Người tiếp nối và trao truyền điệu múa trống bồng

Gia Phú| 04/07/2020 22:25

Về làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội), không khó để tìm tới nhà nghệ nhân Triệu Đình Hồng bởi cứ hỏi ông Hồng múa bồng thì dường như chẳng mấy người làng Triều Khúc không biết. Trong căn nhà ở xóm Án, nghệ nhân Triệu Đình Hồng bắt đầu câu chuyện với chúng tôi từ những ký ức tuổi thơ cùng những giai thoại của điệu múa “con đĩ đánh bồng” - một điệu múa cổ đã tồn tại hàng thế kỷ ở mảnh đất Kinh kỳ - nơi ông sinh ra và lớn lên.

Người tiếp nối và trao truyền điệu múa trống bồng
Nghệ nhân Triệu Đình Hồng biểu diễn múa bồng tại tượng đài Lý Thái Tổ 
dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Ông Hồng nhớ lại, ngay từ khi còn nhỏ ông đã được nghe những câu chuyện về điệu múa bồng. Chuyện rằng, vào thế kỷ thứ 8, đức vua Phùng Hưng Bố Cái Đại Vương trước khi vây hãm và hạ thành Tống Bình (tức Hà Nội ngày nay) đã đóng đại quân ở làng Triều Khúc thuộc Cầu Đơ, trấn Sơn Nam (nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội). Sau khi đánh thắng quân xâm lược nhà Đường, để khích động tinh thần ba quân, tướng sĩ và cũng là nhu cầu giải trí cho nghĩa quân trước khi lâm trận vua Phùng Hưng đã về Triều Khúc tổ chức lễ hội cho binh lính giả trang làm gái và đeo trống múa bồng. Điệu múa này sau thường được diễn tấu trong hội làng Triều Khúc diễn ra từ ngày mồng 9 đến 12 tháng Giêng âm lịch. 

Người tiếp nối và trao truyền điệu múa trống bồng
Nghệ nhân Triệu Đình Hồng. 

Xưa, trên đất Thăng Long có nhiều nơi biểu diễn múa trống bồng như: trống bồng Nhật Tân, trống bồng Triều Khúc, trống bồng Đại Lộ, trống bồng Quảng Bị. Mỗi nơi múa trống bồng có “dáng vẻ” riêng, nhưng múa trống bồng Triều Khúc được coi là điệu múa đặc sắc, độc đáo, vui, hoạt. Tốp múa “Con đĩ đánh bồng” của làng Triều Khúc cũng thường được mời đi biểu diễn ở nhiều vùng lân cận trong các lễ hội dân gian.

Theo nghệ nhân Triệu Đình Hồng, điệu múa bồng còn có tên là điệu múa “con đĩ đánh bồng”. Điệu múa này chỉ dành cho con trai đóng giả con gái để múa. Khi múa họ thường mặc váy, tóc vấn đuôi gà hoặc buộc khăn mỏ quạ, đeo yếm đào, mặc áo tứ thân, thắt bao hồng, xanh. Trống bồng sơn màu đỏ là kiểu trống dài, nhỏ, được các vũ công đeo chặt trước bụng bằng một dải lụa đỏ thắt bỏ múi ra phía sau lưng. 

Múa bồng được biểu diễn ngay ở phương đình, vào giữa các tuần tế. Nếu có rước kiệu rước long đình thì các vũ công nhạc công phải đi trước kiệu để múa hầu Đức Thánh. Thường thì khi trình diễn chỉ có hai người được múa, bốn người thành hai cặp để thay phiên nhau, đến lúc cao trào của buổi lễ thì cả bốn người mới cùng vào múa để tạo thành một bầu không khí vừa rộn ràng, náo nhiệt, vừa linh thiêng, huyền bí tượng trưng cho khí thế của quân và dân ta. Múa bồng có 3 điệu, mở đầu và kết thúc là điệu giám mặt (quay mặt vào nhau), giữa là điệu giám lưng (quay lưng vào nhau). Đáng chú ý, điệu múa bồng do các nhạc công chỉ đạo, ăn khớp với nhạc tế lễ chứ không phải múa tự do. Người múa bồng phải là con dân Triều Khúc, và phải vượt qua nhiều tiêu chuẩn “khắt khe” như: là người đứng đắn, sạch sẽ, gia đình chuẩn mực không có việc tang.

“Lúc lên 9, lên 10, tôi đã biết đến múa bồng. Hồi ấy cứ vào dịp hội làng, nhìn các anh vận xiêm váy, thắt những dải lụa dài xuống gối lấp lánh kim sa, uyển chuyển thướt tha theo nhịp trống và giai điệu âm nhạc rộn ràng, là tôi đã “mê tít”. Khi đến tuổi mười tám đôi mươi, được mặc áo the, khăn xếp phục vụ việc lễ trong đại đình thì niềm ước ao được múa trống bồng như các anh của tôi cũng đã trở thành hiện thực. Sau đó tôi thường xuyên theo các đàn anh đi biểu diễn ở khắp nơi”. - Nghệ nhân Triệu Đình Hồng nhớ lại.

Cho đến bây giờ khi đã 75 tuổi, nghệ nhân Triệu Đình Hồng vẫn không thể quên được cụ Bùi Văn Tốt, cụ Bùi Văn Lục và cụ Triệu Đình Vạn - những nghệ nhân ở làng có bề dày thâm niên và tài năng trình diễn múa trống bồng. Họ không chỉ kèm cặp, dạy cho ông hiểu được ý nghĩa, giá trị, nguồn gốc của điệu múa trống bồng mà còn hướng dẫn cho ông kỹ thuật, cách biểu cảm qua ánh mắt, điệu cười, rồi các động tác múa sao cho thể hiện được nét tươi vui, tình tứ. Ông Hồng bảo, thuở mới “bén duyên” múa trống bồng ông từng cảm thấy thẹn thùng khi phải giả gái điểm phấn tô son, chít khăn mỏ quạ xúng xính trong váy áo. Thế nhưng, sự ngại ngùng, e lệ dần nhường chỗ cho sự say mê. Cũng bởi thế mà khi mới ngoài 30 tuổi, Triệu Đình Hồng đã trở thành một vũ công xuất sắc nhất làng Triều Khúc. 

Họa sĩ Giang Nguyên Thái - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội - một người con của làng Triều Khúc bao năm dõi theo hành trình múa bồng của nghệ nhân Triệu Đình Hồng nhận xét: “Nghệ nhân Triệu Đình Hồng là người lĩnh hội được những nét tinh túy, cái hồn, cái thần thái của điệu múa trống bồng. Mỗi khi múa, đôi mắt ông sáng rực, long lanh, lúng liếng. Những động tác múa của ông vừa nhanh vừa khỏe, vừa uyển chuyển đến lạ thường. Nhìn ông Hồng múa, các vị cao niên trong làng dù khó tính đến mấy cũng đều tấm tắc ngợi khen…”

Dẫu cùng thế hệ như ông Hồng có người chỉ múa được vài năm là bỏ, nhưng ông Hồng thì ngược lại, qua thời gian, tình yêu với múa bồng càng sâu sắc hơn. Không chỉ giữ được niềm say mê với múa trống bồng, nghệ nhân Triệu Đình Hồng còn rất tâm huyết trong việc truyền dạy vốn cổ của cha ông cho thế hệ trẻ. CLB Múa bồng Triều Khúc do ông làm chủ nhiệm đã thu hút hơn 30 hội viên, thường xuyên được ông chăm chút. Dẫu kinh phí hoạt động của CLB không có, dẫu những người trẻ không mấy mặn mà với múa cổ truyền thống nhưng ông chẳng chịu bỏ cuộc. Không chỉ kiên trì vận động thanh niên trong làng tham gia CLB, ông còn đến “gõ cửa” trường học ở địa phương, thuyết phục nhà trường đưa “múa bồng” vào hoạt động ngoại khóa… Không có nguồn kinh phí ông đi vận động từng gia đình, cơ quan, doanh nghiệp; tỉ mẩn lo toan từ trang phục, phấn son đến sức khỏe của các thành viên trong đội múa.

Nhiều năm qua, CLB Múa bồng Triều Khúc dưới sự dìu dắt của nghệ nhân Triệu Đình Hồng đã góp phần không nhỏ trong việc gìn giữ phát huy nghệ thuật múa cổ của ông cha. Không chỉ biểu diễn ở trong hội làng, CLB còn trình diễn điệu múa trống bồng tại nhiều sự kiện tôn vinh, quảng bá di sản của đất Thăng Long - Hà Nội, giao lưu trình diễn ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Nghệ nhân Triệu Đình Hồng chia sẻ, điều ông luôn đau đáu đó là tìm người trao truyền bí quyết, tinh hoa của điệu múa “con đĩ đánh bồng”. Ông cũng mong muốn điệu múa bồng làng Triều Khúc sẽ sớm được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Với ông, đó cũng chính là sự nối dài và trao truyền sức sống của di sản cho các thế hệ sau.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Thưởng thức văn hóa Kinh Kỳ qua tranh truyện Hàng Trống
    Tranh truyện Hàng Trống chính là giá trị thẩm mỹ, sự tinh tế của kỹ thuật in khắc gỗ, kỹ thuật pha màu, mang đậm bản sắc văn hoá độc đáo của đất và người Kinh kỳ xưa.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • “Một thời mạ Huế” - đậm sâu cảm xúc, suy tư về xứ Huế
    Tháng 3 này, Tủ sách văn học Việt Nam của Chibooks có thêm ấn phẩm mới là tập tản văn “Một thời mạ Huế” của tác giả Nguyễn Khoa Diệu Hà. Sách do Chibooks liên kết với Nhà xuất bản Lao động ấn hành.
  • Hà Nội xử phạt người bán hàng rong bán túi táo nhỏ giá 200.000 đồng cho du khách nước ngoài
    UBND phường Bưởi (Tây Hồ, Hà Nội) đã xử phạt người bán hàng rong liên quan tới sự việc 'chặt chém' 200.000 đồng một túi táo nhỏ đối với hai du khách Tây.
  • Đổi mới sáng tạo, thúc đẩy ngành công nghiệp và trí tuệ nhân tạo
    Chiều 18/3/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp với Tập đoàn Meta công bố chương trình “Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024”.
Đừng bỏ lỡ
Người tiếp nối và trao truyền điệu múa trống bồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO