Lớp Tôi...

Trần Văn| 07/06/2019 22:10

Tôi cũng không ngạc nhiên khi thấy đã 45 năm trôi qua, kể từ buổi học cuối cùng của 10 năm học phổ thông ngày 25/5/1974, mà các bạn trong lớp tôi vẫn rất quấn quýt với nhau trong ngày hội lớp năm nay.

Nhớ lại ngày ấy, ở lớp tôi các bạn phần lớn là dân phố cổ của Hà Nội như bạn Thanh Thủy ở phố Lò Sũ, bạn Thu Thủy ở Hàng Đậu, Trần Bình, Lan Hương, Quang Tuấn, Phượng ở Hàng Bông, Dân ở Hàng Rươi, Thanh Bình ở Hàng Khoai, Gia Hoan ở Hàng Buồm, Nguyễn Tuyên ở Phủ Doãn, Diệu Hòa ở Hàng Chiếu, Thủy Mai ở Ngõ Gạch,… Nghe thấy tên phố thôi đã cảm thấy thân thương chứ bạn mình thì còn phải nói.

Lớp Tôi...

Lớp 10D năm 1974

Nội thành Hà Nội ngày đó còn bé lắm. Cứ đi tàu điện leng keng tới bến cuối cùng ở chợ Bưởi, chợ Mơ, Vọng, hay Cầu Giấy, Yên Phụ, Hà Đông là đã thấy ngoại thành với ruộng lúa, ao rau muống xanh ngát. Trẻ con chúng tôi ngày ấy đi bộ là chủ yếu. Thế mà vẫn đến thăm thầy cô giáo, đến nhà nhau học nhóm hay đến chơi thường xuyên. Tôi còn nhớ phải leo qua một cái gác cao mới tới nhà cô giáo dạy toán người Hoa tên là Chu Phương Lan ở phố Hàng Buồm. Chúng tôi rất quý mến cô vì cô luôn hết lòng chỉ bảo cho học sinh, nhưng sau này chúng tôi không được gặp cô nữa vì năm 1979 cô đã ra nước ngoài sinh sống. Năm 2002, sau 28 năm ra trưởng chúng tôi mới có dịp gặp nhau và hay tới thăm thầy dạy văn Nguyễn Vinh Phúc, nhà Hà Nội học nổi tiếng với nhiều tác phẩm về Hà Nội ở phố Ngô Quyền, thầy Nguyễn Văn An chủ nhiệm lớp ở ngõ Tràng Tiền, cho tới khi các thầy đi xa.

Có lẽ ngoài cái chất tinh nghịch nhưng thông minh, lãng mạn nhưng tinh tế của học trò Hà Thành, thì những kỷ niệm thời chiến đã góp phần gắn kết lớp chúng tôi. Tôi còn nhớ, vào năm lớp 9, mới khai giảng được hơn 2 tháng thì chiều ngày 25/11/1972, cùng với hầu hết người dân Hà Nội, chúng tôi được lệnh lên xe đi sơ tán gấp với lỉnh kỉnh nào là ba lô, hòm xiểng, gạo, dầu hỏa,… Tới nơi sơ tán, chúng tôi được phân về ở nhà người dân trong thôn Hồng Giang, xã Hồng hà, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Chúng tôi nghỉ học làm lao động suốt một tuần, từ đào hầm trú ẩn trong xóm hay tại lớp học, đắp nền lớp học bán âm ở thôn Bá Nội, đóng cầu ao, vượt đê gánh nước,…

Mới đầu, chúng tôi phải đi từ nơi ở đến chỗ học cách gần 2 cây số với lỉnh kỉnh nào là mũ rơm, cặp sách, bàn học “dã chiến”, ghế gấp. Sau này lớp được chuyển về trong xóm, gần với nơi ở và bếp ăn tập thể nên đỡ vất vả hơn. Ngoài học tập, lao động ra, chúng tôi còn có cả các buổi sinh hoạt tư tưởng để mọi người góp ý cho nhau trong tu dưỡng, học tập, động viên, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, rèn luyện bản thân ý thức tổ chức, kỷ luật thời chiến.

Lớp Tôi...
Lớp 10D năm 2019

Lúc này, lớp chỉ còn 28 bạn vì trong đợt Mỹ ném bom rải thảm bằng máy bay B52 xuống Hà Nội tháng Chạp năm ấy, nhiều bạn đã về sơ tán theo gia đình, không quay lại lớp nữa. Chỉ một tuần sau khi Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết, ngày 30/1/1973, tức 27 Tết chúng tôi liên hoan chia tay để về nhà ăn Tết và cũng là rời nơi sơ tán về Hà Nội. Trưa 28 Tết, chúng tôi bịn rịn chào tạm biệt bà con nơi đây đã một thời cưu mang chúng tôi để lên xe ca đợi sẵn trên đê sông Hồng để trở về Thủ đô.      

Lớp tôi cũng khá đặc biệt khi có nhiều bạn mang họ cũng thuộc hàng hiếm gặp như La Nữ Ánh Vân, Hàn Hùng Siều, Lộc Quang Sơn, Mai Minh Huệ, Cát Bạch Tuyết,… Có lẽ cái đa dạng của lớp tôi cũng thể hiện trong ngành nghề mà các bạn đã chọn theo đuổi và sau này nhiều bạn đã thành danh trong lĩnh vực của mình như nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng, nhà sưu tập tranh và sở hữu bảo tàng hội họa tư nhân Bùi Quốc Chí, họa sỹ Nguyễn Thị Luận, các bác sĩ Mai Minh Huệ, Trần Trường Thanh, thiếu tướng công an Nguyễn Anh Tuấn, đại sứ Trần Nguyễn Tuyên, biên tập viên VTV, VOV Trần Thúy Mai, Nguyễn Thị Bích Hà, các nhà giáo PGS TS Nguyễn Thu Thủy, TS La Nữ Ánh Vân, TS Trần Hòa Bình, Trần Thị Nga, Nguyễn Thị Diệu Hòa,… Trong lớp cũng có bạn đi bộ đội như Nguyễn Quốc Trung, Trần Trường Thanh tham gia chiến dịch Xuân 75, chiến  dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền nam, chiến tranh biên giới Tây Nam.   

Sau kỳ thi tốt nghiệp phổ thông với kết quả là cả lớp đều tốt nghiệp, ngày 17/6/1974 cả lớp tổ chức hội trại tại chùa Trăm gian, phần để thăm hỏi nhau sau mấy ngày thi cử, phần để thư giãn chuẩn bị cho kỳ thi vào đại học sắp được tổ chức vào ngày 9/7/1974. Những mái lều đơn sơ được dựng trên khoảng đất trống trước chùa đầy ắp tiếng cười, đùa vui vẻ của lũ trẻ chúng tôi ngày ấy giờ chỉ còn lại những tấm ảnh đen trắng đã ố vàng và đôi chỗ đã mờ hẳn đi.

Do có nhiều thành tích trong học tập và lao động, lớp 10D chúng tôi được tặng Danh hiệu Bùi Ngọc Dương, anh hùng các lực lượng vũ trang, được coi là La Văn Cầu trong kháng chiến chống Mỹ, là lớp đàn anh đi trước cùng với các anh hùng liệt sỹ Ngô Huy Hoàng, Đinh Ích Nhượng,… là học sinh trường tôi, còn báo Hà Nội Mới năm ấy đã có bài viết  biểu dương tập thể thầy trò lớp chúng tôi.

Ngày về trường sau 45 năm, nhìn thấy chúng tôi đứng chụp ảnh trong trường, một cô giáo trẻ lại gần hỏi thăm và nói với chúng tôi: “thấy các bác sau 45 năm vẫn về thăm trường làm chúng em rất cảm động và tự hào về nghề nghiệp của mình, tự hào về ngôi trường của mình”.

Trần Văn, cựu học sinh Trường Phổ thông cấp 3 Lý Thường Kiệt, Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Lớp Tôi...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO