Ngăn chặn hàng giả trong thương mại điện tử

Theo Hà Nội Mới| 24/05/2020 07:58

Kinh doanh trực tuyến ngày càng được khẳng định là hướng đi tất yếu mà các doanh nghiệp không thể không quan tâm. Tuy nhiên, đây cũng là "mảnh đất màu mỡ" để nhiều đối tượng lợi dụng bán các loại hàng hóa kém chất lượng.

Để việc đấu tranh chống gian lận thương mại hiệu quả, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đang đẩy mạnh phối hợp trong kiểm tra, xử lý những mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường internet.

Ngăn chặn hàng giả trong thương mại điện tử

Người tiêu dùng khi mua hàng trực tuyến (shop online) cần thận trọng để tránh mua phải hàng giả. Ảnh: Vân Khánh

Chị Nguyễn Hoàng Anh (trú tại ngõ 12, phố Cầu Giấy, quận Cầu Giấy) đặt mua một lọ nước hoa nhãn hiệu Dior với giá hơn 2,9 triệu đồng tại một cửa hàng trực tuyến (shop online), nhưng khi sử dụng mới phát hiện đây là nước hoa giả. Không riêng chị Nguyễn Hoàng Anh là nạn nhân của tình trạng hàng giả, hàng nhái…, mà nhiều người tiêu dùng Việt cũng đã từng gặp phải câu chuyện tương tự do không nhận biết được sự khác biệt giữa hàng thật và hàng giả khi mua bán qua mạng.

Nói về nạn hàng giả, bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh, Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông L’Oréal Việt Nam cho biết: “Hiện, khoảng 60% thị trường mỹ phẩm của L’Oréal tại Việt Nam bị lấn lướt bởi hàng xách tay và hàng giả. Việc quảng cáo hàng giả thậm chí xuất hiện công khai trên các trang báo mạng tin cậy, gây nhầm lẫn và thiệt hại đáng kể cho người tiêu dùng”.

Ông Chu Xuân Kiên - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thành phố Hà Nội cho biết, mặc dù đã quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn, nhưng số lượng các vụ việc được phát hiện, xử lý còn thấp. Trong khi đó, các hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử vi phạm pháp luật ngày càng phức tạp. Khó khăn lớn nhất là các đối tượng không có cửa hàng, chỉ thông qua các website, mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, sau đó chuyển hàng và thanh toán trực tiếp theo thỏa thuận. Hàng hóa được phân tán, nhỏ lẻ, cất giấu ở nhiều nơi, thậm chí chỉ bán hàng qua cộng tác viên, trung gian, đồng thời các website được tạo ra và đóng lại trong thời gian ngắn, khiến lực lượng chức năng khó kiểm soát, cũng như khó xác định chứng cứ để đấu tranh, xử lý.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương) nhận định, tình trạng gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ qua mạng internet ngày càng diễn biến phức tạp nhưng trên thực tế, chế tài xử lý chưa được hoàn thiện, gây khó khăn trong việc thu thập thông tin, chứng cứ bảo đảm căn cứ pháp lý để xử lý vi phạm.

Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, dự báo việc gian lận thương mại sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tinh vi hơn, liên quan đến yếu tố nước ngoài nhiều hơn. Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho rằng, cùng với nỗ lực của lực lượng chức năng, cần tăng cường hơn nữa vai trò của doanh nghiệp trong việc theo dõi sát thị trường, chủ động tố giác vi phạm về gian lận thương mại. Mặt khác, cơ quan quản lý cần nỗ lực hơn trong việc triển khai các hoạt động, hướng dẫn người tiêu dùng cũng như phối hợp đồng bộ trong việc xử lý, giải quyết các vấn đề liên quan để thương mại điện tử phát triển trong sạch và bền vững.

Để công tác phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng nhập lậu, vi phạm sở hữu trí tuệ... hiệu quả hơn trong thời gian tới, ông Chu Xuân Kiên cho biết, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường quản lý địa bàn, thống kê và nắm thông tin về các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; kiểm tra địa bàn trọng điểm, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng chính sách của Nhà nước về kích cầu, nhằm trà trộn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng...

Về phía người tiêu dùng, để tránh bị lừa đảo khi mua hàng trực tuyến, người tiêu dùng nên chọn các website uy tín, hợp pháp. Đây là các website được thông báo trên Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử, địa chỉ: http://www.online.gov.vn. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng nên chú ý thông tin người bán, thông tin sản phẩm phải chi tiết, đầy đủ, rõ ràng; đọc kỹ các điều khoản, chính sách bán hàng, lưu trữ đầy đủ thông tin giao dịch…

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn hàng giả trong thương mại điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO