Ngã chợ

Hoàng Khánh Duy| 06/07/2020 07:29

Ngã chợ
Minh họa của Vũ Khánh
Chợ Ông Muộn nép mình bên dòng sông Ông Muộn xuôi về phía biển, mấy năm trước, người ta cho xáng cạp hì hụp lấy đất chắn ngang dòng sông ngăn không cho nước mặn tràn vào. Dòng sông đột ngột bị cắt thành hai khúc, người đi ghe muốn vượt qua bên kia dòng Ông Muộn phải nhờ sự trợ giúp của chiếc máy kéo đặt cố định trên bờ ngày đêm ì ạch khói. Trên dòng sông này, mỗi ngày, hàng trăm lượt ghe xuồng đi qua. Ghe thương hồ chở đầy những thứ nông sản miệt vườn mà dấu hiệu nhận biết là nhánh tre khô treo lỉnh kỉnh nào mướp, nào bưởi, nào khóm, nào xoài... trước mũi ghe. Ghe đánh cá trên mui chất chồng những đống lưới vó và ngư cụ, mũi ghe có hai con mắt được vẽ vời bằng nước sơn, đăm đăm tiến ra biển cả. Những chiếc ghe cũ kĩ của người chọn cho mình lối sống phiêu bạt một đời, rày đây mai đó, ở đâu cũng là nhà, ở đâu cũng là quê hương. Mà chuyến đi nào cũng đong đầy buồn thương, luyến tiếc...

Sáng sớm, Hòe thức dậy dọn dẹp cửa nhà, rửa mấy cái bát dơ ngâm trong chậu nước từ đêm qua, tất bật nhóm lửa nấu nồi cháo trắng với mẻ cá sặc đồng kho quẹt để trong lồng bàn. Hòe dặn:

- Toàn, chừng nào thức dậy giở lồng bàn ăn cháo với cá kho má hâm sẵn cho chắc dạ rồi hãy đi học nghen con.

Thằng Toàn còn ngái ngủ, nghe tiếng Hòe gọi cùng lúc với tiếng chuông báo thức reng rẻng trên đầu giường, Toàn với tay tắt cái nút màu đỏ trên chiếc đồng hồ, giọng khàn:

- Dạ, con biết rồi! Má đi chợ về sớm...

- Ừ, mua đồ xong má về chứ ở ngoải làm chi?

Nói rồi Hòe thò tay lấy nón lá đội lên đầu, xách giỏ ra đi. Đường từ nhà ra chợ không xa, đi hết con đường đất, gặp đường bê tông, quẹo phải về hướng cuối dòng sông Ông Muộn là tới chợ. Ngày trước Hòe cũng từng mưu sinh trên cái chợ còm cõi xác xơ này. Tờ mờ sáng, Hòe bơi xuồng ra chợ trong xuồng chất lủ khủ cá mắm, rau tươi, mẻ xôi nấu lạt... Chợ họp khi trời còn tinh mơ và chợ tan khi mặt trời đã lên trên đỉnh đầu. Bao giờ cũng thế, Hòe thường lom khom dọn mớ hàng bán ế xuống xuồng rồi lẳng lặng đứng trên bến sông Ông Muộn ngẩn ngơ như đang chờ đợi một bóng hình thân thuộc. Không thấy ai, Hòe thở dài dịch dịch mái dầm bơi chiếc xuồng giữa hai dãy lục bình xanh tươi trở về nhà. Toàn lớn dần theo tháng năm, Hòe cũng không còn nhọc nhằn bơi xuồng những hai, ba cây số đi họp chợ mỗi ngày nữa, ở nhà tần tảo chuyện đồng áng, ruộng vườn. Qua Tết trồng hoa màu, giữa năm trồng lúa, cuối năm gieo rẫy ngô khoai. Cuộc đời của Hòe cứ thế trôi đi trong giai điệu êm đềm như nước dòng Ông Muộn. Một buổi chiều Toàn ngồi trước cửa nhà làm bài tập toán, bỗng dưng Toàn nghe được âm thanh sụt sùi dường như có ai đang khóc. Một lúc sau Toàn nhận ra đó là tiếng sụt sùi của Hòe, Toàn hốt hoảng chạy vào sau nhà thấy Hòe đang ngồi chải tóc bên giậu mồng tơi mà nước mắt giàn giụa, Toàn xuýt xoa:

- Trời ơi, ai làm gì má khóc vậy?

Câu hỏi của thằng Toàn không làm Hòe nguôi ngoai, Hòe càng nức nở. Toàn chạy đến bóp tay, bóp chân, vỗ lưng, sờ trán, hỏi Hòe:

- Bộ má thấy khó chịu chỗ nào trong người hả má?

- Má khỏe re đây nè, có khó chịu chỗ nào đâu.

- Vậy chứ sao má lại khóc?

- Tại... má thấy mình càng già càng giống bà ngoại nên má khóc, má nhớ ngoại quá con ơi...

Trong trí nhớ Toàn, những hình ảnh về bà ngoại đã xa dần theo năm tháng. Hồi ấy, Toàn còn nhỏ xíu, bà ngoại tay bế tay bồng mỗi lúc Hòe đi chợ xa. Từ khi chào đời, Toàn đã là một đứa trẻ không cha. Mà lạ thật, ai sinh ra mà lại không có cha bao giờ? Thì Toàn cũng có cha như bao nhiêu đứa trẻ khác trên đời, nhưng có lẽ số phận Toàn bất hạnh hơn nên hai má con Toàn đều bị người cha vô lương tâm ruồng bỏ. Toàn được tượng hình trong đêm trăng sáng trên cánh đồng mọc đầy cỏ dại và lau lách. Những ngày mang thai, đêm nào Hòe cũng ôm bụng ra ngồi châng hẩng trên đồng, xõa tóc trông trăng. Cảnh vật lặng lẽ như tờ bất giác vọng lại tiếng máy chạy phình phịch trên dòng sông Ông Muộn. Tim Hòe nhói đau. Chín tháng mười ngày, Hòe sinh Toàn ra cũng trong một đêm trăng nước lớn, trên đám cỏ lau, Hòe nằm vật vã nghe tiếng con oa oa khóc chào đời. Lòng Hòe buồn vui lẫn lộn, vui vì đứa con ấy sẽ là liều thuốc chữa lành vết thương sâu hoắm trong Hòe, cùng Hòe đi qua bao mưa nắng. Hòe buồn vì nó không cha. Khoảnh khắc lặng thinh, Hòe tự nhủ trong lòng đứa trẻ ấy nhất định Hòe sẽ dạy dỗ nên người, sống rộng lòng nhân hậu và không bao giờ phũ phàng với bất kì ai trên cuộc đời trăm chiều giông tố...

Toàn ngẫm nghĩ chốc lát rồi nói:

- Không biết bây giờ bà ngoại đang ở đâu, má ha?

Giọng Hòe buồn buồn:

- Má cũng đâu có biết, phải má biết là má đến kêu bà ngoại trở về ở với má con mình luôn rồi. Bơ vơ cực lắm!

Đến tận bây giờ Hòe vẫn không thể quên cái ngày Đông và Tứ tranh nhau mảnh đất hương hỏa mà ba Hòe để lại. Hòe nhớ ngày ba mất đi, trong di chúc ba để lại cho Đông hai công ruộng, cho Tứ hai công vườn cộng với căn nhà ba má cực nhọc một đời mới xây được. Cũng bởi vì Tứ là em của Đông, còn Hòe là con gái sớm muộn gì cũng phải theo chồng nên ba chia như vậy là hợp tình hợp lí. Lúc cầm tờ di chúc trên tay, Hòe thấy Đông giận đỏ mặt, Đông bảo: “Ba thiên vị cho thằng Tứ, có hai công vườn còn thêm căn nhà của ba để lại. Còn con?” - Đông cười nhạt - “Hai công ruộng nắng mưa thất thường, quần quật cả đời chắc vợ chồng con cũng chẳng đủ cơm ăn”. Má Hòe buồn quá khóc lu loa, má bảo: “Tụi bây đều là con của ba, của má, ba má có thiên vị bao giờ. Thằng Tứ ở trên mảnh đất hương hỏa, coi sóc mộ phần cho ba mày với má sau này, ngày giỗ anh em bây xúm lại nấu cơm cúng má cho ấm nhà ấm cửa, tranh nhau làm chi hả con?”. Hòe không nói gì, chỉ bồng con đứng lặng lẽ một góc nhìn lên bàn thờ mà nghĩ thương ba vô cùng, ba về với trời cũng chẳng bình yên. Ngày xưa, anh em rau cháo có nhau, bây giờ vì mảnh đất và căn nhà mà anh em sẵn sàng cấu xé lẫn nhau, những cuộc ẩu đả liên tục diễn ra trong căn nhà của má. Thấy Đông làm dữ quá, má kêu trời, Hòe dẫn má về căn nhà của mình bên kia sông giữa cánh đồng mọc đầy lau lách sống tiếp phần đời còn lại cho yên ổn...

Những buổi chiều muộn, Hòe thường trông thấy má ra bờ sông ngồi nhìn về phía căn nhà cũ kĩ bên kia bờ, ở đó, bàn thờ lạnh tanh, không gian hiu quạnh nồng nặc mùi hận mùi thù. Ở đó vẫn thường vọng về âm thanh chửi rủa, đánh nhau, những gương mặt ích kỉ vô tâm gieo vào lòng má hình hài vết xước âm thầm rỏ máu. Một chiều, Hòe đang lúi húi thổi lửa, nhóm bếp sau hè bỗng nghe tiếng thằng Toàn vừa thập thững chạy vào, vừa gọi má:

- Má ơi! Má! Má ra bờ sông coi bà ngoại làm gì mà lội dưới nước mình mẩy ướt sũng kìa!

Hòe hốt hoảng hất văng nồi cơm đang sôi trên bếp, chạy vùn vụt ra bờ sông:

- Trời ơi, má làm cái gì vậy má? Má định tự tử bỏ con với thằng Toàn à?

Hòe lội đùng đùng xuống nước. Hai người đàn bà khổ đau đang bấu víu, nương tựa vào nhau trong dòng nước lợn cợn phù sa. Con sông Ông Muộn có mùi thơm hơi ngòn ngọt của bẹ dừa nước mọc chồm ra ngoài bãi bỗng dưng ngầu đục hẳn đi. Sông giận. Sông thở than cho cuộc đời má dằng dặc khổ đau. Họ khóc giữa dòng sông, nước mắt họ lăn dài trên má rồi theo dòng trôi đi mãi mãi. Hoàng hôn vây kín bên trời, côn trùng ẩn mình dưới bờ cỏ hoa lau lách bỗng chốc ngân lên khúc nhạc đồng quê miên man trong bóng chiều. Hòe tựa đầu vào vai má một thoáng giọng đầy chua xót:

- Mình lên bờ thôi má!

- Ừ, lên con.

Hai thân phận, kẻ tóc xanh, người tóc bạc dắt díu nhau về căn nhà lồng lộng gió. Mặt trời trôi tuột xuống cánh đồng để lại trần gian những vạt nắng cuối cùng trước khi kết thúc một ngày buồn thê thiết. Xa xa, tiếng chợ Ông Muộn về chiều đã vãn, tiếng người thương hồ giật máy nổ giòn giã lui xuồng rời khỏi bến chợ rộn ràng bên tai.

Rồi một chiều Hòe nhận ra má không còn ở trong căn nhà ấy nữa. Hòe hốt hoảng đi tìm, Hòe lội ngang qua dòng sông Ông Muộn qua bên kia bờ tìm má. Mảnh đất hương hỏa lặng câm, căn nhà cũ rêu xanh bám đầy sực nức mùi men rượu và trước sân lăn lóc vỏ bia Sài Gòn. Bàn thờ ba vắng khói, trên di ảnh ba mạng nhện bám đầy, Hòe gọi khẽ:

- Anh Tứ ơi, có má trong đó không anh Tứ?

Không nghe Tứ trả lời, Hòe rón rén đẩy cửa bước vào trong nhà. Trên vạc, Tứ đang nằm sóng xoài bên mâm nhậu đã tàn. Hòe đi khắp nhà, ra mộ ba tìm má nhưng không thấy. Hòe bật khóc. Dường như má Hòe đã đi đâu đó khá xa ngược xuôi theo dòng sông Ông Muộn. Má không còn luẩn quẩn trên mảnh đất này, ở cái xóm này bằng những nỗi buồn nặng trĩu cõi lòng. Những ngày kế tiếp, Hòe ra chợ Ông Muộn tìm má. Hòe ngồi bó gối tựa lưng vào gốc cây ô môi trên bến sông đợi chờ bóng má. Bến chợ đông đúc, xuồng ghe tấp nập, tiếng máy inh ỏi ra đi để lại sau lưng những ngụm khói đục ngầu tanh tanh mùi dầu nhớt. Hòe đợi chờ trong vô vọng. Chợ Ông Muộn có rộng lắm đâu mà tìm hoài không thấy bóng hình thân thương của má?... Hòe thổn thức nghĩ: “Chắc má buồn, má bỏ xóm đi xa rồi!”.

Từ dạo má đi, ngày nào Hòe cũng ra chợ Ông Muộn lấy cớ bán vài món hàng vụn vặt: trái mướp, trái bầu, bó rau, con cá... nhưng mắt Hòe cứ ngóng nhìn quanh quất nơi đây. Tìm má. Nhiều lúc Hòe thấy dáng ai quen quen đứng ngẩn ngơ giữa chợ, lọn tóc bạc phơ cuộn tròn sau gáy, bờ lưng cong cong như gồng gánh thời gian và buồn tủi một đời, Hòe bất giác gọi: “Má ơi, phải má không hả má?”. Người đàn bà quay lại, không phải má, Hòe ngớ người ra mà lòng vời vợi nỗi sầu. Mỗi lần ra chợ bán hàng, Hòe đều chở Toàn đi theo, ra ngoài đó, Hòe lên chợ, thằng Toàn dòm chừng chiếc xuồng. Lần nào bán xong, Hòe cũng đi quanh quất vài ba vòng chợ rồi mới xuống bến mở lòi tói bơi xuồng về nhà. Đời Hòe là những lần chờ đợi, kiếm tìm, mà tìm trong vô vọng. Có lúc Hòe nghĩ cuộc đời mình lắm những bão giông, giá mà Hòe có thể bé lại như hồi còn nhỏ để không phải đau đớn, buồn rầu, để được ngủ yên trong vòng tay ba, tay má... Mà có ai lại bé mãi bao giờ?...

Sáng nay, Hòe lại đứng tần ngần trên bến chợ Ông Muộn. Dưới sông, mấy đứa trẻ trần truồng như nhộng đang bì bõm bơi từ bên này qua bên kia, thi thoảng lại ngoi lên vịn tay vào thành chiếc ghe nào đó đậu trên bến, nước văng tung tóe. Âm thanh của cuộc bán mua, trả giá, bình phẩm mặc hàng rôm rả, huyên náo cả một vùng sông nước phù sa. Mấy chiếc ghe cào từ cửa sông Ông Muộn xuôi về mang theo mùi cá biển mặn mòi, dưới ghe, những gương mặt rạng ngời đang hé nở nụ cười tươi rói. Như thường lệ, Hòe thường đứng trên bến chợ sốt sắng hỏi người này người kia “có thấy má tui, tóc bạc, lưng còng, lúc nào cũng mặc bộ bà ba màu cau khô vá mấy mảnh phía trước ngực hay không?”. Người ta lắc đầu “đất rộng, người đông, tìm bao giờ cho gặp cô ơi!”, tim Hòe nhói đau. Nỗi trống vắng, nhớ thương bảy, tám năm vẫn không thể nào khỏa lấp. Bảy, tám năm, từ lúc thằng Toàn còn bé xíu cho đến khi nó bắt đầu nhạy cảm với cuộc đời, trong căn nhà vắng bóng người già từng chiều mang quả trứng hồng khum khum soi đợi ngày trứng nở. Gió sông mát rượi, lòng Hòe cũng bời bời tan tác như ngọn gió phù sa...

Hòe lầm lũi bước đi.

Rời xa chợ Ông Muộn, cảm giác có cái gì lưu luyến sau lưng khiến Hòe ngoái mặt nhìn lại lần nữa. Trước mắt Hòe, những tia nắng mai đang rộn rã nhảy múa. Giữa thanh âm chợ sớm xô bồ, bóng dáng thân quen của người đàn bà khuôn mặt khắc khổ, mái tóc bạc màu nắng mưa và đôi mắt kèm nhem nhìn vào khoảng không vô định. Hòe dụi mắt mấy cái để nhìn cho rõ hơn, hình như là má. Hòe rơm rớm nước mắt tay buông cái giỏ nan xuống đất, vội vã chạy đến chỗ người đàn bà, Hòe gọi: 

- Má ơi, má, về với con, với thằng Toàn đi má!

Bóng người già lại thơ thẩn, thẩn thơ, hình như bà ta đang ngùi ngùi nhớ về quá khứ. Tóc người trắng phếu mái đầu, Hòe nhận ra tóc mình cũng đâu còn xanh - cái màu xanh thanh xuân của những năm tháng ấy?...
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Ngã chợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO