Lưu Trọng Lư: Vài ghi nhận về thi pháp

Vũ Quần Phương| 13/08/2019 10:24

Lưu Trọng Lư thuộc lớp thi sĩ khai sinh phong trào Thơ mới. Nếu coi bài thơ mới đầu tiên “trình chánh giữa làng thơ” là Tình già của Phan Khôi (báo Phụ nữ tân văn, 10/3/1932, thì hai bài tiếp theo chính là của Lưu Trọng Lư (Trên đường đời và Vắng khách thơ).

Lưu Trọng Lư: Vài ghi nhận về thi pháp

Thuộc lớp người mở đầu Thơ mới, nhưng khi Thơ mới thành công thì ông lại không còn mới.

Lưu Trọng Lư thuộc lớp thi sĩ khai sinh phong trào Thơ mới. Nếu coi bài thơ mới đầu tiên “trình chánh giữa làng thơ” là Tình già của Phan Khôi (báo Phụ nữ tân văn, 10/3/1932, thì hai bài tiếp theo chính là của Lưu Trọng Lư (Trên đường đời và Vắng khách thơ. Lưu Trọng Lư đề cao, bênh vực sự đổi mới thơ, coi đó là một nhu cầu không cưỡng được của thời đại. Ông viết: “Các cụ cũng chẳng nên bắt ta sống theo các cụ, yêu ghét theo các cụ (…) Các cụ thích màu đỏ choét, ta lại ưa màu xanh nhạt. Nhìn một cô gái xinh xắn ngây thơ các cụ coi như đã là một điều tội lỗi, ta thì coi đó là mát mẻ như đứng trước một cánh đồng xanh ngắt, cái ái tình của các cụ thì chỉ là sự hôn nhân, nhưng đối với ta thì trăm hình muôn trạng”. Ông công kích thơ cũ đối câu đối chữ bóp chết vẻ hồn nhiên của cảm xúc: con chó đi ra, thì phải con mèo đi vô dù lúc đó không có con mèo nào cả. Ông chủ trương cảm nghĩ bao la hơn thì cần tìm một thể thức rộng rãi hơn để diễn đạt. Ông nói và ông làm. Sự thành công của thơ ông là một minh chứng thuyết phục cho lí thuyết của ông. Câu thơ Lưu Trọng Lư không chịu câu thúc của các vật cũ, mà ngay cả luật gieo vần mới như trong thơ Thế Lữ ông cũng ít theo. Ông để cảm xúc tự gọi về âm điệu. Âm điệu rất hồn nhiên, đôi khi rất tinh diệu, tạo nên một sức lôi cuốn rất khó giải thích, như trường hợp bài Tiếng thu.

Đấy là điều chúng ta cần ghi nhận dù Tiếng thu có ảnh hưởng từ nguồn thi liệu nào đấy thì những sáng tạo này vẫn là đặc hiệu của Lưu Trọng Lư. Và cũng cần ghi nhận: Lưu Trọng Lư mới rất nhiều ở hình thức câu thơ, đặc biệt ở âm điệu, và chỉ mới vừa phải trong cảm xúc. Ấy là sự chân thành, dám bộc lộ mình, bộc lộ cái tôi. Còn về nội dung tình cảm, nhất là về tư tưởng, Lưu Trọng Lư lại ít thay đổi. Ông không mang được vào thơ những triết lí sống mới mẻ, những cách nhìn nhận và hành xử trước cuộc đời mạnh dạn của thế hệ mới như trong thơ Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận... Hình ảnh, chất liệu trong thơ Lưu Trọng Lư vẫn còn là những chinh phu, chinh phụ, chàng thì cưỡi ngựa và nàng thì quay tơ, rồi gió sậy, dặm trăng, hành trang thi sĩ là: “Quẩy theo với rượu một vầng giai nhân”... Đó là cảnh xưa trong cõi mộng chứ không phải là cảnh thực của cõi đời hiện đại. Do vậy cái tôi của Lưu Trọng Lư lại khá gần với một cái ta lãng tử của người xưa, tồn tại trong luân lí gia phong theo nếp cũ.

Phải chăng vì vậy mà Lưu Trọng Lư là người tiên phong của Thơ mới nhưng thơ Lưu Trọng Lư lại không gây được sống động trong thanh niên thành thị hồi đó như thơ Xuân Diệu... Khi Lưu Trọng Lư mơ màng: "Ước gì ta có ngựa say/ Con sông bên ấy bên này của ta" thì Xuân Diệu bừng bừng “Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi”. Cùng là dòng Thơ mới nhưng đã có khoảng cách: bên đạm, bên nồng. Hơn thế, theo sau nó là cả một quan niệm sống, một thái độ sống. Ngay Nguyễn Nhược Pháp, cùng lứa xuất hiện với Lưu Trọng Lư và cũng viết về Ngày xưa nhưng hóm hỉnh và do vậy, hiện đại hơn: "Nhưng có một nàng mà hai rể/ Vua cho rằng thế cũng hơi nhiều" (Sơn Tinh - Thủy Tinh). Cũng hơi nhiều là nét mỉm cười của người thời nay đối với sự nghĩ ngợi quá nghiêm trang của Hùng Vương trong việc gả bán Mị Nương ("Vua nghĩ lâu hơn bàn việc nước")

Lưu Trọng Lư đã mở đầu cho phong trào Thơ mới nhưng khi Thơ mới thắng lợi thì ông lại không còn mới nữa. Sự đổi mới của một trào lưu nghệ thuật có thể bắt đầu từ những cách tân thuần túy nghệ thuật, nhưng chỗ đến của nó phải là sự thay đổi một lối sống, bao gồm cả hành động lẫn tâm tư của cả một thời đại. Đóng góp của Lưu Trọng Lư cho Thơ mới là lớn lao nhưng chủ yếu thuộc về giai đoạn đầu.

Tạng tâm hồn thổn thức trong Tiếng thu hồi sinh với đề tài sông Tuyến tạo nên bước phát triển đích thực của thơ Lưu Trọng Lư.

Cách mạng tháng Tám thành công, Lưu Trọng Lư nhanh chóng trở thành một cán bộ tuyên truyền Việt Minh. Nhà thơ của tình trong cõi mộng và sầu trong cõi nhớ tự vận động để thành nhà thơ hiện thực cách mạng. Cái người làm thơ như có ma lực trong âm điệu, trong khêu gợi hư ảo, rất mực tiêu tao trong bài thơ tinh tế vào bậc nhất của nền thơ Việt Nam: Tiếng thu.

Em không nghe mùa thu 
Dưới trăng mờ thổn thức?

Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?

Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?

đã xuất hiện trở lại với những bài thơ hoàn toàn khác. 

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, thành tựu thơ chưa thuộc về những thi sĩ của phong trào Thơ mới mà thuộc về một thế hệ sau đó, họ mới hơn trong việc tìm cái nên thơ của đời thực: Nguyễn Đình Thi, Quang Dũng, Chính Hữu, Hoàng Cầm... Còn Lưu Trọng Lư và các thi nhân Việt Nam cùng lứa với ông thì đang nhận đường, tìm đường. Gian lao chật vật lắm. Làm sao hòa được với đời nhưng lại phải trở về với mình. Lưu Trọng Lư ở bài Ông cụ hồ lô đang cố vươn ra với đời nhưng lại lạc mất mình. Đọc thơ thấy xe hồ lô xịch xục mà không thấy tác giả Tiếng thu đâu. Xuân Diệu, Tế Hanh, Chế Lan Viên… cũng rơi vào tình thế tương tự. Phải đến những năm 59, 60 các thi sĩ lãng mạn của Thơ mới mới tìm lại được mình. Xuân Diệu với Riêng chung, Chế Lan Viên: Ánh sáng và phù sa, Huy Cận: Trời mỗi ngày lại sáng. Tế Hanh: Gửi miền Bắc.

Với Lưu Trọng Lư, đó là tập Tỏa sáng đôi bờ, chính xác hơn là phần Tỏa sáng đôi bờ của tập thơ đó. Đây là phần thơ đấu tranh thống nhất đất nước, viết quanh đề tài sông tuyến Hiền Lương và nỗi nhớ quê Nam, đất Huế. Cái giọng thổn thức vốn có của tác giả Tiếng thu hoàn toàn phù hợp với cảm xúc Lưu Trọng Lư ở bối cảnh này… Đứng ở bờ Bắc nhìn vọng sang bờ Nam, nhìn về kí ức của chính mình. Đất đai nhưng cũng là máu thịt tuổi trẻ của chính mình:

Đâu là cửa Thuận An
Đâu là chùa Túy Vân
Đâu là Huế nghìn thương
Đâu là Hải Vân Quan

Ở đây ta lại gặp một thứ tình trong cõi mộng, sầu trong cõi nhớ đặc hiệu Lưu Trọng Lư. Hiện thực của đề tài đã cộng hưởng được với tạng cảm xúc quen thuộc của ông. Điệu tâm hồn vốn vùi sâu trong nơi sâu thẳm của mỗi lòng người của mỗi hồn thơ. Nó là tính tình của mỗi cá thể,  là phẩm cách của mỗi tác giả. Lưu Trọng Lư có thể đã thay đổi nhiều nội dung vui buồn của thơ ông, nhưng dạng thức vui buồn, kiểu vui buồn của ông thì ít đổi thay. Nhờ vậy mà người đọc nhận ra ông. Ông đứng trên đất của sông  tuyến mà lòng lạc vào coi ảo, lạc vào dĩ vãng nhớ thương mê đắm:

Đêm đã tàn hơn một nửa
Thân còn đứng nơi đây
Sương thấm cả áo ngoài
Sương ướt cả hai vai
Mà tay sờ không thấy ướt...

Có thể nói ở mảng đề tài này, với những kỉ niệm, những từng trải riêng tư của đời ông, Lưu Trọng Lư đã phát huy được những phẩm chất vốn có, tiềm ẩn trong hồn thơ mình.

Ông viết như dễ dàng hơn, hồn nhiên như thời xưa, để hồn tràn lên trang giấy. Từ thành công của chặng thơ này, chúng ta hiểu được nguyên nhân thất bại của chặng trước kia. Cách tân gì cũng không được phép làm mất đi cái vị riêng cao quý của mỗi hồn thi sĩ. Người thơ cũng phải biết tự bảo vệ vị riêng ấy. Phát triển, mở rộng, làm phong phú hồn mình chứ không làm mất nó. Mất nó là thất bại. Bạn đọc và cả những nhà quản lý văn chương đừng sốt ruột.

Thi pháp Lưu Trọng Lư là một thi pháp khá độc đáo. Ông đi riêng một lối trong cả nền thơ: luôn luôn hướng vào nội tâm, lơ đãng với ngoại giới. Ông “bất lợi” trong việc phản ánh hiện thực. Nhưng khi hiện thực đã ngấm vào ông, thành tâm trạng ông thì ông lại tạo được chất thơ đích thực có sức sống với thời gian. Khảo sát thành tựu của thơ ông giúp điều chỉnh lại một tiêu chí đánh giá thơ mà chúng ta hay vận dụng, ấy là tiêu chí phản ánh đời sống. Đời sống không chỉ là vụ việc, đối với thơ càng không là vụ việc, mà là dấu ấn của vụ việc in lên trái tim con người, là tâm trạng với tất cả những đặc thù riêng tư của mỗi cá thể thi sĩ.
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Lưu Trọng Lư: Vài ghi nhận về thi pháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO