Một cách nhìn mới về chiến tranh

Phương Vy| 11/06/2018 08:41

Một cách nhìn mới về chiến tranh

Hình hài mẹ

Một tháng anh đi
Bóng mẹ mỏng hơn
Tóc rụng chiều

Một năm anh xa
Ánh nhìn mẹ dài hơn
Chiến trường B5 hoàng hôn xám đỏ

Một năm anh xa
Ánh nhìn mẹ dài hơn
Chiến trường B5 hoàng hôn xám đỏ.

Năm năm anh chưa về
Đêm đêm chiếc giường tre giật mình cọt kẹt
Ban thờ tổ tiên 365 ngày thơm ngát

Bóng mẹ ngày càng ngắn
Em không có cách nào đỡ mẹ đứng thẳng
Anh ơi!
Võ Hà Sa

Theo nhịp chảy ồn ào của thời gian giữa cuộc sống hiện đại “chăn ấm đệm êm”, dường như ta đã lãng quên hay ít nhiều làm phai nhạt những kí ức về sự tàn khốc và di chứng của chiến tranh. Xét ở một góc độ nào đó, phụ nữ là người gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của chiến tranh. Phải chăng đau nhất, xót nhất vẫn là trái tim của những người mẹ vĩ đại. “Người mẹ Việt Nam!” - cái tên vang lên khiến lòng ta miên tràn những cảm xúc.

Trong bài thơ Hình hài mẹ, Võ Sa Hà đã khắc họa hình ảnh, hình tượng một người mẹ ở hậu phương, có người con trai lên đường đi chiến đấu trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Điểm nhìn nghệ thuật của bài thơ là quan sát, là lời nói của một người ở bên cạnh mẹ. Có thể đó là người yêu, người vợ của anh bộ đội đang đi chiến đấu xa nhà. Cô gái lặng lẽ quan sát mẹ, theo từng mốc thời gian cụ thể. Điểm nhìn của cô gái tập trung vào hình hài mẹ, không miêu tả nét mặt, mái tóc tâm trạng, nỗi niềm của người mẹ. Hình hài mẹ là tiêu điểm của bài thơ. Hội tụ mọi suy ngẫm của cô gái về mẹ. Đồng thời cũng là một cách để nhà thơ rọi sáng thế giới tâm hồn của những người mẹ cô đơn, chờ con đằng đẵng, thương con hết mực.  

Ba câu thơ đầu, hai câu bốn chữ, một câu ba chữ: 

Một tháng anh đi
Bóng mẹ mỏng hơn
Tóc rụng chiều.

Lời thơ ngắn, thơ như lời kể. Khổ thơ giống như một lời thông báo khách quan. Thế nhưng, đằng sau sự thông báo có vẻ thản nhiên ấy lại hé mở một điều sâu thẳm về tâm hồn người mẹ. Chỉ một tháng thôi, người mẹ đã gầy, gầy yếu đi rất nhiều. Hoàng hôn tóc rụng. Đằng sau những chi tiết ấy, là biết bao nỗi nhớ thương con, biết bao lo lắng, xót xa cho người con đang biền biệt chiến trường. Trong hành trang của người lính ấy, có tình yêu của mẹ. Người con trai ấy đi ra trận, xa mẹ, xa em. 

Khổ thơ thứ hai, thời gian càng dài, ánh nhìn của mẹ càng dần xa, lưng mẹ còng. Nghĩ về người con nơi chiến trường ác liệt, ánh nhìn của người mẹ hiện lên da diết và mong đợi hơn bao giờ hết: 

Một năm anh xa
Ánh nhìn mẹ dài hơn
Chiến trường B5 hoàng hôn xám đỏ.

Một tín hiệu buồn, một giọng kể buồn. Một năm, hai năm,… năm năm, anh vẫn chưa trở về. Căn nhà vắng anh đơn sơ hiu quạnh. Không có anh, vẫn có bàn tay mẹ, bàn tay em thắp nén nhang trên bàn thờ tổ tiên. Và rồi trong khói hương trầm bay bay, mẹ vẫn ngóng trông người con ấy trở về. Dáng mẹ mảnh mai, tưởng chừng yếu đuối nhưng lại chứa một nghị lực phi thường:

Năm năm anh chưa về
Đêm đêm chiếc giường tre giật mình cọt kẹt
Ban thờ tổ tiên 365 ngày thơm ngát. 

Nhà thơ Võ Sa Hà khi nghĩ về người mẹ, đã có những câu thơ đạt đến tột cùng của sự giản dị mà sâu sắc. Năm tháng cứ qua đi, mẹ ngày một suy yếu và… mẹ đợi chờ con đến suy sụp. Cô gái cuống quýt kêu lên nhưng lưng mẹ, bóng mẹ như sập xuống. Tôi nhìn thấy trong câu thơ của Võ Sa Hà có chữ “ngày càng ngắn”, tôi cảm nhận rõ những nỗi đau mà nhà thơ đã hòa mình vào trong dòng cảm xúc đó để chắt chiu thành từng lời thơ, câu chữ. Câu thơ lặng lẽ như một lời thông báo nhưng hàm chứa một nỗi thất vọng. Nó thực sự chạm đến nỗi đau của mẹ:

Bóng mẹ ngày càng ngắn
Em không có cách nào đỡ mẹ đứng thẳng
Anh ơi!.

Cái nhìn của nhà thơ vừa chân thực, vừa sắc sảo. Hình ảnh trong thơ đã làm người đọc giật mình. Dường như cô gái ấy vẫn đau đáu một nỗi ăn năn. “Em không có cách nào đỡ mẹ đứng thẳng” – câu thơ viết ra nhưng hình ảnh và âm bị nghẽn lại, do quá đau đớn mà ứ nghẹn. Câu cuối bài thơ cho thấy nỗi đau của một kiếp người cứ miên man, vô tận vì chờ đợi mỏi mòn.

Sự thật không thể phủ nhận rằng trước vận mệnh của dân tộc, mẹ đã mất con. Các anh ra đi không trở về, để mình mẹ lặng im, gánh nặng đè trĩu trên vai khiến cho vết thương lòng khi xa con của mẹ đã chai sạn. Bài thơ ngắn, lời thơ gọn. Đọc từng câu, càng đọc dường như ta càng phấp phỏng lo sợ một điều gì đó cho người mẹ già và cô gái đang mỏi mắt trông đợi chàng trai của chiến trường chưa trở về. Bi kịch ấy làm người đọc xót xa. Đó là đau khổ, chia ly, là vết thương cả thể chất và tinh thần mà chỉ thời gian mới có thể làm dịu bớt. Cuộc chiến bao nhiêu năm đã đi qua, nhưng những nỗi mất mát của người mẹ, người vợ, người em vẫn còn đeo đẳng mãi, vẫn dấy lên xúc động trong lòng người. 

Hình hài mẹ - một bài thơ về mẹ giàu cảm xúc, có chiều sâu và đáng đọc. Chiến tranh luôn đem lại mất mát vì bom đạn. Đất nước đã chiến thắng từ chính những mất mát ấy, mất mát từ nỗi nhớ con của người mẹ. Hiểu được sự khủng khiếp của chiến tranh, ta mới thấy trân quý ý nghĩa của hai chữ “hòa bình”. Giá trị của hòa bình, của cuộc sống hôm nay đã phải đổi bằng máu, nước mắt và cả sự hi sinh mỏi mòn đợi chờ của những người mẹ, người phụ nữ. 
(0) Bình luận
  • Âm vang Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Âm vang Điện Biên của tác giả Vũ Nhang.
  • Chiếc xe thồ Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Chiếc xe thồ Điện Biên của tác giả Nguyễn Đình Quý.
  • Lớn lên từ Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Lớn lên từ Điện Biên của tác giả Nguyễn Quốc Lập.
  • Viếng mộ Đại tướng
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Viếng mộ Đại tướng của tác giả Vũ Hùng.
  • Hố mắt Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Hố mắt Điện Biên của tác giả Trần Ngọc Hòa.
  • Trở lại Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Trở lại Điện Biên của tác giả Nguyễn Lê Hằng.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Một cách nhìn mới về chiến tranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO