Người nghệ sĩ múa thương binh dũng cảm

Đinh Mạnh Cường| 27/07/2020 07:28

Người nghệ sĩ múa thương binh dũng cảm
Ca múa “Đội du kích trên đỉnh Tà Năng” (Biên đạo: Xuân Sơn;
Biểu diễn: Đoàn Văn công Quân khu 6, miền cực Nam Trung Bộ, năm 1970)

Có một người nghệ sĩ đã đi qua hai cuộc kháng chiến chống xâm lược của dân tộc với vai trò vừa là nghệ sĩ vừa là chiến sĩ. Đó là Đại tá - Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Xuân Sơn. Ông là hội viên tích cực của Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội. Mặc dù tuổi cao, lại là thương binh nặng thời kháng chiến chống Mỹ, ông vẫn không ngừng rèn luyện giữ gìn sức khỏe, tham gia công tác ở Hội Nghệ sĩ Múa và là ủy viên Hội Bích Câu - nơi ông cư trú tại phường Cát Linh, quận Đống Đa - hàng năm tổ chức Lễ hội tế lễ Thành hoàng làng, múa hát ca trù, xin thơ, vịnh thơ tại di tích lịch sử văn hóa Bích Câu Đạo Quán. Trong dịp kỉ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, dù đã gần 80 tuổi, ông vẫn cùng các cựu nghệ sĩ quân đội tập luyện khôi phục 6 điệu múa truyền thống của Việt Nam để quay phim truyền hình lưu lại cho thế hệ sau và biểu diễn trong chương trình nghệ thuật “Cảm xúc tháng 10” phục vụ nhân dân Thủ đô.

Ngược dòng thời gian khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ (tháng 12 năm 1946), Nguyễn Xuân Sơn lúc ấy mới 7 tuổi đã theo bố mẹ lên chiến khu Việt Bắc. Năm 1951, Nguyễn Xuân Sơn được gia nhập đội Văn công Trung đoàn 246 thuộc Bộ Tổng Tham mưu, tham gia biểu diễn phục vụ bộ đội, nhân dân vùng chiến khu, rồi cùng Đại đoàn Quân Tiên Phong tham gia Chiến dịch giải phóng Điện Biên Phủ. Nguyễn Xuân Sơn được chọn vào đội múa Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị, sau đó được cử tham gia cùng Đoàn Ca múa Trung ương đi biểu diễn tại Đại hội Thanh niên, Sinh viên thế giới lần thứ V ở Warszawa, Ba Lan. Năm 1960, Nguyễn Xuân Sơn theo học Trường múa Việt Nam khóa II, đồng thời học thêm môn múa cổ điển và biên đạo của khóa I. Tháng 10 năm 1964, Nguyễn Xuân Sơn viết đơn xin được vào miền Nam. Nguyện vọng của anh được chấp thuận. Anh cùng một số nghệ sĩ trẻ hành quân theo đường mòn Trường Sơn, sau 101 ngày đêm gian khổ vào đến vùng chiến trường ác liệt thuộc cực Nam Trung bộ, Quân khu 6. Đây là địa bàn rất phức tạp, toàn người dân tộc đói ăn triền miên, nên việc bảo vệ lực lượng đánh giặc rất khó và khó hơn là lo cái ăn hàng ngày. Từ Tư lệnh Quân khu đến chiến sĩ, văn nghệ sĩ ngoài việc chiến đấu, phục vụ chiến đấu, còn phải lo kiếm cái ăn để sống. Nguyễn Xuân Sơn được cử làm Đoàn phó Văn công Quân khu 6. Đoàn trưởng đổ bệnh về hậu cứ, Nguyễn Xuân Sơn phụ trách Trưởng đoàn.

Người nghệ sĩ múa thương binh dũng cảm
Múa Duo: “Người lính hải quân và chim hải âu” (Biên đạo: Lê Ngọc Canh; Biểu diễn: Xuân Sơn và nữ nghệ sĩ Đoàn Văn công Quân khu 3, năm 1958)

Yêu cầu thưởng thức nghệ thuật của chiến sĩ, đồng bào thì vô tận mà vốn liếng tác phẩm có hạn, không phù hợp với thực tế chiến trường và vùng dân tộc. Buổi báo cáo chương trình nghệ thuật đầu tiên, Nguyễn Xuân Sơn sáng tác và biểu diễn solo điệu múa “Đón cờ giải phóng”. Để có tác phẩm tự biên, anh tổ chức đi về các đơn vị, buôn làng để sưu tầm câu hát và điệu múa dân gian. Người Chăm, Cơho, Rắclây, M’nông, S’tiêng và người Việt ở Bình Thuận có cả kho báu bài ca và điệu múa dân gian. Nguyễn Xuân Sơn vào bản gặp già làng khai thác động tác múa dân tộc. Bà con múa cho bộ đội Sơn xem, anh ghi chép lại những động tác lạ chưa thấy trong hệ thống cơ bản ở trường. Một hôm, ngắm nhìn cô gái người Rắclây vai gùi, vai súng, lắc lư theo nhịp bước. Nguyễn Xuân Sơn xúc cảm dâng trào, sáng tác điệu múa tập thể nữ “Những cô gái Rắclây bắn máy bay” và ca múa “Đội du kích trên đỉnh núi Tà Năng”. Hai lần đi khai thác múa M’nông và S’tiêng vào sâu trong vùng địch kiểm soát, nhờ đơn vị quân giải phóng dụ địch ra khỏi ấp, anh luồn vào làng, gặp bà con tìm hiểu về động tác múa. Một lần anh theo tiểu đoàn chủ lực địa phương tập kích vào ấp chiến lược làng Chiêm để khai thác múa Chiêm Thành. Gặp già làng, họ bảo: “Không biết múa!”, anh liền lấy quạt vừa đọc nhạc mồm vừa múa Chàm Rông, múa Trống… Già làng lắc đầu: “Chúng tôi không múa thế đâu!”. Rồi già làng múa. Nguyễn Xuân Sơn mừng rỡ ghi lấy những động tác nguyên gốc của múa Chàm và sau lần thâm nhập hiếm hoi ấy, anh cho ra đời tổ khúc múa “Làng Chăm nổi dậy”.

Có lần Nguyễn Xuân Sơn theo Tiểu đoàn chủ lực Quân khu giấu mình dưới hầm để đánh trận độn thổ vào tiểu đoàn quân Mỹ. Khi đoàn xe tăng Mỹ đi tới, anh cùng các chiến sĩ bật nóc hầm vọt lên chiến đấu. Sau trận ấy, Nguyễn Xuân Sơn sáng tác được hai tác phẩm: Múa Duo “Đôi bạn chiến đấu” và tiểu vũ kịch “Sống mãi”. Tác phẩm “Đôi bạn chiến đấu” Nguyễn Xuân Sơn đóng vai người chiến sĩ y tá cùng anh chiến sĩ bị mù trong trận quyết chiến với quân thù. Người chiến sĩ mù nâng súng lên đầu để người y tá ngắm bắn. Chiến sĩ Quân khu 6 thường nói: Chiến trường cực Nam là cực nhất miền Nam, nơi đây là quê hương của lá bép, củ nầng. Văn công cũng phải tự túc cái ăn 3 tháng mỗi năm như đơn vị.

Có lần, tổ diễn viên đang vun khoai lang trên rẫy, bốn chiếc trực thăng “cán gáo” của Mỹ bất ngờ ập đến, thả đạn cối, bắn đại liên. Hai diễn viên hy sinh ngay trên luống khoai. Một số người chạy vào lùm cây có hầm trú ẩn. Hai chiếc “cán gáo” quay lại dùng cánh quạt quay gió cực mạnh cho cây cỏ dạt ra, lộ cửa hầm. Chúng liền tung lựu đạn làm một diễn viên nữa hy sinh. Nghe tiếng máy bay và đạn nổ, Đoàn trưởng Nguyễn Xuân Sơn lao ra rẫy và chọn một vị trí thuận lợi, dùng cây súng AK bắn một loạt đạn vào chiếc “cán gáo” đang hạ thấp. Tên giặc lái bị bất ngờ, loạng choạng lạng lên cao. Bọn “cán gáo” phát hiện được vị trí của anh, liền chuyển hỏa lực bằng nhiều tràng đại liên và thả đạn cối. Một mảnh cối chém gãy lìa hai ống xương cánh tay trái của anh và nhiều mảnh nhỏ khác găm vào vai, vào người. Cắn răng trước cơn đau tê dại, anh dùng một tay phải còn lại hướng thẳng vào chiếc “cán gáo”, bắn một băng đạn. Bọn địch hoảng sợ không dám hạ cánh bắt sống anh và các diễn viên đang ẩn nấp dưới hầm đã lộ miệng.

Nguyễn Xuân Sơn điều trị vết thương ở trạm xá tiền phương. Lẽ ra anh phải bị cắt bỏ cánh tay trái vì để lâu ngày có hiện tượng hoại tử nhưng khi biết anh là lãnh đạo Đoàn vừa là biên đạo và diễn viên múa chính, nên bác sĩ quyết tâm cứu chữa. Trạm xá không có thuốc gây tê, nhưng vẫn phải phẫu thuật, trong sự chịu đựng phi thường của người nghệ sĩ, chiến sĩ. Tuổi ba mươi sung sức đã giúp anh nhanh chóng hồi phục và trở về Đoàn. Lúc này, cánh tay anh rất khó cử động. Hai ống xương gãy lìa không nối được thẳng nên tay trái bị cong. Trong hoàn cảnh Đoàn thiếu diễn viên múa được đào tạo bài bản, nên các tiết mục solo, duo anh phải đảm nhiệm. Làm thế nào để giấu được nhược điểm của cánh tay cong? Nhiều đêm anh lấy thân mình đè lên tay đau điếng. Nhiều sáng anh kéo co với cành cây rừng, hy vọng cánh tay được nắn thẳng. Nhưng tất cả đều không thành công.

Nguyễn Xuân Sơn không chịu lùi bước, anh tìm giải pháp khác, lựa chọn hình tượng phù hợp để dựng múa. Nhiều điệu múa anh phải chọn góc đứng, tuyến đội hình để giấu cánh tay trái vào góc khuất. Đêm biểu diễn chào mừng Đại hội Chiến sĩ thi đua Quân khu 6 thành công tốt đẹp, nhiều khán giả ôm lấy Đoàn trưởng Nguyễn Xuân Sơn khóc và nói: “Chúng tôi tưởng Văn công Quân khu 6 xóa sổ rồi, nay lại được thấy hồi sinh!”.

Và cuộc đời lại mỉm cười với Nguyễn Xuân Sơn khi anh dẫn đầu Đoàn Văn công Quân khu 6 tham dự Liên hoan các Đoàn Văn công Quân giải phóng miền Nam. Đoàn đã được đánh giá xuất sắc nhất. Nhiều người nhận xét: Đoàn trưởng Nguyễn Xuân Sơn là linh hồn của Văn công Quân khu 6, là một nghệ sĩ, chiến sĩ thực thụ. Những năm hòa bình, Nguyễn Xuân Sơn được cử đi học tại Học viện Quân sự và Đại học Quản lý Văn hóa. Anh được bổ nhiệm Trưởng phòng Văn nghệ quân đội.

Đại tá - NSƯT Nguyễn Xuân Sơn đã được Nhà nước và Quân đội khen thưởng: Huân chương Quân công hạng Ba; Huân chương Chiến công hạng Ba; Huân chương Chiến thắng hạng Nhất; Huân chương Chiến sĩ hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; Huân chương Chiến sĩ Quân giải phóng hạng Nhất; Huy chương Quân kì Quyết thắng; Huy chương Vì sự nghiệp Múa Việt Nam.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Người nghệ sĩ múa thương binh dũng cảm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO