''Mưa ký ức'' đẫm nỗi niềm thế sự

Đặng Đình Chấn| 15/02/2021 10:58

Đọc tập thơ “Mưa ký ức” của nhà thơ Đoàn Mạnh Phương - NXB Hội Nhà văn 2021

''Mưa ký ức''  đẫm nỗi niềm thế sự

Đọc tập thơ Mưa ký ức (Nhà xuất bản Hội Nhà văn - 2021) của Nhà thơ Đoàn Mạnh Phương với tâm trạng của sự đợi chờ một chuỗi chiêm nghiệm mới, phát hiện mới, sau ba tập thơ (Mắt đêm, Câu thơ mặt người, Ngày rất dài) của anh đã xuất bản.

Cảm nhận bao trùm của tôi sau khi đọc Mưa ký ức là những vần thơ ấy, dù từ nhiều góc nhìn, nhiều “ký ức” khác nhau của tác giả chính là những nỗi niềm thế sự; đi từ xa tới gần, từ trong ra ngoài, đi từ chữ tới nghĩa. Và, mỗi bài thơ trong Mưa ký ức thực sự là một nỗi niềm thế sự để qua đó người đọc không thấy có một sự “dễ dãi” nào trong thơ Đoàn Mạnh Phương. Đời thực làm nên thơ Đoàn Mạnh Phương, nhưng một trong những thành công của thơ Đoàn Mạnh Phương chính là thơ anh góp phần nâng giá trị cuộc đời, thông qua tính độc đáo về ngôn từ và đôi khi là về sự cách tân mới lạ, thông qua sự chắt lọc kỹ càng trong trải nghiệm và chiêm nghiệm, thông qua những sáng tạo ý tưởng trong thơ… 

Câu chữ là một thế mạnh, một chắt lọc của thơ Đoàn Mạnh Phương. Một sự việc, một nghịch cảnh hay một suy tư đời thường khi đã vào thơ của anh tự nhiên mang một một ý nghĩa sâu sắc hơn và được nâng tầm cả về giá trị và về cái “đắt” của ngôn từ; nhưng không hề làm mất đi bản chất vốn có của những chất liệu cuộc đời được đưa vào trong từng tứ thơ. 

Một trong những bài thơ được sáng tác mới nhất trong tập Mưa ký ức là bài Ăn sáng vỉa hè - Một cảm hứng tự nhiên, không định trước, nhưng đã đi vào đời sống của thơ như một ý niệm ấp ủ từ lâu:

…Dòng suy tưởng trôi về quá khứ
Hỏi làm sao không nuốt nổi 
chính mình…

Để rồi ở: 
quán vỉa hè mỗi sáng 
cứ cộng dồn tích nợ một tôi xưa
để một tôi của bây giờ gặp lại
thành nhiều tôi trong ngách phố 
chuyển mùa…

Cái “tôi” ở đây vừa là cái “tôi” của nhà thơ  (với tư cách là tác giả), lại cũng là cái “tôi” của bất kỳ ai có cùng tâm trạng, có cùng quá khứ của những “dòng suy tưởng”. Và, bao dòng suy tưởng của cái “tôi” được “cộng dồn” ấy đã làm thành nhiều cái “tôi” trong một con người thời cuộc - Phải sống thế nào đây để thích ứng, để hài hòa, phát triển và để “ta vẫn là ta” lúc này, đó là câu hỏi mỗi người phải nỗ lực trả lời. 

Đi với câu chữ trong thơ Đoàn Mạnh Phương còn là việc Hình tượng hóa những ý niệm. Về mặt này, tôi nghĩ thơ anh đã và đang gìn giữ được những tìm tòi rất riêng của thi sĩ và cũng là một trong những yếu tố tạo nên tính sáng tạo của Mưa ký ức nói riêng và thơ Đoàn Mạnh Phương nói chung. Bài: “Cuộc trò chuyện của những chữ cái” là một ví dụ: Khi “những chữ cái trò chuyện” với nhà thơ “như người bạn bất kể ngày, đêm, sáng, tối”, và còn “đi vào lồng ngực” nhà thơ, “vào trong từng thớ não như vào nhà người thân quen đang đợi”… để mỗi lúc “bí từ”, chữ cái giúp nhà thơ “bấm vào huyệt tứ”...

Câu chữ cộng với ý tưởng thể hiện mới lạ làm nên sự mới mẻ trong thơ. Rất nhiều bài thơ trong Mưa ký ức đã đạt được sự mới mẻ vừa bình dị, vừa chắt lọc ấy. Bài thơ “Khởi giác” cho người đọc nhiều suy ngẫm và cũng “bắt” người đọc phải suy nghĩ, tìm hiểu nhiều hơn: 

May sao, 
hồn vía của Tết xưa 
thở trong từng lõi chữ
Mùa xuân mọc thêm chùm rễ mới
Đón những cơn mưa từng cười 
ngập cỏ

Ngày thản nhiên xanh
Giữa những mở phơi và khai lộ… 

Còn nữa: 
Lại bắt đầu một khởi động mới
Bằng những giấc mơ đã từng làm 
cháy bóng tối
để mọc lên một ánh sáng
vừa an yên, bình dị, sớm nay… 

Những câu từ như: hồn vía của Tết, thở trong lõi chữ, mùa xuân mọc chùm rễ mới, mở phơi và khai lộ, giấc mơ làm cháy bóng tối, mọc lên một ánh sáng… không dễ gì có vị trí trong thơ, nhưng ở đây đã có và nâng tầm ý tưởng của thơ. Cho nên, cũng rất đúng khi cho rằng, thơ Đoàn Mạnh Phương đọc thì nhanh (nếu đọc chỉ để mà đọc), nhưng nghĩ thì lâu (nghĩ để mà hiểu và chiêm nghiệm). Phải suy ngẫm nhiều để tìm tòi, để hiểu được ý nghĩa của bài thơ khi đọc, đó cũng là một biểu hiện cái tầm của thơ mà không phải tác giả nào cũng có được. Bởi lẽ, thơ hay là phải có chiều sâu của đời sống và của tư duy trong đó. 

Tôi muốn nhắc đến một bài thơ khác nữa khi nói về tính đặc sắc trong thơ Đoàn Mạnh Phương: Bài thơ “Không đề” - Không đề mà lại rất có “đề”, thậm chí là rất nhiều “đề”: 

Có sự thật nào trốn thoát được ban mai (dẫu rằng sự thật ấy có thể được giấu kín trong đêm…) 
Mỗi ban mai chứa được rất nhiều 
cuộc chuyện trò của những đám mây
Mỗi đám mây thăng hoa từ rất nhiều 
mồ hôi và nước mắt

Và trong mỗi câu chuyện trò
có rất nhiều vị mặn…

Vị mặn đã nuôi ta lớn lên sau những 
cái chớp mắt hàng ngày…

Ban mai đồng nghĩa với ánh sáng (chứ không phải bóng tối). Mà khi đã có ánh sáng thì tất cả được phơi bày, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Cho nên mới có câu thơ “Có sự thật nào thoát trốn được ban mai”. Những đám mây biết trò chuyện ấy chính là những hoạt động, những câu chuyện, những con người ngày ngày làm nên cuộc sống đa dạng. Mà đã là con người, câu chuyện, công việc hàng ngày thì buồn - vui, nước mắt-nụ cười đủ cả. Xã hội phát triển, con người lớn khôn lên cũng từ bao điều vui-buồn đó cả. 

Thơ Đoàn Mạnh Phương là thơ của nỗi niềm thế sự, cho nên không thể lướt qua mà cần cảm nhận hết từ chữ tới nghĩa. Trong thơ ấy, có những điều là vốn dĩ (từ xưa), nhưng sự đổi thay vẫn không diễn ra mặc cho bao người thấy thổn thức, thấy lạ kỳ; ví như sao phải hỏi: “Bàn chân làm nên những con đường/ Hay con đường làm nên những bàn chân?”, để cho “Bao tâm thế xoay ngược xoay xuôi/ Và chỉ thấy bốn bề im lặng…” (Dấu hỏi). Có lẽ đó là câu hỏi mà chỉ sự “im lặng” là hợp lý nhất chăng? 

Lại có bài thơ và những câu thơ đọc thấy đắng lòng. Bài “Nói thầm” cho ta cảm nhận đó và chính là nhắn nhủ rằng: Hãy sống thật với mình và với thời cuộc.

Người nhạt
thì cộng thêm bằng gì để mặn?
Vì khi người nhạt thì: 
nước nhạt theo, ngày nhạt theo, 

thơ cũng nhạt theo
Vô nghĩa những muối, những đường, 
những ngọn lửa và nước mắt
những ban mai và những chiều 
nắng tắt. 

Nên đành phải: 
Tâm thế nhọn như kim
Đâm qua biểu bì sự thật: Người nhạt 
thì chia vào đất cát! 

“Người nhạt” là muốn nói đến người sống nhạt nhẽo, không thật lòng, ích kỷ… Mà như vậy thì thật… vô nghĩa… 

***

Mưa ký ức là tên tập thơ, cũng là tên một bài thơ trong tập - bài Những cơn mưa ký ức.  Những cơn mưa thì hàng năm, hàng tháng vẫn xảy ra, nghe thì cũ…, nhưng cơn mưa nào cũng “còn mới nguyên”. Chỉ có điều những cơn mưa ấy đem về ký ức cuộc đời - những cuộc đời vốn nhiều ký ức và không quên ký ức, gắn với những cơn mưa: “Những cơn mưa Hà Nội chiều chiều cho tôi nhớ về quên” - Cơn mưa mới mà ở đó vẫn “ướt dáng hình ông bà, ướt dáng hình lam lũ mẹ, cha”; có cả những “giọt mưa cùng kể chuyện tuổi thơ xưa” - Những cơn mưa chiều thật lạ, làm cho “bao ký ức lại ùa về”. Và, đặc biệt hơn, từ bao cơn mưa ký ức ấy, đã làm nên “Một ký ức Hà Nội/ đổ mưa trong ngực mình” - Một sự trào dâng trong lòng tác giả một tình yêu và kỷ niệm với Thành phố thân yêu…
NHỮNG CƠN MƯA KÝ ỨC là những kỷ niệm, những nỗi niềm từng trải, những việc đời từng qua, những trân trọng quá khứ… để làm nên một đời sống thực tại hôm nay không phải riêng với nhà thơ mà với mỗi người trong dòng chảy cuộc sống này.
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Lễ xuất quân hành hương về nguồn “Qua miền Tây Bắc - về với Điện Biên” của các văn nghệ sĩ
    Sáng 15/4, tại Hà Nội, Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức Lễ xuất quân đưa các văn nghệ sĩ hành hương về nguồn “Qua miền Tây Bắc – Về với Điện Biên”. Đây là chương trình mở đầu cho chuỗi các hoạt động sẽ diễn ra từ ngày 15 đến 21/4/2024 của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).
  • Đổi mới tư duy kinh tế điện ảnh - cú huých cần thiết
    Thực tế cho thấy phim lịch sử vẫn thu hút không ít công chúng yêu điện ảnh. Dư âm bộ phim “Đêm hội Long Trì” ngày nào vẫn còn trong lòng thế hệ khán giả đương thời, bởi sự hấp dẫn, thuyết phục đến từ kịch bản, đặc biệt là bối cảnh công phu, được ê-kíp làm phim tạo dựng với tình cảm sâu sắc và trách nhiệm cao đối với lịch sử.
  • Trở lại Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Trở lại Điện Biên của tác giả Nguyễn Lê Hằng.
  • Phố Sách Hà Nội: Sôi nổi chuỗi sự kiện “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”
    Thông tin từ Ban quản lý Phố Sách Hà Nội 19/12, hưởng ứng ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3; Chào mừng kỷ niệm 7 năm ngày thành lập Phố Sách Hà Nội, tại Phố Sách Hà Nội sẽ diễn ra chuỗi sự kiện “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”.
  • Khai mạc Ngày hội Văn hóa - Thể thao ngành Giáo dục Hà Nội năm 2023-2024
    Sáng 15/4, tại Trung tâm VHTT&TT quận Tây Hồ, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội phối hợp với Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cấp Thành phố năm học 2023 – 2024.
Đừng bỏ lỡ
''Mưa ký ức'' đẫm nỗi niềm thế sự
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO