Một khúc sông buồn

Hoàng Khánh Duy| 14/04/2020 09:33

Hồi này má tôi hay chải chuốt tóc tai, thỉnh thoảng má hỏi tôi cho má mượn cây son màu đỏ sơ ri để ở đầu giường để má bôi lên môi cho đẹp. Tôi cười bảo son đó chỉ hợp với tuổi con chứ sao hợp với tuổi má được. Má bĩu môi quay qua một bên, trách: “Bộ mày chê má già sao con?”.

Một khúc sông buồn
Minh họa của Vũ Khánh
Hồi này má tôi hay chải chuốt tóc tai, thỉnh thoảng má hỏi tôi cho má mượn cây son màu đỏ sơ ri để ở đầu giường để má bôi lên môi cho đẹp. Tôi cười bảo son đó chỉ hợp với tuổi con chứ sao hợp với tuổi má được. Má bĩu môi quay qua một bên, trách: “Bộ mày chê má già sao con?”.

Má cũng ngoài bốn mươi rồi chứ ít ỏi gì nữa đâu. Nhưng nhìn bề ngoài thì má vẫn trẻ, vẫn tóc dài, vẫn mắt đen long lanh chưa từng có vết chân chim nào hiện ra. Má con tôi vẫn thường gội đầu cho nhau bằng thứ nước lá khế màu xanh ngả sang vàng, thơm lắm. Bởi vậy mà tóc mượt mà. Má lớn rồi mà bà ngoại vẫn xem má như con gái mười tám đôi mươi, lâu lâu lại ngồi vuốt tóc, chải tóc cho má rồi khen “Con gái má đẹp dữ hen”, kiểu “con hát mẹ khen hay” làm tôi cười xồng xộc. Hàng xóm nói bà ngoại tôi thương má là để bù đắp lại những lỗi lầm năm xưa bà ngoại đã gây ra cho má, khiến má long đong một đời. 

Cái lần má con tôi chèo xuồng ngang qua trường học, má cứ xuôi cặp dầm cho chiếc xuồng trôi tà tà ngang qua cổng trường. Gió bấc chầm chậm qua đọt chuối. Má nhìn lên ngôi trường màu vàng có cổng sắt màu nâu gỉ, dưới mé sông có cây tra bông vàng đương nở rộ mà nói, giọng buồn:

- Má kiếm chồng của má. Lâu rồi không gặp, không biết người ta có còn dạy ở trường này nữa hay không?

Tôi nhìn má mặt co rúm lại vì lạnh, vì những suy nghĩ bất chợt trong đầu khiến tôi không điều khiển được cơ mặt của mình. 

- Má này, hồi nào tới giờ con có nghe má nhắc chuyện chồng con gì đâu? Tự nhiên nay má nhắc, mà mặt má buồn hiu à! Bộ má nhớ chồng thiệt hả má?

Giả sử có người nào qua đường nghe tôi nói vậy chắc cười dữ lắm. Ngặt nỗi lúc đó sông vắng tanh, mùa bấc nên thi thoảng chỉ có chiếc ghe chở hàng bông, chở gạo đi ngang qua, tiếng rao vang ra từ chiếc loa màu trắng cột trước mũi. Má lắc đầu mà “ừ”. Lạ thiệt, đã lắc đầu mà còn “ừ” nữa là sao? Dấu hỏi trong tôi càng lớn hơn.

- Cũng nấu cơm cho người ta ăn mấy lần, cũng đi cùng người ta mấy đoạn. Thương thì không thương, chứ nhớ thì cũng nhớ chứ con! Sau này lớn lên con sẽ hiểu…

Tôi cần biết được những người đàn ông đã từng đi qua đời má tôi. Tôi cần biết má từng sống như thế nào, người ta đối đãi với má ra sao mà bây giờ má chẳng có một người đàn ông nào bên cạnh để tôi gọi là cha.
Ngoại tôi đã ngoài tám mươi, tóc bạc trắng quấn một lọn sau gáy rồi vắt cái que đen bóng nước ngang qua. Ngoài tám mươi chứ nhìn ngoại vẫn còn khỏe dữ lắm. Cây mận sau nhà tới mùa trái chín đỏ ngoại dám leo lên cây ngồi hái mận bỏ vô cái bọc nilon, má ra sau đổ rác thấy vậy la um sùm, biểu ngoại xuống, nhánh cây giòn rụm chứ có chắc chắn đâu. Lỡ có gì thì khổ. Mấy đêm tôi qua ngủ chung với ngoại, tôi nằm cạnh ngoại, ngoại kể cho tôi nghe chuyện hồi xửa hồi xưa, hồi tôi còn chưa ra đời, hồi ngoại còn xuân sắc. Lần nào kể tới khúc “Hồi đó tao ép má mày đi lấy chồng…” cổ họng ngoại cũng nghèn nghẹn. Ngoại kể hết câu chuyện bằng những hồi ức đã qua về cuộc đời của má gắn liền với dòng sông chảy ngang qua nhà mình. Sông không thẳng. Như đời má.

Mấy chục năm rồi mà má vẫn còn nhớ người ta, không phải vì yêu mà vì người ta đối xử với má như đối xử với một con người. Người ta là thầy giáo mà, sống đức độ chứ có cay nghiệt chi đâu…

- Ừ, thương chứ có yêu đâu mà sống đời được chứ…

Tôi chưa trải qua mối tình nào nên tôi đâu biết thương và yêu nó khác nhau như thế nào, nó có xa bằng con sông Cây Khô hay không mà má tôi gãy đổ với người ta. Lỡ làng, tội má! Mãi sau này tôi mới biết má tôi không sống được với người ta là vì bà mẹ chồng cay nghiệt bị những cổ tục lạc hậu trùm phủ lên đầu để rồi đày đọa con dâu như con ở. 

Hỏi thì ngoại kể, ban đầu ngoại bản lĩnh lắm, rồi một hồi giọng ngoại đùn đục, rồi mếu máo, rồi nói trong nghẹn ngào nước mắt: “Tội má mày lắm Thoảng ơi, hồi đó má mày nấu nồi cơm nhão một chút mà người ta lấy đũa bếp đánh túi bụi, nhà có đồ ăn ngon người ta cun cút cho con gái, con trai trong nhà chứ đâu cho con dâu, má mày toàn ăn cơm với kho quẹt… Cũng tại ngoại hết, ngoại thấy nhà họ giàu nên ngoại mới biểu má mày ưng đi để sau này sung sướng. Ai có ngờ đâu… Thoảng ơi, ngoại hại má con rồi phải không con?…”

Nghe ngoại nói tôi thấy sống mũi mình cay sè, mắt tôi cũng hoen đi tự bao giờ không biết. 

Gió sông vùn vụt, xuồng má chầm chậm ngang qua nhà người ta. Má nhón chân ngóng nhìn lên trên cái nhà có bụi bông chang nở đỏ dưới bến sông. Biết đó là nhà chồng cũ của má, tôi cười cười hỏi má bộ ngó lên coi người ta có ở nhà hay không, ngó coi vợ sau của người ta có đẹp hơn má hay không hả gì mà cứ nhìn đăm đăm mút mắt. Má tôi vén tóc mai lên vành tai, sửa lại cái nón lá rồi nhìn lảng đi, nói khẽ:

- Má biết mãi người ta cũng không có vợ nữa đâu!

- Ủa sao kì vậy má?

- Người ta có yêu được đàn bà đâu mà cưới vợ…

Giọng má buồn như nước chiều trôi. Tự nhiên tôi thương cái người mà má gọi là chồng cũ. Người đàn ông không yêu má bằng tình yêu nam nữ nhưng vì sợ những định kiến của xã hội mà nhắm mắt trầu cau sang đón má về, đám cưới rình rang. Ngoại tôi biểu má ưng người ta đi, nhà người ta khấm khá, lại là thầy giáo học thức đường hoàng, sau này má đỡ khổ. Nhưng ngoại đâu có ngờ người ta không yêu má, người ta chỉ thương má như tình thương giản đơn thuần khiết, bảo bọc má trước những cay nghiệt của mẹ chồng. Đêm xuống, lúc má cần sự chở che, cần một vòng ôm như những người phụ nữ khác khi có chồng. Vậy mà người ta ngượng ngùng với má, hai mặt nhìn nhau để ngủ cũng mắc cỡ, cũng quay đầu lại mỗi người một hướng nằm không thể chạm được vào nhau. 

Một đêm mùa mưa, nửa đêm ngoại nghe âm thanh đập cửa và tiếng gọi “Má ơi!”. Ngoại lật đật bước ra, kéo khúc cây chắn ngang cửa qua một bên. Cánh cửa mở ra, ngoại thấy con gái ngoại mình mẩy ướt sũng đứng tần ngần trước cửa, đôi môi đang tái nhợt đi vì lạnh. Ngoại bật khóc. Ngoại chạy ra phủi mấy hạt nước lăn trên gương mặt xanh xao của má rồi đỡ má vô nhà. Đèn sáng lên, ngoại ngồi lấy khăn bông lau tóc má như hồi má còn ở nhà. Con gái ngoại vì cùng khổ quá, vì không chịu nổi những áp đặt đến vô lí của mẹ chồng nên đành bỏ nhà đi lúc đêm khuya tịch mịch. Gục vào vai ngoại, má nức nở: “Má ơi! Con khổ quá! Má cho con ở lại đây luôn nghen má, con không về nhà chồng nữa đâu, con không chịu nổi nữa rồi, má ơi!”…

Lần đó má về nhà ở luôn, không quay lại nhà người ta nữa. Láng giềng trách má không biết làm vợ làm dâu, trách ngoại không chịu dạy má để người ta phải trả về nhà trong đêm mưa lạnh lẽo. Má cười trừ. Có những chuyện chỉ má mới biết mà má không nói ra, không chọn cách để biện hộ hay giải thích làm gì. 

Đó là câu chuyện về cuộc đời của má. Khổ cực. Cô đơn. Tôi bỗng bàng hoàng mà tự hỏi mình: Còn thân phận của tôi?

Tôi đã đủ lớn để cần phải biết cha mình là ai. Đơn giản chỉ vì đó là nguồn cội của tôi. Tôi đem cái thắc mắc ấy ra hỏi má, má nhìn bà ngoại, còn bà ngoại thì nhìn xuống dòng sông dập dờn sóng trắng. Một chiếc tàu vừa chạy ngang - chuyến tàu cuối cùng của một ngày trở về khi hoàng hôn tím ngát… Sóng vỗ vào bờ đất chỉ làm đổ một vài cục đất cỏn con bởi bờ sông đã có đám rễ cây tra bông vàng, cây bần, cây mắm vây lấy giữ đất. 

Ngoại chỉ tay xuống chiếc lá đang trôi lênh đênh trên mặt sông, biểu đó là tôi! Tôi ngớ người. Nhưng rồi định thần lại và biết rằng nguồn cội của mình là dòng sông. Tôi đến từ sông, lớn lên nhờ nước sông quê và những dấu trong cuộc đời đều gắn liền với điệp trùng sóng nước… Nơi xuất phát của tôi là sông! Chỉ đơn giản như thế! Tôi không hỏi thêm gì nữa…

Tôi chợt nhớ (không biết có phải trùng hợp hay không) về một người đàn bà năm ngoái đi tàu về ngang qua bến sông quê. Chiếc tàu tấp lại ở chỗ cây tra bông vàng có bầy ong xèo xèo trên vòm cây xa tít. Người đàn bà lạ đứng ngẩn ngơ trong bóng chiều khiến tôi chạnh lòng thương. Bà vẫy tay gọi tôi lại hỏi chuyện. Ban đầu tôi hơi ngại, nhưng rồi tôi cũng đon đả đi đến. Bà ta hỏi xóm này tên gì, nhà tôi ở đâu, biểu thấy tôi tự nhiên thương hết biết. Vì tôi cũng trạc đứa con gái thất lạc của bà. 

Bà khóc.

Tôi hỏi một câu mà đến giờ tôi vẫn còn xác xao trước câu trả lời của người đàn bà xa lạ. Tôi hỏi: 

- Ủa sao hồi đó dì bỏ con của dì? Bộ dì không thương nó hả? Nếu dì thương thì dì đâu có bỏ? Sông nước trắc trở lắm gì ơi! Cũng không biết con gái dì có còn sống tới giờ này hay không, hay là…

Hỏi vậy chứ tôi đâu có giận? Tôi chỉ thương, cho bà và cho cả đứa con gái mang hình hài của nước. Tôi bỗng nhớ hồi đó, xa lắm, tôi có nghe xóm tôi nói chuyện đứa nhỏ bị mẹ chối bỏ để nó trong cái thau nhựa to đùng với mấy bộ đồ thả trôi trên dòng sông. Câu chuyện thoáng qua rồi im bặt. Từ ấy đến nay không ai nhắc lại nữa, dù chỉ một lần…

Nhưng tôi chưa kịp nói thì người đàn bà xa lạ đã ra đi. Bóng bà mất hút trong bóng chiều xô lệch. Chỉ còn màu tra vàng rực rỡ bến sông quê.

Tôi ngồi trong gió. Hoàng hôn rực rỡ. Gió bấc thì thào bên tai tôi những câu chuyện kì diệu về dòng sông và cuộc đời, về những khổ đau và hạnh phúc,…
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Một khúc sông buồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO