Nâng cao giá trị sản phẩm du lịch khu thắng cảnh Hương Sơn

Đăng Chung| 23/04/2018 08:08

Những năm qua, Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội) đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ khi số lượng du khách đến với thắng cảnh Hương Sơn ngày một đông. Có được những kết quả đó, bên cạnh việc nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện môi trường du lịch tại khu di tích, ngành du lịch Hà Nội đã và đang nỗ lực nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch tại đây để thu hút du khách…

Đa dạng sản phẩm du lịch

Thực hiện Kế hoạch khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch tại các quận, huyện thị xã trên địa bàn TP. Hà Nội, vừa qua (18/4), Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với UBND huyện Mỹ Đức, đại diện Cơ quan hỗ trợ hợp tác quốc tế vùng Paris tại Hà Nội cùng các đơn vị, doanh nghiệp lữ hành tổ chức đoàn khảo sát thực tế trên tuyến Tuyết Sơn (gồm chùa Bảo Đài, động Tuyết Sơn), thuộc quần thể khu di tích thắng cảnh Hương Sơn và tọa đàm “Thực trạng và giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch tại huyện Mỹ Đức”.

Nâng cao giá trị sản phẩm du lịch khu thắng cảnh Hương Sơn
Ông Trần Đức Hải – Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội phát biểu tại buổi tọa đàm (Ảnh: Đăng Chung).

Tại buổi tạo đàm, ông Trần Đức Hải - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, chương trình công tác nhằm xây dựng các điểm đến du lịch phục vụ đa dạng các nhu cầu của khách du lịch cũng như tăng hiệu quả hoạt động của ngành kinh tế du lịch trên địa bàn Thành phố, tạo sức hút du khách đến với các điểm du lịch địa phương. Hiện nay, theo quy hoạch trên địa bàn Thành phố có 6 trọng điểm về du lịch. Khu vực huyện Mỹ Đức là Hương Sơn, Quan Sơn là một trong 6 trọng điểm du lịch, tuy nhiên các hoạt động khu vực này trọng tâm là chùa Hương (Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn). Lượng du khách đến với chùa Hương tập trung trong 3 tháng âm lịch đầu năm - mùa lễ hội chùa Hương tương đối lớn, chủ yếu là khách du lịch tâm linh. Sau mùa lễ hội, 9 tháng còn lại khách du lịch đến rất hạn chế…

“Hương Sơn (Chùa Hương) là một quần thể di tích và danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Nơi đây không chỉ nổi tiếng với động Hương Tích, Hinh Bồng, chùa Thiên Trù, Tuyết Sơn, Thanh Sơn... xen lẫn với rừng núi, hoa lá cỏ cây mà còn được tôn vinh bởi Hương Sơn nằm trong cái nôi văn hóa đặc sắc, với các phong tục, nếp sống sinh hoạt đặc trưng của làng quê Việt Nam. Mới đây, chùa Hương đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Vì vậy, với tài nguyên thiên nhiên ban tặng, khu di tích thắng cảnh Hương Sơn cần phải phát triển hơn nữa một loại hình văn hóa đặc biệt của Hà Nội, phong phú với các sản phẩm du lịch vừa gắn với di tích lịch sử tâm linh vừa gắn với các lễ hội truyền thống và các làng nghề trên địa bàn huyện Mỹ Đức…” - ông Trần Đức Hải nhấn mạnh.

Thông tin về tuyến Tuyết Sơn, ông Nguyễn Bá Hiển - Phó Ban quản lý Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn cho biết: Tuyến Tuyết Sơn (chùa Bảo Đài, động Tuyết Sơn- thuộc quần thể khu thắng cảnh Hương Sơn), được thiên nhiên ban tặng với cảnh vật rất đẹp trên bến dưới thuyền du khách thăm quan đánh giá rất cao. Chùa Bảo Đài cũng là nơi có rất nhiều điểm nhấn về du lịch, trên cung đường lên động Tuyết Sơn có những rừng mơ nổi tiếng cùng với những giá trị về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp như: trồng rau sắng, rừng mơ đi vào thơ ca trong lòng du khách và nhân dân địa phương từ lâu. 

Theo ông Hiển để thu hút khách du lịch đến tuyến Tuyết Sơn, cũng cần đầu tư hơn nữa về cơ sở hạ tầng, hệ thống hàng quán đồng bộ, nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường, tăng cường thêm lực lượng giới thiệu du lịch cho du khách… Đồng thời, Phó Ban quản lý khu di tích thắng cảnh Hương Sơn cũng mong muốn phía Sở Du lịch Hà Nội, các ban ngành đoàn thể, lãnh đạo huyện Mỹ Đức tiếp tục quan tâm đến đội ngũ tiếp viên tại điểm, để tại các điểm di tích khi có khách du lịch đến vừa giới thiệu giá trị di tích, giá trị lịch sử của tour tuyến điểm vừa là người để giữ gìn môi trường cảnh quan, công tác ANTT… Để tour tuyến về với thắng cảnh Hương Sơn ngày cảng thuận tiện hơn.

Đánh thức tiềm năng du lịch

Dẫn chúng tôi đi thăm quan, anh Nguyễn Tuấn Anh - Tổ hướng dẫn tuyên truyền Ban Quản lý khu di tích thắng cảnh Hương Sơn cho biết, động Tuyết Sơn nơi đây xưa kia là một vùng hoang vắng. Đời Vua Lê Hy Tông niên hiệu Chính Hoà thứ 15 (1694) bà quận chúa Hoàng Thị Ngọc Hương về dựng chùa Bảo Đài mở động Tuyết Sơn làm nơi thờ Phật. Từ đó, chùa Bảo Đài được xây dựng theo kiến trúc cổ Việt Nam đời Lê - Trịnh. Trải qua nhiều thế kỷ chùa đã được tu sửa lại nhiều lần như. Đến nay, hình dánh chùa được làm theo kiến trúc nhà Nguyễn. Đứng giữa sân chùa có thể cảm nhận được sự tráng lệ, kỳ vĩ của cảnh chùa, núi non.

Nâng cao giá trị sản phẩm du lịch khu thắng cảnh Hương Sơn
Du khách vãn cảnh chùa Bảo Đài (Ảnh: Đăng Chung).

Trên cửa động Tuyết Sơn có khắc ba chữ Hán “Ngọc Long Động”, trong động chia thành hai nhánh động nhỏ. Một nhánh động là Tam bảo thờ Phật, bên cạnh có khối thạch nhũ gọi là cây Trường Tuyết, trong vách đá có bức tượng phù điêu tạc bà quận chúa Ngọc Hương với đường nét chạm khắc mềm mại mang dáng vẻ hiền từ của một bà vãi tham thiền mộ đạo. Nhánh động thứ hai là điện thờ Mẫu, có tượng các cô, các cậu bằng đá. Động Tuyết Sơn thuộc quần thể Thắng cảnh Hương Sơn nên hàng năm lượng khách đến đây chủ yếu đông vào dịp Lễ hội Chùa Hương là chính và thường đi trong một ngày. Ngoài Lễ hội chùa Hương khách vãn cảnh chùa Bảo Đài và động Tuyết Sơn thưa thớt hơn.

Anh Nguyễn Văn Cường - Giám đốc Công ty du lịch Nụ cười mới nhận định, “trong khoảng 10 năm trở lại đây, du lịch tâm linh có thể nói phát triển mạnh mẽ. Trong đó có danh nam thắng cảnh Hương Sơn, Thiên Trù, Hương Tích…được các đơn vị khai thác chùa Hương tâm niệm khách phải đi đủ 5 năm hoặc 10 năm giống như đi Yên Tử, Bái Đính… để hành trình về đất phật. Tại khu di tích thắng cảnh Hương Sơn thì tuyến Tuyết Sơn (chùa Bảo Đài, động Tuyết Sơn) cũng là một điểm nhấn du lịch cần được “đánh thức” tiềm năng giá trị du lịch, đề cùng một hành trình về chùa Hương thì các đơn vị lữ hành có thể khai thác thêm tuyến Tuyết Sơn và Long Vân.

“Giá trị chùa Hương không thể khai thác trong vòng 3 tháng hết được mà phải khai thác cả năm. Có thể khai thác vào các tháng 9, 10 đó là mùa hoa Súng tiềm năng rất lớn của chùa Hương, du khách có thể đi chụp ảnh hoa Súng trong ngày, hay tháng 3 mùa hoa Gạo chùa Hương… đó là những gì thiên nhiên ban tặng cho Mỹ Đức, để du khách cảm nhận đánh giá những giá trị tiềm năng du lịch chùa Hương và đặc biệt sản phẩm du lịch chùa Hương có thể kết nối với các sản phẩm du lịch phụ cận như: trên địa bàn huyện Mỹ Đức có 22 xã, 1 thị trấn thì có khoảng 43 lễ hội truyền thồng, làng nghề, đi đâu chúng ta có thể bắt gặp giá trị lễ hội. Vì vậy, các đơn vị lữ hành có thể đánh giá tổ chức cho du khách đến với Mỹ Đức nhiều hơn.”

Tại buổi tọa đàm “Thực trạng và giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch tại huyện Mỹ Đức”, nhiều doanh nghiệp lữ hành cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều điểm hạn chế phát triển du lịch huyện Mỹ Đức trong đó điểm nhấn khu di tích thắng cảnh Hương Sơn như: cần sớm khắc phục ở tuyến du lịch Tuyết Sơn gồm: Hạ tầng giao thông hạn chế, đò vận chuyển khách còn biểu hiện mất an toàn khi chưa được trang bị áo phao; lái đò đòi tiền típ; thiếu hướng dẫn viên du lịch tại điểm; biển chỉ dẫn chưa đồng bộ; hàng quán hai bên đường lụp xụp và còn nhiều rác thải vứt bừa bãi; công tác quảng bá, xúc tiến chưa được quan tâm đúng mức; nhiều điểm không có sóng di động, internet…

Nâng cao giá trị sản phẩm du lịch khu thắng cảnh Hương Sơn
Du khách thành tâm trong động Tuyết Sơn (Ảnh: Đăng Chung).

Trước những vấn đề đặt ra, để nâng cao chất lượng tuyến Tuyết Sơn nói riêng, quần thể di tích danh thắng chùa Hương nói chung, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải đề nghị huyện Mỹ Đức, Ban quản lý khu di thích thắng cảnh Hương Sơn cần nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu của khách để xây dựng sản phẩm du lịch; xây dựng hệ thống biển, bảng chỉ dẫn đồng bộ trên các tuyến du lịch; xây dựng thêm nhà vệ sinh công cộng; tổ chức bộ phận hướng dẫn viên tại điểm để thực hiện tốt không chỉ trong 3 tháng mà cả 9 tháng sau lễ hội; với khoảng 5.000 đò, vì vậy phải quản lý tốt đội ngũ lái đò vận chuyển khách, đào tạo tập huấn nâng cao nhận thức thường xuyên cho người lái đò; chủ động đẩy mạnh liên kết hợp tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến phát triển sản phẩm du lịch; đảm bảo môi trường, an ninh, an toàn cho tất cả du khách,…

Trao đổi với phóng viên, ông Trịnh Xuân Tùng - Trưởng phòng quản lý lữ hành, Sở Du lịch Hà Nội mong muốn, các doanh nghiệp tiếp tục phối hợp cùng Sở Du lịch, UBND huyện Mỹ Đức xây dựng những sản phẩm mới, đa dạng hóa, khác với sản phẩm du lịch truyền thống không chỉ là những sản phẩm phục vụ du khách mùa du lịch, lễ hội. Qua những buổi khảo sát thực tế giúp cho nhà quản lý thấy rõ những việc cần phải làm, cần phải điều chỉnh, bổ sung, cần đầu tư hoàn thiện hơn để các doanh nghiệp có thể xây dựng và bán sản phẩm du lịch cho du khách không chỉ vào các dịp mùa lễ hội.

Trong thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tiếp tục giới thiệu các điểm đến du lịch tới các đơn vị lữ hành để mong rằng các doanh nghiệp có thêm đánh giá nhìn nhận giá trị du lịch và căn cứ vào các nhu cầu thị hiếu của khách để xây dựng các chương trình du lịch phù hợp, đưa ngành du lịch Thủ đô ngày càng phát triển.

(0) Bình luận
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
  • Bảo tàng Binh chủng Thông tin (quận Ba Đình)
    Bảo tàng Binh chủng Thông tin thuộc loại hình bảo tàng lịch sử chuyên ngành quân sự, là thể chế văn hoá, có chức năng bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử Binh chủng Thông tin liên lạc nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hoá của cán bộ, chiến sĩ trong Binh chủng và nhân dân, bạn bè quốc tế.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao giá trị sản phẩm du lịch khu thắng cảnh Hương Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO