Mùa đông của tôi và thỏi son ngày 8/3

Hồ Huy| 04/03/2020 10:03

Năm 18 tuổi, vào một sáng chủ nhật phẳng lặng như ánh trăng chiều, bên cửa sổ tầng hai của gác trọ, tôi dõi mắt nhìn theo những làn khói hun lên từ những đống lửa ngoài bãi xa xa của vùng Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội.

Mùa đông của tôi và thỏi son ngày 8/3

Năm 18 tuổi, vào một sáng chủ nhật phẳng lặng như ánh trăng chiều, bên cửa sổ tầng hai của gác trọ, tôi dõi mắt nhìn theo những làn khói hun lên từ những đống lửa ngoài bãi xa xa của vùng Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội. Hơi lạnh của những đợt gió mùa đông đang ùa về, nó chưa chạm tới da thịt tôi nhưng đã luồn lách len lỏi trong ký ức để chạm đến một thứ ấm áp vàng son. Thứ vàng son ấy là tuổi thơ, là chiếc áo len mẹ đan, là những đêm mẹ chong đèn bắt muỗi.

Nhìn những gia đình chung quanh họ tụ tập nấu ăn và nướng thịt trên bãi đất xa xa ấy, tôi mẫn cảm mà chùng lòng một tiếng ho khan để thấy mình đang cứng cỏi chứ không phải mít ướt nửa mùa.

Tôi ngồi xuống ôm lấy cây đàn và "Mùa đông của tôi" cứ thế tuôn ra như thể là cứu cánh cho nỗi niềm cô đơn. Bài hát tôi viết về mẹ cũng là bài hát đầu tiên của tôi ra đời trong một ngày chớm đông quạnh vắng. Con bé Nga chủ nhà bảo với đứa em nó: Loan ơi lên đây mà xem, anh Huy mày lại lên cơn "hâm" rồi. Vậy đấy.

Mùa đông về bên cửa
Bình yên như lời ru
Con buồn vì xa mẹ
Thao thức đêm trở mùa

Tiếng thời gian nức nở
Bỗng nhớ mùa đông xưa
Đêm mẹ ngồi đan áo
Rét mướt về hay chưa

Kỷ niệm như giọt nắng
Đã xa từ mùa thu
Tuổi thơ như nước mắt
Trẻ con khô bao giờ...

Tôi vừa nghĩ và vừa hát, hình ảnh rõ rệt nhất mà tôi thấy căng phồng trong trí não là cái bóng mẹ tôi những tối mùa đông lạnh lẽo ngồi miệt mài đan áo đổ dài lên vách bên ngọn đèn dầu lai vãng thiêu thân.

Cảnh tượng đó khiến tôi không thể bằng an cõi lòng, tôi thấy hai mắt cay xè và vừa hát tôi vừa khóc... Con bé Nga và đứa em nó không làm trò trêu chọc một đứa hâm như tôi nữa, chúng lặng lẽ ngồi xuống bên tôi.
Lúc sau bé Loan bảo: Anh Huy. Ngày mai dạy em hát thánh ca nhé (nhà Loan theo Đạo Thiên Chúa). Tôi buông đàn quệt mắt quệt mũi mỉm cười: Ừ...

Lại nhớ tới cuốn lưu bút năm lớp 12, Hương Lan viết cho tôi: Huy ạ, tao vẫn còn nhớ như in hồi cấp 2, hôm cô Lê dẫn mày vào lớp, mày mặc cái áo len Thái Bình cổ lọ màu đỏ... Vâng. Chỉ có điều tôi không nói cho Hương Lan biết đó là một trong những chiếc áo len thần thánh mẹ đan...

Cũng tại khu Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội mà ngày xưa đêm đêm còn thảng thốt tiếng chão chuộc, tiếng ếch ương và tiếng dế sầu nỉ non thanh vắng tôi quyết định đi làm thêm ngoài những lúc học hành. Nơi tôi làm việc là xưởng đúc nhôm của bác Bảo (sau này tôi gọi bằng thầy). Xưởng nhôm của thầy cạnh nhà thờ làng Tám khu Giáp Bát, Hà Nội. Có thể nói đó là một công việc vất vả, ngày đông cũng như ngày hè chúng tôi thường phải cởi trần bởi sức nóng của lò nung tỏa ra.

Thầy Bảo quý tôi lắm phần vì tôi ham học hỏi phần vì tôi nhanh trí, tôi có thể làm gấp đôi số lượng sản phẩm trong một ngày so với một người đã làm ở chỗ thầy 7 - 8 năm. Lương của tôi bao giờ cũng cao hơn họ, nhưng thầy phải đưa giấu vì lo tôi bị người ta ghen ghét.

Tôi chỉ làm việc ở chỗ thầy hơn một năm, nhưng cho đến bây giờ tôi vẫn tâm niệm đó là trường đại học đầu tiên của đời mình. Nhớ một ngày thầy gọi tôi vào phòng riêng bảo: Con nghỉ đi, thử sức như thế đủ rồi, nơi đây không phù hợp với con...

Nhắc lại thầy Bảo bởi chuyện có liên quan đến thỏi son ngày mồng tám tháng ba mà tôi đã nói. Đó là tháng lương đầu tiên của tôi trùng vào dịp lễ kỷ niệm ngày quốc tế phụ nữ.

Chiều ấy lĩnh lương xong tôi đạp xe bát ngát trên đường Giải Phóng rồi ngả về Kim Liên, Phạm Ngọc Thạch. Tôi còn nhớ như in mình đã dừng lại ở số 256, một cửa hàng bán nước hoa và mỹ phẩm tôi mua một thỏi son gửi về tặng mẹ. Mẹ tôi vốn không phải người hay trang điểm và chau chuốt sắc đẹp nhưng mẹ thích sưu tầm nước hoa và son phấn.

Mùa đông của tôi và thỏi son ngày 8/3 là vậy đấy. Thực sự tôi vẫn luôn cảm thấy mình thật nhỏ bé mỗi khi nhớ về những kỷ niệm. Thời gian trôi thật nhanh. Tóc tôi giờ đã lén lút bạc, khuôn mặt chẳng còn vẻ thanh tân ngày nào. Ấy vậy mà tôi đã làm được gì cho mẹ đâu ngoài một khúc cảm thán mùa đông và một thỏi son Hàn Quốc của hơn hai mươi năm về trước... 
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Mùa đông của tôi và thỏi son ngày 8/3
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO