Lưu giữ hồn dân tộc trong múa đương đại

Thanh Hoa| 13/04/2018 09:59

Những năm gần đây, ngôn ngữ múa đương đại thường được các biên đạo, nhất là các biên đạo trẻ lựa chọn làm phương tiện để biểu đạt, dàn dựng và sáng tạo tác phẩm múa. Lí do các biên đạo hiện nay thường xem trọng múa đương đại có thể do sự tự do, phóng khoáng trong cách sử dụng ngôn ngữ, kĩ thuật múa hoặc do ảnh hưởng của trào lưu xã hội; hay do nhu cầu thưởng thức của khán giả đương thời… Tuy nhiên, dù biên đạo sáng tạo vì lí do gì thì điều mà công chúng yêu múa cần đó là tác phẩm ấy đọng lại được gì, nó có

Không ở đâu xa…

Hẳn trong số nhiều nghệ sĩ múa của chúng ta đã từng được xem “Thiền” của biên đạo Trần Ly Ly… Ngôn ngữ chuyển động của múa với những kĩ thuật điêu luyện, những vận động hình thể tinh tế và phong cách biểu hiện khá thú vị, sâu sắc của 3 diễn viên trong tác phẩm “Thiền” đã cho chúng ta một cảm xúc gần gũi giữa cái tĩnh lặng, trầm tư của chốn Phật pháp với nội tâm lắng tụ, sinh động của con người trong cuộc sống thường nhật. Có lẽ, chính sự đồng điệu giữa “Đạo” và “Đời” đó đã đem tới cho tác phẩm “Thiền” một sự gần gũi, thân quen dễ cảm thụ. 

Lưu giữ hồn dân tộc trong múa đương đại
Một cảnh trong vở  múa đương đại “Sương sớm”- Ảnh: Sirius
Khi thưởng thức tác phẩm “Bến đợi” của biên đạo Cửu Dũng, nhiều khán giả cũng sẽ tìm thấy sự chân thực của hình ảnh người phụ nữ Việt Nam đương đại. Ngôn ngữ múa dân tộc Việt được sử dụng làm ngôn ngữ chủ đạo của tác phẩm, phối hợp với ngôn ngữ múa hiện đại một cách nhuần nhuyễn, thêm vào đó là sự bổ trợ của hiệu ứng công nghệ ánh sáng đã mang lại cho “Bến đợi” một cảm xúc mới lạ, thân thuộc về hình ảnh người phụ nữ đương đại dịu hiền, đôn hậu, biết sẻ chia nhưng không nhẫn nhục, cam chịu. 

Hay những ai đã từng thưởng thức vở múa “Sương sớm” của biên đạo Tấn Lộc cũng không khỏi xao động, lắng lòng trước hình ảnh người nông dân Nam Bộ, người nông dân Việt Nam thật dung dị và thuần khiết. 

Nét độc đáo, gần gũi của “Sương sớm” chính là việc thể hiện hình ảnh người nông dân Việt Nam cần cù chăm chỉ thông qua ngôn ngữ múa dân gian đương đại đặc sắc nhưng đậm chất truyền thống bằng những trang phục mộc mạc, giản dị cùng với các đạo cụ quen thuộc là  thúng đựng gạo, đôi quang gánh, chiếc nón lá, chiếc khung cửi, cây chổi rơm, đôi đũa, hạt gạo… Đó chính là những hình ảnh thân thuộc, là nét độc đáo của nền văn minh lúa nước đã gắn bó với cuộc sống của biết bao con người Việt Nam. “Sương sớm” dường như đã khơi gợi và làm sống dậy cảm xúc tiềm tàng trong tâm hồn người Việt. 

Ngôn ngữ múa của “Sương sớm” không mạnh mẽ, bạo liệt như chúng ta thường bắt gặp ở nhiều tác phẩm múa hiện đại, đương đại, mà là sự tổng hòa của kĩ thuật múa ballet cổ điển với ngôn ngữ múa dân tộc và những vận động hiện đại để làm phương thức biểu đạt nội dung cho tác phẩm. 

Đã có không ít luồng ý kiến của người trong nghề cho rằng không thể lấy cái danh “múa đương đại” để đặt tên cho “Sương sớm”… song có lẽ đây là vấn đề cần được bàn thảo, phân định ở một phạm vi khác. Còn theo cách nhìn nhận của một khán giả thông thường không am hiểu về nghệ thuật múa đương đại, vẫn cảm thấy được cái đẹp của dân tộc trong “Sương sớm”. 

Vậy nhưng để tìm một sự thân thuộc, gần gũi, để thấy một tâm hồn Việt, một cảm xúc đồng điệu về những con người đương đại trong “Mùa đom đóm” (Biên đạo: Đức Toàn, Thái Sơn, Chí Thành, Phi Long), trong “7x” (Biên đạo: Trần Ly Ly), hay trong “Những mảnh ghép của giấc mơ” (Biên đạo: Nguyễn Phúc Hùng, Nguyễn Phúc Hải), hoặc để tìm thấy một tiếng nói chung của người Việt trong tác phẩm múa “Một tập thể các cá nhân” (Biên đạo: Lê Vũ Long) thì dường như không phải khán giả Việt Nam nào cũng có thể cảm nhận được. 

Dẫn chứng ra một số tác phẩm múa ở đây không nhằm mục đích PR hay bàn luận, bình phẩm gì về chất lượng nghệ thuật của những sáng tạo của các biên đạo, mà chỉ muốn nhìn nhận chúng theo cảm quan của một khán giả bình thường để chúng ta thấy rằng hồn dân tộc trong múa đương đại có lẽ không ở đâu xa mà nó hiện thân ngay trong những hình ảnh, những nét văn hóa thân thuộc của cuộc sống con người Việt Nam. Thế nhưng, chuyện sáng tạo ra được những tác phẩm múa đương đại hay, neo đậu lâu bền trong tâm trí khán giả, phù hợp với tâm hồn, tính cách, phù hợp với cách cảm, cách nghĩ của người Việt cũng là những thách thức lớn đối với các biên đạo múa đương đại của Việt Nam.

Hiện hữu tính đương đại

Múa dân tộc muôn đời vẫn là hình thức múa được gắn liền với những sinh hoạt và các hoạt động sống của tộc người, của quốc gia, dân tộc. Với một đất nước có 54 dân tộc anh em cùng cộng cư, sinh sống như Việt Nam, thì múa dân tộc vẫn luôn là thứ ngôn ngữ được dùng để biểu đạt những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc của từng tộc người. Có thể nói, hàng năm, hàng ngày, hàng giờ trên khắp đất nước có biết bao nhiêu tác phẩm múa dân tộc do các biên đạo chuyên hoặc không chuyên được ra đời; biết bao nhiêu tác phẩm múa dân tộc được biểu diễn ở các cuộc thi, các cuộc hội diễn, liên hoan, hay ở các lễ hội, lễ kỉ niệm, hội họp, chào mừng… của các ngành, các nghề… Có lẽ chúng ta không thể đủ sức để thống kê chi tiết, nhưng có một điều hiện hữu, dễ nhận thấy ở các tác phẩm múa dân tộc hiện nay là tính đương đại hiện hữu như một thực trạng hiển nhiên. 

Lưu giữ hồn dân tộc trong múa đương đại
Tiết mục múa “Cút piêu cút tình” - Ảnh: Thanh Hoa
Một loạt tác phẩm múa dân tộc xuất hiện những năm gần đây, như: “Vòng quay thuyền thúng”, “Hương rơm”, “Bóng tròn” (Biên đạo: NSƯT Hữu Từ), “Quốc ấn tâm thư” (Biên đạo: NSƯT Hồng Phong); “Sắc màu bản Dao” (Biên đạo: NSƯT Thu Hà); “Hoa đất” (Biên đạo: NSƯT Hiền Trang); “Đêm hội khắc luống” (NSND: Minh Thông); “Mùa dâng” (Biên đạo: NSƯT Khánh Toàn); “Se sợi” (Biên đạo: Hoàng Loan); “Khèn núi” (Biên đạo: Trung Hưng); “Trầm tích” (Biên đạo: Minh Hiếu); “Hoa Núi” (Biên đạo: Thanh Tùng – Duy Hưng) “Nhảy lửa” (Biên đạo: Tải Đình Hà – Ma Thị Nết); “Lưng gùi cõng em” (Biên đạo: Hà Tứ Thiên)… Những tác phẩm này chủ yếu được biểu đạt bằng ngôn ngữ múa dân tộc, nhưng hầu hết đều ẩn chứa tính đương đại trong đó. Biểu hiện đầu tiên dễ nhận thấy về tính đương đại trong các tác phẩm trên là thiết kế mĩ thuật, đạo cụ, trang phục, âm nhạc… và hiệu ứng công nghệ ánh sáng góp phần tôn nét đẹp cho ngôn ngữ múa; kế đến là khâu dàn dựng, bố cục và tuyến chuyển động của tác phẩm cũng có những cách tư duy khác hẳn các tác phẩm múa xưa. Diễn viên thể hiện tác phẩm cũng là tác nhân truyền tải tính đương đại trong những sáng tác múa dân tộc bởi chính họ – những con người hiện đang sống trong thực tại cuộc sống đương đại dù ít hay nhiều cũng đã mang những tâm tư, tình cảm và những biểu cảm của mình vào tác phẩm múa. Yếu tố diễn viên dường như là tác nhân chính mang tính đương đại vào cả những tác phẩm của các biên đạo sáng tạo trước kia như “Ka tu”, “Mùa Ban nở”, “Mùa xuân trên bản H’Mông” dù muốn hay không vẫn thể hiện tính đương đại khi được các diễn viên múa ngày nay biểu diễn. 

Trong Cuộc thi Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015 xuất hiện hàng loạt tác phẩm mới của biên đạo Văn Hiền như “Pa xưm”, “Dòng đàn Pa zí”, “Sắc ngọt dao Nùng”, “Vọng bản”,… đều là những tác phẩm phản ánh hình ảnh các tộc người (Tày, Nùng, H’Mông, Dao,…) rất rõ ràng. Nhưng nếu chú ý, chúng ta sẽ nhận thấy ngôn ngữ mà biên đạo sử dụng để biểu đạt các tác phẩm này chủ yếu là ngôn ngữ múa hiện đại, đương đại song lại đem đến cho người xem một cảm xúc gần gũi, mới mẻ mà không xa lạ với văn hóa của các dân tộc được biểu hiện. Có lẽ, đây là một tư duy sáng tạo khá mới mẻ, táo bạo phù hợp với xu hướng hội nhập và toàn cầu hóa của đất nước.

Tuy nhiên, dù sáng tạo theo lối cách hay tư duy nào thì tính đương đại tồn tại trong các tác phẩm múa dân tộc không phải là yếu tố gây quan ngại cho các biên đạo múa hoặc làm phương hại đến chất lương nghệ thuật của tác phẩm, mà ngược lại nó là yếu tố góp phần tôn vinh và đưa múa dân tộc đến gần hơn với thẩm mĩ và nhu cầu thưởng thức của công chúng đương đại. 
Khác với văn chương hay nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu, tính đương đại thường dễ nhận biết hơn qua ngôn ngữ, văn phong hoặc lời thoại, lời hát thì với đặc thù riêng của nghệ thuật múa, tính đương đại chủ yếu lại được nhận biết bằng cảm quan của người thưởng thức. Mà cảm xúc là thứ thật khó phân định và định hình, bởi thế nó không có một chuẩn mực, một ranh giới hay một thước đo nhất định nào. 

Như vậy, để phân định rạch ròi thế nào là hồn dân tộc, thế nào là tính dân tộc trong múa có lẽ cũng tùy thuộc vào cách suy nghĩ và nhìn nhận của mỗi người thưởng thức. Song phải làm sao để tìm được một cảm xúc bao quát và đồng điệu nhất của công chúng thưởng thức múa; làm sao để các tác phẩm múa đương đại vẫn chất chứa, lưu giữ được hồn dân tộc; hoặc các tác phẩm múa dân tộc dù mang tính đương đại vẫn không mất đi bản chất, cốt túy của quốc gia, dân tộc vẫn là điều mà khán giả đương đại mong muốn và là điều mà các biên đạo múa đương đại cần phải tìm tòi, phát huy trong quá trình sáng tác. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Lưu giữ hồn dân tộc trong múa đương đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO