Nghệ thuật cùng chung sức đẩy lùi Covid-19

Thanh Bình| 13/04/2020 14:03

Đã nhiều ngày qua khi đất nước Việt Nam đang phải căng mình để đối mặt với đại dịch Covid-19, các nghệ sĩ chuyên và cả không chuyên đã có nhiều hoạt động thiết thực để cùng cộng đồng chung sức đẩy lùi dịch bệnh. Bằng những giai điệu, lời ca, thông qua tranh vẽ họ đã và đang góp phần tích cực lan tỏa thông điệp về phòng chống dịch bệnh cũng như cổ vũ động viên cho những người ở nơi đầu chiến tuyến…

Nghệ thuật cùng chung sức đẩy lùi Covid-19
Tác phẩm “Corona! ở nhà” của nhạc sĩ Lê Mây

Cổ vũ cộng đồng bằng âm nhạc

Trong ngôi nhà nhỏ ở phía Tây Thành phố Hà Nội, nhạc sĩ Lê Mây (hội viên Hội Âm nhạc Hà Nội) thỉnh thoảng lại cất cao những ca từ của bài hát “Corona! Ở nhà”. Đây là bài hát mà nhạc sĩ vừa sáng tác để hưởng ứng cuộc vận động viết về Corona do Bộ Quốc phòng phát động. Nhạc sĩ Lê Mây chia sẻ cuộc chiến với Corona (Covid -19) dẫu không có bom đạn nhưng lại cũng không kém phần khốc liệt, không loại trừ một quốc gia nào và cũng không loại trừ riêng một ai. Là một công dân, là một nhạc sĩ, trong hoàn cảnh sống còn ấy, ông nghĩ mình không thể dửng dưng đứng ngoài. Cũng bởi thế mà “Corona! Ở nhà” đã được ra đời và ngay sau đó đã được thu âm và phát trong chương trình Văn hóa quân đội nhân dân của Đài truyền hình Việt Nam với sự trình bày của ca sĩ Hồng Ngọc. Điệp khúc “cứ yên tâm ở nhà” được tác giả nhắc lại nhiều lần trong bài hát như lời nhắn nhủ của nhạc sĩ đối với mọi người cứ yên tâm, bình tĩnh rồi dịch bệnh sẽ qua.
Không dừng lại với “Corona! Ở nhà”, mối nhân duyên với vợ chồng nhạc sĩ đường phố Huỳnh Tấn Vũ, cũng đã giúp nhạc sĩ Lê Mây có thêm một tác phẩm mới với tựa đề “Covid– 19 sẽ qua”. Ông khoe, tác phẩm này đã được vợ chồng nhạc sĩ Huỳnh Tấn Vũ thu thanh và giới thiệu trên youtube với giai điệu rất sôi động. Ngoài ra, ca khúc này còn được sinh viên Nguyễn Trung Kiên trường Đại học Giao thông vận tải thu thanh với phong cách rất riêng.
Nghệ thuật cùng chung sức đẩy lùi Covid-19
Tranh cổ động “Đeo khẩu trang thường xuyên và đúng cách để phòng,
chống dịch Covid - 19” của tác giả Lưu Yên Thế (Hà Nội).

Cũng như nhạc sĩ Lê Mây, nhiều hội viên của Hội Âm nhạc Hà Nội cũng đã có những tác phẩm viết về đề tài thời sự này. Nhạc sĩ Bá Môn – Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội cho hay: Ngay từ tháng 2/2020 Hội Âm nhạc Hà Nội đã phát động trong toàn thể Hội viên sáng tác về phòng chống đại dịch với chủ đề “Chung tay cùng cả nước phòng chống dịch Corona”. Sau 2 tháng phát động đến nay đã có 15 tác phẩm của các nhạc sĩ hưởng ứng trong đó một số tác phẩm đã được phát sóng truyền hình, phát thanh kịp thời trên các đài của Trung ương và Hà Nội như: “Tan biến đi Corona” – nhạc sĩ Trần Hùng, “Corona! Ở nhà” – nhạc sĩ Lê Mây, “Tự hào người lính đi đầu” – nhạc sĩ Đào Nguyên Hiếu, “Nếu anh không về” - nhạc sĩ Huyền Ngọc, “Ngày mai nếu anh không về” - nhạc sĩ Lân Cường.

Góp tiếng nói của âm nhạc trong cuộc chiến chống Covid-19 không thể không nhắc tới âm nhạc cổ truyền. Có thể kể tới soạn giả Lê Thế Song với bài cải lương “Thiên thần áo trắng” như một sự tôn vinh các y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch; hay soạn giả Mai Văn Lạng với làn điệu xẩm xoan trong bài “Bài ca chống giặc dịch Covid”... Cách đây không lâu nhóm xẩm Hà thành đã cho ra mắt công chúng bài xẩm “Tiêu diệt Corona” dựa trên điệu xẩm sai. Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long chia sẻ anh sáng tác ca khúc này trong vòng 1 đêm nhưng mất gần 2 tháng để thẩm thấu từ những điều mà nhìn thấy, đọc thấy và trực tiếp thấy. Sự thẩm thấu ở độ chín ấy đã tạo nguồn cảm xúc mãnh liệt giúp tác giả sáng tác nên “Tiêu diệt Corona”. Bài xẩm khai thác tối đa thế mạnh tiết tấu của bộ gõ, sử dụng thêm tiếng kèn bầu mang âm hưởng nhã nhạc cung đình Huế, vừa có chút tiết tấu rộn ràng của hề chèo và rap với phần trình bày bởi các nghệ sĩ trong nhóm xẩm Hà thành cũng đã góp phần trong việc cổ vũ, nâng cao ý thức của cộng đồng trong cuộc chiến với Covid-19… 

Còn nhiều, nhiều nữa những ca khúc đã được ra đời trong mùa dịch Covid-19. Dù là sáng tác mới hay viết lời mới cho ca khúc cũ; dù tác phẩm mang âm hưởng của âm nhạc đương đại hay âm nhạc dân gian thì cái đích cuối cùng mà các tác giả hướng tới đó chính là lan tỏa tinh thần lạc quan, cổ vũ tinh thần chống dịch… 

Chuyển tải thông điệp qua tranh vẽ

Giống như các nhạc sĩ, thời điểm mà mọi thứ đang bị ngưng trệ vì dịch bệnh cũng là lúc mà nhiều họa sĩ đã vào cuộc với trách nhiệm công dân và trách nhiệm nghệ sĩ của mình. Chỉ 5 ngày sau khi nhận được thư mời từ Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) về việc sáng tác tranh cổ động tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19, 23 họa sĩ đã gửi tới BTC với tổng số 103 bức tranh. Cũng từ những bức vẽ này, Cục Văn hóa cơ sở đã lựa chọn được 14 tác phẩm xuất sắc để tổ chức phổ biến tuyên truyền trên toàn quốc. Các tác phẩm chuyển tải nhiều thông điệp trong cuộc chiến với dịch Covid - 19 từ việc chọn lọc khi tiếp nhận thông tin đến tuyên truyền rửa tay đúng cách, hạn chế tập trung đông người...

Nghệ thuật cùng chung sức đẩy lùi Covid-19
Một tác phẩm ký họa của kiến trúc sư Trần Thị Thanh Thủy tham gia thử thách “QUYETCHIENNCOVI”.

Nhiều họa sĩ tham gia cuộc vận động sáng tác tranh cổ động này cho hay, dù tuổi đã cao nhưng với trách nhiệm của người nghệ sĩ họ đã dồn nhiều tâm sức để có được những bức vẽ trực quan sinh động, nhằm cổ vũ động viên tinh thần “chống dịch như chống giặc” tới tất cả mọi người.

Xác định "kháng chiến trường kỳ" chống Covid - 19, cuộc sống không thể là chuỗi ngày ngồi đếm và cập nhật mỗi ca bệnh, những thành viên tích cực của nhóm Ký họa Hà Nội (Usk Hanoi) quyết định phát động thử thách “QUYETCHIENNCOVI”. Kiến trúc sư Trần Thị Thanh Thủy, Trưởng nhóm Ký họa Hà Nội cho hay dù được gọi là “thử thách” nhưng nhóm không đưa ra những điều kiện quá khó cho các thành viên mà chỉ khuyến khích để mỗi người tự do sáng tác và chia sẻ tác phẩm của mình lên trang facebook của nhóm. Đây là một cách nhóm đồng hành với những người đang phải cách ly do tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19 đồng thời chuyển tải đi thông điệp: “Hãy bình tĩnh, tin vào chính mình, hãy nuôi dưỡng tình yêu và đam mê của mỗi người như nuôi dưỡng niềm tin vào những điều tốt đẹp nhất đang chờ đón, dịch bệnh rồi sẽ qua...”
14 ngày kể từ khi thử thách của Usk Hanoi được phát động, đã có gần 50 thành viên ở đủ mọi lứa tuổi, ngành nghề tham gia với 400 bức ký họa được sáng tác trên nhiều chất liệu, nhiều thể loại từ tranh ký họa, tranh cổ động đến những bức tranh tĩnh vật, phong cảnh... Mỗi tác phẩm như một trang nhật ký ghi lại những khoảnh khắc trong đời sống thường nhật của mỗi công dân, cho thấy cái nhìn đa chiều của cộng đồng về dịch bệnh. Khép lại thử thách này, nhóm Ký họa Hà Nội cho biết sẽ làm video để triển lãm online, ngoài ra cũng sẽ lựa chọn để bán đấu giá công khai một số bức tranh góp phần ủng hộ vào Quỹ phòng, chống dịch Covid-19.

Điểm lại một số những hoạt động sáng tác mỹ thuật và âm nhạc với chủ đề phòng chống dịch Covid -19 có thể thấy nghệ thuật đã có một ảnh hưởng không nhỏ đối với cộng đồng. Đó chính là liều thuốc tinh thần giúp cho mọi người vượt qua dịch bệnh một cách dễ dàng hơn.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Nghệ thuật cùng chung sức đẩy lùi Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO