Nghe nói Hà Nội vào thu

HNMCT| 27/08/2021 11:23

Nghe nói Hà Nội vào thu. Trời cao trong xanh, lá mơn mởn đùa với gió heo may. Tiếng ve sầu đã là dĩ vãng. Phượng quả cong cong, đỏm dáng đung đưa như muốn trêu bước chân người tan ca. Me thả những quả da nâu cuối cùng xuống hè phố khi chim đậu cành, ví như một trò đùa tình ái.

Nghe nói Hà Nội vào thu
Minh họa: Nguyễn Đăng Phú.

Sấu chín rụng đôm đốp ngoài ban công, quả lành, quả rách. Lượm một quả chín vàng ngã nứt đôi, không cần lấy tay cậy vỏ mà dùng ngón trỏ và ngón cái bóp nhẹ, đưa sấu vào miệng, hút cái ruột trăng trắng như nước cơm sắp cạn. Vị ngọt ngọt, chua chua chạm đầu lưỡi, lan tỏa cả khoang miệng, lùa sâu vào cuống họng. Vị của mùa thu. Thu mềm mại. Thu quyến rũ. Thu say lòng người.

Mở cửa sổ, cái nóng nhào vào mặt như lúc anh thợ rèn kéo cục sắt hồng từ lò ra chưa kịp đập nhát búa đầu tiên. Kéo rèm ban công, nắng lao vào trong gian phòng như muốn bẻ cong những phím đàn dương cầm. Trắng, đen nhuộm vàng. Mấy cành sấu nhớ ai mà lặng thinh không nói, không cười, không vẫy tay. Ngẩng đầu nhìn những quả chín vàng chờ tay người hái. Chú sóc đơn côi nhảy lon ton từ cành này sang cành kia. Thực ngạc nhiên khi giữa phố thị mà còn có loài động vật đuôi dài leo cây. Có lẽ nó cũng phải luồn lách, né tránh hàng trăm, hàng ngàn ánh mắt cùng với tiếng “ô kìa, con sóc” để tồn tại.

Phượng ven hồ thèm gió thu để đưa đẩy quả dài như lưỡi liềm, cả những chiếc lá mỏng manh cũng không động đậy. Bằng lăng xanh đậm như nuối tiếc một mùa tím vừa qua. Hoa tàn, quả chẳng đậu. Một vài cây hoa sữa mềm oặt trong nắng oi, chờ đêm để mê hoặc những kẻ đang yêu, lang thang chưa muốn tìm về gác trọ. Nhưng, có lẽ hoa quên nhả hương, và người chợt quên là thu đã về. Có lẽ người đã quên cả yêu đương hò hẹn. Đơn bóng ly cà phê đắng lịm, sóng sánh bên quán cóc vỉa hè. Cái nắng đã liếm vào đôi dép tổ ong đỏ ửng. Bàn chân trần lắc nhẹ như bâng quơ gọi gió, đuổi cô đơn. Gió chả về. Cô đơn vẫn chả chịu đi.

Người ta nói, kẻ hay rung đùi là kẻ đang nhung nhớ viển vông, thèm những thứ trái mùa. Ai đó, giữa thu, lại thèm một chút gió mùa thu, một chút se lạnh, khô khô và một chút lãng mạn như hương hoa cỏ may e ấp trong chiếc mùi xoa tặng nhau ngày tựu trường. Ai đó thèm thu giữa mùa thu. Cơn mưa rào bất chợt ập đến. Mưa bóng mây. Trời cao trong xanh nhìn xuống mấy đám mây bay qua, mây đùa giỡn để biến thành những giọt mưa trộn với nắng, rơi vào thu. Thu hoảng hốt, ướt nhèm. Thu nhào xuống phố. Hầm hập hơi nước bốc lên. Những vệt nước chỉ kịp loang loáng vội vàng rồi bị nắng cuỗm đi. Giọt cà phê cuối cùng cũng bị nắng thu hút hồn, đọng lại xác cà phê giống như một lớp màng mỏng nâu nhạt cố bám vào đáy ly. Cô hàng cốm vừa bước chân qua. Cớ sao cô không mời chào ai. Phải chăng cốm cô đã hết, ai lại rao bán những bó rơm lủng lẳng treo hai đầu đòn gánh.

Ừ, thu về rồi đó. Thu đỏng đảnh. Ai đó vẫn âm thầm chờ thu dịu dàng, mềm mại. Thu xưa, thu của những ven sông trắng muốt họa mi, thu vàng ươm của những đồi dã quỳ và thu rất xa, thu tím ngắt của những cánh đồng mênh mông thạch thảo. Hà Nội chào thu.

(0) Bình luận
  • Dáng quê
    Ai cũng có trong lòng một dáng hình quê hương để mà thương, mà nhớ. Với tôi, đó là hình dáng con đường đi học, của bụi tre làng thấp thoáng trong đêm trăng; là dáng mẹ gánh lúa trên đê hay dáng cha đang lom khom cày ruộng. Quê hương không chỉ là nơi ta được sinh ra và nuôi lớn, mà còn là nơi chan chứa nhiều kỷ niệm êm đềm của tuổi thơ.
  • Những mùa xuân nối tiếp
    Mùa xuân vẫn về qua cây cầu vắt ngang sông. Một khúc sông rộng đủ để những chuyến đò ngang bối rối, chênh chao. Khi không còn chở đò nữa, bóng người lái đò cứ thế xa dần, mờ dần phía cuối con đê. Bến đỗ, nẻo về ngoằn ngoèo, xa tít tắp. Ai đó còn gọi với: thầy ơi, u ơi. Chiếc lá rơi vào chiều lỗi hẹn. Quê và những mùa xuân nối tiếp làm xao động tấm chân tình.
  • Trà Hương vị du ca
    Trong những tinh túy ẩm thực, trà là đồ uống mang hành trình gợi đầy chiêm nghiệm. Trà đến với người bởi nhớ, bởi duyên và bởi sự mê đắm của người, bảo tri kỷ thật chẳng sai.
  • Duyên
    “Lên luôn đi. Tôi chọn cành này thế nào ông cũng sướng mê tơi bời”. Nghe Trúc nói tôi phóng luôn ra bãi sông Hồng. Dinh đào trong đê truyền thống giờ chỉ còn trong ký ức vì đã thành khu Ciputra, nên dân Nhật Tân chuyển ra ngoài ấy, ít năm trước còn than vãn đất tốt quá trồng đào bị lốp. Dinh mới giờ thành cánh rừng mênh mang, cái đẹp quá mạnh hiếp đáp con người. Trúc toe toét bên những cành đã chọn xong, hạ xuống: “Mệnh ông hợp với thế huyền bay lên, mang về làm ăn sẽ tốt”. Tôi ngần ngừ muốn xin cành bạt p
  • Khói chiều nhớ Tết làng xa
    Con người ta sinh ra, lớn lên, trưởng thành rồi xa làng, xa quê có rất nhiều thứ để nhớ. Đặc biệt là vào những ngày cuối năm lây phây mưa bụi, Tết đến xuân về. Có người nhớ gia đình, nhớ bữa cơm sum họp ngày tất niên đến quay quắt. Có người nhớ mùi của Tết đến cồn cào, nhớ mùi của lá dong, gạo nếp, mùi của hoa đào, quất cảnh, của nồi nước mùi già còn bốc khói nghi ngút. Với tôi, trong tất cả những điều để nhớ về Tết xưa còn có thêm một thứ mùi, đó là: Mùi của khói.
  • Phố núi đợi mùa
    Sớm mai thức giấc, cơn gió mang cái lạnh se sắt từ đâu ùa về. Tia nắng mỏng manh không đủ sức tan đi giọt sương khuya còn ướt đầm trên lá, ngược lại, biến chúng thành những viên ngọc lóng lánh cười trong nắng. Mới dăm hôm trước, nắng thu vẫn còn ấm áp cả không gian, mà nay, khí trời bàng bạc như thể mùa đông chạm ngõ. Ngó bên hiên nhà, hoa dã quỳ bừng nở, thay thời gian báo hiệu mùa về.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Nghe nói Hà Nội vào thu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO