Múa cổ vùng Hà Nội mở rộng

Lê Ngọc Canh| 04/08/2018 13:37

Múa vùng Hà Nội mở rộng rất phong phú, đa dạng, đa thể loại, đa hình thái. Qua nhiều năm tiến hành công trình sưu tầm, nghiên cứu múa cổ Thăng Long - Hà Nội chúng tôi đã thu thập được khá nhiều điệu múa cổ còn tồn tại trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Đặc sắc các hình thái múa

Có thể thống kê những điệu múa cổ vùng Hà Nội mở rộng, gồm các hình thái múa sau: Múa sư tử, múa lân làng Đa Sỹ, múa rồng làng Mậu Lương, múa mồi làng Văn Quán, Xa La, múa đánh bệt (đánh hổ) làng La Cả (quận Hà Đông); múa sênh tiền làng Sốm, Sở (huyện Chương Mỹ); múa trống ngũ lôi làng Hạ Hồi (huyện Thường Tín); múa ông địa làng Đường Lâm (thị xã Sơn Tây); múa vật làng Cát Quế, múa hát Chèo Tàu làng Tân Hội (huyện Hoài Đức); múa chuông, múa chũm tộc người Dao (huyện Ba Vì); múa mõ làng Sở (huyện Chương Mỹ); múa trống, múa bài bông hội làng Phú Nhiêu (huyện Phú Xuyên); múa cướp bông làng Xa Mạc, Trung Hà, múa vật làng Thanh Tước, múa cờ, múa đèn, múa hoa làng Nại Châu (huyện Mê Linh)...

Múa cổ vùng Hà Nội mở rộng
Múa hát chèo Tàu ở Đan Phượng.
Những điệu múa dân gian có sức sống bền vững, trường tồn trong nhân dân, được nhân dân lưu truyền và trình diễn trong mọi lĩnh vực sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Những lễ hội, những ngày hội, ngày Tết, hội làng, hội đình không thể thiếu múa dân gian. Có lễ hội là có múa, nó là một thành tố của lễ hội, của văn hóa làng, bản của cư dân trong vùng. Có những trường hợp múa dân gian tham gia vào quá trình của lễ hội và là thời điểm cao trào của lễ hội như múa trong lễ hội Giã La đánh bệt (đánh hổ) ở làng La Cả (Hà Đông), hay là múa trong lễ Cấp sắc của người Dao, hội Sắc Bùa của người Mường ở Ba Vì. Múa dân gian luôn gắn bó trong mọi sinh hoạt văn hóa cộng đồng vùng Hà Nội mở rộng.

Cũng ở vùng Hà Nội mở rộng có rất nhiều hình thái múa tín ngưỡng như: Múa hầu đồng của tộc người Việt; múa chàm ống tộc, múa mõi, múa quạt ma của tộc người Mường; múa cấp sắc, múa tết nhảy, múa bắt ba ba, múa chuông của tộc người Dao. Có thể thấy, văn hóa tín ngưỡng hợp thành nhiều thành tố văn hóa nghệ thuật. Đó là văn, thơ, nhạc, múa, hát, hội họa và nghệ thuật biểu diễn. Chúng tổng hòa với nhau tạo nên diễn xướng văn hóa tín ngưỡng, trong đó múa tín ngưỡng có vai trò quan trọng. Thực hiện múa tín ngưỡng do một người thực hiện (một người trình diễn). Đó là ông Đồng, bà Đồng, ông Then, bà Then, thầy Tào, thầy Cúng, không gian trình diễn hẹp là nơi thờ cúng trang nghiêm. Múa tín ngưỡng còn gọi là múa thiêng.

Còn hình thức múa tôn giáo (Phật giáo) ở vùng Hà Nội mở rộng cũng có 5 điệu múa: Múa lục cúng (6 lần cúng), múa chạy đàn cắt kết (cầu siêu), múa thiên long bát bộ (đàn trấn), múa mông sơn thí thực, múa chạy đàn của tộc người Việt. Múa Phật giáo của người Việt có quy ước chặt chẽ, trước khi múa nhất thiết phải Điểm khai hoa là những động tác múa biểu hiện nghi lễ Phật giáo, tỏ lòng thành kính đức Phật. Sau đó mới múa các loại ấn quyết. Chẳng hạn như Quyết Tam Bảo: Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo là biểu hiện lòng thành kính dâng lễ với Phật, Pháp, Tăng Bảo; Quyết Thượng Sư: Lòng tôn kính với Đức Phật Thích Ca; Quyết Chuẩn Đề: Lòng tôn kính với đức Phật Bà Quan Âm (nghìn mắt nghìn tay); Quyết Tịnh Tam Nghiệp: Đem lại sự trong sạch tốt đẹp cho ba nghiệp: Thân (người), khẩu (lời), ý (nghĩ). Cho người có tâm, đức được trong sạch trước khi dâng lễ phẩm; Quyết chuyên dụng: Là loại quyết ấn cho từng điệu múa cụ thể. Ví dụ: Quyết lục cúng (múa 6 lần cúng)

Múa Phật giáo thuộc hình thái múa tôn giáo có hàm chứa đầy đủ những yếu tố, tính chất của múa tôn giáo chính thống ở Việt Nam. Múa Phật giáo phong phú đa dạng, giàu tính thẩm mĩ, tính kĩ thuật nghệ thuật, có quy ước chặt chẽ, ổn định, có đặc trưng riêng biệt. Điều này thể hiện rõ trong động tác múa phần cổ tay, ngón tay là luôn uốn guộn ngón tay, cổ hay gọi là tay ấn (tay quyết). Phần chân luôn đi lướt nhẹ nhàng uyển chuyển, gọi là chân đàn (chạy đàn).

Chân đàn - Tay ấn là đặc điểm riêng của múa Phật giáo. Ấn (quyết) múa Phật giáo có nhiều dạng, nhiều kiểu khác nhau, như Phổ lễ ấn, Cúng đường ấn, Giải giới ấn, Phùng tống ấn, Hộ thân ấn, …
Những giá trị văn hóa

Múa vùng Hà Nội mở rộng là sự sáng tạo văn hóa của tiền nhân để lại cho các thế hệ sau, nó hàm chứa bản sắc văn hóa, giá trị văn hóa của cư dân Hà Nội. Các điệu múa tay hình thái, các thể loại đã hiện diện trong nhiều loại hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng, văn hóa tín ngưỡng, văn hóa dân gian, văn hóa tôn giáo. Đặc biệt là múa trong lễ hội truyền thống nó là một thành tố không thể thiếu vắng. Lễ hội là một loại hình văn hóa đặc sắc mang dấu ấn văn hóa tộc người, dấu ấn vùng văn hóa. Trong các lễ hội dân gian, hội làng người Việt vùng Hà Nội mở rộng đều xuất hiện những điệu múa lân, sư tử, rồng, sênh tiền, trống. Những điệu múa này góp phần tạo nên bản sắc, giá trị văn hóa của lễ hội. Múa không chỉ diễn ra ở lễ hội mà còn tham gia vào nhiều loại hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng, như múa vui chơi, giải trí; múa trong sân khấu chèo, tuồng, trong văn hóa diễn xướng dân gian. Múa có vai trò tạo nên giá trị văn hóa, hàm chứa bản sắc của cư dân trong vùng.

Múa cổ vùng Hà Nội mở rộng
Về giá trị xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tất yếu trong đời sống tâm linh của con người, gắn bó với con người, với xã hội, là nhu cầu của xã hội. Tín ngưỡng, tôn giáo là nơi gửi gắm nỗi niềm tâm linh, ước vọng, cầu mong của con người. Đặc biệt ở Việt Nam Phật giáo có ảnh hưởng sân đậm, rộng lớn trong toàn cộng đồng với đạo lý Duyên khởi, Tứ diệu đế, Bát chánh đạo. Tất cả hướng thiện, trừ ác (từ bi hỉ hả). Đạo lí trên là cơ sở tư tưởng triết học và đạo lí Phật giáo đã góp phần cho bản sắc văn hóa tinh thần của người Việt và toàn xã hội, có giá trị xã hội.

Trong đạo lý trong nghi lễ Phật giáo có sự tham gia của nghệ thuật múa với những cấp độ khác nhau và các trường hợp trình diễn khác nhau. Múa nghi lễ Phật giáo là một thành tố trong sinh hoạt văn hóa Phật giáo và hàm chứa đạo lí, tư tưởng giá trị văn hóa giá trị xã hội của Phật giáo.

Về giá trị nghệ thuật, nghệ thuật là lĩnh vực sáng tạo của con người qua nhiều thế hệ, được lưu truyền từ đời này qua đời khác và là sáng tạo mở. Mỗi tộc người, mỗi vùng miền đều có sự tương đồng và khác biệt trong sáng tạo nghệ thuật, có yếu tố đặc thù của từng tộc người, từng loại hình nghệ thuật, gắn bó với môi trường, với con người tạo nên đặc điểm nghệ thuật múa vùng Hà Nội mở rộng. Từ đó, cư dân vùng này đã nảy sinh sáng tạo nghệ thuật múa phù hợp với tâm sinh lý, tư duy thẩm mĩ cấu trúc nghệ thuật của cư dân trong vùng. Nghệ thuật múa không chỉ là biểu hiện giá trị nghệ thuật của cộng đồng người Việt vùng Hà Nội mở rộng, mà nguồn cội của nó còn là tư duy sáng tạo nghệ thuật của cộng đồng người Việt tỉnh Cầu Đơ xưa, sau này là tỉnh Hà Nội gồm Hà Nội và Hà Đông (cũ). Từ đó tạo nên giá trị sáng tạo nghệ thuật múa vùng Hà Nội mở rộng.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Múa cổ vùng Hà Nội mở rộng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO