Môi trường với những lay trở trong sáng tạo văn chương

Thụy Oanh| 05/04/2018 09:10

Nhiều năm qua, môi trường thiên nhiên đang bị xâm hại nghiêm trọng. Ngoài báo chí, không ít tác phẩm văn chương của các nhà văn Việt Nam và thế giới đã cất lên tiếng nói, những lay trở trong đời sống nhân sinh cũng như những mối lo lắng về bầu khí quyển. Mỗi người một vẻ, một phong cách, bằng cách nói trực diện hoặc gián tiếp, thiên nhiên đã hiện lên qua các trang văn với rất nhiều xúc cảm.

Con người cộng sinh với thiên nhiên

Những năm gần đây, văn chương nước nhà xuất hiện không ít nhà văn có những sáng tác xoay quanh vấn đề môi trường sinh thái mà ở đó dấu ấn mỗi vùng đất được đề cập đến vô cùng sắc nét. Bạn đọc từ đó cũng được nhìn nhận sâu sắc hơn với vấn đề đang đặt ra với cả nhân loại là sự nóng dần lên của trái đất, hiện tượng thời tiết cực đoan đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến dân sinh. Một trong những nhà văn có cả vệt tác phẩm viết cho thiếu nhi, nhưng luôn đặt trong bối cảnh thiên nhiên và môi trường sinh động, độc đáo đó là nhà văn Vũ Hùng. Ông vừa có 18 cuốn sách được chuyển nhượng bản quyền cho NXB Kim Đồng, gồm: “Sao sao”, “Mái nhà xưa”, “Giữ lấy bầu mật”, “Sống giữa bầy voi”, “Chú ngựa đồng cỏ”,  “Mùa săn trên núi”... Từ những năm 60 - 80 của thế kỷ trước, nhà văn Vũ Hùng đã viết về thiên nhiên, muông thú với những đoạn văn tả cảnh thiên nhiên lay động trí tưởng tượng và tình cảm của nhiều độc giả nhỏ tuổi. Thiên nhiên trong văn ông là không gian sống đáng yêu giữa con người với tự nhiên.

Môi trường với những lay trở trong sáng tạo văn chương
Bộ 18 cuốn sách của Vũ Hùng viết về thiên nhiên tả cảnh thiên nhiên lay động trí tưởng tượng.
Nói đến văn chương đề cập đến một vùng đất đậm văn hóa, môi trường sinh thái, cảnh quan, thì tác phẩm “Đất rừng phương Nam” của Đoàn Giỏi là một trong những điển hình, bởi ông cho thấy thiên nhiên cũng là một nhân vật. Đọc tác phẩm này, một thời nhiều người đã thốt lên rằng Đoàn Giỏi miêu tả quá giỏi và khéo léo. Những điều bình thường, vẻ đẹp giản dị, dưới ngòi bút đầy sáng tạo của nhà văn Đoàn Giỏi đã trở thành một bức tranh về sự sống ở đất rừng phương Nam đầy màu sắc, kì ảo. 
Trẻ hơn, nhà văn Đỗ Bích Thúy từng nổi tiếng với những truyện ngắn đậm chất vùng cao Hà Giang, mới đây đã xuất bản tiểu thuyết “Chúa đất”. Xuyên suốt tiểu thuyết là câu chuyện về Sùng Chúa Đà - một bạo chúa ở vùng cao Đường Thượng có cuộc đời bất hạnh với bi kịch không thể làm đàn ông. Rơi vào bế tắc, Sùng Chúa Đà đã có những hành xử độc đoán, mê muội bởi trớ trêu thay, xung quanh ông là những người đàn bà, trong đó có cô gái trẻ Vàng Chở đang độ tuổi thanh xuân. Tiểu thuyết đề cập những thân phận người, đặc biệt là những người phụ nữ sau hàng rào dinh thự nhà Sùng Chúa Đà. Trong khói thuốc phiện là nỗi bất hạnh của người đàn ông với những mặc cảm giới tính, nỗi hận đời bất công và căm đàn bà phản bội. Với tiểu thuyết “Chúa đất”, Đỗ Bích Thúy đã đưa ra những hình ảnh so sánh độc đáo, tự nhiên làm dậy lên âm sắc, không khí cuộc sống, lao động, sinh hoạt của người dân tộc Mông ở Hà Giang. Trong truyện của Thúy, thiên nhiên, con người được miêu tả hòa quyện, bổ trợ cho nhau để cùng tỏa rạng.

Một nhà văn khác cũng đang viết trực diện vấn nạn ô nhiễm môi trường. Đó là Nguyễn Văn Học. Trăn trở về vấn về môi trường, Nguyễn Văn Học đã lấy môi trường là nhân vật chính nhưng biểu đạt thông qua hình ảnh con người. Đó là tiểu thuyết “Vết thương hoa hồng”. Câu chuyện kể về cuộc đời bi thảm của cô thôn nữ xinh đẹp tên Hoa. Đang ở vào lứa tuổi sắp bước vào ngưỡng cửa đại học, khi tuổi thanh xuân đang mở ra trước mắt cô đầy hứa hẹn, thì Hoa đã bị chà đạp nhẫn tâm nhiều lần bởi Tích. Nếu Hoa đại diện cho cái đẹp, sự lương thiện lẫn nhược điểm mong manh, không dám phản kháng của người nông dân, thì Tích lại đại diện cho cái ác, sự dâm dục, lưu manh, tha hóa của một bộ phận nông dân bị tư sản hóa, được các thế lực cầm quyền quan liêu chống lưng trong quá trình xây dựng nền công nghiệp và cơ sở hạ tầng tại nông thôn. 

Nếu tinh ý, bạn đọc sẽ nhận ra nhân vật trung tâm: Hoa, Xuyến, Tích, Nguyễn Hỗn, Gấm, Tõn, Vẹt, Nắng… chỉ là những chi tiết, những bộ phận để cấu thành một không gian làng quê Hòa Mịch đang hấp hối bởi mang trên mình những vết thương sinh thái nặng nề. Vốn là một ngôi làng thanh bình, thiên nhiên trong trẻo, nhưng dưới các hoạt động sản xuất công nghiệp của con người, thiên nhiên Hòa Mịch – nhân vật chính sớm chịu cảnh tàn phá dữ dội. Các lò gạch thủ công với công nghệ lạc hậu liên tục xả khói, bụi ra những cánh đồng khiến hoa màu bị chết và ô nhiễm không khí. Những nhà máy công nghiệp gần đó thì xả thải chất thải công nghiệp độc hại ra dòng sông quê, nguồn cung cấp nước chính cho cả làng Hòa Mịch. Cây cối bị đốn hạ làm nguyên liệu đốt lò, đất đai bị đào bới làm nguyên liệu đúc gạch… từ đó chính những người dân quê phải hứng chịu những trừng phạt nặng nề từ thiên nhiên.

Thế giới cùng vào cuộc

Điều đáng nói, văn chương là loại hình nghệ thuật có sức lay động lớn và có tác động tuyên truyền ở chiều sâu. Nhận thức rõ vấn đề ấy nhiều nhà văn trên thế giới đã nỗ lực sáng tạo và tạo ra không ít tác phẩm chất lượng. Chúng ta dễ dàng tìm thấy tiểu thuyết “Cá hồi” của Ahn Do Hyun, một nhà văn Hàn Quốc, thể hiện rõ ý nghĩa cảnh báo về nguy cơ sinh thái. Điều đáng nói, đây là một sáng tạo độc đáo của nhà văn ở xứ sở kim chi. Câu chuyện ngụ ngôn mượn loài cá hồi làm điểm cất cánh cho trí tưởng tượng và chất thơ được kể một cách giản dị bằng lời văn súc tích, cô đọng mà giàu biểu tượng. Có lẽ, tâm hồn nhà thơ của Ahn Do Huyn đã mang tới cho cuốn ngụ ngôn - tiểu thuyết một không khí trữ tình với những ngôn từ tinh tế. Nghiên cứu kỹ tiểu thuyết này, nhà phê bình trẻ Trần Xuân Tiến phân tích: “Tiểu thuyết “Cá hồi” là câu chuyện về hành trình của những cuộc đời cá hồi, ở đó, trong vòng quay tồn tại, cá hồi được sinh ra ở sông, sống ở biển, rồi lại lội ngược dòng tìm về sông - nơi mình đã sinh ra, để đẻ rứng. Như bao đồng loại, hai cô cậu cá hồi Mắt Trong và Ánh Bạc từng ngày phải đối mặt với những vướng mắc về thế giới xung quanh cùng những khó khăn trong cuộc sinh tồn, thậm chí là hiểm nguy rình rập tính mạng bản thân. Trải qua nhiều chặng đường gian nan, vượt thoát những cơn sóng dữ ở biển Bering Bắc Thái Bình Dương, hai cô cậu cá, trong sự trưởng thành vừa đớn đau vừa tự hào, đã dần tháo gỡ những thắc mắc về nguồn gốc của loài, về câu hỏi ý nghĩa của cuộc đời, về cách nhìn nhận thế giới xung quanh. Thời điểm quan trọng của sinh mệnh rồi cũng đến, cá hồi Ánh Bạc và Mắt Trong cùng đàn cá hồi phải vượt thác để về với khúc sông nơi mình đã chào đời…”

Môi trường với những lay trở trong sáng tạo văn chương
Tiểu thuyết “Vết thương hoa hồng” của Nguyễn Văn Học tái hiện một không gian làng quê Hòa Mịch đang hấp hối bởi mang trên mình những vết thương sinh thái nặng nề.
Thông qua những ẩn dụ tác phẩm rung lên hồi chuông về cách nhận thức và ứng xử của con người đối với tự nhiên. Đọc xong “Cá hồi” và thấy rằng, dù đây là tiểu thuyết ngắn, nhưng đã phản ánh được yêu cầu và tâm thức tất yếu của thời đại khi con người đang gánh chịu sự giận dữ và đáp trả của thiên nhiên.

Rồi tác phẩm “Cá voi đỉnh núi” của Lee Soon-won (Hàn Quốc) - tiêu biểu với thủ pháp nhân cách hóa, truyền xúc cảm cho những sự vật, loài vật tưởng chừng vô tri, hướng người đọc tới những giá trị chân - thiện - mỹ trong cuộc sống, mang tới cái nhìn trong trẻo, nhẹ nhàng mà sâu lắng về hành trình thực hiện ước mơ. “Cá voi đỉnh núi” khắc họa khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ với núi rừng, biển cả, gieo vào lòng người đọc một nỗi buồn trong trẻo. Tác phẩm còn hướng tới cái nhìn lạc quan về tương lai tươi sáng cùng bài học về sự buông bỏ.

Trong dòng chảy của văn chương thế giới, nhiều cuốn sách khác đã được dịch và giới thiệu ở Việt Nam. Trong đó có nhiều cuốn nổi tiếng. Chúng ta có thể kể đến tác phẩm: “Tiếng gọi nơi hoang dã” của nhà văn  Jack London (Mỹ); “Tự nhiên trong đô thị” và “Sự mê hoặc của rừng sâu”… của nữ văn sĩ Nhật Bản Kato…

Hay cuốn “Cuộc đời của Pi” là một tiểu thuyết của nhà văn người Canada Yann Martel được xuất bản năm 2001. Ý thức sinh thái được thể hiện rõ trong các sáng tác văn chương vĩ đại của Mỹ Latin như “Trăm năm cô đơn”, “Tình yêu thời thổ tả” (G.G.Márquez), “Con quỷ chơi đùa ở miền đất hoang” (G.Rosa), “Vương quốc trần gian”, “Thế kỉ ánh sáng” (A.Carpentier)…

Tại Diễn đàn Nhân văn quốc tế Pyeongchang 2018 (một trong những sự kiện của Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018, diễn ra tại Seoul - Hàn Quốc), hơn 60 nhà văn từ khắp các châu lục đã cất lên tiếng nói hướng đến một thế giới hòa bình, xanh và những giải pháp bảo vệ trái đất. Nguyễn Văn Học là nhà văn của Việt Nam tham gia diễn đàn với chủ đề môi trường sinh thái. Anh đã tham luận với những kiến giải thiết thực và cần lắm sự xúc động của người cầm bút khi môi trường kêu gọi. Cũng tại diễn đàn, nhiều tham luận nhìn nhận, phân tích sâu sắc về tình hình biến đổi của môi trường đồng thời bày tỏ rằng, văn chương có sức lay động mạnh mẽ, không thể đứng ngoài cuộc. Bằng ngòi bút và sự tinh tế của mình, văn chương cần cất lên tiếng nói để bảo vệ “quyền được xanh” của Mẹ Trái đất.

Môi trường đang kêu cứu một cách khẩn thiết. Tiếc là sự khẩn thiết ấy vẫn chưa tác động nhiều đến các nhà văn Việt Nam. Để sáng tác về văn học sinh thái, có thêm những tác phẩm như “Đất rừng phương nam”, “Vết thương hoa hồng”, “Chúa đất”, “Sống giữa bầy voi”… trở thành một khuynh hướng gắn bó thiết thực với đời sống văn chương và xã hội, thì cần nêu cao trách nhiệm của nhà văn, nhà khoa học trong việc bảo vệ môi trường và ngăn chặn các nguy cơ sinh thái. Đồng thời để văn học nước ta bắt nhịp được với văn học thế giới, cần phải có một chiến lược lớn. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Infographic] Chuỗi sự kiện "Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai"
    Chuỗi sự kiện “Ươm mầm tri thức – Kiến tạo tương lai” là chương trình ý nghĩa được UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp các nhà xuất bản, nhà sách, các đơn vị, cá nhận hoạt động trong cùng lĩnh vực tổ chức thường niên, nhằm hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3, chào mừng kỷ niệm 7 năm Ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (01/5/2017 - 01/5/2024).
  • Hà Nội tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba - năm 2024
    Tại Hà Nội, mở đầu chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba - năm 2024 là sự kiện Hội Sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”, kỷ niệm 7 năm ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (01/5/2017 - 01/5/2024) được tổ chức vào 09h30 ngày 17/4/2024 tại Phố Sách Hà Nội.
  • Giới thiệu 70 tác phẩm mỹ thuật với chủ đề “Đường lên Điện Biên”
    Nhân kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), vào ngày 26/4, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ tổ chức khai mạc triển lãm “Đường lên Điện Biên”.
  • Ý nghĩa chiến thắng Điện Biên Phủ với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
    Cách đây 70 năm, quân và dân ta đã tiến hành Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, đó là thắng lợi của sức mạnh “toàn dân đánh giặc”, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. 70 năm đã trôi qua, nhưng tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị, là nguồn cổ vũ lớn lao cho toàn thể nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay...
  • Hà Nội: Sôi nổi Liên hoan cán bộ thư viện Toàn quốc tuyên truyền văn hóa đọc
    Chiều ngày 16/4, tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao quận Đống Đa, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Lễ tổng duyệt Liên hoan cán bộ thư viện Toàn quốc tuyên truyền phát triển văn hóa đọc và giới thiệu sách chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024) với chủ đề “Điện Biên – Vang mãi bản hùng ca”.
Đừng bỏ lỡ
Môi trường với những lay trở trong sáng tạo văn chương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO