Ngôi đình cổ thờ Trần Công tôn thần

Phạm Bá Dực| 31/05/2018 08:39

Làng Phong Triều, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên TP. Hà Nội có ngôi đình cổ thờ Trần Công tôn thần, tên húy ngài là Đỗ Khắc Trung. Ngài đã được phong đến chức Tể tướng dưới triều Trần, niên hiệu Hưng Long đời Trần Anh Tông (1293 - 1313). Đỗ Công được ban Quốc tính - đổi thành họ Trần, và được phong chức Nhập nội Hành khiển (tức Tể tướng). Đình đã được xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia ngày 4/9/1995.

Ngôi đình cổ thờ Trần Công tôn thần
Đình Phong Triều

Đầu thế kỷ XIII, nước ta đứng trước nguy cơ bị giặc Nguyên Mông xâm lược. Năm 1258, vua Trần Thái Tông cùng các tướng: Trần Quốc Tuấn, Trần Thủ Độ bàn kế sách để chuẩn bị đánh quân xâm lược nếu chúng xâm phạm bờ cõi nước ta.

Công việc chuẩn bị được gấp rút thực hiện như: chuẩn bị luyện tập quân sự, tổ chức các đạo quân, trang bị vũ khí… lập các phòng tuyến phòng thủ; chuẩn bị quân lương…Trần Quốc Tuấn là một danh tướng triều Trần, văn võ song toàn. Vua Trần phong ông là Quốc Công tiết chế. Ông đã có công lớn lãnh đạo tướng sĩ cùng quân dân cả nước ba lần đánh thắng Nguyên Mông xâm lăng nước ta, bảo vệ sự vẹn toàn non sông gấm vóc nước ta ở thế kỷ XIII.

Khi quân Nguyên Mông với sức mạnh như vũ bão đã đánh chiếm phần lớn châu Âu, và một phần châu Á. Chúng vào xâm lăng nước ta với sức mạnh như vũ bão. Quân, dân ta đã kiên cường đánh trả quân xâm lược. Với chiến thắng lịch sử Đông Bộ Đầu, chúng ta đã làm thất bại cuộc xâm lăng lần thứ nhất của Nguyên Mông, buộc chúng phải nhục nhã tháo chạy về nước.

Ngày 5/2/1258 quân dân cả nước mừng chiến thắng. Vua Trần Thái Tông mở tiệc khao thưởng tướng sĩ; làm lễ phong thưởng cho các tướng soái có công, đứng đầu là Lê Tần, Hà Bổng.

Từ năm 1258 – 1284 là thời kỳ đấu tranh hòa hoãn đã kết thúc. Quân Nguyên Mông tiếp tục sang xâm lăng nước ta lần thứ 2. 

Năm 1282, hay tin nhà Nguyên đang điều quân xuống phía Nam, chúng kiếm cớ mượn đường sang đánh Chăm Pa. Nhưng thực tế là để xâm lược nước ta. Triều Trần liền triệu tập Hội nghị Bình Than. Hội nghị đã khẳng định toàn dân, toàn quân cả nước một lòng chống giặc. Giặc Nguyên Mông – Thát với nước ta là kẻ thù không đội trời chung. Các chiến binh đã tự thích vào tay mình hai chữ “Sát – Thát” (giết giặc xâm lược Mông Cổ).

Đầu năm 1285, kẻ thù đã đến sát biên giới. Hội nghị Diên Hồng được triệu tập. Các vị phụ lão, các đại biếu có uy tín trong dân được nhà vua mời về dự hội nghị để hiến kế đánh giặc. Toàn thể hội nghị đã thể hiện đồng lòng quyết tâm đánh giặc. Đây là ý chí của nhân dân cả nước quyết đứng dậy chống kẻ thù, bảo vệ giang sơn đất nước.

Nhà vua triệu các quan văn, võ vào triều bàn kế lui giặc. Vua hỏi có ai đảm nhận làm sứ thần để thương thuyết hòa hoãn với quân Nguyên; mặt khác dò xét tình hình quân địch để “Biết địch, biết ta…” mới có thể chiến thắng kẻ thù.

Thời kỳ này có một người tên là Đỗ Khắc Trung, quê ở Giáp Sơn, Kinh Chủ, Hải Dương, lúc đó làm chức Chi cục hậu thư. Triều đình chưa có ai lên tiếng, thì Đỗ Khắc Trung tâu với vua rằng: Tuy thần là kẻ hèn mọn bất tài, nhưng cũng xin được đi. Vua mừng mà nói rằng: “Trẫm không ngờ trong đám ngựa kéo xe lại có những loại tuấn mã như ngươi”. Nhà vua chuẩn tấu và cho mang thư đi bàn kế giải hòa. 

Tướng giặc Ô Mã Nhi xem thư xong, nổi giận mạt sát Khắc Trung. Nhưng thấy sứ thần nhà Trần đối đáp đàng hoàng, lý lẽ sắc bén và đanh thép nên cũng nể… liền cho Khắc Trung về tâu với vua Trần rằng: người Mông Cổ chỉ mượn đường sang đánh  Chăm Pa…

Thế giặc mạnh, chúng đánh các ải Vĩnh Châu, Thiết Lược, Chi Lăng. Mưu đồ kẻ thù đã rõ. Song quân dân ta một lòng quyết tâm đánh bại cuộc xâm lăng của nhà Nguyên. Cuộc chiến tranh chống nhà Nguyên Mông xâm lược nước ta lần thứ 2 đã thắng lợi vẻ vang…

Niên hiệu Hưng Long đời Trần Anh Tông (1293 – 1313). Đỗ Công được ban Quốc tính – đổi thành họ Trần, và được phong chức Nhập nội Hành khiển (tức Tể tướng). Trần Công được nhà vua rất tin cẩn. Việc gả công chúa Huyền Trân cho chúa Chiêm Thành, Trần Công cũng được dự bàn…

Trong những năm hòa bình, Trần Công thường đi xem xét dân tình, phong tục tập quán của dân, thăm thú thắng cảnh… Một ngày kia, ông đến trang Đăng Triều thấy phong cảnh đẹp, non nước hữu tình, người dân thuần hậu, chất phác... ông rất phấn khởi nên thường xuyên đến thăm hỏi dân tình, chăm lo đến đê điều, chu cấp cho dân những khi gặp thiên tai đói kém. Dân trong làng đều quý mến và biết ơn Trần Công.

Cuối đời, Trần Công được phong chức Thiếu Bảo. Đó là thời Trần Minh Tông. Ông còn là thầy dạy học cho Thái tử. Tước lộc càng cao, ông càng hay làm việc công đức. Ông ban ruộng và tiền cho dân trang Đăng Triều và nhiều nơi ông đi qua, dân chúng coi ông như cha mẹ.

Trần Công qua đời năm Khai Hựu thứ 2 (1330), đời vua Trần Hiếu Tông. Ngài là vị công thần, công lao to lớn, trung quân ái quốc. Sau khi ông hóa, vua vô cùng thương tiếc, lệnh cho các triều thần làm lễ Quốc tế, đưa về an táng tại quê nhà. Cho phép dân những nơi ông từng đến gắn bó được thờ phụng.

Trải qua các thời đại, Trần Công đều được ban tặng sắc phong và được hưởng tế lễ theo ân điển của triều đình. Ngài được phong là “Thái Giám, Chưởng Thái Giám thị trung hầu, Linh phù dực bảo trung hưng tôn thần”, cho phép dân trang Đăng Triều (nay là Phong Triều) thờ phụng thần mãi mãi. 

Đình Phong Triều xây dựng theo kiểu chữ đinh (T) có 5 gian đại bái. Chiều dài 18,40m, 3 gian hậu cung dài 9,20m. Phía trước là 5 bộ cửa cổ kính. Sau nhà đại bái là nhà hậu cung. Ngôi đại bái làm bốn mái chảy lợp ngói mũi, có 4 đầu đao cong, đắp rồng mây trang trí. Trên bờ nóc đắp “Lưỡng long chầu nhật”. Trên bờ guột, bờ xô đắp những con long mã là vật thờ quý ở những ngôi đình cổ.

Về kiến trúc gỗ ngôi đại bái: khung nhà có 6 hàng cột và 4 vì kèo, tổng số có 24 cột chính và cột quân. 4 cột chính chu vi 1,40m, cột quân chu vi 1,20m - 1,30m… Hệ thống kiến trúc bằng gỗ thể hiện phong độ mỹ thuật thời Nguyễn muộn. 

Trên thượng lương có dòng chữ Hán: Hoàng triều Khải Định cửu niên tuế Giáp Tý (1924) thập nhất, nguyệt lục khởi công - Ất Sửu (1925) niên thập nhị nguyệt thập nhị nhật thụ trụ thượng lương đại cát.

Trong đình còn có những câu đối:

- Nguy nguy thánh đức càn khôn đại,
Vĩnh vĩnh thần cơ tuế nguyệt chàng. 
- Dực bảo hồng đồ thần vi đức thịnh lũy
Điển an an, bang bạch dân trí kim nại chi.

Các bức cuốn thư ghi:

- Công trạng phong viên.
- Nhật minh
- Nguyệt ánh.

Một số đồ thờ, hiện vật tiêu biểu như: Khám thờ, Chiếc chóe đựng nước thờ men trắng, hoa lam, trang trí nhiều họa tiết độc đáo… cao 40cm, chu vi thân chỗ lớn nhất 1,30m, đường kính miệng 13cm, thuộc thời Lê. Kiệu thời Lê và kiệu thời Nguyễn; Cuốn thần phả và 2 đạo sắc phong; Pho tượng Trần Công đặt trong khám ở hậu cung; Ngai thờ bài vị thần đặt trong cung; Ba chiếc kiệu, trong đó có 1 kiệu thời Lê…

Đình Phong Triều là công trình kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn, nhiều đồ thờ tự cùng thời, song vẫn còn bảo tồn một số hiện vật thời Lê. Do đó ta có thể hiểu rằng: Ngôi đình đã được xây dựng trước thời Nguyễn thờ Tướng công Đỗ Khắc Trung, đồng thời là nơi sinh hoạt của dân làng. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Ngôi đình cổ thờ Trần Công tôn thần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO