Miệt mài giữ lửa làng nghề

Đăng Mạnh/Huyền Trang/NSHN| 21/02/2019 07:22

Đất Bình Lăng (xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội), với những con người có biệt tài “vẽ tranh bằng chỉ”. Nghệ nhân Nguyễn Xuân Dục - một trong những người kế nhiệm xuất sắc nghề tổ, đã có hơn 50 năm say mê với đường kim mũi chỉ vẫn đang miệt mài giữ và truyền ngọn lửa đam mê ấy tới những thế hệ tiếp theo.

Độc đáo tranh thêu tay 

Lớn lên trong một gia đình có 4 đời làm nghề thêu, năm 9 tuổi được cha dạy cho những mũi thêu đầu tiên, nay đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nghệ nhân Nguyễn Xuân Dục vẫn nặng lòng với dòng tranh truyền thống tiên tổ. 
Miệt mài giữ lửa làng nghề
Nghệ nhân Nguyễn Xuân Dục.

Năm 2014, tranh thêu tay của nghệ nhân Nguyễn Xuân Dục lọt vào Dự án 1.1.0.2 do Quỹ Văn hóa Hà Nội và Công ty cổ phần Tiếp thị Làn sóng mới tổ chức. Không phải ngẫu nhiên mà các sản phẩm của ông lọt vào mắt xanh của hệ thống tiếp thị “độc nhất vô nhị” này.

Tranh thêu tay ở cơ sở của ông Dục là tập hợp của nhiều lớp chỉ chồng chéo lên nhau với đặc thù hình khối hội họa tiêu biểu. Một bức tranh thông thường gồm 3 lớp chính: Lớp nền, lớp đi nét cơ bản, lớp kỹ thuật. Mỗi lớp chỉ do một nhóm thợ khác nhau đảm nhiệm. 

Học viên mới thường được giao làm nhiệm vụ “lát nền”, thợ chắc tay hơn phụ trách lớp cơ bản, lớp kỹ thuật dành cho thợ dày dạn kinh nghiệm và ông Dục là người cuối cùng sửa, hoàn thiện bức tranh. Độ dài của đường chỉ được tính toán phù hợp với từng lớp. Lớp nền có đường chỉ dài, lớp sau đường chỉ ngắn dần để nhấn mạnh những chi tiết nhỏ, tạo độ nổi, độ sáng tối và đánh khối.

Không rập khuôn tuần tự, tranh thêu của cơ sở ông Dục tập trung phát triển sáng tạo cho từng cá nhân. Dẫn một ví dụ về dòng tranh XQ Đà Lạt, nghệ nhân so sánh: “Nếu tranh của XQ phân ra nhiều công đoạn: Vẽ mẫu, đâm xuyên trên giấy kito, phân màu, thêu,… thì tranh chúng tôi lại bỏ qua một số bước để đẩy mạnh tính sáng tạo cá nhân. Dù cùng thêu một mẫu tranh nhưng giữa các bức tranh vẫn có sự khác biệt bởi có sự dịch chuyển về chi tiết, về không gian, thời gian. Sự dịch chuyển đó bắt nguồn từ việc chúng tôi bỏ đi công đoạn đâm xuyên trên giấy kito và phân màu, thợ thêu phải tự xác định vị trí của chi tiết và phối màu chỉ thích hợp”.

Khác với dòng tranh thêu máy hay thêu tay đại trà có tuổi thọ ngắn, tranh thêu tay của nghệ nhân Nguyễn Xuân Dục có thể nói là dòng tranh “đi cùng năm tháng” bởi độ bền màu đáng kinh ngạc. Sở dĩ có sự khác biệt ấy là bởi tranh của nghệ nhân này không có thao tác đánh màu hậu kỳ bằng bút dạ hay màu tuýp. 

Vì là dòng tranh cao cấp nên đòi hỏi độ tinh tế, độ bền cao tương xứng với giá thành của sản phẩm. Những mặt hàng tranh thêu đại trà, tranh thêu máy có thể phai màu sau nhiều năm sử dụng nhưng tranh của nghệ nhân Nguyễn Xuân Dục thì hầu như vẫn giữ nguyên hiện trạng của những ngày đầu hoàn thiện.

Ngoài điểm đặc biệt về mặt kỹ thuật, tranh thêu của nghệ nhân này còn làm mãn nhãn người chơi bằng cái hồn, cái tâm và cái tài hoa, khéo léo của người vẽ tranh bằng chỉ. Một dòng tranh mà người thêu phải dồn cả tâm sức, sự tỉ mỉ, kiên nhẫn, trau chuốt từng đường kim mũi chỉ để từng chi tiết mang nét hồn riêng góp vào tổng thể cái hồn chung của bức tranh. Xem tranh thêu của nghệ nhân Nguyễn Xuân Dục, nhiều khi người ta lầm là một bức ảnh hay bức tranh màu nước, sơn dầu. 

Ông Tô Ngọc Thành - con trai của họa sĩ Tô Ngọc Vân từng thốt lên kinh ngạc khi nhìn bức tranh “Thiếu nữ bên hoa huệ” của cha mình được tái hiện trên bản thêu qua bàn tay tài hoa của nghệ nhân Nguyễn Xuân Dục: “Quá tuyệt vời. Một bức tranh thêu nhưng đúng chất của tranh sơn dầu, không lẫn đi đâu được”.

Có lẽ vì thế nên dẫu phải cạnh tranh với nhiều mặt hàng mới, giá thành rẻ thì tranh thêu của nghệ nhân Nguyễn Xuân Dục nói riêng và tranh thêu làng Bình Lăng nói chung vẫn không bị lép vế. Hơn thế, những điều này còn góp phần làm nên một thương hiệu về làng nghề thêu tay truyền thống tài hoa.

Trăn trở nỗi lo “làng không còn nghề”

Là hậu duệ xuất sắc của làng tranh Bình Lăng, tận mắt chứng kiến cảnh nghề tổ hơn trăm năm mai một từng ngày, ông Dục không tránh được nỗi lo: “làm sao để giữ nghề khi thời cuộc đang xoay vần chóng mặt”. Thực tế hiện nay, phần đông lao động trẻ không còn mặn mà với nghề. Ông Dục chia sẻ: “Nếu như trước đây, số hộ thêu tại thôn Bình Lăng lên đến vài chục, thì nay chỉ còn vỏn vẹn khoảng 4-5 hộ theo nghề”.

Cùng với việc giảm về số hộ, số thợ thêu cũng giảm dần. Trước kia thợ thêu trong cơ sở của ông Dục chật kín 2 gian thì hiện chỉ còn khoảng 11 thợ. Trong đó, có 3 thợ lớn tuổi, giàu kinh nghiệm, 5-6 thợ thêu cơ bản, còn lại là các học viên nhỏ tuổi mới được đào tạo. Chung tình cảnh đó, hộ thêu Tuấn Dung kế cạnh hiện cũng chỉ còn 4 thợ chính, đa phần là những người lớn tuổi.

Lớp trẻ lớn lên làm theo nghề đã chọn. Rồi vì nỗi lo cơm gạo thường ngày, nhiều thợ thêu cũng đầu quân cho các khu công nghiệp với mức lương ổn định, chế độ bảo hiểm và phúc lợi bảo đảm, bỏ lại nghề tổ “thoi thóp”. 

Bản thân nghệ nhân Nguyễn Xuân Dục cũng không tránh khỏi lo âu về người kế nhiệm của chính gia đình mình khi người con trai út được ông kỳ vọng nhất cũng bận bịu với công việc văn phòng, chỉ có thể làm tranh vào những ngày cuối tuần hay dịp rảnh rỗi.

Đào tạo ra người thợ đại trà thì chỉ mất vài ba tháng nhưng để gây dựng được người thợ giỏi với kỹ thuật cao phải mất cả chục năm. Mức lương không ổn định cùng đòi hỏi chuyên môn cao khiến những thế hệ kế cận nản lòng. 

Hiện, những người thợ học nghề cả chục năm ở thôn Bình Lăng chỉ chiếm phần nhỏ, đa phần thợ thêu tại làng nghề được đào tạo chỉ một vài tháng, rồi thêu những sản phẩm đơn giản, mang tính đại trà với mục tiêu chính là để kinh doanh. Do vậy, làng tranh thêu đang đối diện với tình trạng thiếu lao động, nhất là lao động có tay nghề cao.

Đứng trước thực trạng đó, chính quyền xã Thắng Lợi cũng đang có những bước đi nhằm khôi phục nghề thêu. Địa phương đang ấp ủ dự định kết hợp giữa làng nghề truyền thống với du lịch để quảng bá thương hiệu. Sắp tới xã Thắng Lợi sẽ xây dựng nhà thờ tổ nghề thêu, mở nhiều hơn các lớp đào tạo để giữ nghề. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là nhiều người học nghề nhưng không đi được “đường dài”. 

Bởi vậy, nghệ nhân Nguyễn Xuân Dục mong muốn: "Nhà nước có chính sách cụ thể nhằm khuyến khích giới trẻ theo đuổi nghề, có thể sống tốt với nghề; còn chuyện hậu duệ có đạt được đến trình độ và sự say mê như các bậc lão làng hay không thì tôi không dám kỳ vọng nhiều”.

Mùa xuân mới lại về mang theo những kỳ vọng, khát khao về một làng nghề ngày càng phát triển, được bảo tồn, giữ vững. Điều đó đang được vun đắp, hiện thực hóa từng ngày trong những nỗ lực của chính quyền địa phương cùng sự tận tâm của những người đang miệt mài giữ lửa cho làng nghề.
(0) Bình luận
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
  • Bảo tàng Binh chủng Thông tin (quận Ba Đình)
    Bảo tàng Binh chủng Thông tin thuộc loại hình bảo tàng lịch sử chuyên ngành quân sự, là thể chế văn hoá, có chức năng bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử Binh chủng Thông tin liên lạc nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hoá của cán bộ, chiến sĩ trong Binh chủng và nhân dân, bạn bè quốc tế.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Miệt mài giữ lửa làng nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO