Mẹ và bóng đá

Nguyễn Thị Bích Nhàn| 23/07/2018 14:15

Con gái chơi bóng đá, chuyện chẳng lạ như mặt trời mọc ở đằng Tây. Nhưng với mẹ thì đó là chuyện hổng giống ai. Mẹ la, con gái không đòi mua kẹp mua nơ mà cứ suốt ngày banh với bóng.

Đòi là đòi trái bóng đá nhưng nhà nghèo, bóng da là chuyện trong mơ, mẹ sẽ ra chợ ôm về trái bóng nhựa lằn xanh lằn đỏ để hôm sau thấy nó bịch bụng rồi “càm ràm”, tụi bây đá banh sắt banh thép chứ banh nào chịu thấu. Chân con gái rượu mà mẹ làm như cái dùi dắt hông bằng, mẹ thử mua banh da về coi có thủng được hem? Nói là nói “dụ” dù biết mẹ trước sau vẫn là “bức tường thép”, đừng hòng dùng chiêu “khích tướng”.

Vô dụng thôi! Phải thay đổi chiến thuật chứ đá banh nhựa chán òm. Đúng chán luôn! Đụng tới là mềm èo như ruột xe dậm phải đinh. Đá bóng mà hổng dám lấy hết sức để sút, mới đá nửa vời nó đã ăn vạ rồi. Để đối trị với mấy trái banh nhựa ho lao, tôi nghĩ ra cách lấy rơm nhét đầy bụng rồi dùng nhợ quấn nhiều vòng bên ngoài, vậy là tàm tạm, tuy hơi nặng nhưng khỏi sợ sự cố mới nửa hiệp phải tạm dừng trận đấu. 

Mẹ và bóng đá
Minh họa của Hà Trí Dũng

Nãy giờ tôi đang kể chuyện của tuổi thơ tôi, chuyện của những năm 80 của thế kỷ trước ở một xóm nghèo của miền Trung. Hồi đó lịch chính thức của tôi là buổi học buổi chăn bò, thi hành nhiệm vụ nhưng không từ bỏ đam mê, vậy là tay cầm roi, tay ôm trái banh nhựa đã nhét đầy rơm hí hửng đi theo mấy cái đuôi bò. Dù lùa bò ra đồng hay qua sông lũ tôi đều có sân bóng. Bò gặm cỏ còn tụi tôi thì náo nhiệt với trái bóng nhựa nhét rơm. Kết quả những ngày chăn bò đá bóng là lên cấp ba tôi đen nhẻm nhèm nhem, đen gần bằng một cầu thủ của Nam Mỹ.
Nói về bóng đá, tôi có một bảng thành tích mà mấy nàng cùng lớp đều “ớn”. Tất cả những năm học phổ thông đều có chân trong đội tuyển bóng đá nữ của trường. Hồi còn nhỏ, mỗi lần kêu ba mẹ đến trường cổ vũ con gái đá bóng thì ba cười hề hề bảo, nhà mình có cầu thủ ngoại hạng. Ba chỉ nói vui mà tôi sướng rơn. 
Ba nói vậy vì ông cũng là một fan của bóng đá. Còn mẹ? Mẹ tôi là điển hình mẫu mực nhất của người chúa ghét bóng đá. Mỗi một trái bóng mà hai chục thằng thi nhau giành. Nếu ba và tôi cùng xem bóng đá, cùng la hét thì bà sẽ lèm bèm, người ta đá vô lưới rồi cha con ông được cái gì mà la ó rần rần dữ. Đấy là mẹ nể ba quá nên để hai cha con xem World Cup, chứ một mình mẹ, nếu lỡ mở ti vi ra, dù đó có là trận chung kết bốn năm một lần mà cả thế giới đang nghẹt thở dõi theo thì mẹ cũng đưa tay tắt cái rụp. Tắt không thương tiếc.
Hai cha con rủ cách nào mẹ cũng không chịu coi. Những đêm ba và tôi nửa đêm bật dậy xem ngày hội sôi động và cuồng nhiệt bậc nhất hành tinh thì mẹ vẫn tỉnh bơ ngủ, những lúc cao trào tôi với ba có to tiếng (vì cá độ hít đất) thì mẹ trở mình bảo, nói nhỏ chút. 
Luôn luôn như vậy. Cứ đến mùa World Cup là cha con tôi không bỏ sót một trận nào từ vòng loại đến trận chung kết. Vừa coi vừa “bình loạn” tùm lum. Mẹ thấy cảnh đấy thì lắc đầu cám cảnh. Biểu cảm của mẹ là cảm giác “thiệt không sao hiểu nổi”. Sao mẹ không ủng hộ bóng đá nhỉ? Này nhé, mẹ cần chất lãng mạn cao cả, đúng không? Xin thưa, bóng đá có ngay điều ấy. Mẹ muốn thấy sự tính toán thực tế, chiến lược chiến thuật.

Vâng! Bóng đá là nơi thể hiện rõ ràng nhất. Còn nếu mẹ thích sự gay cấn, hồi hộp đến nghẹt thở với những cung bậc cảm xúc vui mừng, lo âu rượt đuổi nhau thì bóng đá cũng có đầy đủ. Túm lại, tốt và xấu, khôn ngoan quỷ quyệt, bình tĩnh, xuất thần, tự ti, mềm mỏng, cứng rắn, đột phá…  tất tật đều có trong bóng đá. Xem một trận bóng, mẹ sẽ nhìn thấy bức tranh cuộc sống ở đó. Mẹ thấy tôi vòng vo bênh vực bóng đá thì hét: 
- Cha con nhà mầy rảnh quá mà!
-  Cả thế giới đang dõi theo một trái bóng mà mẹ cứ… Mẹ hình dung thế này nhé, khi tiếng còi khai cuộc vang lên thì quả bóng vô tri vô giác kia sẽ khuấy động triệu triệu con tim trên khắp tinh cầu. Như vậy mà không coi thì mất nửa cuộc đời. 
- Nếu coi bóng đá mà no, mà ra thịt ra cá thì tao cũng ráng thức đêm thức hôm để coi.

 Vì lí lẽ bóng đá không giúp mẹ có cơm nên kết quả là sau những trận đấu của World Cup, sáng nào cha con ngủ dậy cũng thấy đồ ăn sáng bày sẵn trên bàn, còn mẹ thì thúng, nón ra đồng từ sáng sớm rồi. Có hôm bác Sáu cầm qua cân thịt bò, bác bảo nhà có con nghé bị què chân nên thịt bán, mẹ ra đồng thấy thì dặn đem sang một cân để bồi dưỡng cha con thức đêm coi bóng đá. Ồ, ngạc nhiên chưa! Hai cha con cười hi hi, cười xong nghĩ thương mẹ gớm.... 
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Mẹ và bóng đá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO