Người nặng lòng tri ân các anh hùng liệt sĩ

Cao Xuân Quế| 20/03/2020 15:14

Tại làng quê Nam Quất, xã Nam Triều của huyện Phú Xuyên, Hà Nội có một bảo tàng tư nhân mang tên “Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày” đã trở thành “địa chỉ đỏ” được nhiều người biết tới. Chủ nhân của bảo tàng này chính là cựu chiến binh - thương binh Lâm Văn Bảng người từng bị giam cầm tại nhà lao Phú Quốc.

Người nặng lòng tri ân các anh hùng liệt sĩ
Đội tiếp lửa truyền thống của Bảo tàng.
Trưởng thành từ người lính
Năm 1963, sau khi tốt nghiệp cấp II, Lâm Văn Bảng đi làm công nhân giao thông. Năm 1965, anh lên đường nhập ngũ, được biên chế vào đại đội 16, trung đoàn 52, sư đoàn 320. Tháng 2 năm 1966 đơn vị của anh đi B vào Nam chiến đấu. Do luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, ngày 10/12/1966, anh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, rồi được bổ sung vào đại đội 16, tiểu đoàn 1, sư đoàn 9, trực tiếp chiến đấu ở Bù Đốp và chiến dịch Gian - xơn Xi - ti. Trong chiến dịch tết Mậu Thân 1968, đơn vị của anh tiến đánh trường huấn luyện Quang Trung của địch. Trong trận đánh vào Sài Gòn đợt 2, ngày 15/5/1968, anh bị thương và bị giặc bắt đưa về trại giam Biên Hòa. Từ đây, anh bước vào một trận chiến thầm lặng trong nhà tù đế quốc. Thời gian ở trại giam Biên Hòa, anh làm bí thư Chi bộ phòng 18, cùng cấp ủy tuyên truyền giáo dục anh em tù binh giữ vững ý chí chiến đấu của bộ đội Cụ Hồ. 

Tháng 10/1970, địch chuyển anh ra giam ở phân khu B2, trại giam Phú Quốc. Tại đây, anh tham gia cấp ủy T6. Ở trong tù, tuy bị giam cầm, bị tra tấn và hành hạ rất dã man, nhưng quân giặc chỉ giam cầm được thể xác của anh chứ không thể giam cầm, kiểm soát được ý chí chiến đấu của anh. Với cương vị cấp ủy trong nhà tù, anh đã cùng với tổ chức Đảng bí mật tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng tư tưởng chính trị, rèn luyện ý chí chiến đấu, truyền lửa cho nhau giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng, không chịu gục ngã trước kẻ thù mặc dù bị chúng tra tấn rất dã man. Lâm Văn Bảng còn rất thông minh, sáng tạo và mưu trí. Tranh thủ mỗi lần được ra băng bó vết thương anh bí mật liên lạc với bên ngoài, với các phòng giam bằng những mẩu thư viết trên  giấy rất nhỏ giắt qua kẽ tôn nơi đã hẹn, do đó chủ trương đấu tranh trong nhà tù được thống nhất, có tổ chức, có lãnh đạo. Anh còn cùng với đồng chí Lương Xuân Xanh (quê ở Ninh Bình) dũng cảm, mưu trí, lợi dụng lúc điểm danh, đã tráo người tổ chức vượt ngục 2 lần cho hai đồng chí thành công mà địch không làm gì được.

Năm 1973, sau thắng lợi của ta ở hội nghị Paris, anh cùng đồng đội được trao trả tù binh rồi được điều về công tác tại ngành giao thông đến tháng 11/2003 thì được nghỉ hưu. Với phẩm chất của người lính Cụ Hồ, ở cương vị công tác nào, anh cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ và luôn được nhận những phần thưởng cao quý.

Nặng lòng tri ân đồng đội
Ngay từ những ngày đi chiến đấu, chứng kiến những đồng đội bị bom đạn của kẻ thù làm thịt nát xương tan ở chiến trường… Rồi những năm tháng bị tù đầy chịu đói ăn, khát uống, bị kẻ thù đánh đập, tra tấn rất dã man, có đồng đội đã ra đi mãi mãi… Tất cả những cảnh tượng đó khiến Lâm Văn Bảng cảm thấy như mình mắc nợ những đồng đội đã hy sinh. Cũng bởi thế khi về hưu anh quyết tâm xây dựng một Phòng truyền thống để lưu giữ, trưng bày những kỷ vật, hiện vật, tài liệu… để tri ân các anh hùng liệt sĩ đồng thời cũng là chứng cứ tố cáo tội ác chiến tranh của đế quốc.

Người nặng lòng tri ân các anh hùng liệt sĩ
Ông Lâm Văn Bảng (bên phải) - Giám đốc Bảo tàng cùng tác giả bài viết.

Đem ý tưởng đó báo cáo với Đại tá Tô Diện - Cục phó Cục Dân vận Quân đội nhân dân Việt Nam, anh được đồng chí Tô Diện rất ủng hộ, động viên. Anh tập hợp một số cựu tù binh Phú Quốc và các nhà tù khác, liên hệ với Ban liên lạc tù binh ở các nơi để sưu tầm tài liệu, hiện vật làm tư liệu cho phòng truyền thống. Việc khó khăn là xây dựng phòng truyền thống ở đâu. Rất may là các anh ruột của Lâm Văn Bảng đã nhất trí để em mình xây dựng Phòng truyền thống ngay trên đất của tổ nghiệp nhà mình. Gia đình anh dọn nhà ra ở tại khu tập thể để giành nhà đất cho việc xây dựng phòng truyền thống. Nhiều tổ chức, cán bộ đã về thăm phòng truyền thống, rất tâm đắc nên đã hướng dẫn, giúp đỡ làm thủ tục thành lập Bảo tàng. Thật đáng mừng là ngày 11/10/2006, UBND tỉnh Hà Tây ban hành Quyết định số 1711 về việc thành lập Bảo tàng chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt tù đày.

Với phương châm bốn tự: Tự nguyện, Tự túc, Tự quản, Tự chịu trách nhiệm, Bảo tàng dần ổn định hoạt động, tạo được tiếng vang, trở thành “địa chỉ đỏ” được nhiều cơ quan đơn vị trong cả nước về tham quan. Giám đốc Bảo tàng Lâm Văn Bảng cũng được nhiều nơi mời đi nói chuyện và trưng bày hiện vật, để giáo dục truyền thống cho cán bộ, học sinh, sinh viên. Đặc biệt từ ngày 22/3 đến 2/5/2018, Bảo tàng đã tổ chức triển lãm tại tỉnh Bắc Ninh, thu hút gần 20.000 người đến tham quan, chiêm ngưỡng. Ngày 8/7/2019, Bảo tàng đã tổ chức triển lãm lưu động tại ngã tư Tràng Tiền, Thành phố Hà Nội thu hút đông đảo công chúng. Trong các dịp hè hằng năm, Bảo tàng thường xuyên đón các Đoàn thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên về dâng hương, báo công, tham quan, đọc sách báo, xem phim tư liệu, giao lưu.

Từ một phòng truyền thống, buổi đầu có 5 phòng với hơn 1000 hiện vật, hình ảnh, tư liệu đến nay cơ ngơi của Bảo tàng đã đầy đủ hơn, khang trang hơn, tọa lạc trên khu đất 2000m2, gần 4000 hiện vật, tranh ảnh, tài liệu, tư liệu, mô hình… được trưng bày phân thành 10 khu vực. Trong Bảo tàng có đền thờ Bác Hồ và các anh hùng liệt sĩ - nơi mà khách về tham quan chiêm ngưỡng, thắp hương tưởng niệm tỏ lòng tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nước, vì dân.

Những người phụ trách và hoạt động trong Bảo tàng dẫu không có chế độ đãi ngộ gì, nhưng họ đều hoạt động rất tích cực, say mê. Bảo tàng có một Chi bộ do Lâm Văn Bảng làm Bí thư. Ban thường trực của Bảo tàng hiện nay có 16 người do ông Bảng làm Giám đốc và 3 Phó giám đốc. Tất cả các thành viên mỗi người một việc đều rất nhiệt tình, tâm huyết, dành cả tình cảm đối với đồng chí đồng đội đã hy sinh và với tâm nguyện truyền lửa cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Để tăng thêm sức mạnh cho công tác tuyên truyền, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày còn thành lập Đội tiếp lửa truyền thống cách mạng có trên dưới 30 người với trên 40 đạo cụ. Nhiều tiết mục chủ yếu là ca khúc cách mạng do thành viên của Đội làm đạo diễn, biên đạo múa… biểu diễn khá sinh động, hấp dẫn làm say lòng người. Đội tiếp lửa truyền thống của Bảo tàng đã từng giao lưu với nhiều đơn vị bạn, đã từng biểu diễn trước Tượng đài Lý Thái Tổ, Quốc Tử Giám, Gò Đống Đa (Hà Hội), Khu Cháy (Ứng Hòa), Hòa Lạc (Hà Nam), tỉnh Bắc Ninh và nhiều nơi khác…

Với nhiều hoạt động tích cực hiệu quả, Bảo tàng đã trở thành địa chỉ đỏ trong việc giáo dục truyền thống, tiếp lửa cho các thế hệ hôm nay và mai sau khá sâu sắc, được các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước rất quan tâm. Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các Bộ, ngành ở Trung ương và cấp tỉnh, thành phố đã về thăm.

Ở tuổi 75, mái tóc đã như mây trắng phủ trên đầu, ông Bảng tỏ ra mãn nguyện với những gì mình đã làm được để tri ân đồng đội. Với những đóng góp tích cực, ông đã được nhận khá nhiều phần thưởng cao quý của các ngành, các cấp. Trong quân ngũ ông được tặng 2 Huân chương chiến sĩ vẻ vang, 2 Huân chương giải phóng, nhiều danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ. Ông cũng đã được tặng gần 20 bằng khen của các cơ quan: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Tổng Công đoàn Việt Nam, Đảng bộ Thành phố Hà Nội, UBND Thành phố Hà Nội…; được tặng Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, Huy chương Vì sự nghiệp Thể dục Thể thao, Huy chương Bảo vệ an ninh Tổ quốc; đạt danh hiệu Người tốt việc tốt Thủ đô, Công dân ưu tú Thủ đô, và được nhận danh hiệu cao quý của Nhà nước: Huân chương Lao động hạng Ba.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Người nặng lòng tri ân các anh hùng liệt sĩ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO