Người thầy giáo hết lòng vì nét thanh lịch, văn minh của người Hà Nội

Hoàng Lân/HNM (thực hiện)| 11/10/2018 08:37

Vào đúng dịp kỷ niệm 64 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2018), Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tiến Đoàn ra mắt cuốn sách “Từ Tràng An thanh lịch đến Hà Nội thanh lịch, văn minh”.

Người thầy giáo hết lòng vì nét thanh lịch, văn minh của người Hà Nội
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tiến Đoàn ra mắt cuốn sách "Từ Tràng An thanh lịch đến Hà Nội thanh lịch, văn minh" vào đúng dịp kỷ niệm 64 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Cuốn sách được ông thực hiện trong 2 năm với nhiều kiến thức mang tính tổng hợp, bao quát về nét thanh lịch, văn minh của người Hà Nội xưa và nay. Đó cũng là công trình nghiên cứu nhiều tâm sức của ông sau bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội” đang được giảng dạy trong các trường trên địa bàn Hà Nội do ông làm Chủ tịch Hội đồng tư vấn khoa học.

Nhân dịp này, HNMO đã trò chuyện với Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tiến Đoàn, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về cuốn sách và những tâm huyết, trăn trở của ông trong việc góp sức xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh cho thế hệ trẻ.

Muốn dạy trẻ trước hết người lớn phải thay đổi

- Thưa ông, bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội” do ông, làm chủ biên và thực hiện cùng nhiều nhà giáo, nhà văn hóa uy tín đã được áp dụng trong hệ thống các trường tại Hà Nội gần 10 năm. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của bộ tài liệu này trong việc giảng dạy trong nhà trường?

- Trước hết phải khẳng định, lãnh đạo TP Hà Nội luôn quan tâm đến việc xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Từ nhiều năm nay, Hà Nội luôn có các chương trình, hành động về xây dựng nếp sống văn hóa, khơi dậy truyền thống thanh lịch của người Tràng An.

Dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức biên soạn bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội”, đến nay đã được đưa vào giảng dạy gần 8 năm trong các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn thành phố. Đây cũng là lần đầu tiên, Hà Nội có bộ tài liệu dạy về nếp sống văn hóa, phù hợp với điều kiện địa phương và nhu cầu xã hội trong việc xây dựng con người mới.

Ngay khi bộ tài liệu ra đời, những người làm giáo dục nhận được sự ủng hộ lớn từ phụ huynh và học sinh ở các trường. Đến nay, phần lớn phản hồi từ học sinh và phụ huynh đều cho rằng, đó là bộ tài liệu bổ ích, giúp các em có nhiều thay đổi trong cách nhìn nhận, hành vi ứng xử trong gia đình, nhà trường và xã hội. Tất nhiên, để nhận thức về nét đẹp ứng xử được chuyển biến thành hành động, còn cần thêm nhiều thời gian nữa.

Người thầy giáo hết lòng vì nét thanh lịch, văn minh của người Hà Nội
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tiến Đoàn.

- Cuốn sách “Từ Tràng An thanh lịch đến Hà Nội thanh lịch, văn minh” mà 
ông, ra mắt vào đúng dịp kỷ niệm 64 năm Ngày Giải phóng Thủ đô có điều gì thay đổi khác biệt so với bộ tài liệu được ông và các nhà nghiên cứu biên soạn cách đây 8 năm?

- Về tinh thần, không có sự khác biệt lớn, bởi bộ tài liệu này cũng hướng con người đến yếu tố “mỹ”, những ứng xử đẹp trong cuộc sống. Sự khác biệt duy nhất là bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội” dành cho đối tượng là trẻ em, học sinh, còn cuốn sách “Từ Tràng An thanh lịch đến Hà Nội thanh lịch, văn minh” như cuốn cẩm nang dành cho người lớn, những người muốn tìm hiểu nét thanh lịch, văn minh của người Hà Nội xưa và nay. Đặc biệt, cuốn sách sẽ có ích đối với các thầy cô giáo khi giảng dạy nếp sống cho học sinh.

Đôi khi, các thầy cô giáo khi giảng dạy nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh vẫn có sự nhầm lẫn với việc giáo dục đạo đức, vì thế chưa hướng dẫn được đầy đủ cho học sinh nền nếp, ứng xử đẹp trong cuộc sống. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh rằng, giáo dục nếp sống khác với giáo dục đạo đức. Nếu như đạo đức hướng dẫn con người nhận biết điều đúng - sai trong cuộc sống thì giáo dục nếp sống lại hướng tới cái đẹp, ứng xử sao cho đẹp, cho thanh lịch, văn minh. Muốn vậy, chính người lớn phải hiểu thế nào là thanh lịch, văn minh thì mới có thể hướng dẫn và dạy được con trẻ. Giải nghĩa được những điều đó, hiểu sâu xa nguồn gốc, lịch sử phát triển của Hà Nội, những ứng xử đẹp từ xưa… thì chúng ta mới có được hiệu quả trong việc giáo dục thế hệ trẻ, cũng như tự điều chỉnh hành vi của chính mình.

- Cuốn sách “Từ Tràng An thanh lịch đến Hà Nội thanh lịch, văn minh” dày hơn 100 trang nhưng ông, mất gần 2 năm để hoàn thành, hẳn ông, có nhiều trăn trở khi thực hiện công trình này?

- Tôi trăn trở rất nhiều khi thực hiện cuốn sách. Làm thế nào để cắt nghĩa được hết nội hàm của các khái niệm “thanh lịch”, “văn minh”? Tại sao trước kia chỉ có “thanh lịch”, bây giờ có thêm “văn minh”? Yếu tố truyền thống, kết hợp yếu tố thời đại ở từng thời kỳ khiến nét ứng xử của người Hà Nội có những thay đổi ra sao để phù hợp? Cuốn sách cũng nêu lên nhiều ví dụ điển hình để người đọc dễ hiểu. Ví như ngày trước, khách đến chơi nhà, chủ nhà gắp thức ăn cho khách được xem là thanh lịch thì trong thời đại hiện nay, việc làm ấy tuy thanh lịch mà lại thiếu văn mình, vì điều đó có thể gây mất vệ sinh, chưa kể có thể khách không thích món ăn được mời. Hay một người dùng điện thoại hiện đại nhưng nói lời thô tục thì đó là văn minh nhưng không thanh lịch… 

Để hoàn thành cuốn sách, tôi phải tìm rất nhiều tài liệu về lịch sử, xã hội, điều kiện phát triển kinh tế của Hà Nội xưa và nay; đâu là nguồn gốc của thanh lịch người Hà Nội và lý giải vì sao những ứng xử tốt đẹp đó giờ lại mai một đi; làm thế nào để khôi phục lại truyền thống đẹp đẽ trong văn hóa ứng xử của người Hà Nội…
Người thầy giáo hết lòng vì nét thanh lịch, văn minh của người Hà Nội
Cuốn sách "Từ Tràng An thanh lịch đến Hà Nội thanh lịch, văn minh".

- Vậy đâu là điều khó khăn nhất mà ông, gặp phải khi thực hiện cuốn sách về Hà Nội thanh lịch, văn minh?

- Trước kia, khi biên soạn bộ giáo trình giảng dạy trong nhà trường cho học sinh, chúng tôi gồm nhiều nhà văn hóa, nghiên cứu lịch sử của Hà Nội như TS Nguyễn Viết Chức, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, Giang Quân và nhiều thầy giáo tâm huyết đã ngồi với nhau để xây dựng nội dung. Lúc đó, đã có không ít ý kiến cho rằng, đến người lớn còn không ứng xử thanh lịch, văn minh thì sao có thể dạy được trẻ nhỏ? Chúng tôi đã vượt qua những khó khăn ấy, xây dựng bộ tài liệu phù hợp với từng độ tuổi ở từng cấp học.

Ở cuốn sách này, khó khăn lớn với tôi là làm thế nào để người đọc dễ tiếp nhận, cảm thụ và hiểu được tinh thần của các nội hàm “thanh lịch”, “văn minh”…, từ đó họ tự có những chuyển biến và có thể truyền dạy, hướng dẫn cho người khác.

Phải biết sốt ruột trong sự bình tĩnh

- Sau thời gian các trường học trên địa bàn Hà Nội thực hiện giảng dạy bộ tài liệu giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh, 
ông cảm nhận thế nào về những thay đổi trong ứng xử của học sinh hiện nay?

- Tôi có hỏi nhiều giáo viên về hiệu quả của các giờ học nếp sống thanh lịch, văn minh và được biết học sinh khá hào hứng với những tiết học này. Tuy nhiên, hiện nay, các trường vẫn có những hạn chế trong việc áp dụng lý thuyết được học vào thực tiễn cuộc sống, thiếu những giờ học ngoại khóa cho trẻ thực hành… Điều này phần nào khiến cho việc tuyên truyền nếp sống văn minh chưa thật hiệu quả như mong đợi. 

Tuy nhiên, với nỗ lực của gia đình, nhà trường và cả xã hội hiện nay, giới trẻ đã có nhiều chuyển biển tốt hơn, như trẻ em nhìn thấy người lớn tự giác chào; nhiều em thấy rác đã nhặt bỏ vào thùng, hoặc khi đi đường còn nhắc nhở bố mẹ dừng đèn đúng quy định.. Đôi khi, người lớn lại hay “mắc lỗi’ trong ứng xử hơn cả trẻ em.

- Những năm gần đây, TP Hà Nội đặc biệt quan tâm chú trọng vào việc xây dựng nếp sống văn hóa, ban hành hai Quy tắc ứng xử trên địa bàn TP; nhiều khu dân cư, thôn xóm cũng nỗ lực tuyên truyền nội dung Quy tắc ứng xử như phát tờ rơi, tuyên truyền bằng loa… Ông đánh giá thế nào về những chuyển biến trong ứng xử của người dân hiện nay?


- Thật sự đã có nhiều chuyển biến trong ứng xử của người dân tại các khu dân cư, tổ dân phố. Tuy nhiên, nhìn khách quan thì những chuyển biến ấy vẫn chỉ thấp thoáng, chưa trở thành việc làm thường xuyên. Chúng ta thấy nhiều gương người tốt việc tốt, những cử chỉ cao đẹp, những hành động vì cộng đồng… nhưng vì xã hội rộng lớn, người Hà Nội đông hơn rất nhiều so với trước kia nên những hành động, ứng xử đẹp ấy đôi khi bị “pha loãng”.

Điều này cho thấy, công cuộc giữ gìn, xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh còn phải bền bỉ, kiên trì. Chúng ta phải biết sốt ruột trong sự bình tĩnh, vì để thay đổi nhận thức của con người, thay đổi xã hội, đó là việc làm của nhiều thế hệ cùng nối tiếp, không phải chỉ một năm, hai năm mà được.

Nhưng dù cuộc sống có thay đổi ra sao thì cuối cùng, con người vẫn muốn hướng tới chân - thiện - mỹ, những điều tốt đẹp cho chính bản thân mình và cuộc sống của người thân. Việc xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh có ý nghĩa thiết thực đến bản thân mỗi người để được thụ hưởng cuộc sống tốt như mong muốn. Bởi thế, tôi tin, con người ở xã hội nào rồi cũng sẽ tiến tới việc xây dựng nếp sống văn hóa, ứng xử đẹp. Bây giờ, với nỗ lực của các cấp chính quyền, của nhà trường, gia đình và bản thân mỗi người thì việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được thúc đẩy nhanh hơn mà thôi.

* Xin trân trọng cảm ơn 
ông,!

Cuốn sách “Từ Tràng An thanh lịch đến Hà Nội thanh lịch, văn minh” gồm 2 phần:

Phần 1 - “Từ một câu ca tìm về Tràng An thanh lịch” chủ yếu giải nghĩa những cụm từ quen thuộc như câu thơ: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”; khái niệm thế nào là “thanh lịch”; truyền thống thanh lịch của Tràng An xưa; những chuẩn mực của người thanh lịch như: Thanh lịch trong ăn uống, trong cách mặc, trong nói năng, trong giao tiếp - ứng xử, trong vui chơi, giải trí.

Phần 2 - “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” với việc đưa ra những tư liệu về các đặc trưng phẩm chất, tính cách của người Hà Nội. Đồng thời, ở phần này, tác giả khẳng định phẩm chất thanh lịch, văn minh là một bước tiến trong định hướng xây dựng người Hà Nội.

Tác giả cuốn sách cũng lý giải về những chuyển biến trong ứng xử của người Hà Nội, từ đó nêu những việc cần làm trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh…
(0) Bình luận
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
  • Tin vào nắng
    Cuối giờ chiều, Diệp gọi cho cô về số máy cơ quan, vừa kịp “Alô” đã nghe đầu kia choe chóe: “Mày còn chết gí ở đấy à? Tuần sau tao cưới rồi, đang túi bụi đưa thiếp mời đây. Mày phải về từ hai hôm trước còn giúp các cụ tiếp khách ở nhà.” Diệp lúc nào cũng thế, cứ ào ào như đi đánh trận. Cầm tấm thiệp được thiết kế khá cầu kỳ, tên chú rể là Biền - không nằm trong số những người quen cũ.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Người thầy giáo hết lòng vì nét thanh lịch, văn minh của người Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO