Một tấc lòng sĩ phu cuối thế kỷ XIX

Vũ Quần Phương| 14/12/2019 10:18

Lê Quả Dục người huyện Giao Thủy tỉnh Nam Định. Giao Thủy giáp liền với Hải Hậu, quê nội tôi. Cụ sinh năm 1833, mất năm 1899. Như vậy cụ sinh trước Nguyễn Khuyến hai năm và mất trước Nguyễn Khuyến mười năm. Có thể coi cụ Lê như người đồng thời với cụ Nguyễn. Các cụ đều thi cử và làm quan dưới triều Tự Đức, đều đã đau giữa tuổi thanh niên ngày Pháp chiếm Sơn Trà, mở đầu cuộc xâm lược nước ta, và đã biết nỗi tủi cực tử sinh khi triều đình Huế kí thỏa ước hàng Pháp. Tôi so sánh vậy để mượn vào thơ và đời Nguyễ

Một tấc lòng sĩ phu cuối thế kỷ XIX

Lê Quả Dục người huyện Giao Thủy tỉnh Nam Định. Giao Thủy giáp liền với Hải Hậu, quê nội tôi. Cụ sinh năm 1833, mất năm 1899. Như vậy cụ sinh trước Nguyễn Khuyến hai năm và mất trước Nguyễn Khuyến mười năm. Có thể coi cụ Lê như người đồng thời với cụ Nguyễn. Các cụ đều thi cử và làm quan dưới triều Tự Đức, đều đã đau giữa tuổi thanh niên ngày Pháp chiếm Sơn Trà, mở đầu cuộc xâm lược nước ta, và đã biết nỗi tủi cực tử sinh khi triều đình Huế kí thỏa ước hàng Pháp. Tôi so sánh vậy để mượn vào thơ và đời Nguyễn Khuyến cho dễ hình dung không gian thơ Lê Quả Dục, cho dễ lần tới cõi tâm tư của các bậc trí thức hồi ấy trước thời cuộc.

Khi nhận từ tay ông Lê Văn Phồn tập thơ đã được các hậu duệ tác giả phiên âm chữ Hán ra quốc ngữ, dịch nghĩa và dịch thơ, tôi biết mình đang nhận một di vật tình cảm sâu nặng của quê hương mà con cháu một dòng họ đã gìn giữ gần hai thế kỉ. Nỗi niềm thuở ấy của ông Cử Lê ra sao?... dòng sông bãi bể Giao Thủy ngày ấy thế nào?... Bao nhiêu đổi thay. Thơ giữ được gì. Tôi trân trọng giở từng trang như lần tìm dấu tích một cõi lòng.

Lê Quả Dục đỗ Tú tài khoa thi Hương năm 1864 (có khi cùng trường thi với Nguyễn Khuyến, năm đó Nguyễn Khuyến đậu giải nguyên) khoa sau, 1867, đậu cử nhân. Vào Huế thi Hội các khoa 1868, 1869, và 1871. Cử nhân Lê Quả Dục chưa ra làm quan ngay. Ông mở trường dạy học ở quê nhà để có điều kiện chăm sóc mẹ. Thời gian hơn mười năm ẩn nhẫn này ông Cử đã tìm đến thơ, giao thiệp với nhiều sĩ phu quan tâm đến vận nước. Ông tham gia phong trào Cần Vương ở quê nhà do Hoàng giác Phạm Văn Nghị, người Ý Yên lãnh đạo. Sau ngày mẹ mất, 1883, ông mới nhận chức quan. Ban đầu làm huấn đạo Ý Yên, rồi Nhiếp chính An hóa, tri huyện Phong Doanh.

Năm 1886, thăng tri Phủ Nho quan. Nhưng lúc này nước ta đã rơi vào vòng cai trị của Pháp. Nhiều bậc khoa bảng cáo quan về quê ở ẩn hoặc tham gia các phong trào yêu nước. Cụ Tam nguyên Nguyễn Khuyến cũng đã lui về thôn Bùi, Bình Lục sống với bà con chân lấm tay bùn: Quanh năm làm ruộng vẫn chân thua/ Chiêm mất đằng chiêm mùa mất mùa, cự tuyệt mọi lời ve vãn mời chào của thực dân xâm lược và triều đình bán nước. Cụ Cử Lê Quả Dục cũng đi theo lộ trình đó. Năm 1888, nghĩa là sau 5 năm giữ chức quan nơi phủ huyện cho cả một đời nghiên mực, cụ đã từ quan về quê dạy học. Đây là một quyết định dũng cảm của các bậc khoa bảng. Thời ấy, theo đòi kinh nghĩa Cửa Khổng Sân Trình, nhiều công phu vất vả lắm không mấy người theo được và được theo mà cái đích khoa bảng chỉ là làm quan. Vậy mà khi đỗ đạt, đã lọt vào vòng vinh hiển thì lại cáo từ, về nơi xuất phát.

Tôi đã lần lại những bài thơ Nguyễn Khuyến để thấy lại cuộc đấu tranh tư tưởng, cân nhắc xuất xử của cụ. Không dễ đâu. Mình cáo về nhưng bao nhiêu vị khác vẫn đảm đương. Ai dám cho là họ xấu. Có khi con cháu đời sau còn nghĩ là do ông cha mình khiếm khuyết tài đức nên mới phải lui về. Nhưng làm quan là làm cho ai? Cụ cử Lê Quả Dục cũng như bậc đại khoa Nguyễn Khuyến cũng chỉ thấy một câu trả lời. Câu trả lời mà cụ Tam nguyên dặn con cháu phải khắc vào bia mộ Rằng quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu. Cụ Nguyễn Khuyến tài năng thơ kiệt xuất nên cả nước biết bản lĩnh từ quan của cụ. Cụ Lê Quả Dục thì âm thầm. Nhưng cũng gánh chịu đầy đủ sức nặng của một cuộc giã từ vinh hiển. Ngay thời bây giờ cũng không mấy ai làm được.

Nhân đây cũng xin vắn tắt vài dòng về khoảng cách tri thức giữa cử nhân và tiến sĩ thời lều chõng đi thi. Thi Hương lấy đỗ tú tài và cử nhân, chỉ cử nhân mới được bổ chức quan hoặc thi tiếp vòng thi Hội, thi Đình. Tú tài thì dù đỗ mấy lần, tú kép, tú đụp gì thì cũng chỉ “ăn lương vợ”. Thi Hội tổ chức ngay sau thi Hương một năm. Thi Đình chỉ sau thi Hội một hai tuần. Như vậy khoảng cách học vấn giữa cử nhân và tiến sĩ chỉ là một năm đèn sách. Cho nên đã có những cử nhân ra làm quan rồi được cấu tạo vào giám khảo chấm tiến sĩ. Nhà nước phong kiến triều Nguyễn, thì trừ những năm có ân khoa, cứ ba năm mở một khoa. Trượt, phải đợi ba năm mới thi lại. Thí sinh ốm đau hay vướng đại tang phải hoãn một hai khoa. Thế là thành phụ tử đồng khoa. Tuổi cao, lều chõng, gió mưa... cũng thảm lắm.

Lê Quả Dục làm không nhiều thơ. Chỉ khoảng trăm bài nhưng đủ cho thấy nỗi lòng ông trước hai chủ đề chính yếu của thời cuộc khi ấy. Đó là nỗi đau mất nước và cảnh sống khổ ải của dân tình. Hai chủ đề ấy tác động đến toàn dân nhưng ngấm sâu và làm hình thành tâm trạng đau đớn thường trực của giới trí thức Nho học thời ấy. 

Về chủ đề yêu nước: Nội dung thơ Lê Quả Dục trùng khớp và song hành với nội dung thơ của giới sĩ phu. Trước hết là nỗi buồn của người thua cuộc. Buồn vì mất nước, những cảnh xưa nét cũ thân thuộc của quê hương như có gì đổi khác. Người và cảnh nhìn nhau xót xa tủi hổ. Đến đâu thì cũng thương cho nơi ấy. Bài thơ Đến đất Gia Miêu, thuộc Thanh Hóa, quê gốc của dòng họ vua Nguyễn, Lê Quả Dục thâm trầm hạ hai câu kết:

Tu tri Nam quốc Nam dân xứ
Mạc vọng tha lai khuyến đoạn trường 
Dịch nghĩa:

Phải biết nước Nam là của dân Nam
Chẳng cần ai đến ngắn dài lời khuyên
 (Gìn giữ)

Đây là lời khẳng định chủ quyền từ chứng cớ lịch sử. Nói theo cách bây giờ là khẳng định “không bàn cãi”. Khẳng định từ nguyên tắc, chứ không phải từ tình hình. Tình hình thì đang bi đát. Nhưng nguyên tắc là bất di bất dịch. Đây là tư thế tư duy của trí tuệ. Vai trò giới trí thức trước tình thế hiểm nghèo của đất nước là ở đây. Tìm một cách nghĩ để củng cố niềm tin, để lấy lại sức mạnh chiến đấu. Phần đóng góp trước hết của cử nhân Lê Quả Dục vào sự nghiệp cứu nước là ở đấy.
Hai câu luận trong bài thất ngôn bát cú Thăm đền núi Dạ nặng một niềm cảm hoài thấm thía lại có ý vị triết học, triết học từ chiêm nghiệm thời thế sâu sắc. Ý thơ song hành, giọng thơ tung hứng như hai vế đối, rất ý vị:

Quang cảnh dũ tân tình dũ viễn
Yên hà di cổ hứng di thâm

Dịch nghĩa:
Cảnh vật càng mới, tình càng nhạt
Khói sông càng cũ, hứng càng sâu 
Nhưng đến hai câu kết, là nơi tác giả hay kí thác tâm tư thì xúc cảm lại hướng về linh hồn sông núi: chính khí nghìn năm của đất đai nơi này dễ thấm lắm vào trái tim khách trên đường hôm nay:

Thiên niên chính khí sơn câu tại
Dị cảm hành nhân nhất phiến tâm

Đọc mấy câu thơ này tôi cứ tiếc: giá nó được viết bằng thơ Nôm thì sức phổ cập chắc đã rất lan xa.

Đấy là nỗi buồn đối cảnh. Đến đâu, lúc nào cũng canh cánh nỗi niềm nhớ nước, cũng nung nấu ý chí phục quốc. Một lần ngụ ở Quán Phù Trạch, gặp trận mưa đêm xối xả từ chập tối, nghe trong tiếng mưa rừng có tiếng hổ gầm. Bất chợt một ý thơ như lạc vào giấc ngủ đang nồng: Kinh nghi thùy cộng thích dư tâm (Nghi ngờ kinh hãi biết có ai là kẻ đồng tâm). Sao lại có cảm giác nghi ngờ và kinh hãi rồi đưa ra câu hỏi tìm người đồng tâm, đồng chí giữa cảnh rừng, núi non quan ải hiểm trở xa xôi. Khi biết tên đất là Phù Trạch thì, do nghĩa chữ, lại nghĩ đến sự yên ổn lâu dài.

Tôi rất cảnh giác với mình khi đọc thơ người xưa, dễ bị tưởng tượng dẫn mình đi lạc ý, lạc tình. Nhưng ở bài thơ này, sao tôi cứ ngờ ngợ thường trực ở đây một nỗi lòng tìm người đồng tâm đồng chí, tìm nơi hiểm yếu an toàn cho việc lớn. Câu cuối bài còn cầu xin thần linh phù hộ. Trong tư liệu chỉ biết, tác giả Lê Quả Dục có giao du với nhiều sĩ phu trong phong trào Cần Vương và liên lạc mật thiết với nhiều bậc khoa bảng yêu nước. Khi Nguyễn Văn Tường, đại thần phụ chính triều Tự Đức, người cùng Tôn Thất Thuyết đứng về phe chủ chiến, vận động triều đình mộ quân chống giặc. Phong trào Cần Vương thất bại, ông bị Pháp bắt và đày biệt xứ ở đảo thuộc địa Hahiti. Năm 1886, Nguyễn Văn Tường mất ở đó. Bài thơ điếu của Lê Quả Dục buồn đau, xúc động cả về cảnh nhà lẫn vận nước. Tầm vóc sự xót thương người yêu nước hy sinh xa nước như tiếng gọi hồn của sông núi vọng đến mỗi lương tri:

Non sông buổi ấy ai đồng chí
Thê tử ngày nay biết sao không
Khiến để bao người rơi nước mắt
Cảnh tình mất nước nói được chăng
(Bản dịch thơ của Dương Văn Vượng)

Làm quan cai trị cấp phủ, cấp huyện, Lê Quả Dục có điều kiện sống gần dân. Điều chủ yếu có lẽ là ông lớn lên từ một gia đình nghèo khổ, lại có trái tim giàu lòng trắc ẩn, biết thương người. Cảnh sống cơ cực của người dân quê nhiều lần xuất hiện trong thơ ông. Ông quan này đã đau nỗi khốn cùng của người nông dân trên số phận mình, trong tâm hồn sâu thẳm của chính mình: Mây xanh cao vạn dặm kêu sao cho thấu (Vạn lí thanh vân hà dĩ cáo). Ông giãi bày: Việc lo cho già trẻ hàng ngày mà giọt lệ cứ chảy dài không dứt được (Mỗi tư phủ ngưỡng lệ vô đình). Ông tố cáo tội ác của quan lại và trộm cướp. Câu mở đầu bài thơ Cảnh nhà nông vào ngay một chi tiết  thân gần quen thuộc với nhà nông lại có sức khái quát sâu và sắc thân phận họ: Quanh năm đói khát với con trâu (Chung niên cơ khát dữ ngưu canh). Lê Quả Dục có cái thiệt thòi là ông không viết thơ Nôm. Thơ về dân tình dân cảnh mà không đến được với những người dân lam lũ thì tiếc quá. Do vậy ông cũng không có điều kiện để vận dụng cách nói, cách nghĩ thanh thoát và rất minh triết của tiếng Việt.

Bài thơ Đêm ngủ lại ở Nam Thành như một kí họa những loại người xã hội. Mỗi người chỉ một nét: khách buôn, nhà nông, quan cai trị, người làm nghề, anh chủ lễ nhưng cũng đủ để thấy muôn mặt lo âu của toàn xã hội, lo kinh tế, lo đạo lí lòng người. Bài thơ chỉ kể, không đúc kết khái quát gì mà thành đúc kết: một suy thoái toàn diện trên phạm vi toàn xã hội.
Lê Quả Dục có những bài thơ viết về tình gia đình và việc làng xóm. Tình thì riêng tư, việc thì nhỏ bé. Diễn đạt thơ cũng có phần bình dị, nhẹ, thoáng nhưng có ưu điểm là giúp bạn đọc có cơ hội làm thân với tác giả. Bài thơ Phải biết từ nhỏ như bảng tự tu dưỡng thuở học trung học cho thấy tính nghiêm cẩn rèn luyện của tác giả từ tấm bé. Tôi chú ý mấy bài văn tế cho người thân và bà con trong làng. Tôi như hình dung được bóng dáng cụ Cử giữa cháu con, họ mạc, làng xóm. Tôi là kẻ hậu sinh, lứa cháu chắt, được là người đồng tỉnh với cụ, đọc những tên làng, tên bến đò, tên con sông Cụ nhắc đến từ thuở ấy trong thơ mà bà con bây giờ còn gọi, lại cảm nghe trong lòng mình một thứ tình cảm đồng tông đồng tộc gần gũi, rất Sơn Nam Hạ nhà mình.

Năm nay là tròn năm thứ 120, ngày cụ mất.

Hà Nội 18/9/2019
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Thơ Nguyễn Đức Tùng - một buổi sáng chín
    Tôi muốn đánh thức “buổi sáng chín” của Nguyễn Đức Tùng để mở ra những trang thơ giàu tính sáng tạo của ông: Sau cái chết, nếu trở lại/ Anh sẽ trở lại vì một buổi sáng/ Một buổi sáng chín trên cành/ Như trái ổi xanh/ Bỗng chín/ Nhưng không rụng xuống/ Vì hãy còn xanh (Thời gian).
  • Hà Nội tổ chức 6 điểm bắn pháo hoa kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô
    UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 124/KH-UBND ngày 23/4 về việc tổ chức bắn pháo hoa kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
  • Triển lãm trực tuyến “Điện Biên theo dòng lịch sử qua tài liệu lưu trữ”
    Với hình thức trực tuyến, triển lãm giới thiệu hơn 300 tài liệu, hình ảnh từ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia, Bảo tàng tỉnh Điện Biên, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Lưu trữ Bộ Quốc phòng Pháp và một số cơ quan, đơn vị tỉnh Điện Biên nhằm phản ánh lịch sử tỉnh Điện Biên từ thuở sơ khai đến nay, trong đó có nhiều tài liệu lần đầu tiên được công bố. Triển lãm “Điện Biên theo dòng lịch sử qua tài liệu lưu trữ” sẽ diễn ra vào ngày 26/4.
  • Khoảng lặng với sen Hồ Tây
    Sáng sớm mùa hè, tôi đi bộ dọc bờ Hồ Tây để thuê một chiếc xe đạp dạo quanh hồ như lời hẹn của chuyến đi trước. Tôi lạc bước đến đầm sen Hồ Tây. Ngay khoảnh khắc ấy, sen gieo một nốt lặng thương nhớ vào lòng tôi.
  • Hà Nội thông báo về việc treo cờ Tổ quốc
    UBND TP Hà Nội vừa ban hành Thông báo số 353/TB-UBND về việc treo cờ Tổ quốc dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của Thủ đô và đất nước
Đừng bỏ lỡ
Một tấc lòng sĩ phu cuối thế kỷ XIX
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO