Nghị quyết phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 8/2019

Đặng Sơn Dương| 18/09/2019 14:22

Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP, tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2019; Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2019; Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2019; Báo cáo kế hoạch tài chính ngân sách Nhà nước 3 năm 2020 - 2022... là những nội dung quan trọng tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2019.

Nghị quyết phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 8/2019
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2019.
Tham dự phiên họp ngày 4/9, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có các đồng chí Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh.

Trong phiên họp các thành viên Chính phủ thống nhất đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm của nước ta tiếp tục xu hướng tích cực; các ngành, lĩnh vực đều phát triển ổn định; môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, năng lực cạnh tranh được nâng lên; tăng trưởng GDP cả năm hoàn toàn có thể đạt cận cao trong mục tiêu tăng trưởng Quốc hội giao năm 2019 (6,6-6,8%).

Theo đó một số kết quả nổi bật trong 8 tháng như sau:

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng năm 2019 tăng 2,57% so với cùng kỳ. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển khá cả nuôi trồng và khai thác (đàn gia cầm tăng 10%; sản lượng gỗ khai thác tăng 4,3%; sản lượng thủy sản tăng 5,4%), Sản xuất công nghiệp đạt mức tăng khá 9,5%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,6%; đặc biệt trong tháng 8/2019, ngành khai khoáng tăng mạnh (IIP khai khoáng tăng 14,4%)…

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu sụt giảm, kim ngạch xuất nhập khẩu nước ta tăng khá, đặc biệt xuất siêu tăng mạnh, đạt 3,4 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu đạt gần 170 tỷ USD, tăng 7,3%; trong nước tăng 13,9%, cao hơn tốc độ tăng của khu vực FDI là 4,6%; tỷ trọng của khu vực trong nước có xu hướng tăng lên, chiếm 30,6%; có 26 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch trên 1 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu đạt gần 166,6 tỷ USD, tăng 8,5%, nhiều mặt hàng nguyên liệu nhập khẩu để phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu tăng mạnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chính phủ cũng nhận định: tình hình kinh tế - xã hội nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức. Ngành nông nghiệp đang gặp khó khăn khi giá bán của hầu hết các sản phẩm nông nghiệp vẫn đang ở mức thấp so với cùng kỳ; tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Một số dự án năng lượng, kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm tiếp tục chậm tiến độ; nhiều sản phẩm công nghiệp quan trọng giảm. Giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước vẫn chưa cải thiện nhiều. Thời gian qua phát sinh nhiều vấn đề về văn hóa, xã hội, an ninh trật tự mà chúng ta cần phải quan tâm nhiều hơn nữa trong thời gian tới, như dịch sốt xuất huyết; xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông, một số vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng…

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, chỉ còn 4 tháng nữa là kết thúc năm 2019. Chính vì vậy: 

Một là: Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra, kịp thời có đối sách phù hợp với tình hình quốc tế và trong nước...

Hai là: Tập trung cao độ cho công tác rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách để phát triển nhanh, bền vững trong thời kỳ hội nhập, cạnh tranh và cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là yêu cầu bắt buộc...

Ba là: theo dõi chặt chẽ tình hình thế giới và trong nước để có đối sách phù hợp, kịp thời, hiệu quả, không để bị động bất ngờ trong chỉ đạo, điều hành. Vừa ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải đưa ra các công cụ, giải pháp tạo thêm dư địa cho điều hành, thúc đẩy tăng trưởng…

Về các giải pháp cụ thể, Thủ tướng nêu rõ, thời gian qua, xuất khẩu một số mặt hàng, ngành hàng gặp khó khăn, các bộ, ngành, địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu, kết hợp với tăng cường công tác quản lý, kiểm tra thị trường; phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại…

Quốc phòng, an ninh và đối ngoại, các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao theo dõi, cập nhật thông tin, phân tích và dự báo đúng tình hình; thực hiện các giải pháp đồng bộ để bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích quốc gia...

Về thông tin truyền thông, các cơ quan báo chí phải là dòng chảy chính, tạo ra khát vọng Việt Nam hùng cường, đoàn kết. Cần tăng cường kỷ luật phát ngôn. Các cơ quan Nhà nước phải chủ động thông tin chính xác, kịp thời về các cơ chế chính sách, sự chỉ đạo điều hành thuộc phạm vi quản lý của mình. Đề cao trách nhiệm của các cơ quan thông tấn báo chí trong việc thông tin trung thực, khách quan. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân...

Từ nay đến cuối năm, Chính phủ tiếp tục tổ chức các hội nghị chuyên ngành để thúc đẩy phát triển một số lĩnh vực quan trọng. Các bộ, ngành cần chuẩn bị tốt cho các hội nghị này, trong đó đề xuất cơ chế, chính sách mới, tạo đột phá phát triển. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Nghị quyết phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 8/2019
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO