Ngôi sao của mẹ!

Phạm Hồng Thinh| 15/02/2018 22:30

Ngày xuân, được nghe câu chuyện về hai bạn trẻ Đinh Vũ Tùng Lâm và Ngô Trung Hiếu dù hồi nhỏ mắc hội chứng Asperger (hội chứng rối loạn phổ tự kỷ) nhưng giờ đều là những học sinh xuất sắc trong toán học và âm nhạc đã gieo lại trong tôi biết bao cảm xúc. Đấy là cảm xúc về những cậu bé với tâm hồn “thủy tinh” đã vượt lên chính mình một cách thần kỳ trong sự bao bọc, nâng đỡ của những người mẹ quả cảm. Với tôi, các cậu bé ấy luôn là những ngôi sao của mẹ…

Ngôi sao của mẹ!
Đinh Vũ Tùng Lâm giành Huy chương Vàng cuộc thi Tìm kiếm tài năng toán học trẻ (MYTS). Ảnh: NVCC

1.

Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống

nhưng chung một giàn

Tùng Lâm véo von đọc cho tôi nghe câu ca dao ấy và bảo rằng cậu được mẹ dạy từ hồi lên 4 lên 5. Đấy là những tháng ngày Lâm học nói qua những câu chuyện mẹ kể, qua những câu ca dao mẹ đọc, qua những chuyến rong ruổi phố phường... Mỗi ngày chỉ đọc một câu ca dao thôi nhưng luôn luôn là việc vô cùng khó khăn đối với Lâm. Điều này ai cũng thấy rõ khi đến giờ đôi lúc cậu ấy vẫn gặp trắc trở vì phải diễn đạt những suy nghĩ, biểu cảm của mình qua ngôn ngữ.

Thực ra, trong hành trình “vượt thác” trước hội chứng Asperger của Lâm và mẹ - chị Vũ Thị Hải Yến - còn có biết bao chặng gian khó nữa. Như đến tuổi Lâm vào lớp 1, chị Hải Yến đã phải đi gõ cửa không biết bao nhiêu trường nhưng chỉ nhận được những lời từ chối. Cuối cùng, với một bản cam kết, Lâm được nhập học ở trường Lê Quý Đôn song cả năm lớp 1 chị Yến phải “đi học” cùng. Nghĩa là, Lâm học trong lớp còn chị Yến ở phía ngoài. Hễ Lâm gây sự, có những hành vi bất thường như la hét, cà khịa với bạn bè… là chị Yến phải vào can thiệp.

Từ chối mọi cơ hội cho bản thân, chị Yến dốc toàn bộ tâm sức cho Lâm. Khi lớp có hoạt động ngoại khóa, kiểu gì chị cũng xung phong tham gia để giúp Lâm hòa đồng và tìm kiếm bạn cho con. Sang đến lớp 4, lớp 5 bỗng Lâm trở nên chú ý đến toán và ngày càng thể hiện khả năng ghi nhớ cũng như tính toán chính xác của mình. Rụt rè tham gia kỳ thi giải toán qua internet năm lớp 4 nhưng cuối cùng Lâm đã giành giải nhì cấp quận. Cánh cửa toán học bắt đầu mở ra cho Lâm từ đó khi cậu liên tiếp ẵm giải cao không chỉ tại các kỳ thi trong nước mà cả quốc tế như: Huy chương Bạc toán châu Á Thái Bình Dương, Huy chương Vàng cuộc thi Tìm kiếm tài năng toán học trẻ - MYTS 2017, Huy chương Vàng cuộc thi toán Hà Nội mở rộng - HOMC 2017, Huy chương Bạc cuộc thi toán giữa các thành phố (Toán Nga), xếp hạng High distinction – cuộc thi Vô địch toán Úc, đạt thủ khoa toán tuổi thơ năm 2017. Đặc biệt trong năm học 2016 -2017, khi còn đang học lớp 8, Lâm đã đứng cùng các anh khối 9 và mang về Huy chương Vàng cá nhân và đồng đội trong kỳ thi vô địch các đội tuyển toán quốc tế tại Hàn Quốc – WMTC. Và, cũng trong  mùa hè 2017 này, Lâm giành Huy chương Bạc kỳ thi Olympic Toán học trẻ Quốc tế tại Ấn Độ, vô địch toán cấp trung học Úc mở rộng – AIMO 2017 (đạt 35/35 điểm). Với những thành tích ấy, 3 năm liền Đinh Vũ Tùng Lâm được trường THCS Cầu Giấy vinh danh và tặng danh hiệu “Gương mặt học sinh tiêu biểu” toàn trường.

“Thú thực, con luôn sợ thất bại, sợ rằng lại bị coi thường, bởi tuổi thơ luôn bị ám ảnh khi bị các bạn chê cười về sự vụng về và nghịch ngợm của mình. Vậy nhưng, từ giải thưởng đầu tiên của năm lớp 4 con dần tự tin hơn. Có những bài toán thú vị, con có thể dành 4 tiếng chỉ để nghĩ về nó. Với con, toán học là bạn, là sự đam mê, là nơi con khẳng định mình và cũng là món quà con dành tặng bố mẹ, thầy cô kính yêu của mình như cô hiệu trưởng Lê Kim Anh luôn vỗ vai động viên, cô Hiền – cô giáo chủ nhiệm ân cần, cô Thảo, cô Hoa, thầy Vịnh, thầy Kiên dìu dắt môn Toán… Con thật hạnh phúc khi bên cạnh luôn có bố yêu thương, định hướng cho con đến với toán học và đồng hành cùng con trong những bài toán khó và có mẹ luôn là người bạn thân thiết chở che, nâng đỡ con trong bước trưởng thành…” – Tùng Lâm xúc động nói.

Ngôi sao của mẹ!

Ngô Trung Hiếu trở thành sinh viên khoa thanh nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia. Ảnh: NVCC

Ngồi bên Tùng Lâm và nhắc nhớ lại những tháng ngày đồng hành cùng con, đôi mắt chị Yến đỏ hoe. Nhưng chị không bật khóc mà hướng ánh nhìn đầy niềm tin tới Tùng Lâm. Rồi bên cạnh chị là bé Linh đã 9 tuổi nhưng cũng chậm nói u ơ. Mỉm cười ấm áp, chị Yến bảo, dù thế nào chị vẫn luôn cảm ơn cuộc đời đã dành tặng cho anh chị những ngôi sao rất đỗi sáng trong này…

2.

Chỉ cần đội chiếc mũ phớt đen vào là Trung Hiếu sẽ xuất thần cùng điệu nhảy moonwalk của Michael Jackson. Ngồi bên piano là Trung Hiếu sẽ thả hồn mình trên những phím đàn đầy mê hoặc. Chẳng cần micro, Trung Hiếu cũng có thể cất cao giọng hát những lời chứa chan tình cảm, ấm áp, nồng nàn: “Khi nghe nhạc con nhẹ nhàng hơn/ Khi nghe nhạc con là dòng sông, con là cánh đồng…” (bài hát “Ba kể con nghe” của Dương Trần Nghĩa)…

Cậu bé Trung Hiếu từng mắc hội chứng Asperger năm xưa, bây giờ đã là sinh viên năm thứ 4 hệ trung cấp của Học viện Âm nhạc Quốc gia với thành tích học tập xuất sắc. Hiếu học thanh nhạc với một tình yêu nghệ thuật trong trẻo tràn đầy, không có bi quan, không có buồn nản. Trung Hiếu bảo, âm nhạc đã giúp Hiếu kiểm soát được hành vi và dẫn lối cho cậu đến với những khát vọng. Vậy nên, mỗi sớm mai thức dậy, điều đầu tiên Hiếu nghĩ đến luôn là mẹ mình và âm nhạc. Với âm nhạc, Hiếu đã không chỉ chăm chỉ luyện bài của học viện mà còn tìm kiếm từ internet những kiến thức bổ sung cũng như khai thác các điệu nhảy, tìm những giai điệu hay, học cách biểu diễn tự tin. Còn với mẹ của mình, Hiếu  bảo rằng nếu không có tình yêu bao la của mẹ, không có sự nhẫn nhịn mà lại rất nghiêm khắc của mẹ, nếu mẹ không sớm phát hiện khả năng thẩm âm của cậu, tìm thầy dạy Hiếu học nhạc… thì có lẽ Hiếu khó lòng vượt qua được hội chứng tự kỷ. Câu chuyện của Hiếu và mẹ - chị Lê Thị Huệ là câu chuyện của nước mắt nhưng chứa chan nghị lực vững vàng. Nhắc lại cái ngày vợ chồng chia tay rồi hai mẹ con tá túc mấy năm trời ở “căn nhà” khoảng 4m2 được dựng nhờ cuối con ngõ cụt ở phố Khâm Thiên; cái ngày phát hiện ra Hiếu bị mắc hội chứng Asperger, chị Huệ cười bảo rằng lúc đó chị không có thời gian để… buồn. Chị chỉ nghĩ đến việc chắt chiu từng đồng, tìm mọi cách để giúp Hiếu tập nói (lúc 4 tuổi)… Gian khó nhất là lúc Hiếu đến tuổi đi học, chị đã phải chuyển cho con đến 15 trường, hết học ở Hà Nội lại về Thanh Hóa (gửi bà ngoại) vì chẳng mấy trường chịu nổi cậu học trò thường xuyên xé sách vở, xé quần áo, đập cả đầu vào cửa kính… Giữa lúc ấy, chị Huệ lại phát hiện mình bị ung thư tuyến giáp. “Tôi cũng không hiểu mình đã vượt qua những khó khăn ấy như thế nào để đến giờ Trung Hiếu đã tìm được hướng đi cho mình và tôi vẫn luôn là người cán bộ công an gương mẫu. Chỉ có điều, tôi luôn tự nhủ: “mình sẽ làm được” và luôn làm những điều tử tế thì những điều tử tế sẽ đến với chúng tôi. Thế nên, mẹ con tôi đã không cô đơn khi có nhiều người bạn đồng hành, sẻ chia. Tôi rất lấy làm vui khi được thấy Hiếu tham gia nhiều chương trình biểu diễn không chỉ ở trong nước mà cả ở quốc tế như Nhật Bản, Hồng Kông…; hoặc thường xuyên trò chuyện truyền cảm hứng đến lớp học của trẻ tự kỷ tại nhà văn hóa phường Nam Đồng, quận Đống Đa. Năm nay, chúng tôi dự kiến tổ chức buổi biểu diễn dành cho trẻ khuyết tật, mồ côi, người già neo đơn… tại các trung tâm bảo trợ xã hội. Sang năm 2019, chúng tôi muốn biểu diễn ở các làng bản vùng cao… Có thể những chương trình ấy phải bỏ tiền túi để làm nhưng chúng tôi rất mong từ câu chuyện của mình, Hiếu có thể truyền cảm hứng đến mọi người” – Lắng đôi chút, chị Huệ vừa khẽ đọc câu thơ của Kahlil Gibran:

Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy

Ta có thêm ngày nữa để yêu thương…

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Ngôi sao của mẹ!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO