Mãi giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc

22/08/2019 10:48

Khát vọng và niềm tin về độc lập, tự do cho đất nước đã trở thành lời thề thiêng liêng của cả dân tộc khi tiễn Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa 50 năm về trước. Trước anh linh của Người, chúng ta có quyền tự hào đã hoàn thành xuất sắc lời thề ấy do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đọc tại Lễ truy điệu trọng thể Hồ Chủ tịch ngày 9-9-1969: “Giương cao mãi mãi ngọn cờ độc lập dân tộc, quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước để

Mãi giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là kim chỉ nam để toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Ảnh: Bá Hoạt

1. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”[1] và Người đã dành cả cuộc đời mình, phấn đấu để đạt được khát vọng đó. Xuyên suốt và nhất quán trong tư tưởng của Người, độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân và một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất được thể hiện rõ trong mọi thời điểm, trên mọi diễn đàn và trong hoạt động thực tiễn. Người đã sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, sáng lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; đồng thời khẳng định: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” trong bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945.

Tuy nhiên, trước dã tâm xâm lược của thực dân Pháp và trước nguy cơ mất nước một lần nữa, toàn thể nhân dân Việt Nam đã hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tinh thần và quyết tâm “thà hy sinh tất cả, nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Tinh thần đó, ý chí đó của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết thúc thắng lợi bằng Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Ngày 21-7-1954, Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự và lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết. Theo hiệp định này, vĩ tuyến 17 là ranh giới quân sự tạm thời và đất nước ta bị chia cắt thành hai miền...

Thực dân Pháp đã thất bại, nhưng tinh thần và nội dung của Hiệp định Giơnevơ bị đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai ngang nhiên phá bỏ. Không những ngày càng mở rộng quy mô cuộc chiến tranh, tăng cường xây dựng chế độ ngụy quyền Sài Gòn và tăng cường đội quân của các nước chư hầu vào tham chiến, đế quốc Mỹ thực hiện các chiến lược: Chiến tranh đơn phương, chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ và Việt Nam hóa chiến tranh, hòng biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, làm bàn đạp tấn công miền Bắc xã hội chủ nghĩa, làm “tiền đồn” chống phong trào Cộng sản ở Đông Nam châu Á...

Nhằm tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn cứ vào tình hình quốc tế, trong nước, so sánh thế và lực giữa ta và địch, nắm vững phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, để giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội, tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng: Cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, hoàn thành độc lập, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Không áp lực nào ngăn cản được sự thật, ngăn cản được tinh thần và ý chí của nhân dân hai miền Nam - Bắc đấu tranh cho hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất nước nhà đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Chống Mỹ cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng nhất”. Tinh thần, quyết tâm của quân dân cả nước về nhiệm vụ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước được thể hiện rõ trong từng quyết sách của Trung ương Đảng, trong nghị quyết của Quốc hội, đặc biệt trong bản Di chúc lịch sử Người để lại.

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và niềm tin tất thắng về cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân ta được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đến nhiều lần, cháy bỏng hơn bao giờ hết trong Di chúc: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể sẽ kéo dài mấy năm nữa. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn”; “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi.

Đế quốc Mỹ nhất định phải rút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”; “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”; “Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ và góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc”[2]… Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh không dài; nội dung Người viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cũng không nhiều, song chữ “nhất định” được lặp lại trong từng câu, thể hiện khát vọng cháy bỏng và niềm tin tưởng tuyệt đối của Người vào thắng lợi của nhân dân ta.

2. Thực hiện di huấn thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước từng bước giành được thắng lợi quan trọng trên các chiến trường. Giữa tháng 6-1972, chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Tổng thống Mỹ Richard Nixon đứng trước nguy cơ phá sản. Trong bối cảnh đó, Mỹ đưa máy bay B.52 đánh phá Hà Nội, Hải Phòng nhằm “phá hủy khả năng của Bắc Việt Nam ủng hộ các lực lượng ở Nam Việt Nam”. Tuy nhiên, chiến thắng của trận “Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm cuối năm 1972 của quân dân Hà Nội đã buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris ngày 27-1-1973 về “chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”.

“Mỹ đã cút”, nhưng để thực hiện trọn vẹn lời hứa “đánh cho ngụy nhào”, đồng bào và chiến sĩ cả nước đã không ngừng tiến lên, kiên trì thực hiện hoài bão của Người. Vẫn có Bác bên cạnh soi đường, dẫn lối, nâng bước chúng ta đi; có nguồn sức mạnh nội lực của khát vọng hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước, giữ nước oai hùng của dân tộc cổ vũ, động viên, Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế - Đà Nẵng và cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài 21 năm của nhân dân ta. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 đã giành thắng lợi hoàn toàn, cả nước đã thống nhất, non sông liền một dải, làm thỏa lòng mong ước của Người. Tâm nguyện của Người trong Di chúc và khát vọng của toàn dân tộc đã trở thành hiện thực. Ở nơi xa, chắc Người đã yên lòng.

Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả dân tộc Việt Nam đoàn kết một lòng, phát huy những bài học kinh nghiệm trong chiến tranh để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Càng gian nan, thử thách, ý chí và niềm tin Người dặn lại trong Di chúc: “Còn non, còn nước, còn người/Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!” càng nhân nguồn sức mạnh của cả dân tộc trên hành trình hướng đến tương lai tươi sáng!

----------------------------------------------------------------------------------------------------------
[1] Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, t.1, tr. 94.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.15, tr.611-623.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Mãi giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO