Ngàn thu bên Kiếm Hồ

Nhà Văn Lê Phương Liên| 18/01/2021 13:06

Nhất đại Phương Đình bút Thiên thu Kiếm Hồ biên (Một thời Phương Đình bút Ngàn thu bên Kiếm hồ) (Học giả Trần Lê Sáng)

Ngàn thu bên Kiếm Hồ

Ngàn thu bên Kiếm Hồ

Không chỉ riêng người dân Hà Nội, du khách trong và ngoài nước khi ghé thăm Hà Nội cũng tìm đến hồ Hoàn Kiếm. Nhớ về Hà Nội là nhớ về nơi ấy, nơi hồ nước xanh thắm tự ngàn xưa, nơi có đền Ngọc Sơn, có cầu Thê Húc, có tháp Bút, có đài Nghiên, tháp Hòa Phong, tháp Rùa…

Thật hiếm có thủ đô nước nào lại có một hồ nước ngọt tự nhiên rộng chừng 12 ha, chu vi 1750m ở ngay trung tâm thành phố. Theo La Thành cổ tích vịnh: “Hồ nằm trong La Thành. Phía Nam hồ có bãi nổi, gọi là hồ Hữu Vọng, phía Bắc hồ có mô đất nổi, gọi là hồ Tả Vọng. Cây cối um tùm, nước xanh biếc”(1). Do có màu nước xanh biếc nên hồ có tên là Lục Thủy. Tên Kiếm Hồ xuất hiện vào đầu thế kỷ 15 gắn với truyền thuyết vua Lê Lợi trả gươm báu cho rùa thần. Theo truyền thuyết, trong một lần vua Lê Lợi dạo thuyền trên hồ Lục Thủy, bỗng một con rùa vàng nổi lên mặt nước đòi nhà vua trả thanh gươm mà Long Vương cho mượn để đánh đuổi quân Minh xâm lược. Nhà vua liền trả gươm cho rùa thần và rùa lặn xuống nước biến mất. Từ đó hồ được gọi là Kiếm Hồ. Thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 16), khi chúa Trịnh cho chỉnh trang Hoàng thành để vua Lê ở đã đồng thời xây dựng Phủ chúa bên ngoài Hoàng thành. Chúa Trịnh đã xây dựng lầu Ngũ Long nằm ở bờ đông Kiếm Hồ. Từ thời Nguyễn kinh đô Thăng Long đổi thành tỉnh Hà Nội. Có thời điểm một vị Tổng đốc cai quản cả hai tỉnh Hà Nội và Ninh Bình. Vào đầu thời vua Thiệu Trị (khoảng năm 1841-1842) “Hà Ninh Tổng đốc Nguyễn Đăng Giai cho dựng chùa Liên Trì (còn gọi là chùa Báo Ân) ở thôn Cựu Lâu, huyện Thọ Xương ở bờ Đông Kiếm Hồ. Nơi này chính là nền đất cũ của lầu Ngũ Long thời Lê Trịnh. Chùa rất rộng đẹp, tám mặt đào cừ (ngòi nước) trồng sen nên được gọi là chùa Liên Trì.(2) Khi quân Pháp chiếm Hà Nội, năm 1875 triều đình Huế đã ký kết cho người Pháp một khu đất nhượng địa từ bờ sông Hồng phía Nam hồ Hoàn Kiếm đến Cửa Nam Hoàng thành Thăng Long. Để xây dựng Thành phố Hà Nội, người Pháp đã cho lấp hồ Hữu Vọng, phá hủy chùa Báo Ân chỉ để lại một di tích Tháp Hòa Phong bên hồ Gươm hiện nay. Những công trình như tòa thị chính, Bắc Bộ phủ, bưu điện thành phố, tòa nhà ngân hàng, Nhà hát Lớn, trường Đại học Tổng hợp cùng các đường phố đã được dựng lên.(3) 

Hồ Hoàn Kiếm có gì mà người Pháp phải ngừng tay phá hủy và san lấp? Để giải đáp câu hỏi này ta nhớ đến danh sĩ Nguyễn Văn Siêu. Ông cùng với Cao Bá Quát là hai văn tài nổi tiếng ở thế kỷ XIX được truyền tụng là Thần Siêu Thánh Quát. Nguyễn Văn Siêu có tên tự là Phương Đình, sinh năm 1799 ở Kim Lũ, huyện Thanh Trì (nay thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai,  Hà Nội). Năm 26 tuổi, ông thi Hương đỗ Á nguyên rồi đỗ Phó bảng năm 1838 dưới triều vua Minh Mạng. Ngay năm đó, ông được bổ làm Hàn lâm viện rồi Chủ sự ở bộ Lễ. Năm 1840, vua Minh Mạng mất, vua Thiệu Trị lên ngôi  cử Nguyễn Văn Siêu làm Thừa chỉ trong nội các. Ít lâu sau ông kiêm chức Thị giảng (giảng sách cho các hoàng tử). Năm 1847, hoàng tử Nguyễn Phúc Hồng Nhậm lên ngôi vua Tự Đức. Nhà vua đã cử Nguyễn Văn Siêu làm Phó sứ trong đoàn đi sứ sang Yên Kinh (nay là Bắc Kinh) vào năm 1849. Về nước, ông được thăng làm Học sĩ ở viện Tập hiền. Năm 1851, ông ra làm Án sát Hà Tĩnh, rồi Án sát Hưng Yên. Lúc bấy giờ có lời bàn về việc hủy đê, ông điều trần lên nhà vua cho là bất tiện, có khảo cứ rõ ràng. Sau đó ông cáo bệnh xin nghỉ ở quê nhà. Ít lâu sau, ông được mời về Kinh đô Huế nhận chức quan, ông đã viện lẽ đến tuổi nghỉ hưu để từ quan (năm 1854).

Từ đó Nguyễn Văn Siêu ở Hà Nội vui với việc dạy học. Ông dựng trường ở giáp Giang Nguyên, huyện Thọ Xương (nay là số nhà 12-14, phố Nguyễn Văn Siêu, Hoàn Kiếm, Hà Nội). 

Cũng như nhiều danh sĩ Bắc Hà, Nguyễn Văn Siêu đau đáu một bầu tâm sự với các danh thắng Thăng Long - Hà Nội. Trong Bài ký về hồ Gươm, ông đã viết: “Tôi lúc nhỏ đã nghe nói đến hồ Gươm, nhưng chưa được đến chơi… Nay tôi thỉnh thoảng đến đây chơi, thấy dăm ba thuyền chài bơi trong sương mù. Trong hồ đầy các loại chim nước, kể đến hàng trăm con, kết bầy bốn phía. Chim lúc tụ lúc tản ra, tựa như biết tránh người… Cũng có ngày tôi thừa hứng mà qua đây, thuê riêng một chiếc thuyền con, bơi thuyền một lúc, bỏ thuyền lên núi trong hồ, thấy nhà gianh, cạnh có miếu lợp lá. Ngó bốn phía, thấy nửa phần là những ngôi nhà đẹp đẽ, thấp thoáng trong cây, nửa phần là những trai thanh gái lịch, nhộn nhịp ra vào. Thế mà trong hồ, cảnh lại tịch mịch. Cảnh như vậy, chẳng phải là một kỳ quan của vũ trụ sao? Tôi nghĩ rằng, giữa đô thị có chỗ kỳ quan thế này, thế mà người đến chơi có thể đếm được, cũng chẳng ai để lại một chữ…”(5). Từ tâm sự ấy Nguyễn Văn Siêu đã thuyết phục các vị quan Hà thành quan tâm đến kỳ quan giữa đô thị là hồ Gươm. Lời thỉnh nguyện của Nguyễn Văn Siêu đã khiến các quan triều đình đứng ra hô hào dân chúng Hà thành góp của, góp công trùng tu di tích đền Ngọc Sơn. Đền Ngọc Sơn được xây dựng từ năm 1843. Trong bia Ngọc Sơn đế quân từ ký,  tiến sĩ Vũ Tông Phan đã đề:“Hồ Tả Vọng tên cũ gọi là Hoàn Kiếm là danh thắng đất kinh kỳ xưa. Phía Bắc mặt hồ, một gò đất rộng khoảng ba bốn sào, tương truyền là chỗ đài câu cuối thời Lê. Trước đây, ông Tín Trai làng Nhị Khê nhân có đền Quan Đế tại đây bèn mở rộng sửa thêm gọi là chùa Ngọc Sơn. Phía Nam trước mặt chùa dựng gác chuông. Lâu năm hư nát tưởng như tiêu vong. Gần đây, hội Hướng Thiện vốn do những người khoa mục lập ra… vốn thờ Văn Xương đế quân mà chưa có đền, các con ông Tín Trai tình nguyện nhường lại nơi này… Hội sửa lại đền Quan Đế, dỡ bỏ gác chuông cải thành đền Văn Xương…”(1)

Tiến sĩ Vũ Tông Phan (1800 - 1851) từng là quan triều Nguyễn rồi lại về Hà Nội dạy học. Ông dựng trường tại làng Tự Tháp, phường Báo Thiên, huyện Thọ Xương ở bên bờ Tây hồ Hoàn Kiếm. Ông đã cùng với các vị khoa mục của hội Hướng Thiện góp phần vào việc tu bổ đền Ngọc Sơn vào thời điểm (1841-1843). Vũ Tông Phan là bạn học với Nguyễn Văn Siêu. Sau khi Vũ Tông Phan mất, Nguyễn Văn Siêu đã kế tục tâm nguyện của người bạn đồng môn. 

Từ năm 1943 đến năm 1860, đền Ngọc Sơn (nơi thờ Phật, thờ Quan đế và thờ Văn Xương đế quân) đã bị hư hỏng phải tu bổ lại. Lúc ấy ở bờ đông hồ Gươm có một gò đất cao gọi là núi Độc Tôn. Núi được đắp vào thời Lê để ghi nhớ một võ công dẹp nội loạn chống triều đình. Trải qua thay đổi của các triều đại (Lê - Trịnh -Tây Sơn - Nguyễn) núi bị cây cối gai góc bao phủ. Nguyễn Văn Siêu đã đề xuất dựng tháp Bút tại nơi này. Trong bài Bút Tháp chí Nguyễn Văn Siêu từng lý giải: “Trong hồ có miếu thờ Văn Xương, khi trùng tu miếu này, ngó thấy ở bờ Đông có núi, bèn chặt cây đắp đá, xây tháp Bút ở trên đối xứng với đài Nghiên…Ôi! Núi này tượng trưng cho võ công, còn tháp thì tượng trưng cho văn vật, hai cái đó vì những nguyên nhân tương hợp mà cùng được lập nên và cùng được truyền tụng. Những cái đó có thể bất hủ, bởi bên trong nó vẫn giữ được cái bất hủ vậy”.(4)

Thế là đã rõ: Văn liền với võ, văn vật với võ công là một! Nguyễn Văn Siêu đã nhắn nhủ lại người đời sau điều ấy. Đó là một tư tưởng được viết lên trời xanh  (Tả Thanh Thiên) từ tháp Bút. Tư tưởng ấy đã từng được một vị đại công thần nhà Lê là Nguyễn Trãi để lại ở bài Bình Ngô đại cáo một áng thiên cổ hùng văn ra đời từ thế kỷ 15.

Tương xứng với tháp Bút là đài Nghiên được đặt trên cổng vào cầu Thê Húc. Nghiên được tạc từ một tảng đá xanh hình quả đào cắt ngang theo chiều dọc, khoét lõm hình lòng chảo, dài 0,97m, ngang 0,8m, cao 0,3m, chu vị chừng 2m. Có ba con thiềm thừ (con cóc) đội nghiên như ba cái chân kiềng. Thần Siêu đã để lại một bài Minh để nói ý nghĩa sâu xa nhắc nhở người đời khi nhìn thấy đài Nghiên : “Tượng hình của nó ra sao? Không vuông, không tròn, ẩn chứa công dụng diệu kỳ; không cao không thấp, vị trí ở giữa. Đài Nghiên này soi xuống hồ Hoàn Kiếm ngẩng nhìn ngọn Thạch Bút, ứng với sao Thượng Đài (biểu thị văn chương), nhả ra văn vật, ngậm nguyên khí cao sát tầng xanh.”(4). Bài Minh chứa đựng một triết lý sâu sắc kết hợp từ Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo làm nên tư tưởng văn hiến Thăng Long - Hà Nội. 

Qua tháp Bút tới đài Nghiên, tiếp đến cầu Thê Húc. Trước đây, khách muốn đi lễ đền Ngọc Sơn phải đi thuyền. Lần trùng tu năm 1865, từ bờ đông hồ Gươm vào đền Ngọc Sơn được bắc thêm chiếc cầu tre. Nguyễn Văn Siêu đặt tên cầu là Thê Húc. Thê có nghĩa là đậu, Húc có nghĩa là ánh sáng ban mai. Hàm ý cầu này là nơi đón ánh nắng sớm đậu lại. Chữ Thê Húc còn gắn với hai câu đối ở cổng chính vào đền Ngọc Sơn: “Kiều dẫn trường hồng thê đảo ngạn/ Lầu đương minh nguyệt tọa hồ tâm” (Cầu dẫn dải cầu vồng đậu vào bờ đảo/ Lầu in hình trăng sáng nằm trong lòng hồ).

Ngàn thu bên Kiếm Hồ
Tháp Bút bên hồ Gươm

Những ý đẹp lời hay ý nghĩa sâu sắc trong từng câu chữ của Thần Siêu đã làm rạng ngời quần thể kiến trúc tháp Bút, đài Nghiên, cầu Thê Húc, lầu Đắc Nguyệt, đền Ngọc Sơn, đình Trấn Ba. Cả một chuỗi câu đối từ cổng đầu tiên đến các lớp cổng dẫn vào đền Ngọc Sơn với những chữ diệu kỳ hòa quyện cùng kỳ quan trời nước biếc xanh của hồ Gươm như đưa hồn người vãn cảnh đi vào cõi thần tiên. 

Nguyễn Văn Siêu mất năm 1872, ông không thể ngờ rằng chỉ 3 năm sau vào năm 1875 cả quần thể kiến trúc tháp Bút, đài Nghiên, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn cùng hồ Hoàn Kiếm đã đứng trước thách thức tồn vong. Phải chăng chính ánh sáng thiêng liêng tỏa ra từ những văn vật đã được danh sĩ Nguyễn Văn Siêu thổi hồn câu chữ biến một kỳ quan thiên tạo trở nên một danh thắng tượng trưng cho nền một văn hiến kỳ lạ mà chính người Pháp còn mơ hồ chưa hiểu thấu. Dẫu khi đó cầu Thê Húc mới chỉ là một cầu tre, xung quanh bờ hồ Gươm còn xóm làng người dân ăn ở, nhưng những kiến trúc tháp Bút, đài Nghiên, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn đã sáng lên rực rỡ hình ảnh một kỳ quan quý giá! Người Pháp đã quyết định giữ gìn và tôn tạo hồ Gươm trở thành danh thắng độc đáo của Thành phố Hà Nội hiện đại.

Hồ Gươm còn có tháp Rùa và tháp Hòa Phong, mỗi di tích đều mang những câu chuyện lịch sử chứa đựng những ý nghĩa sâu sắc. Trong bài báo nhỏ này, người viết xin được dành tình cảm tôn vinh những đóng góp của danh sĩ Nguyễn Văn Siêu. Nhìn cảnh đẹp hồ Hoàn Kiếm hôm nay ta không thể nào quên công ơn lớn lao của một vị danh sĩ, người để lại những chữ thần bút bên hồ Gươm.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Ngàn thu bên Kiếm Hồ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO