Mang kiến thức pháp luật đến với những cụ già, em nhỏ khuyết tật

phapluat&xahoi| 06/04/2019 22:49

Tháng ba- tháng Thanh niên, hòa trong sắc nắng vàng, hòa trong những mùa hoa đang đua nhau khoe sắc là màu áo xanh tình nguyện của đoàn viên thanh niên với hình ảnh lá cờ Tổ quốc bên ngực trái. Trên mọi nẻo đường Tổ quốc yêu thương, nơi đâu cũng thấp thoáng màu áo xanh tình nguyện trong các hoạt động thiện nguyện, các hoạt động xung kích góp phần xây dựng quê hương…

Hòa trong không khí sôi nổi nhiệt huyết của những ngày tháng ba, đoàn viên, thanh niên cả nước, đoàn viên chi đoàn Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội đã chung tay mang yêu thương đến với 350 cụ già, em nhỏ khuyết tật đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ khuyết tật Thụy An (huyện Ba Vì, Hà Nội).

Cũng trong chuyến đi này, những kiến thức pháp lý cần thiết, liên quan trực tiếp, thiết thực đến cuộc sống của các cụ, các em cũng đã được đoàn viên chi đoàn Trung tâm truyền tải.

Những món quà gửi gắm yêu thương…

Trước chuyến đi ít ngày, những thông tin về các cụ già, các em nhỏ đang được nuôi dưỡng ở Trung tâm đã được Ban chấp hành chi đoàn Trung tâm tìm hiểu. 350 người đang được nuôi dưỡng ở Trung tâm có 170 người già, trong đó có hơn 50 người già khuyết tật nặng tàn tật, không tự phục vụ được các sinh hoạt cá nhân tối thiểu. 180 trẻ từ độ tuổi 3 – dưới 16 tuổi. Trong đó một số trẻ khuyết tật nặng, sống đời sống thần kinh thực vật và nhiều trẻ sơ sinh từ 0-2 tuổi có thể trạng yếu.

Biết được hoàn cảnh của các các cụ, các em, các phần quà được gửi đến mọi người đều được lựa chọn cẩn thận. Đó là những vật dụng, nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ các sinh hoạt hàng ngày như quần áo, đồ chơi, bánh kẹo, sữa, mỳ tôm…

“Các cháu đa số là trẻ tàn tật, nên từng cái kẹo, gói bánh đều được đoàn viên chi đoàn chọn lựa cẩn thận, làm sao không chỉ đem đến niềm vui mà còn phải đảm bảo an toàn, hạn chế tối đa những nguy hiểm có thể không may xảy đến với các cháu như hóc, nghẹn... Từng cái bánh, cái kẹo được chọn bởi thế đều là những loại nhỏ, mềm, dễ bóc, dễ nhai, dễ nuốt, dễ tiêu”…, chị Nguyễn Thị Kim Dung – Trưởng phòng Pháp luật hành chính hình sự, Trung tâm TGPL Nhà nước, một thành viên trong đoàn chia sẻ.

2 giờ chiều ngày chủ nhật cuối cùng của tháng ba, Hội trường Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ khuyết tật Thụy An lúc này đã đông đủ các cụ già, các em nhỏ. Người khỏe hơn dìu người yếu hơn, người lớn hơn dìu người bé hơn… Các cụ, các em đón Đoàn thiện nguyện bằng những nụ cười, những ánh mắt tin tưởng, đợi trông. Đoàn đáp lại bằng những lời hỏi han ân cần, những nụ cười, ánh mắt ấm áp, yêu thương, sẻ chia. Những nụ cười mang những con người đến gần nhau hơn…

mang kien thuc phap luat den voi nhung cu gia em nho khuyet tat
Những phần quà gửi gắm bao yêu thương mong chia sẻ một phần những khó khăn, vất vả của những cảnh đời không may mắn...

Cho đi là còn mãi…

Báo cáo viên là chị Phạm Thị Thu Trang, Chi ủy viên, Trưởng Chi nhánh TGPL số 2 của Trung tâm. Vẫn là công việc mà thường ngày chị vẫn làm – tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nhưng hôm nay giọng nói của chị dường như chậm hơn một nhịp so với mọi ngày. Các cụ, các em vào Trung tâm chủ yếu là người khuyết tật nặng, sức khỏe yếu nên báo cáo viên lựa chọn những quy định thiết thực, liên quan trực tiếp nhất để truyền đạt. Đó là các chế độ, chính sách của Nhà nước và của TP Hà Nội dành cho người khuyết tật. “Nhà nước quy định mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng đối với người khuyết tật là 270 nghìn đồng/người. Riêng Hà Nội, mức trợ cấp là 350 nghìn đồng/ người, cao hơn 80 nghìn đồng so với mức chung của cả nước…”, báo cáo viên nói, giọng nói chậm, to, rõ ràng. Các dạng khuyết tật, mức độ khuyết tật cũng được báo cáo viên tập trung truyền đạt để từng người hiểu được chế độ của mình.

Chăm chú lắng nghe những truyền đạt của báo cáo viên, em Nguyễn Thị Giang chia sẻ “bọn em ở đây cũng được đón nhiều đoàn về thăm và tặng quà nhưng được giảng, tư vấn về các kiến thức pháp luật, các chế độ, chính sách cho người khuyết tật như bọn em thì đây là lần đầu”. Giang nói thêm, trong các điều báo cáo viên chia sẻ thì có 2 điều là em đã được biết. Các kiến thức còn lại đây là lần đầu tiên em được nghe.

Thông tin thêm về nội dung này, ông Phùng Công Lợi – Phó GĐ Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ khuyết tật Thụy An cho biết, trước đây cũng có tư vấn viên của các đoàn thiện nguyện về tiếp xúc với người khuyết tật được nuôi dưỡng ở Trung tâm. Các tư vấn viên hỏi xem mỗi người có thắc mắc, vướng mắc về chế độ, chính sách hay quy định pháp luật không và trực tiếp giải đáp, hướng dẫn. Còn tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật tập trung như Chi đoàn Trung tâm TGPL Nhà nước TP Hà Nội tổ chức hôm nay là lần đầu. “Kiến thức báo cáo viên tập trung phổ biến đều tập trung và quyền lợi của người khuyết tật. Điều này rất thiết thực. Bởi trên cơ sở những kiến thức báo cáo viên đã thông tin, người khuyết tật có thể đối chiếu với các chế độ chính sách đã được hưởng ở Trung tâm để xem mình đã được hưởng đúng, hưởng đủ hay chưa”, ông Lợi nhấn mạnh.

Sau khi thông tin chia sẻ các kiến thức pháp luật, 350 phần quà đã được đoàn viên chi đoàn Trung tâm TGPL Nhà nước TP Hà Nội gửi đến các cụ già, các em nhỏ đang được nuôi dưỡng ở đây. Điểm đặc biệt trong hoạt động thiện nguyện của chi đoàn Trung tâm TGPL Nhà nước TP ngoài sự tham gia nhiệt tình, tích cực, có trách nhiệm của các đoàn viên chi đoàn thì còn thu hút đông đảo con em của cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên chi đoàn.

“Trợ giúp pháp lý kết hợp với hoạt động thiện nguyện từ nhiều năm qua đã trở thành hoạt động thường niên của chi đoàn Trung tâm TGPL Nhà nước TP Hà Nội với mong muốn được truyền tải các quy định phát luật cho những người già, trẻ khuyết tật để họ biết được quyền lợi của mình.

Ngoài mong muốn chia sẻ kiến thức pháp lý, sự động viên, chia sẻ về mặt vật chất và tinh thần với những mảnh đời kém may mắn, thì chi đoàn cũng mong muốn lan tỏa tình yêu thương, sự gắn kết đến thế hệ con em. Các bé lớn nhiều năm đã tham gia cùng chi đoàn thì đã bắt đầu hiểu chuyện. Những em bé hơn thì cũng đã lây dần không khí ấm áp, rộn ràng, tràn ngập yêu thương từ những hoạt động như thế này. Cảm xúc từ những việc làm hôm nay, từ những gì được chứng kiến, được chia sẻ sẽ giúp các con – những mầm non của đất nước nuôi dưỡng, khơi mở lòng yêu thương, biết trân trọng những gì đang có, hiểu được giá trị của lòng yêu thương, biết sống sẻ chia và sống có trách nhiệm hơn”, Bí thư chi đoàn TGPL Nhà nước TP Hà Nội Nguyễn Thị Thanh Xuân nói.

“Sống là cho không chỉ nhận riêng mình” – đó là dòng chia sẻ của đoàn viên Nguyễn Tất Doanh, thành viên trong đoàn. Và cho đi cũng là còn mãi…

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
  • Bảo tàng Binh chủng Thông tin (quận Ba Đình)
    Bảo tàng Binh chủng Thông tin thuộc loại hình bảo tàng lịch sử chuyên ngành quân sự, là thể chế văn hoá, có chức năng bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử Binh chủng Thông tin liên lạc nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hoá của cán bộ, chiến sĩ trong Binh chủng và nhân dân, bạn bè quốc tế.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Mang kiến thức pháp luật đến với những cụ già, em nhỏ khuyết tật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO