Nguyễn Bính

Nguyễn Bính| 10/09/2019 16:13

Sáng trăng sáng cả vườn chè Một gian nho nhỏ đi về có nhau.

Nguyễn Bính

Thời trước
Sáng trăng sáng cả vườn chè
Một gian nho nhỏ đi về có nhau.
Vì tằm tôi phải chạy dâu,
Vì chồng tôi phải dầu hao bấc gầy 
Chồng tôi thi đỗ khoa này,
Bõ công kinh sử từ ngày lấy tôi
Kẻo không rồi chúng bạn cười,
Rằng tôi nhan sắc cho người say sưa.
Tôi hằng khuyên sớm khuyên trưa:
“Anh chưa thi đỗ thì chưa động phòng”.
Một quan là sáu trăm đồng,
Chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi.
Chồng tôi cưỡi ngựa vinh quy,
Hai bên có lính hầu đi dẹp đàng
Tôi ra đón tận gốc bàng,
Chồng tôi xuống ngựa cả làng ra xem.
Đêm qua mới thật là đêm,
Ai đem trăng giãi lên trên vườn chè?
Mưa xuân
Em là con gái trong khung cửi
Dệt lụa quanh năm với mẹ già,
Lòng trẻ còn như cây lụa trắng
Mẹ già chưa bán chợ làng xa.
Bữa ấy, mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy.
Hội chèo làng Ðặng đi ngang ngõ,
Mẹ bảo: “Thôn Ðoài hát tối nay”.
Lòng thấy giăng tơ một mối tình,
Em ngừng thoi lại giữa tay xinh.
Hình như hai má em bừng đỏ,
Có lẽ là em nghĩ đến anh.
Bốn bên hàng xóm đã lên đèn,
Em ngửa bàn tay trước mái hiên.
Mưa chấm bàn tay từng chấm lạnh.
Thế nào anh ấy chẳng sang xem!
Em xin phép mẹ, vội vàng đi,
Mẹ bảo: Xem về kể mẹ nghe.
Mưa bụi nên em không ướt áo,
Thôn Ðoài cách có một thôi đê.
Thôn Ðoài vào đám hát thâu đêm,
Em mải tìm anh chả thiết xem.
Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh,
Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em.
Chờ mãi anh sang anh chả sang,
Thế mà hôm nọ hát bên làng,
Năm tao bảy tiết anh hò hẹn,
Ðể cả mùa xuân cũng bẽ bàng!
Mình em lầm lụi trên đường về,
Có ngắn gì đâu môt dải đê!
Áo mỏng che đầu mưa nặng hạt,
Lạnh lùng thêm tủi với canh khuya.
Em giận hờn anh cho đến sáng
Hôm sau mẹ hỏi hát trò gì.
“- Thưa u họ hát...” - Rồi em thấy,
Nước mắt tràn ra, em ngoảnh đi.
Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay,
Hoa xoan đã nát dưới chân giày.
Hội chèo làng Ðặng về ngang ngõ,
Mẹ bảo: “- Mùa xuân đã cạn ngày!”
Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày!
Bao giờ em mới gặp anh đây?
Bao giờ hội Ðặng đi ngang ngõ,
Ðể mẹ em rằng: Hát tối nay?
Tương tư
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,
Một người chín nhớ mười mong một người.
Gió mưa là bệnh của trời,
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.
Hai thôn chung lại một làng,
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?
Ngày qua ngày lại qua ngày,
Lá xanh nhuộm đỏ thành cây lá vàng.
Bảo rằng cách trở đò giang,
Không sang là chẳng đường sang đã đành.
Nhưng đây cách một đầu đình,
Có xa xôi mấy mà tình xa xôi...
Tương tư thức mấy đêm rồi,
Biết cho ai, hỏi ai người biết cho!
Bao giờ bến mới gặp đò?
Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau?
Nhà em có một giàn trầu,
Nhà anh có một hàng cau liên phòng.
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông,
Cau thôn Đoài nhớ trầu không thôn nào?
Chân quê
Hôm qua, em đi tỉnh về,
Đợi em ở mãi con đê đầu làng.
Khăn nhung, quần lĩnh rộn ràng,
Áo cài khuy bấm. Em làm khổ tôi!
Nào đâu cái yếm lụa sồi?
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?
Nào đâu cái áo tứ thân?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?
               *
Nói ra sợ mất lòng em,
Van em! Em hãy giữ nguyên quê mùa.
Như hôm em đi lễ chùa,
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh.
Hoa chanh nở ở cành chanh,
Thầy u mình với chúng mình chân quê.
Hôm qua em đi tỉnh về,
Hương đồng, gió nội bay đi ít nhiều.
Cô hái mơ
Thơ thẩn đường chiều một khách thơ,
Say nhìn xa rặng núi xanh lơ.
Khí trời lặng lẽ và trong trẻo,
Thấp thoáng rừng mơ cô hái mơ.
Hỡi cô con gái hái mơ già!
Cô chửa về ư? Đường thì xa,
Mà ánh trời hôm dần một tắt,
Hay cô ở lại về cùng ta?
Nhà ta ở dưới gốc cây dương,
Cách động Hương Sơn nửa dặm đường.
Có suối nước trong tuôn róc rách,
Có hoa bên suối ngát đưa hương.
Cô hái mơ ơi!
Chẳng trả lời nhau lấy một lời!
Cứ lặng rồi đi, rồi khuất bóng,
Rừng mơ hiu hắt, lá mơ rơi...

Cô lái đò
Xuân đã đem mong nhớ trở về
Lòng cô lái ở bến sông kia.
Cô hồi tưởng lại ba xuân trước,
Trên bến cùng ai đã nặng thề.
Nhưng rồi người khách tình xuân ấy,
Đi biệt không về với bến sông.
Đã mấy lần xuân trôi chảy mãi,
Mấy lần cô gái mỏi mòn trông.
Xuân này đến nữa, đã ba xuân,
Đốm lửa tình duyên tắt nguội dần.
Chẳng lẽ ôm lòng chờ đợi mãi,
Cô đành lỗi ước với tình quân.
Bỏ thuyền, bỏ lái, bỏ dòng trong,
Cô lái đò kia đi lấy chồng.
Vắng bóng cô em từ dạo ấy,
Để buồn cho những khách sang sông.
Ngược xuôi 
Gió lạnh sương sa nặng hạt rồi,
Thuyền ta đậu lại bến này thôi.
Sáng mai xuôi ngược về đâu nhỉ?
Nào biết về đâu kẻ ngược xuôi!
Trời mưa ở Huế
(Trích)
Trời mưa ở Huế sao buồn thế!
Cứ kéo dài ra đến mấy ngày.
Hôm qua còn sót hơn đồng bạc,
Hai đứa bàn nhau uống rượu say.
Nón lá áo tơi ra quán rượu,
Chơ vơ trên bến nước sông đầy,
Sầu nghiêng mái quán mưa tong tả
Chén ứa men lành, lạnh ngón tay.
Ôn lại những ngày mưa gió cũ,
Những chiều quán trọ, những đêm say.
Người quen nhắc lại từng tên một,
Kể lại từng nơi đặt dấu giày.
Trôi giạt dám mong gì vướng vít,
Sòng đời thua nhẵn cả thơ ngây.
Tỉ tê gợi tới niềm tâm sự,
Cúi mặt soi gương chén rượu đầy.
Bốn mắt nhuộm chung màu lữ thứ,
Đôi lòng hòa một vị chua cay.
Đứa thương cha yếu, thằng thương mẹ,
Cha mẹ chín chiều con nước mây.
Không hiểu vì đâu hai đứa lại,
Chung lưng làm một chuyến đi đầy?
Trời mưa ở Huế sao buồn thế!
Cứ kéo dài ra đến mấy ngày...
Đêm sao sáng
Đêm hiện dần lên những chấm sao,
Lòng trời đương thấp bỗng nhiên cao
Sông Ngân đã tỏ đôi bờ lạnh,
Ai biết cầu Ô ở chỗ nào?
Tìm mũ Thần Nông chẳng thấy đâu,
Thấy con vịt lội giữa dòng sâu.
Sao Hôm như mắt em ngày ấy,
Rớm lệ nhìn tôi bước xuống tầu.
Chòm sao Bắc Đẩu sáng tinh khôi,
Lộng lẫy uy nghi một góc trời.
Em ở bên kia bờ vĩ tuyến,
Nhìn sao thao thức mấy năm rồi…
Sao đặc trời cao sáng suốt đêm,
Sao đêm chung sáng chẳng chia miền.
Trời còn có bữa sao quên mọc.
Tôi chẳng đêm nào chẳng nhớ em.
.........................................................
Thơ tuyển rút từ tập Nguyễn Bính toàn tập (tập I), NXB Văn học 2008.
(0) Bình luận
  • Âm vang Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Âm vang Điện Biên của tác giả Vũ Nhang.
  • Chiếc xe thồ Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Chiếc xe thồ Điện Biên của tác giả Nguyễn Đình Quý.
  • Lớn lên từ Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Lớn lên từ Điện Biên của tác giả Nguyễn Quốc Lập.
  • Viếng mộ Đại tướng
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Viếng mộ Đại tướng của tác giả Vũ Hùng.
  • Hố mắt Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Hố mắt Điện Biên của tác giả Trần Ngọc Hòa.
  • Trở lại Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Trở lại Điện Biên của tác giả Nguyễn Lê Hằng.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Nguyễn Bính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO