Nghệ An: Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dân sự?

PV| 17/09/2018 10:43

Theo đơn kháng cáo của Bà Cao Thị Sâm gửi Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An về việc cấp sơ thẩm là Tòa án nhân dân huyện Diễn Châu đã xét xử vụ án về “Tranh chấp di sản thừa kế” được Tòa án nhân dân (TAND) huyện Diễn Châu thụ lý số 13/2016/DSST ngày 21/04/2016 và theo quyết định đưa ra xét sử số 239 ngày 21/08/2017 là không thỏa thỏa đáng, chưa thấu tình đạt lý. Đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dân sự.

Như tin đã đưa ở những số báo trước về loạt bài “Ẩn khuất sau một bản di chúc” liên quan đến bản di chúc được xác lập tại UBND xã diễn thành năm 2008 của ông Cao văn Lược để di sản cho con riêng là Cao Văn Bình. Trong khi đó, bản thân vợ ông lược là bà Thái Thị Chuyên vẫn còn sống. Bản di chúc đã gây nên cảnh “nồi da xáo thịt” khi anh Cao Văn Bình gửi đơn ra Tòa án nhân dân huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đòi chia di sản theo thừa kế. Vụ án được Tòa án nhân dân huyện Diễn Châu thụ lý ngày 21/04/2016 và đến ngày 21/08/2017 theo quyết định số 239 đưa ra xét xử vào ngày 13/09/2017 (Bản án số 14/2017/DSST) tuyên: Giao cho anh Cao Văn Bình được thừa hưởng di sản theo di chúc của ông Cao Văn Lược. Về án phí mỗi bên phải chịu ½ án phí. Trước phán quyết của Tòa án sơ thẩm huyện Diễn Châu do Thẩm phán Cao Xuân Hùng làm chủ tọa phiên tòa, bà Cao Thị Sâm không nhất trí với quyết định của Thẩm phán Cao Xuân Hùng nên đã kháng cáo lên Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An.

Bản án số 10/2018/DS-PT, ngày 02/02/2018, v/v “Tranh chấp di sản thừa kế” của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An, Thẩm phán Ông Phạm Văn Phấn làm chủ tọa. Tại phiên phúc thẩm, đại diện VKSND tỉnh Nghệ An tham gia phiên tòa, Bà Nguyễn Thị Phương Nam – KSV phát biểu ý kiến: Trong quá trình giải quyết vụ án Thẩm phán Cao Xuân Hùng, Hội đồng xét xử và các bên đương sự chấp hành đúng các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vụ án được Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý ngày 21/04/2016 và đưa ra xét xử sau khi bộ luật TTDS năm 2015 có hiệu lực, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không tiến hành phiên họp công khai chứng cứ là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dân sự (TTTTDS). Đề nghị hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận một phần nội dung kháng cáo của bà Cao Thị Sâm và những người đại diện liên quan. Hủy bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm giải quyết lại theo thủ tục chung.

Về phía Tòa án, Chủ tọa phiên tòa Ông Phạm Văn Phấn nhận định: Về tố tụng, đối với nội dung các bị đơn và Kiểm sát viên cho rằng, vụ án được Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý ngày 21/04/2016 và đưa ra xét xử sau khi Bộ luật TTDS năm 2015 có hiệu lực, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không tiến hành họp công khai chứng cứ là vi phạm nghiêm trọng thủ tục TTDS. Thấy rằng: tại các cuộc hòa giải được tiến hành sau khi BLTTDS năm 2015 có hiệu lực pháp luật. Mặc dù trước khi hòa giải Thẩm phán cấp sơ thẩm không tiến hành phiên họp công khai chứng cứ, tuy nhiên các bên đương sự tại các buổi hòa giải đều tham gia đầy đủ. Hơn nữa, thời gian giải quyết vụ án kéo dài, phiên tòa sơ thẩm tạm hoãn nhiều lần, nhưng các bên đương sự không yêu cầu cũng không khiếu nại về các chứng cứ mà các bên xuất trình tại Tòa án. Do đó, việc cấp sơ thẩm không tiến hành phiên họp công khai chứng cứ là vi phạm thủ tục tố tụng, nhưng không làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự, nhưng cấp sơ thẩm cũng cần rút kinh nghiệm.

Tuy nhiên, căn cứ đơn khởi kiện ngày 30/3/2016 và quá trình giải quyết vụ án anh Cao Văn Bình chỉ yêu cầu chia phần di sản anh Bình được hưởng theo di chúc ngày 29/10/2008 của cụ Cao Văn Lược, các bị đơn không có yêu cầu phản tố yêu cầu chia di sản thừa kế, nhưng bản án sơ thẩm vẫn quyết định giao phần còn lại cho các bị đơn và buộc họ phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là không đúng quy định của pháp luật. Bởi theo quy định tại Nghị quyết 326/2016 và điều 2 Luật người cao tuổi thì người cao tuổi được miễn án phí, nhưng bản án sơ thẩm không xem xét hướng dẫn cho đương sự làm thủ tục để miễn nộp án phí mà buộc phải chịu án phí là không đúng quy định của pháp luật.

Trước sự việc này, phóng viên Báo Người Hà Nội đã có cuộc trao đổi trực tiếp với Luật sư Đặng Văn Cường, thuộc văn phòng luật sư Chính Pháp – Đoàn luật sư Hà Nội nêu quan điểm về sự việc. Sau khi nghiên cứu Bản án sơ thẩm số 14/2017/DS-ST của TAND huyện Diễn Châu, cùng các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, nhận thấy trong quá trình giải quyết vụ án, TAND huyện Diễn Châu đã có những sai sót nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng (TTTT), cụ thể như sau: Bản án dân sự sơ thẩm số 14/2017/DS-ST của TAND huyện Diễn Châu thể hiện nội dung Ông Cao Văn Lược và Bà Thái Thị Chuyên có 6 người con ruột. Tháng 3/2016, anh Cao Văn Bình (con riêng cụ Lược) khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện Diễn Châu yêu cầu chia thừa kế theo di chúc. Để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình, anh Bình cung cấp cho Tòa án bản di chúc đề ngày 20/10/2008 của cụ Cao Văn Lược. Theo nội dung di chúc, ông Lược xác định ông có khối tài sản chung với bà Thái Thị Chuyên là thửa đất có diện tích 566m2 theo giấy chứng nhận QSDĐ I146324 do UBND huyện Diễn Châu cấp ngày 30/9/1996…

Tuy nhiên, việc giải quyết vụ án của Tòa án nhân dân huyện Diễn Châu đã có những sai sót nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng, cụ thể: Tòa án nhân dân huyện vi phạm thời hạn chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử. Vụ án dân sự sơ thẩm số 13/2016/DS-ST về “Tranh chấp di sản thừa kế” được TAND huyện Diễn Châu thụ lý ngày 21/04/2016, tuy nhiên đến ngày 12/07/2017 mới ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử. Theo quy định tại điều 203 BLTTDS 2015, thời hạn chuẩn bị xét xử được quy định thời hạn 4 tháng, kể từ ngày thụ lý hay tại điều 30; 32 thời hạn là 02 tháng, đối với trường hợp do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn nhưng không quá 2 tháng. Đây là vụ án về tranh chấp thừa kế tài sản được quy định tại điều 26 BLTTDS 2015, vì vậy thời hạn chuẩn bị xét xử đối với vụ án nêu trên là 04 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử, tùy từng trường hợp, Thẩm phán phải ra một trong các quyết định: Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự; Tạm đình chỉ giải quyết giải quyết vụ án dân sự; Đưa vụ án ra xét xử theo quy định tại khoản 3 Điều 203 BLTTDS 2015.

Tuy nhiên, vụ án mới chỉ gia hạn một lần thời hạn chuẩn bị xét xử với thời gian gia hạn là 2 tháng. Tức là thời hạn chuẩn bị xét xử đối với vụ án là 06 tháng. Thực tế, Tòa án nhân dân huyện Diễn Châu kéo dài thời hạn chuẩn bị xét xử (từ 21/04/2016 đến 12/07/2017), vi phạm nghiêm trọng khoản 1; khoản 3 Điều 203 BLTTDS 2015.

Thứ hai, việc thu thập chứng cứ và chứng minh của Tòa án huyện Diễn Châu chưa thực hiện đầy đủ, dẫn đến việc giải quyết nội dung vụ án chưa đúng pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Để chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, có công nhận di chúc hợp pháp hay không thì Toa án các cấp cần làm rõ: Di sản thừa kế tại thửa đất này(theo di chúc) có phải là tài sản hợp pháp, thuộc quyền sở hữu của ông Cao Văn Lược hay không? Căn cứ nào để xác định di sản định đoạt trong di chúc là phần tài sản riêng của ông Lược?

Tòa án cấp sơ thẩm chưa làm rõ những mâu thuẫn trong lời khai của các đương sự mà đã vội vàng kết luận trong bản án sơ thẩm thửa đất trên là tài sản chung. Kết luận này của TAND huyện Diễn Châu là không phù hợp với các tình tiết khách quan trong hồ sơ vụ án. Cụ thể thửa đất nêu trên được UBND huyện Diễn Châu cấp cho hộ bà Thái Thị Chuyên, nhưng TAND huyện Diễn Châu đã không thu thập tài liệu, chứng cứ xác minh thời điểm cấp GCNQSDĐ cho hộ bà Chuyên gồm những ai? Vào thời điểm đó có những ai đang sử dụng đất? hồ sơ kê khai xin cấp GCNQSDĐ kê khai cho những ai?

Như vậy, trong vụ án này, Tòa án chưa làm rõ nguồn gốc và quá trình sử dụng đất, chưa xác định được chủ sử dụng đất mà nguyên đơn yêu cầu chia thừa kế, chưa làm rõ các đồng sở hữu đối với tài sản chung của gia đình. Từ đó chưa xác định được người lập di chúc có quyền định đoạt tài sản nêu trong di chúc không, thửa đất có phải là di sản thừa kế của người lập di chúc hay không. Vì vậy, chưa đủ cơ sở để xác định tính hợp pháp của di chúc.

Việc Tòa án chưa thu thập đủ tài liệu, chứng cứ mà đã xác định thửa đất nêu trên là tài sản chung là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Vấn đề nữa là Tòa án nhân dân huyện Diễn Châu vi phạm trong việc giải quyết ngoài phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 5 BLTTDS quy định về quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự. Trong vụ này, nguyên đơn chỉ chỉ yêu cầu chia thừa kế trong di chúc. Bị đơn không có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập. Như vậy, việc TAND huyện Diễn Châu giao đất cho bị đơn là vượt quá yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu của đương sự.

Từ các lẽ trên, có thể thấy việc xét xử sơ thẩm vụ án dân sự đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, dẫn đến việc giải quyết vụ án chưa đúng quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. việc thu thập chứng cứ và chứng minh trong vụ án chưa được thực hiện đầy đủ mà tại phiên tòa phúc thẩm không thể thực hiện bổ sung. Do đó, việc bị đơn đề nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để xét xử lại là có căn cứ và đúng pháp luật. Vì vậy, căn cứ vào Khoản 3 Điều 308 và Điều 310 BLTTDS 2015, hủy bản án sơ thẩm số 14/2017/DS-ST của TAND huyện Diễn Châu và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

Vấn đề này xin được kính gửi tới các ban ngành lãnh đạo tỉnh Nghệ An xem xét và giải quyết cho công dân, đem lại niềm tin cho nhân dân, để người dân có thể hiểu được thượng tôn pháp luật là lẽ phải.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Infographic] Chuỗi sự kiện "Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai"
    Chuỗi sự kiện “Ươm mầm tri thức – Kiến tạo tương lai” là chương trình ý nghĩa được UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp các nhà xuất bản, nhà sách, các đơn vị, cá nhận hoạt động trong cùng lĩnh vực tổ chức thường niên, nhằm hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3, chào mừng kỷ niệm 7 năm Ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (01/5/2017 - 01/5/2024).
  • Hà Nội tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba - năm 2024
    Tại Hà Nội, mở đầu chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba - năm 2024 là sự kiện Hội Sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”, kỷ niệm 7 năm ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (01/5/2017 - 01/5/2024) được tổ chức vào 09h30 ngày 17/4/2024 tại Phố Sách Hà Nội.
  • Giới thiệu 70 tác phẩm mỹ thuật với chủ đề “Đường lên Điện Biên”
    Nhân kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), vào ngày 26/4, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ tổ chức khai mạc triển lãm “Đường lên Điện Biên”.
  • Ý nghĩa chiến thắng Điện Biên Phủ với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
    Cách đây 70 năm, quân và dân ta đã tiến hành Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, đó là thắng lợi của sức mạnh “toàn dân đánh giặc”, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. 70 năm đã trôi qua, nhưng tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị, là nguồn cổ vũ lớn lao cho toàn thể nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay...
  • Hà Nội: Sôi nổi Liên hoan cán bộ thư viện Toàn quốc tuyên truyền văn hóa đọc
    Chiều ngày 16/4, tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao quận Đống Đa, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Lễ tổng duyệt Liên hoan cán bộ thư viện Toàn quốc tuyên truyền phát triển văn hóa đọc và giới thiệu sách chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024) với chủ đề “Điện Biên – Vang mãi bản hùng ca”.
Đừng bỏ lỡ
Nghệ An: Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dân sự?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO