Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Tùng: “Cháy" hết mình trong từng vai diễn

HNMCT| 04/10/2020 08:15

Không chỉ được biết đến qua những vai diễn cải lương xuất sắc, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Hoàng Tùng còn tham gia soạn lời cho các bài cải lương, trong đó nổi bật nhất là Việt Nam sáng mãi vầng dương được sử dụng trong chương trình chào mừng Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc lần thứ 16 - Vesak 2019. 30 năm hoạt động đầy nhiệt huyết, nghệ sĩ Hoàng Tùng chẳng nề hà trước bất cứ vai diễn nào, với anh, sân khấu luôn là “thánh đường” và được biểu diễn luôn là niềm vinh dự lớn lao.

Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Tùng: “Cháy
Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Tùng trong vai Đinh Thế trong vở Mai Hắc Đế.

1. NSƯT Hoàng Tùng sinh ra trong một gia đình không có truyền thống nghệ thuật, bản thân anh trước khi đến với cải lương cũng chưa có khái niệm hay niềm yêu thích môn nghệ thuật này. Con đường nghệ thuật chỉ nhen nhóm trong anh khi thuở bé được tham gia hoạt động văn nghệ tại Cung Thiếu nhi Hà Nội.

Năm 1988, trong lúc chán chường vì ước mơ trở thành thầy giáo dạy văn tuột khỏi tầm tay do thiếu nửa điểm khi thi tuyển, anh tình cờ đọc được mẩu tin thông báo tuyển diễn viên cải lương của Đoàn Cải lương Trung ương (nay là Nhà hát Cải lương Việt Nam), ý thức muốn khẳng định mình trỗi dậy, anh dự thi và trúng tuyển.

Đến với cải lương bằng “hai bàn tay trắng”, hát chưa hay, diễn chưa giỏi, ngoại hình có phần hạn chế, vì thế đến giờ, khi đã có được thành công nhất định, anh biết ơn người thầy đầu tiên - NSƯT Kim Sinh, người đã truyền tình yêu và niềm đam mê cho anh trong những ngày đầu bỡ ngỡ. Thầy Kim Sinh là người nghiêm khắc nhưng cũng rất tâm huyết với học trò, đã dày công hướng dẫn để anh có thể làm chủ kỹ thuật, thăng hoa trong từng câu hát. “Người thầy thứ hai mà tôi luôn biết ơn là NSƯT Lê Chức, người sở hữu “giọng đọc vàng” của nghệ thuật sân khấu và điện ảnh nước nhà. Tôi học được ở thầy tác phong làm việc nghiêm túc, khắt khe trong diễn xuất, nhất là trong cách xây dựng hình tượng nhân vật, đài từ...”, NSƯT Hoàng Tùng chia sẻ.

Cơ hội để khán giả biết đến cái tên Hoàng Tùng là khi anh tham gia cuộc thi Tài năng sân khấu trẻ toàn quốc năm 1998 tại Đà Nẵng, quy tụ khoảng 300 diễn viên. “Chân ướt, chân ráo” vào nghề, anh tham dự với tâm lý “thi cho biết” nhưng lại giành được giải Diễn viên cải lương triển vọng. Đó là “trái ngọt” đầu tiên trong sự nghiệp, là động lực để anh không ngừng nỗ lực trên con đường nghệ thuật.

2. Với nghệ thuật thì không có vai diễn nào là nhỏ, đó là tâm thế làm nghề của Hoàng Tùng. Anh thường xuyên xuất hiện trên sân khấu cũng như trên truyền hình, lúc vào vai vị vua đạo mạo, uy nghiêm, lúc thì vào vai giang hồ cộm cán, ma mãnh... Anh cho biết, khi mới vào nghề thường được giao vai phản diện và lâu dần khán giả đã quen với hình ảnh “Hoàng Tùng đểu cáng”. Đến năm 1998 anh mới được nhận vai chính diện đầu tiên, đó là vai Nhật Bằng trong vở Tình sử lộ Đà giang của đạo diễn, NSND Dương Ngọc Đức. Thời gian tập luyện chỉ trong nửa tháng khiến anh rất lo lắng, sợ “đổ vở”. Thế rồi nhờ sự giúp đỡ của đạo diễn cùng sự quyết tâm của bản thân, anh đã biến hóa thành một “Hoàng Tùng tốt bụng” đầy ấn tượng trong lòng khán giả.

Suốt những năm sau đó, anh không nề hà bất cứ vai diễn nào dù là vai chính diện hay phản diện. Sau những nỗ lực không ngừng nghỉ ấy, anh đã giành được nhiều giải thưởng cao trong các kỳ Liên hoan Sân khấu cải lương toàn quốc. Năm 2011, với vai diễn Lê Quyết trong vở Trời Nam của đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên, anh được trao giải Diễn viên xuất sắc của năm. Bốn năm sau, vai Đinh Thế trong vở Mai Hắc Đế của đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên đã mang lại cho anh tấm Huy chương vàng đầu tiên trong sự nghiệp. Anh đã giành Huy chương bạc trong Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc với vai Thông trong vở Nắng quái chiều hôm của đạo diễn, NSND Tuấn Hải. Gần đây, anh còn xuất hiện trên truyền hình trong một số bộ phim được khán giả quan tâm như: Người phán xử, Hoa hồng bên ngực trái, Đi qua mùa hạ... 

3. Quảng bá nghệ thuật cải lương là việc mà nghệ sĩ Hoàng Tùng luôn đau đáu. Anh cùng các nghệ sĩ như Đinh Hương, Thu Thảo, Thu Huyền ở Nhà hát Cải lương Việt Nam, nhóm Xẩm Hà thành thường xuyên tham gia biểu diễn tại Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận vào các tối cuối tuần. Anh được nhóm phân công phụ trách dân ca Nam Bộ và cải lương. Biểu diễn đường phố, theo quan niệm của nhiều người là “mất giá” nhưng anh nghĩ khác. Với anh, người nghệ sĩ được biểu diễn dưới ánh đèn sân khấu, qua đó truyền ngọn lửa tình yêu nghệ thuật dân tộc đến khán giả là niềm vinh dự.

“Khi biểu diễn ở khu vực hồ Hoàn Kiếm, chúng tôi nhận được nhiều lời khen, lời cảm ơn của khán giả. Chúng tôi hạnh phúc khi những cống hiến của mình được ghi nhận. Khi tuyến phố đi bộ hoạt động trở lại, chúng tôi tiếp tục lên kế hoạch biểu diễn. Tôi nghĩ rằng, ở ngoài kia có rất nhiều bạn trẻ yêu thích cải lương nói riêng và nghệ thuật sân khấu nói chung, nhưng họ chưa có điều kiện tiếp cận, thưởng thức. Một khi khán giả không đến với mình thì mình phải đến với khán giả, bất kể là qua sân khấu lớn - nhỏ hay biểu diễn trên đường phố”, nghệ sĩ Hoàng Tùng trải lòng.

Cùng với hoạt động quảng bá cải lương, hơn chục năm nay Hoàng Tùng cùng NSƯT Thúy Đạt đã tham gia Câu lạc bộ (CLB) nghệ thuật Phật giáo Liên Hoa. Đây có lẽ là CLB duy nhất ở miền Bắc được thành lập dưới sự bảo trợ của một Thượng tọa, đó là Thượng tọa Thích Thọ Lạc, trụ trì chùa Yên Phú, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì (Hà Nội). Với việc tham gia CLB này, anh và các thành viên đã có nhiều hoạt động ca hát phục vụ các lễ hội phật giáo Việt Nam. Ngoài ra, anh còn sáng tác, soạn lời cho các bài cải lương về chủ đề phật giáo để phục vụ cho các ngày lễ lớn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nhiều tác phẩm của anh đã được sử dụng trong các dịp quan trọng như bài Sáng mãi một dòng thiền (có nội dung ca ngợi Phật hoàng Trần Nhân Tông), Việt Nam sáng mãi vầng dương được sử dụng trong chương trình chính thức chào mừng Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc lần thứ 16 -Vesak 2019 diễn ra tại chùa Tam Chúc (tỉnh Hà Nam).

Từ giữa năm 2020, một bước ngoặt đã đến với Hoàng Tùng khi anh chuyển về công tác tại Phòng Nghệ thuật, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Môi trường làm việc mới, cương vị mới nhưng sâu trong tâm khảm, anh vẫn luôn mong mỏi: “Làm sao giữ được nghệ thuật dân tộc, phát triển nó mà vẫn đáp ứng được yêu cầu của khán giả ở thời đại mới, đồng thời giới thiệu nhiều hơn các loại hình nghệ thuật đến với khán giả trong và ngoài nước”.

“Bài toán” ấy thật không dễ giải. Chỉ biết rằng trong anh, ngọn lửa tình yêu tha thiết với nghề vẫn âm ỉ cháy, vẫn được anh nuôi dưỡng mỗi ngày và mơ về một ngày không xa sẽ làm bừng sáng nghệ thuật sân khấu nước nhà.

NSƯT Hoàng Tùng (tên khai sinh là Hoàng Văn Tùng) sinh năm 1970 tại Hà Nội, quê gốc ở Nam Định. Anh có gần 30 năm công tác tại Nhà hát Cải lương Việt Nam, từng giữ cương vị Trưởng phòng Nghệ thuật của nhà hát. Hiện anh công tác tại Phòng Nghệ thuật, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Anh được phong danh hiệu NSƯT vào năm 2019.

(0) Bình luận
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
  • Bảo tàng Binh chủng Thông tin (quận Ba Đình)
    Bảo tàng Binh chủng Thông tin thuộc loại hình bảo tàng lịch sử chuyên ngành quân sự, là thể chế văn hoá, có chức năng bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử Binh chủng Thông tin liên lạc nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hoá của cán bộ, chiến sĩ trong Binh chủng và nhân dân, bạn bè quốc tế.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Tùng: “Cháy" hết mình trong từng vai diễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO