẻ, em muốn chủ nhật này, nhân thể bà còn ở đây, mình làm mâm cơm nhờ bà thắp hương mời các cụ tổ tiên về nhận mặt con cháu. Anh nghĩ sao?

- Em đã lo mọi việc chu đáo như thế thì anh còn gì phải nghĩ nữa. 

Sau khi ăn cơm xong, ông Thậm gọi điện trao đổi với người thợ cắt tóc mà ông quen biết từ lâu ở đầu phố rồi cùng lái xe đến đón cu Đoàn. Ông nói: “Tới đây nhà ta sẽ có khách quý nên hôm nay tất cả chúng ta đi cắt tóc cho thật gọn gàng”.  Sau khi cắt tóc xong, ông bảo lái xe đưa cu Đoàn ra xe trước để ông ở lại trả tiền. Bác thợ già nhẹ nhàng đặt vào tay ông ba gói nhỏ và dặn: “Gói tóc ngắn này là của cháu bé. Gói tóc dài là của chú lái xe, còn cái này là của anh”. Ông Thậm cảm ơn và cẩn thận cất 3 gói tóc vào chiếc cặp da có khóa số rồi bảo lái xe đi thẳng đến nhà cậu Chiến. 

Từ hôm Ngoan hồi phục trở lại, căn nhà như bừng sáng hẳn lên. Bà bủ Hoa tối nào cũng ngồi hát. Đêm qua bủ hát xoan - ghẹo. Mọi người đến chơi nghe xúc động lắm. Ai cũng khen là bủ đã già mà còn giữ được giọng hát dân ca nghe hay quá.

Ông Thậm với tay cầm chiếc đàn ghi-ta phủ đầy bụi treo trên tường xuống, lấy khăn lau chậm rãi cho đến khi nó trở nên sạch bóng. Ông thận trọng  so lại các dây đàn rồi khe khẽ hát. Giọng ông trầm và ấm cất lên hòa cùng tiếng đàn trầm bổng, điểm nhịp nghe xao động lòng người. Năm xưa, chính tiếng đàn này, giọng hát này đã làm loạn nhịp trái tim của một cô giáo vùng cao. Đã ngót ba mươi năm rồi mà giọng hát vẫn còn ấm như thế, tiếng đàn ghi-ta vẫn hay như thế. Chỉ có trái tim cô giáo thì đã bị phủ đầy băng giá. Ngoan từ trong bếp cất giọng hỏi với ra: 

- Hôm nay đã là thứ năm rồi mà sao vẫn chưa có kết quả nhỉ?

Ông Thậm ngừng tay, ngẩng lên: 

- Không hiểu ra làm sao. Chiều qua anh hỏi thì cậu bảo vẫn chưa xong. Cậu còn nói là cứ yên tâm, đến tối cậu sẽ trực tiếp kiểm tra lại một lần nữa. Sáng mai chắc chắn là sẽ có kết quả - Vừa nói xong thì tiếng chuông điện thoại vang lên. Ông Thậm xoay người vồ lấy ống nghe: 

- Vâng, cháu đây!

Im lặng hồi lâu rồi bỗng tiếng ông gầm lên: 

- Cậu nói cái gì thế? Lái… xe?

Thấy to tiếng, Ngoan từ trong bếp chạy bổ ra. Trông thấy sắc mặt ông Thậm tím tái, bàn tay run run bóp chặt chiếc ống nghe như muốn sắp vỡ. Có tiếng cậu Chiến giải thích lý nhí trong ống nghe. Hình như không thể chịu đựng nổi nữa, ông Thậm gào lên: 

- Thằng… xỏ… lá!

Chiếc ống nghe tuột khỏi tay, ông hộc lên một tiếng rồi ngã vật xuống nền nhà. Hai dòng nước mắt muộn mằn nhờ nhờ chảy loang trên khuôn mặt tái xám.

Ngoài sân, trời vẫn mưa vần vũ. Tiếng kêu khóc của mẹ con bà Ngoan chìm vào trong mưa. 
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Lòng chim dạ cá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO