Ngôi nhà số 44 phố Lê Thái Tổ

HNMCT| 25/10/2020 18:13

Sau khi chiếm Hà Nội, năm 1884, Công sứ Pháp là Bonnal đã quy hoạch lại khu vực hồ Hoàn Kiếm, cho làm đường quanh hồ. Mọi chuyện chẳng dễ dàng vì các hộ bị lấy đất làm đường không chịu di dời. Để công việc tiến triển như kế hoạch, ngày 17-9-1886, Phó Công sứ Hà Nội ban hành nghị định cấm xây dựng, sửa chữa nhà tranh ở phố Rue Jules Ferry, nếu ai không chấp hành thì chính quyền sẽ trưng mua.

Ngôi nhà số 44 phố Lê Thái Tổ
Tòa báo Tương lai Bắc Kỳ xưa nay là trụ sở Báo Hànộimới trên phố Lê Thái Tổ. Ảnh: Tư liệu

Nhiều gia đình không có tiền xây nhà đành phải đứt ruột bán cho người Pháp. Đầu năm 1893, đường quanh hồ Hoàn Kiếm hoàn thành và ở phố Rue Jules Ferry xuất hiện nhiều nhà xây thấp tầng. Và Hàng Trống chỉ còn cái tên vì không còn ai làm trống và bán trống, nó thành con phố của người Pháp.

Ở số nhà 144 Rue Jules Ferry (nay là 44 Lê Thái Tổ, trụ sở Báo Hànộimới) có tòa soạn tuần báo L’Avenir du Tonkin (Tương lai Bắc Kỳ) do thầu khoán chợ là Jules Cousin và nhà buôn F. Mainfroy sáng lập. Tuần báo chữ Pháp này xuất bản số đầu tiên vào ngày 14-6-1886. Trước đó, L’Avenir du Tonkin là công báo do Thống sứ Bắc Kỳ nắm giữ, xuất bản 3 tháng/kỳ và số đầu tiên ra ngày 15-12-1884.

Để chuẩn bị chuyển từ tuần báo sang nhật báo, năm 1900, trụ sở L’Avenir du Tonkin  được xây mới. Người thiết kế là kiến trúc sư Auguste Henry Vildieu, ông này tốt nghiệp trường Mỹ thuật Paris, sang Việt Nam phụ trách các công trình dân sự Bắc Kỳ. Tòa nhà có ba tầng chính và tầng phụ áp mái để chống nóng với phong cách “kết hợp”, mái dốc bên trên giống nhà cổ miền Bắc nước Pháp, hai bên đổ mái bằng kiểu kiến trúc Địa Trung Hải. Mái thu vào, lợp đá đen từ vùng Anger bên Pháp. Kiến trúc sư đã thiết kế một cửa sổ hình tròn trên tầng áp mái, từ ô cửa này có thể bao quát toàn cảnh Hồ Gươm.

Mặt tiền cũng như tường hậu có nhiều đường nét uyển chuyển làm tòa nhà mềm mại. Hai ô cửa sổ tầng hai và cửa chính tầng ba có lan can sắt uốn cong vào bên trong, vừa để trang trí vừa tạo sự chặt chẽ trong bố cục và cũng làm duyên cho mặt tiền. Cầu thang, sàn tầng hai và ba, khung cửa kính và cửa chớp đều bằng gỗ lim dày dặn, chắc chắn. Sảnh tầng một trang trí bằng nghệ thuật Mosaic, những mảnh gốm nhỏ như viên xúc xắc tạo thành các hình khối khiến người vào thấy ấm cúng, vui mắt mà không khoe mẽ. Các phòng còn lại ở tầng một được lát đá thấm thủy để trời nồm mặt sàn không đọng nước. Vào những ngày mất điện, ở trong phòng cũng không có cảm giác nóng vì tòa nhà được thiết kế có tính tới khí hậu mùa hè miền Bắc.

Kể từ khi xuất hiện cho đến nay, đây là công trình có kiến trúc đẹp nhất ở phía tây Hồ Gươm. Vì tòa nhà có kiến trúc quá đẹp nên thập niên 30 thế kỷ XX, cụ Cửu Nghi, một người giàu có ở 57B phố Hàng Bồ đã mô phỏng kiểu dáng để xây nhà mình. Người ta đồn đại vì cụ “trộm” kiểu của báo Tương lai Bắc Kỳ nên bị kiện ra tòa, và thua kiện nên phải bồi thường.

Ngôi nhà số 44 phố Lê Thái Tổ
Chữ A và T lồng vào nhau tại lối ra vào tầng một tòa soạn Báo Hànộimới. Ảnh: Nguyên Sơn

Tại lối ra vào tầng một, giữa hai cột thép có chữ A và T lồng vào nhau. Nhà báo Hoàng Phong (đã mất) khi còn làm ở Báo Hànộimới từng cho rằng hai chữ A và T có thể là viết tắt của chữ Action (hành động) vì phương châm của tờ báo này là “hành động”. Tuy nhiên, cũng có nhà báo cùng thời với ông lại đồ rằng, A&T là viết tắt của từ L’Avenir du Tonkin. Sau Cách mạng Tháng Tám, tòa nhà trở thành trụ sở Báo Cứu quốc, cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Việt Minh.

Ngày 24-10-1957, Báo Thủ đô, tiền thân của Báo Hànộimới, ra số hằng ngày đầu tiên. Sau đó, Báo Thủ đô hợp nhất với Báo Hà Nội hằng ngày thành Báo Thủ đô Hà Nội. Cơ quan chủ quản của báo là Thành ủy Hà Nội. Đến năm 1968, Báo Thủ đô Hà Nội hợp nhất với Báo Thời Mới và lần này được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên là Hànộimới, trụ sở tại 44 Lê Thái Tổ. Báo ra hằng ngày 4 trang, xuất bản số đầu tiên vào ngày 25-1-1968. Trải qua 63 năm xây dựng và phát triển, hiện nay Báo Hànộimới xuất bản đều đặn 4 ấn phẩm đến bạn đọc Thủ đô và cả nước, gồm Hànộimới hằng ngày, Hànộimới điện tử, Hànộimới Cuối tuần và Hà Nội Ngày nay.

Năm 1994, tòa nhà có dấu hiệu xuống cấp nên Báo Hànộimới đã lập dự án xin phép Thành ủy được cải tạo. Sau khi được các cơ quan chuyên môn thẩm định, báo thực hiện sửa chữa. Cầu thang gỗ, sàn gỗ được thay bằng bê tông, cửa lim được thay bằng gỗ mới. Mặt tiền của tòa nhà vẫn giữ nguyên như kiến trúc ban đầu.

(0) Bình luận
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
  • Bảo tàng Binh chủng Thông tin (quận Ba Đình)
    Bảo tàng Binh chủng Thông tin thuộc loại hình bảo tàng lịch sử chuyên ngành quân sự, là thể chế văn hoá, có chức năng bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử Binh chủng Thông tin liên lạc nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hoá của cán bộ, chiến sĩ trong Binh chủng và nhân dân, bạn bè quốc tế.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Ngôi nhà số 44 phố Lê Thái Tổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO