Một chuyến đến vùng sâu

Du An | 23/06/2020 07:54

Một chuyến đến vùng sâu
Minh họa của Lê Huy Quang
Lâm đặt tay lên ngực, lẩm nhẩm, ngủ đi… ngủ đi... đừng nghĩ linh tinh. Vẫn chong chong. Thì nhắm mắt đếm, 1… 100… lượt thứ năm rồi, đầu không có biểu hiện gì suy chuyển. Thôi, ta sẽ hít vào thật sâu, thở ra thật khẽ, nhịp nhàng như thế, giấc ngủ sẽ đến lúc nào không biết. Một lúc có vẻ hiệu nghiệm, đang thấy trĩu trĩu, nằng nặng, mơ màng, báo hiệu sắp ngủ thì cọt kẹt, tiếng phên nứa. Chắc là bà cụ đau lưng, trở mình. Lâm nín thở, khoanh hai tay lên ngực, ép mạnh. Im lặng trở lại, chỉ còn tiếng giun dế ri ri ngoài vườn. Có khi bà cụ giật mình, choàng tỉnh nghĩ đến mình... cảnh giác. Dễ lắm chứ, nhà toàn đàn bà trẻ em… tự nhiên cho một đàn ông lạ ngủ chung giường. Cô con dâu đẹp xinh mơn mởn thế kia, họa có là người đá, và ắt, bản năng mẹ chồng sẽ phải canh giữ con dâu cho con trai. 

Có tiếng ho. Rồi tiếng cô con dâu, trời, mẹ lại không đắp chăn à. Thấy cứ nóng nóng thế nào ý. Nóng nhưng gió đêm vẫn vào, người già dễ bị cảm lạnh lắm. Ờ cũng phải, khi nào thằng Đón về bảo nó bỏ hết vách nứa đi, lịa ván vào cho kín. Tiền đâu mà làm… thôi cứ tạm thế này đã, mấy hôm nữa con ra phố mua ít bạt về che thôi. Ờ, có khi thế lại hay, chả tốn kém mà gió phải đứng ngoài.

Hai mẹ con trò chuyện. Lâm nằm im, giả ngủ. Không thể góp chuyện trong lúc này. Đêm khuya thanh vắng, tiếng đàn ông lạ sẽ rõ mồn một. Chả cần đến tai vách mạch rừng, người đi soi nhái, người đi săn đêm về… Ngay hôm sau, sẽ loang ra “bản tin đặc biệt”, khắp bản, ra phố, đến cơ quan. Lâm sẽ là điểm nóng của dư luận, không có lửa sao có khói, biết nhà người ta toàn đàn bà con gái, người ta vắng chồng, vẫn ngủ lại, ngủ cùng… nói gì thì cũng là “thanh minh”. Có thể Lâm bị kỷ luật về vi phạm đạo đức nhà báo. Dẫu Lâm đang được nhiều ưu ái, sếp tổng đã qui hoạch Lâm làm trưởng phòng… thì dù chỉ một lần quan hệ khó lí giải này, tất cả sẽ đi tong. Một lần xấu sẽ đánh đổ ba chục phóng sự nóng hổi, chục giải thưởng báo chí ở tỉnh, trung ương. Dễ lắm, Lâm biết lắm. Nghề báo là nghề khó, chính Lâm thấy luôn luôn khó, viết bài nào cũng ì ạch, vật lộn. Tòa báo mười hai phóng viên, Lâm và hai cô buộc phải gánh bài đinh. Đấy là những bài sát sạt, để báo khẳng định giữ vững thương hiệu nhưng phóng viên vừa tốn tâm sức, vừa hao tiền túi... mấy ai đã tỏ. Từ mấy năm nay, sau những lần phân công bị vỡ trận, Lâm đành tự nguyện tự giác làm những bài khó, loại không có trong báo cáo, khó tìm ngoài cuộc sống. 

Sếp tổng tin tưởng, nhờ cậy Lâm, nhiều cuộc họp khen thẳng. Lâm ngại, vì vốn dĩ không thích khen, vì những lời xì xào, những ánh mắt đố kị. Họ muốn có bài hay nóng, vừa được tiếng vừa được tiền, nhưng năng khiếu, ý chí chưa đủ.  Ấm ức cơm áo thúc bách, năm tháng thành cái u, tự nhiên thấy không ưa, ghét ghét cái tên V. L dưới bài trang nhất. 

Lâm sẽ là trưởng phòng phóng viên thay bác Quang Hạ về hưu vào năm tới. Đương nhiên là như thế, ắt phải như thế. Việc ấy sẽ thông dòng bén giọt, dù không trăm phần trăm “tín nhiệm”. 

Nhưng đêm nay, ngay lúc này đây… sẽ là một lá đơn, một bằng chứng sinh động khiến cấp trên khó xử, có thể phải dừng lại xem xét, điều tra… tình ngay lí gian mà. 

Thật buồn cười, thật trớ trêu. Lâm cười thầm. Những nghĩ ngợi, lo lắng khiến Lâm không tài nào ngủ được nữa. Tại ai? Tại mình chứ còn tại ai nữa. Tại cái máu không chịu được nhàn nhạt chung chung mòn sáo, đã viết là phải mới, truy tìm đến tận cùng nhân vật, sự việc đã đẩy Lâm đến tình huống đàn ông cùng với đàn bà này.  

“Ôi con… mẹ đây… con làm sao thế”. Đứa bé nằm cạnh Lâm khóc ré lên. Lâm vụt thấy có gì rất mềm quờ sang mình. Đứa bé ưỡn người, đập chân ruỳnh ruỳnh xuống giường, rồi đột nhiên vùng dậy như bị hất lên… Hóa ra là ngủ mê. Lâm quờ tìm điện thoại, bật đèn, một tay soi, một tay giữ đứa bé cùng mẹ nó. Một lúc, may quá, đứa bé ngủ lại như chưa từng mê sảng hoảng hốt. Trong ánh sáng mờ mờ, Lâm thấy cô ấy đẹp thật, tóc xõa, âu yếm nhìn con.  

“Cháu ngủ rồi. Anh ngủ lại đi, không mai mệt lắm đấy”. Giọng nói thật nhẹ, như có yêu thương, như vợ bảo chồng. “Em vất vả thật đấy… mẹ già con nhỏ đêm hôm thế này…”. “Em quen rồi, vất vả mấy cũng không bằng nhà báo các anh… tự nhiên phải ngủ khổ thế này”. 

Khổ. Cô ấy bảo mình khổ, nhưng Lâm không thấy khổ. Bao nhiêu lần, có lần cùng đồng nghiệp, có lần một mình, Lâm phải ngủ lều nương, bãi cát ven sông… để tránh phiền lụy đến người cấp tin, để an toàn cho mình, kiểu ngủ chỉ để qua đêm, sáng dậy mau mau chóng chóng rút êm, không để lại dấu vết. Còn lần này, chẳng phải trốn tránh bí mật gì mà là… Vào đến nơi đã quá trưa, xong bữa cơm đã sang chiều, đã thế cuộc trò chuyện với bà cụ lại liên tục bị ngắt quãng bởi những người hàng xóm được dịp gặp nhà báo bằng xương bằng thịt, kéo đến, hỏi han thưa gửi đủ thứ. Vậy là mạch chuyện phải sang tối. Khi máy ghi âm đã đặc tiếng, sổ tay đã đầy chữ, Lâm mới nhìn đồng hồ… giật mình - còn ba phút nữa là 12 giờ đêm. Về, từ đây tới thành phố ngót hai trăm cây số đường núi… không dám nói trước chuyện gì. Ở lại, ngủ đâu, nhà có một cái giường (đúng ra là cái sạp nứa)… khó coi lắm. Lâm cứ đứng lên ngồi xuống khi cô Loan đã mắc màn. Bà cụ hiểu ý, bảo, khuya rồi anh không về được đâu, phải ngủ lại đây thôi… đấy, anh nằm ngoài cùng cạnh đứa bé đấy. Lâm cứ ngồi băn khoăn cùng bếp lửa, mãi khi mỏi quá mới rón rén lại sạp đặt lưng. 

Tưởng mệt sẽ ngủ được ngay, như những lần lều nương, bãi cát. Nhưng, thật khó hiểu, suy nghĩ, cảm xúc cứ lẫn lộn.

Sáng nay, Lâm đón Loan để Loan đưa vào gặp bà cụ, nhân vật. 

Người đâu mà da trắng hồng, đẹp thế… Anh là anh Lâm nhà báo? Vâng, tôi là Lâm hôm qua đã điện thoại hẹn. Em là Loan con dâu bà cụ, em đi ra phố mua mấy thứ, có anh cùng vào thế này thì tốt quá. Loan nói và ngồi lên xe, sát vào Lâm. Sát hay xa, Lâm không biết. Chỉ biết đằng sau cứ hầm hập, rồi như bị cháy bên trong. Hết phố, qua đồng lúa gió hơi mạnh, đến đường đèo núi đá rừng cổ thụ âm u, mọi lần qua đây dù mùa hè cũng ren rét. Nhưng hôm nay, người cứ bừng bừng, xe đi rất mượt. Cũng phải thôi, bốn tiếng nữa thôi, Lâm sẽ gặp nhân vật - nhân chứng sống của một thời, chắc chả mấy người còn nhớ. Các báo đã viết nhiều về bà, về tội ác ngút trời, đau thương tang tóc, nghĩa tình quân dân. Hơn 500 dân lành chết tức tưởi, có bản còn vài người, có bản bị xóa sổ, chỉ còn duy nhất bà. Lâm đã dò tìm, qua ba địa chỉ, đến địa chỉ thứ tư thì hàng xóm cho hay bà đã chuyển theo con vào tận bản sâu nhất của xã biên giới. Xa khó khổ, không thể bàn chùn, ngồi nhà để rặn mấy bài nhợt nhạt, phải đi, phải đi. 
***
Sáng hôm sau, mở mắt ra, trời đã sáng bạch. Ngại quá. Lâm gọi, bác ơi, Loan ơi… Có tiếng Loan dưới bếp, anh ngủ tiếp đi, đêm qua cháu làm anh mất ngủ… Lâm xuống bếp, Loan đang một tay bế con, một tay đảo nồi cơm. Hương nếp nương thơm hòa cùng khói bếp quấn quít. Lâm giơ tay đón đứa bé, đứa bé sang ngay bác, chắc nó đã quen hơi.  Lâm cùng cháu  ra vườn trước. Mấy luống rau, đất khô cứng, cây còi cọc. Bà cụ đang nhổ cỏ, bắt sâu. Con cảm ơn bà, con xin phép về. Anh ở đây chơi, thăm bản rồi chiều hẵng về. Con phải về ngay, chiều nay có việc cơ quan gấp. Anh vào lần này, chắc gì có lần sau, nếu có chắc năm năm, mười năm nữa, lúc ấy tôi chả còn nữa đâu. Lâm không biết nói lại thế nào, đành… im lặng… 

Bữa sáng dọn ra dưới đất. Mâm là cái chiếu lấy trên giường xuống. Trên mâm độc bát nước mắm. Loan ra sân mời mẹ, mời khách và đón con từ tay Lâm. 

Mâm chỉ có hai người, Lâm ngạc nhiên, gọi luôn - Loan ơi vào ngồi ăn luôn chứ. Nó còn cho con bú, anh ăn đi cho nóng, bà cụ giục. Bà cụ đã ăn, Lâm đành phải làm theo. Nếp nương dẻo, đậm, Lâm nhai chầm chậm. Nhà mình có nhiều ruộng không? Ít thôi, ba trăm mét thôi, mỗi cái Loan có, tôi với thằng Ún nơi khác vào đây không có. Ruộng ít quá, thế có nương không? Có, nhưng vụ này phải nghỉ vì cái Loan đẻ con. Lâm thấy đắng trong miệng, đành hỏi một câu, may ra sáng sủa… Anh Ún nhà mình đi làm xa chắc gửi tiền về. Đi sắp một năm mới gửi về hai triệu. 

Ba đứa bé đứng ngoài cửa từ lúc nào. Mắt tròn, chăm chắm vào nồi cơm. Lâm mời ngay, bọn trẻ không nhúc nhích. Bà cụ nắm ba nắm bé, đứng dậy đưa. Đứa nọ nhìn đứa kia, nhìn nắm cơm, nhìn Lâm. Lâm hiểu ý, giọng vui bảo, bác cháu mình cùng là khách, cùng ăn không ngại gì nhé. Bấy giờ chúng mới mỗi đứa một nắm, và chạy đi.   

Một lúc, lại một nhóm năm đứa nữa đến. Đứa nách em, đứa sau dụi đầu vào đứa trước. Chắc là ba đứa lúc nãy, bảo nhà bà đây có khách. Lâm hiểu ngay, làm như bà cụ đã làm. Chúng nhận “quà”, chạy đi luôn. Lâm thừ người, tiếng bước chân bé vẫn đang gõ vào anh đau nhói. 

Bữa sáng thế là xong. Lâm xin phép bà cụ, khoác túi về. Vừa ra cửa thì gặp một chị, một cô gái bế đứa bé. Bây giờ mới biết nhà báo vào, mẹ con em muốn được nhà báo giúp. Vâng, chào chị, nhà mình có chuyện gì ạ… Nó thì có con mà chồng bỏ đi mất rồi, không tìm được ở đâu. Tức là như thế nào ạ. Nó đến đây tìm gỗ hương, ở nhà em, con gái em có chửa, sắp đẻ thì nó đi… bây giờ con ra rồi mà không biết gọi nó ở đâu?  

Lâm lúng túng không biết trả lời sao trước tình huống này. Đời làm báo, Lâm đã lần theo, điều tra rất nhiều đơn thư, đem lại công bằng, hạnh phúc cho bao người. Nhưng như thế này thì… khó quá. Nhẹ dạ gió ngàn, nhận thức trong rừng, đấy là nguyên nhân ra những hệ quả khó tránh. 

Xe phóng nhanh, gió tự tạo tát tạt. Lâm mở kính mũ bảo hiểm, gió thẳng vào mặt đau rát. Mình sẽ quay lại đậy. Vùng sâu, vùng xa sẽ luôn là điểm đến của nhà báo. Ở đấy còn có nhiều bất ngờ, vỡ òa.
Xe vẫn vù vù, như sợ thời gian trôi nhanh.
(0) Bình luận
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
  • Tin vào nắng
    Cuối giờ chiều, Diệp gọi cho cô về số máy cơ quan, vừa kịp “Alô” đã nghe đầu kia choe chóe: “Mày còn chết gí ở đấy à? Tuần sau tao cưới rồi, đang túi bụi đưa thiếp mời đây. Mày phải về từ hai hôm trước còn giúp các cụ tiếp khách ở nhà.” Diệp lúc nào cũng thế, cứ ào ào như đi đánh trận. Cầm tấm thiệp được thiết kế khá cầu kỳ, tên chú rể là Biền - không nằm trong số những người quen cũ.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • Phát động cuộc thi viết kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô “Ký ức tự hào”
    Chiều 28/3, Báo Hà Nội mới tổ chức lễ phát động viết kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô “Ký ức tự hào”. Cuộc thi hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) và 67 năm ngày Báo Hà Nội mới xuất bản số hằng ngày đầu tiên (24/10/1957 - 24/10/2024). Đây cũng là dịp tuyên truyền, quảng bá sâu rộng về truyền thống văn hóa lịch sử của Thăng Long - Hà Nội, đặc biệt là những thành tựu kinh tế, văn hóa xã hội của Thủ đô trên hành trình 70 năm xây dựng và phát triển.
  • Phú Thọ ra mắt tour du lịch "Về miền Di sản UNESCO ghi danh"
    Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa-Du lịch đất Tổ năm 2024 diễn ra từ ngày 9-18/4 (tức ngày 1-10 tháng 3 âm lịch) tại Khu Di tích lịch sử đền Hùng thành phố Việt Trì và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Phú Thọ, với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn. Đặc biệt, dịp này, Phú Thọ ra mắt tour du lịch “Về miền Di sản UNESCO ghi danh”, lấy đền Hùng làm điểm xuất phát chính để đi đến các điểm danh lam, thắng cảnh khác.
  • Quý I năm 2024, Thành phố Hà Nội đã thu hút 953,2 triệu USD vốn FDI
    Đây là thông tin được Chánh Văn phòng UBND Thành phố kiêm người phát ngôn UBND Thành phố Hà Nội Trương Việt Dũng chia sẻ tại “Họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội Quý I năm 2024”, diễn ra chiều 28/3 tại Trụ sở UBND Thành phố Hà Nội.
  • Đêm nhạc đặc biệt tôn vinh nhà soạn nhạc Sergei Rachmaninoff tại Hà Nội
    Vào 20h ngày 30/3, tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội sẽ diễn ra đêm nhạc tôn vinh nhà soạn nhạc Sergei Rachmaninoff.
  • Giải Cống hiến 2024: Hòa Minzy là Nữ ca sĩ của năm, Đen Vâu lập cú đúp
    Tối 27/3, tại Nhà hát lớn Hà Nội đã diễn ra lễ trao giải Cống hiến 2024. Đây là mùa giải Cống hiến lần thứ 18 được tổ chức và mùa thứ hai được mở rộng sang lĩnh vực thể thao, với hai hệ thống giải là giải Âm nhạc Cống hiến và giải Thể thao Cống hiến.
  • “Đào, phở & piano” - trọn vẹn tình yêu Hà Nội
    Từ cuối năm 2023, tín hiệu rất vui với điện ảnh trong nước khi những bộ phim cả tư nhân và nhà nước lần lượt ra rạp, tạo được hiệu ứng tích cực. “Đào, phở và piano” của đạo diễn Phi Tiến Sơn là một trong số đó. Phim được nhà nước đặt hàng, từng giành giải Bông Sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23.
  • Hà Nội và những gánh hàng rong...
    Khi nhắc về Hà Nội, trong vô vàn dáng hình hiện hữu, người ta không thể không nhắc tới những gánh hàng rong. Cùng Người Hà Nội hòa vào nhịp sống hối hả của 36 phố phường trên những gánh hàng rong...
  • Phố cổ của tôi
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Phố cổ của tôi của tác giả Nguyễn Duy Quý.
  • Quận uỷ Tây Hồ ra mắt Chi bộ Ban Quản lý Hồ Tây
    Sáng 27/3, Quận ủy Tây Hồ tổ chức lễ ra mắt Chi bộ Ban Quản lý Hồ Tây. Chi bộ Ban Quản lý Hồ Tây phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, tham mưu, giúp việc cho Quận ủy, UBND quận Tây Hồ quản lý toàn diện, tập trung thống nhất khu vực Hồ Tây và vùng phụ cận; triển khai thực hiện hiệu quả công tác xây dựng Đảng.
  • Quy hoạch Phong Hòa: Phát triển đô thị theo hướng bảo tồn các giá trị di tích lịch sử
    Định hướng Quy hoạch phân khu xã Phong Hòa (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) thành lập phường đến năm 2045 và phát triển đô thị theo hướng bảo tồn các giá trị của di tích lịch sử kết hợp giữ gìn cảnh quan sông Ô Lâu, làng cổ Phước Tích.
Một chuyến đến vùng sâu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO