Nguy cơ biến thể Delta đe dọa thành quả chống dịch của nhân loại

KTĐT| 15/08/2021 20:32

Biến thể Delta đang đe dọa những thành tựu chống dịch Covid-19 mà thế giới nói chung, Việt Nam đã rất khó khăn đạt được. Nếu không hành động nhanh, sẽ lại có thêm các biến thể nguy hiểm hơn. Các biến thể này có khả năng kháng vaccine và lây lan nhanh hơn, mạnh hơn.

Biến thể Delta lây lan nhanh hơn, mạnh hơn

Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, sự biến chủng của Corona virus là hết sức tự nhiên, đó cũng là bản chất của các loại virus nói chung. Trên thế giới, SARS-CoV-2 liên tục sản sinh biến thể mới kể từ khi bùng phát dịch Covid-19, đã có hàng trăm biến chủng phát hiện được trên thế giới. Các chuyên gia đã dự đoán nhiều biến thể có khả năng đe dọa thành quả chống dịch của thế giới, trong đó có biến thể Delta.
Hiện nay, biến thể Delta được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại là một trong 4 biến thể "đáng lo ngại". Biến thể Delta đã nhanh chóng vượt qua các chủng khác ở Nhật Bản. Trước đó, WHO đánh giá, biến chủng Delta là một biến thể mới, đặc biệt nguy hiểm bởi tốc độ lây lan nhanh chóng. Không chỉ vậy, biến chủng mới này còn làm gia tăng gấp đôi nguy cơ nhập viện của bệnh nhân Covid-19 so với các biến chủng khác.
SARS-CoV-2, tên chính thức của virus gây ra Covid-19, bao gồm một chuỗi khoảng 1.200 axit amin và có một protein gai mà coronavirus sử dụng để lây nhiễm vào tế bào người. Nó cũng đột biến vài tuần một lần. Nhiều biến thể có xu hướng đột biến xung quanh giữa chuỗi axit amin. Và biến thể Delta, có sự thay đổi di truyền trong axit amin thứ 452 cũng không phải ngoại lệ. Nhưng các đột biến có thể xảy ra ở nhiều khu vực của virus, chẳng hạn như ở biến thể Delta plus, một biến thể phụ của Delta có các đột biến bổ sung nhưng không nhất thiết nguy hiểm hơn.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, biến thể Delta dường như tạo ra cùng một lượng virus ở cả người chưa tiêm phòng và người đã tiêm chủng đầy đủ. Tuy nhiên, những người được tiêm chủng đầy đủ có khả năng bị lây nhiễm trong một thời gian ngắn hơn. Còn theo giải thích của 1 nhà khoa học tại khoa Y Đại học Oita, Nhật Bản, vaccine Covid-19 có hiệu quả để ngăn chặn virus liên kết với thụ thể và xâm nhập vào các tế bào hô hấp và tiêu hóa. Nhưng ngay cả một sự thay đổi nhỏ đối với cấu trúc bề mặt của protein gai như đã thấy trong các biến thể mới có thể làm suy yếu khả năng bảo vệ của hệ thống miễn dịch được kích hoạt bởi vaccine bằng cách khiến nó không thể nhận ra protein gai và tạo ra kháng thể chống lại nó. Điều này làm tăng khả năng lây nhiễm giữa những người được tiêm phòng so với chủng virus ban đầu.
Trong khi đó, một số nhà khoa học mô tả biến thể Delta "dính" hơn đáng kể so với các biến thể khác ở chỗ nó không dễ dàng buông bỏ một khi đã nắm được các tế bào đích. Các nghiên cứu từ Canada và Scotland chỉ ra rằng, những bệnh nhân bị nhiễm biến thể Delta có nhiều khả năng phải nhập viện hơn những người bị nhiễm biến thể Alpha hoặc chủng ban đầu. Vaccine Covid-19 có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa các triệu chứng nghiêm trọng và tử vong, nhưng do sự gia tăng các bệnh do biến thể Delta, CDC Mỹ đã thắt chặt quy định đeo khẩu trang, ngay cả những người được tiêm chủng đầy đủ cũng nên tiếp tục đeo khẩu trang ở những nơi công cộng. Các chuyên gia cho rằng, những người chưa được chủng ngừa vẫn có nguy cơ cao nhất.
Gây áp lực quá tải cho hệ thống y tế
Tại Việt Nam, biến thể Delta đang gây ra làn sóng lây lan trên diện rộng tại các tỉnh/TP phía Nam và TP Hồ Chí Minh. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, biến thể Delta có tốc độ lây lan nhanh, mạnh và gia tăng ca mắc trong thời gian rất ngắn, gây ra áp lực quá tải cho hệ thống y tế. Do đó, việc chuẩn bị hệ thống y tế cho điều trị là cấp thiết hơn bao giờ hết đối với tất cả các quốc gia trong giai đoạn này.
Trong bối cảnh nước ta đang khó khăn trong việc thực hiện miễn dịch cộng đồng, người dân hãy tuân thủ khuyến cáo 5K và tiêm vaccine khi đến lượt, không nên có tâm lý lựa chọn các loại vaccine. Chúng ta tiêm sớm mới đủ thời gian sinh kháng thể, sẽ giảm bớt nguy cơ, vừa bảo vệ bản thân vừa phát huy thành quả kiểm soát dịch của chúng ta trước đây.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà - Phó chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế cho hay, trong 4 biến chủng mới Alpha, Beta, Gamma và Delta, biến thể Delta (B.1.617.2) được ghi nhận lần đầu tiên tại Ấn Độ đã lan rộng hơn sang hơn 100 quốc gia. Đây được coi là biến thể nguy hiểm nhất trong số 4 biến thể nói trên bởi tốc độ lây lan vượt ngoài dự đoán của nhiều chuyên gia dịch tễ.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, tại Việt Nam, biến thể Delta được phát hiện phổ biến trong các ca dương tính Covid-19 đợt dịch thứ 4, từ Bắc Ninh, Bắc Giang lan ra TP Hồ Chí Minh và lan khắp các tỉnh thành, gây ra áp lực quá tải cho hệ thống y tế. WHO đánh giá biến thể Delta là một biến chủng mới đáng quan ngại bởi tốc độ lây lan nhanh chóng. Nếu như biến thể Alpha có khả năng lây nhiễm cao hơn 70% so với các biến thể cũ, thì biến thể Delta còn có khả năng lây lan nhiều hơn gấp 1,5 lần so với biến thể Alpha và làm gia tăng gấp đôi nguy cơ nhập viện của bệnh nhân Covid-19 so với các biến chủng khác. Chính vì vậy, tỷ lệ phát hiện F1 cao hơn nhiều so với biến thể Alpha. Bằng chứng là ghi nhận ca F0, F1 gia tăng mỗi ngày tại khu vực phía Nam và chu kỳ lây nhiễm chỉ khoảng 2-3 ngày.
“Tốc độ lây lan của biến thể Delta diễn ra nhanh nguyên nhân chính là do nồng độ virus trong hầu họng rất nhiều và khả năng bám dính của virus vào tế bào cơ thể rất nhạy nên chỉ cần tiếp xúc ở cự ly dưới 2m trong thời gian rất ngắn đã có thể nhiễm bệnh. Đặc biệt, trong môi trường kín, điều hòa, virus lơ lửng trong không khí và dễ phát tán, làm tăng khả năng lây lan. Điều này có thể thấy rõ ở những ổ dịch trong nhà máy, khu công nghiệp, quán bar hay phòng karaoke, xe ô tô… Khi nồng độ virus thải ra nhiều và độ bám dính nhạy, khả năng mắc và lây lan nhanh và số ca mắc nhiều, nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời thì bệnh nhân dễ chuyển biến nặng. Vì vậy, đơn vị, địa phương cần phát hiện, truy vết nhanh, khoanh gọn và bố trí hệ thống điều trị phân tầng phù hợp, nhằm kịp thời cứu chữa bệnh nhân trở nặng, giảm số lượng tử vong” - PGS.TS Trần Đắc Phu lý giải.
Đề cập đến vấn đề này, TS Vũ Minh Điền - Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho rằng, SARS-CoV-2 là virus chủ yếu gây viêm đường hô hấp. Cũng giống như virus gây tổn thương đường hô hấp khác thì virus SARS-CoV-2 luôn có biến đổi sau mỗi chu kỳ nhân lên. Theo ước tính, virus nhân lên khoảng 105 - 106 chu kỳ, có thể xuất hiện gene đột biến mới và theo quy luật chọn lọc tự nhiên thì những biến chủng nào có khả năng lây lan nhanh, động lực mạnh thì nó sẽ tồn tại và tiếp tục phát triển. Còn với chủng virus không có khả năng lây lan hoặc lây thấp thì sẽ bị thanh lọc hoặc không tồn tại.
Theo các nhà khoa học, vaccine hiện là phương pháp hiệu quả nhất giúp bảo vệ con người khỏi sự tấn công của virus, dù các biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể tác động ít nhiều đến hiệu quả của vaccine. Tuy nhiên với biến thể siêu lây nhiễm như biến thể Delta thì với người đã chủng ngừa vaccine vẫn có thể nhiễm Covid-19, nhưng sẽ giảm được tử vong và tình trạng bệnh nặng.
Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà - Phó chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho rằng, với tốc độ lây lan rộng, lượng bệnh nhân tăng lên nhanh chóng sẽ dẫn đến quá tải y tế, dẫn đến việc phòng, chống bị động.  Với các chủng cũ, bệnh nhân phát bệnh khoảng 7-8 thì nguy cơ chuyển biến nặng. Nhưng ở biến chủng mới này, từ lúc khởi phát bệnh đến lúc diễn biến nặng có thể chỉ 2-3 ngày. WHO đánh giá biến thể Delta sẽ làm cho các nước gặp khó khăn trong việc kiểm soát dịch quay trở lại. Một biến chủng khả năng lây lan tăng nhanh thì tỷ lệ tiêm chủng phải đạt mức độ cao hơn thì mới đạt được miễn dịch cộng đồng. Đơn cử như với chủng virus cổ điển, tỷ lệ tiêm chủng chỉ 60% có thể đạt được miễn dịch cộng đồng. Đối với chủng Alpha, miễn dịch cộng đồng đạt được ở mức độ tiêm chủng khoảng 75%, nhưng với chủng Delta, tỷ lệ tiêm chủng phải đạt 85% trở lên mới đạt được miễn dịch cộng đồng. Chính vì thế, một số nước mới chỉ đạt được mức độ tiêm chủng khoảng 60% phải tăng cường tỷ lệ tiêm chủng.
Qua hơn 26 ngày triển khai giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại các tỉnh/TP phía Nam và một số nơi khác, dù dịch Covid-19 đã từng bước được kiểm soát tại một số địa phương, khu vực nhưng vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tại TP Hồ Chí Minh và Long An, Bình Dương, Đồng Nai… Từ thực tiễn diễn biến tình hình công tác chống dịch thời gian qua, nhất là trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội tại các tỉnh/TP khu vực phía Nam và một số địa phương khác, có thể rút ra 9 bài học kinh nghiệm. Trong đó, các khu vực giãn cách, phong tỏa phải thực hiện nghiêm, thực chất, chắc chắn, hiệu quả; không để tình trạng "chặt ngoài lỏng trong" để nhanh chóng kiểm soát, ổn định tình hình dịch, không để dịch kéo dài gây ảnh hưởng tiêu cực đến an sinh xã hội, an toàn trật tự xã hội. Cùng với đó, các đơn vị cần thực hiện các xét nghiệm tầm soát trên diện rộng, phát hiện sớm ca bệnh và nhanh chóng đưa các trường hợp nhiễm ra khỏi cộng đồng. Các địa phương kết hợp xét nghiệm kháng nguyên nhanh và xét nghiệm RT-PCR sàng lọc Covid-19, thực hiện gộp mẫu xét nghiệm nhằm tiết kiệm nguồn lực và đảm bảo hiệu quả. Bên cạnh đó, công tác điều trị phải chủ động các phương án và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để đưa vào vận hành ngay các cơ sở thu dung, điều trị khi số ca mắc tăng cao; thực hiện phân tầng điều trị, khẩn trương thiết lập và đưa vào vận hành các trung tâm hồi sức tích cực để điều trị các ca bệnh nặng, nguy kịch. Đảm bảo sẵn sàng, các phương tiện, vật tư thiết yếu để thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 như máy thở, oxy y tế.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Nguy cơ biến thể Delta đe dọa thành quả chống dịch của nhân loại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO