Một tiếng lòng sâu thẳm mà hồn nhiên

Anh Ngọc| 27/06/2021 15:56

Một tiếng lòng sâu thẳm mà hồn nhiên

Các nhà thơ Việt Nam phần lớn đều có thơ viết cho các em thiếu nhi, tiêu biểu như nhà thơ Xuân Quỳnh đã có những bài thơ rất hay, rất xúc động về mảng đề tài này. Ta hãy thử tìm hiểu cái duyên thơ ấy của Xuân Quỳnh trong bài thơ có cái nhan đề rất khái quát và gợi mở: Lời ru trên mặt đất.

Chúng ta sẽ thấy ngay, với một cái mũ chung như thế, nhà thơ đã bằng cách nào diễn đạt trọn hai nội hàm “lời ru” và “trên mặt đất”, một nội hàm mang đặc thù của một thể loại thơ và ca cổ kính, sâu thẳm từ tiếng lòng của mọi bà mẹ, một nội hàm lại bao quát cả một không gian rộng lớn trên cõi đời này? Vâng, bài thơ đúng là một thi phẩm diễn đạt đúng bản chất của mọi “lời ru” và của mọi bà mẹ “trên mặt đất”, ấy là:

Nếu bạn chịu khó lắng nghe ít nhiều lời ru của các bà mẹ Việt Nam xưa nay thôi, thì chắc bạn sẽ nhận ra một đặc thù là: Lời các bà mẹ ru con luôn là câu chuyện đời, chuyện người, chuyện cảnh… mênh mông, dành cho tất cả mọi người không chỉ cho trẻ con, nhưng lại được diễn đạt bằng thứ ngôn từ, hình ảnh, cách nói của trẻ con và gợi mở để trẻ con có thể dần dà hiểu được, càng lớn lên thì càng hiểu được nhiều hơn. 

Lời ru trên mặt đất ở đây có thể được diễn đạt như sau: Ấy là, bằng lời ru, người mẹ trước hết đặt con mình và mình vào giữa cõi đời đang hiện hữu xung quanh:

Rào rào là tiếng bầy ong
Chuyên cần là tiếng cái tằm 
nhả tơ…

Có thể nói, người mẹ đã coi cả cảnh trí, trời đất xung quanh là chiếc nôi con nằm, chiếc nôi lớn hơn vòng tay của một người mẹ cụ thể rất nhiều. Và tất cả cõi sống ấy, tất cả người, vật và sự vật đều ai cũng có việc nấy, để tồn tại và sinh sôi, như con ong bay tìm mật, con tằm mải miết nhả tơ, mẹ thì ngồi ru con. Và, câu thơ tiếp theo với lối nói tuyệt vời vì nó rất chính xác về ý nghĩa mà lại rất “trẻ con” mà phải là một tài thơ xuất chúng như nữ thi sĩ Xuân Quỳnh mới hạ bút viết nổi: Cái hoa bận đỏ, cái hồ bận xanh

Thú thực với các bạn, là một người làm thơ và khổ công vì thơ, tôi xin đảm bảo với các bạn, với từ “bận” được dùng một cách tài tình như trên, Xuân Quỳnh đã đóng một cái dấu độc quyền “made in Xuân Quỳnh” không thể lẫn với bất cứ ai!

Và vì bài thơ này là của một nhà thơ Việt Nam, viết trong bối cảnh đất nước chúng ta vừa đi qua những cuộc chiến tranh dài ác liệt, cam go, nên đoạn tiếp theo tác giả không ngừng đặt tiếng ru ấy vào giữa bối cảnh của đất nước ta ngày ấy, với những câu thơ vẫn đầy hình ảnh và rất “Xuân Quỳnh”:

Từ trong lá cỏ tươi non
Vượt lên mặt đất vẫn còn 
đạn bom…

Đây dòng sữa trắng như ngà
Dẫu thôi hạt sạn, dẫu xa
 cửa hầm…

Lại thương con dế dưới hầm
Những năm bom đạn sống 
cùng lời ru…

Và cái liên tưởng về một thời ru con trong lửa đạn rất cụ thể và dễ tiếp nhận cho cái nhìn ngây thơ của trẻ con:

À ơi ngọn lửa ngày xưa
Mẹ nuôi dưới đất bây giờ 
về đâu
Nhìn lên rực rỡ trên đầu
Lửa hôm qua đã trong màu 
cờ bay…

Đọc những câu như thế, tôi chợt nhận ra một điều, rằng hình như giữa thơ và trẻ con có một cái gì đó rất gần nhau, ngôn ngữ thơ khi đạt đến tinh chất lại dễ cảm nhận cho tất cả, đặc biệt là cho trẻ em… Đó chính là cái hồn nhiên mà sâu thẳm của thi ca đích thực, mà những câu thơ của Xuân Quỳnh là một dẫn chứng sinh động.

Trong đoạn cuối, như bản chất của mọi lời ru, tức là lời nói của người mẹ với đứa con bé bỏng, một con người mới bước vào cõi sống và dĩ nhiên sẽ còn cả con đường xa thẳm trước mắt để lên đường…, do đó, mọi lời ru đều hướng tới tương lai, như ở đây cũng vậy:

Ba tháng lẫy, bẩy tháng ngồi
Con đường xa tắp đất trời 
mênh mông…

Bốn phương đâu cũng quê nhà
Như con tàu với những ga 
dọc đường…

Và trên con đường xa tắp đó, mọi thứ có thể sẽ dần qua đi, chỉ có lời mẹ gửi trong khúc ca ru nhỏ bé đầu đời của con là sẽ theo con đi mãi:

Đã qua rồi những đau thương
Có chăng lời hát vẫn còn 
mà thôi.

Và nếu tôi nhớ không nhầm, cũng một ý đó, nhà thơ Xuân Quỳnh cũng đã từng cô đọng trong hai câu tương tự, nhưng ở vị thế khách quan hơn và cũng rất tuyệt vời:

Dẫu con đi đến trọn đời
Cũng không đi hết những lời 
mẹ ru.

Tôi đã làm cái việc cưỡi ngựa xem hoa với một bài thơ gồm đủ cả hai nội hàm lớn, ấy là nghĩ vào thì thấy sâu sắc vô cùng, mà nói ra thì lại hồn nhiên như tiếng ru dành cho những đứa trẻ sơ sinh. Phải chăng đó chính là giá trị đích thực của mọi lời ru, kể cả lời ru của những người mẹ dân gian khuyết danh trong ca dao, dân ca, cũng như của những người mẹ là nhân vật trữ tình trong những tác phẩm thơ của những nhà thơ tài năng như nữ thi sĩ Xuân Quỳnh của chúng ta.
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Một tiếng lòng sâu thẳm mà hồn nhiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO