Nguyễn Huy Thiệp - Người kê cao nền truyện ngắn dân tộc

Bùi Tùng Ảnh| 02/05/2021 15:04

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - người con của làng Khương Hạ, xã Khương Đình, huyện Thanh Trì (nay là phố Bùi Xương Trạch, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) vừa mới đi xa (20/3/2021), hưởng thọ 72 tuổi. Ông có lý lịch trích ngang của một con người/ công dân rất đơn giản: Tốt nghiệp Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, có 10 năm dạy học tại vùng cao Tây Bắc (1970 - 1980).

Nguyễn Huy Thiệp - Người kê cao nền truyện ngắn dân tộc
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Ảnh: Bùi Tùng Ảnh.

Nguyễn Huy Thiệp đã trải qua nhiều công việc khác nhau trong hệ thống viên chức Nhà nước cũng như tự do, mưu sinh bằng nhiều nghề. Khi nghỉ hưu không có chế độ, mãi sau này mới nhận được, nhưng cũng chỉ đủ tùng tiệm. Nhìn chung, xét về mặt vật chất, ông sống không phong lưu, chỉ cầu an bần lạc đạo. Nhưng về văn chương thì Nguyễn Huy Thiệp có một gia tài, sự nghiệp huy hoàng, là một triệu phú chữ, một hiện tượng đặc biệt - hai lần kỳ lạ - theo cách diễn đạt của nhà văn  Vương Trí Nhàn. 

“Quý hồ tinh bất quý hồ đa”

Sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp luôn chia đôi dư luận, khen chê đều hết lời. Một hiện tượng hiếm thấy trên văn đàn Việt Nam đương đại. Nếu có thể kể thêm trường hợp thứ hai thì đó là nhà văn Bảo Ninh với tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh, tác phẩm dành Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, năm 1991. Văn sản của Nguyễn Huy Thiệp không đồ sộ về số lượng, nhưng hợp với quy luật sáng tạo nghệ thuật “quý hồ tinh bất quý hồ đa”: khoảng 50 truyện ngắn, một số vở kịch (tiêu biểu như: Hoa sen nở ngày 29 tháng 4, Còn lại tình yêu, Gia đình, Xuân Hồng, Nhà tiên tri ), ba tiểu thuyết (Tiểu Long nữ, Gạ tình lấy điểm, Tuổi 20 yêu dấu), một tác phẩm chèo (Vong bướm), một tập tiểu luận - phê bình văn học (Giăng lưới bắt chim). 

Tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp (chủ yếu truyện ngắn) đã được dịch và xuất bản ở Pháp, Mỹ, Thụy Điển, Italia. Ông đã nhận được các giải thưởng ở nước ngoài (Huy chương Chevalies des art et de Lettres - Hiệp sĩ văn học và nghệ thuật - của Pháp năm 2007 và Giải thưởng Premio Nonino của Italy). Ở Việt Nam, nhà văn đã nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội, năm 2006, cho tác phẩm Giăng lưới bắt chim. Gần đây nhất, nhà văn có tên trong danh sách đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (cho tác phẩm Tướng về hưu và Những ngọn gió Hua Tát ). Nhưng không kịp nữa rồi... 

Truyện ngắn Tướng về hưu của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp lần đầu đăng trên tuần báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam (ra ngày 20/6/1987). Nó tựa một tiếng sét giữa thinh không, trời đang quang mây đang tạnh. Trong vòng hai năm (từ giữa 1987 đến giữa năm 1989), đã có trên 70 bài viết về sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, sự đối lập ý kiến đánh giá hết sức gay gắt. Sau này có người trong văn giới kể công nhờ ông mà một tác phẩm rất hay không bị biến thành lai cảo (!?). 

Thực tiễn cho thấy, trước sau những tài năng văn chương đích thực cũng tìm được cách phát lộ, khẳng định trên văn đàn dù có ba chìm bảy nổi, chín lênh đênh. Nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến (được coi là người có con mắt xanh) ngay sau đó đã viết bài Tôi không chúc bạn thuận buồm xuôi gió, nhà phê bình Đặng Anh Đào viết bài Khi ông “Tướng về hưu” xuất hiện. Cả hai bài phê bình này, theo chúng tôi là sớm nhất, nhạy bén nhất và đánh giá sát sao nhất, quan trọng hơn là đoán định được đường đi nước bước của một cây bút hứa hẹn nhiều tài năng và đóng góp vào nền văn chương nước  nhà. 

Sau đó với sự xuất hiện của những truyện ngắn không kém phần xuất sắc của Nguyễn Huy Thiệp như: Những ngọn gió Hua Tát, Muối của rừng, Không có vua, Những bài học nông thôn, Những người thợ xẻ, Vàng lửa, Kiếm sắc, Phẩm tiết, Giọt máu, Con gái thủy thần, Sang sông, Thương nhớ đồng quê... thì không ai khác chính nhà văn này đã gây náo động văn đàn Việt Nam sau Đổi mới (1986) trong vòng một thập niên. Tôi nghĩ, công lao của Nguyễn Huy Thiệp không phải ở chỗ khai luồng, mở lối văn chương Đổi mới (từ sau 1986) như một số người khẳng định, công lao này thuộc về nhà văn Nguyễn Minh Châu - người mở đường tinh anh, đặt những dấu chân đầu tiên trên lộ trình kiến thiết văn chương theo tinh thần dân chủ. Đóng góp của Nguyễn Huy Thiệp chính là ở chỗ bằng sáng tác mới mẻ (chủ yếu truyện ngắn) của mình đã góp phần không nhỏ vào việc kê cao nền truyện ngắn dân tộc viết bằng Quốc ngữ Latinh. 

Văn Nguyễn Huy Thiệp (chủ yếu truyện ngắn) hướng tới cuộc sống xã hội và con người thời đại trong xu thế ngày càng trở nên phức tạp hơn, khó đoán định và đánh giá hơn trước nhiều gấp trăm ngàn lần. Nhà văn, qua cách viết, cũng không có chủ ý hạ thấp hay đề cao quá mức con người, ông chỉ miêu tả nó theo tinh thần của một chủ nghĩa hiện thực nghiêm ngặt. Công lao của ông nếu có với văn chương nước nhà thời hiện đại, theo chúng tôi, là chắp nối và củng cố truyền thống của trào lưu hiện thực vốn bị đứt gãy trong khoảng thời gian 40 năm (1945 - 1985) vì nhiều lý do khách quan và chủ quan có tính chất bất khả kháng.

Đa năng, biến ảo khôn lường

Một tài năng văn chương, như Nguyễn Huy Thiệp, tất nhiên phải là một phong cách, cá tính sáng tạo độc đáo, phong phú, đa dạng, luôn lấp lánh. Ngòi bút Nguyễn Huy Thiệp đa năng, biến ảo khôn lường. Nhà văn, khi thì như một nhà hiện thực khách quan, lạnh lùng, đôi lúc có vẻ “tàn nhẫn”(trong Tướng  về hưu, Không có vua, Những người thợ xẻ, Những bài học nông thôn,...); khi thì như một nhà lãng mạn cuối mùa (trong Tâm hồn mẹ, Chút thoáng Xuân hương, Chảy đi sông ơi, Những ngọn gió Hua Tát,...); khi thì như một triết gia bất đắc dĩ (trong Sang sông, Tội ác và trừng phạt, Thương nhớ đồng quê,...); khi thì cố gắng viết những huyền thoại mới (trong Huyền thoại phố phường, Muối của rừng, Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt,...); cũng có lúc nhà văn mấp mé cái gọi là tự nhiên chủ nghĩa (trong Cún, Bài học tiếng Việt,...). 

Nguyễn Huy Thiệp - Người kê cao nền truyện ngắn dân tộc
Nói Nguyễn Huy Thiệp là một tài năng văn chương còn chính ở chỗ, tác phẩm của nhà văn khiến độc giả sau khi thưởng thức tác phẩm của mình buộc phải nghĩ khác, có thể từ bỏ những định kiến về những thành trì nhất thành bất biến. Nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp có bài viết gợi cảm và ý tứ Cuốn theo chiều văn Nguyễn Huy Thiệp. Nói cách khác, Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn có cái khả năng của một “phù thủy chữ”, mê dụ, dẫn dắt độc giả đi vào mê cung do mình chế tác ra (đôi khi có vẻ phi lý). Tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp được tái bản nhiều lần tại các nhà xuất bản trong nước, đó là bằng chứng về một phẩm tính hiếm có của một tác phẩm văn chương hiện thời: vừa là sách hay, vừa là bán chạy (best-seller). Tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (chủ yếu truyện ngắn) đã đổ bộ được vào những thị trường sách “khó tính” như: Pháp, Mỹ, Thụy Điển, Italy.

Nguyễn Huy Thiệp - Người kê cao nền truyện ngắn dân tộc
Tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp khiến độc giả sau khi thưởng thức buộc phải nghĩ khác.

Năm 1991, người bạn tâm giao của Nguyễn Huy Thiệp – họa sĩ kiêm nhà điêu khắc Nguyễn Hồng Hưng đã giúp ông dựng tượng Quan âm ngay chính trong khuôn viên nhà mình. Một bức tượng đẹp giữa một không gian văn hóa do chính nhà văn tôn tạo nên. Phải là người mộ đạo mới có những động hướng tinh thần như Nguyễn Huy Thiệp. Có người nhận xét, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp theo phái tu tại gia, tu tại tâm. Chúng tôi nghĩ hoàn toàn chính xác. Nhà văn không bị tâm lý đám đông (đôi khi có tính chất bầy đàn) lôi kéo. Ông rút lui vào cố thủ, ở ẩn ngay trong bản thân mình. Nhưng điều kỳ lạ là, tuy thế ông quan sát cõi nhân sinh rất nhạy bén, vừa rộng vừa sâu, có thể gọi là “cập thời vũ”. Văn chương Nguyễn Huy Thiệp kết hợp tái tạo cả cõi hiện hữu, cả cõi vĩnh hằng. Sang sông và Muối của rừng tiêu biểu hơn cả cho cấu tứ về cái vĩnh hằng ngự trong tâm thức, tâm linh con người, không phân biệt màu da, tôn giáo, chính kiến, đảng phái, học thức, địa vị xã hội do sự ngẫu nhiên hay tất nhiên sắp đặt. Văn chương Nguyễn Huy Thiệp điều tra, điều trần về cái gọi là kiếp người trong cõi nhân sinh, trong những cuộc bể dâu mới.

Cao vọng lập ngôn

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp ngoài sáng tác, còn viết phê bình với cao vọng lập ngôn, thiết nghĩ, cũng không có gì là không đúng. Trong số các nhà văn Việt Nam đương đại, ít người cứ thẳng băng như Nguyễn Huy Thiệp khi bàn về văn chương: “Văn học là thế giới hoang tưởng, ảo tưởng, hão huyền trong cuộc đời tẻ nhạt, dung tục, của cảm xúc nhục cảm, vớ vẩn, suy đồi, là vàng ròng trong cát, sự bất lực thê thảm. Chúng ta làm được gì khi xây dựng  những lâu đài trên cát” (Phụ lục - Những ghi chú của nhà văn, trong sách: Nguyễn Huy Thiệp, Như những ngọn gió, truyện ngắn, Nxb Văn học, 1999, tr. 610). Tư tưởng này được nhấn mạnh hơn một lần: “Khi tôi nhận ra rằng văn học là một thế giới hoang tưởng của người viết thì không có nghĩa là tôi hạ thấp giá trị văn học. Tôi chỉ vạch ra khía cạnh vô bổ, vô nghĩa của văn học mà thôi. Tôi cũng đã cảnh tỉnh để người viết dè chừng khả năng bị tha hóa về mặt tinh thần, đạo đức khi cầm bút viết” (Nguyễn Huy Thiệp, Giăng lưới bắt chim, tạp văn - tiểu luận - phê bình - giới thiệu, Nxb Hội Nhà văn, 2005, tr. 46). Như thế, có thể thấy nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thực sự  là một khối mâu thuẫn lớn trong triết lý về văn chương và hành động sáng tác văn chương như là dấu hiệu của một hiện tượng vào loại phức tạp nhất trên văn đàn Việt Nam thời hiện đại.

Đánh giá về đóng góp của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vào tiến trình văn học đổi mới, theo chúng tôi, ý kiến của nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh là có lý, có tình: “Tôi cho hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp không phải là một xu hướng phổ quát và tất cả của đổi mới nhưng nó là một dòng mạch xuất hiện đồng thời với đổi mới”. 
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Đa dạng các hoạt động "Giữ nghề xưa trên phố"
    Chiều ngày 19/4/2024, tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội đã diễn ra buổi khai mạc chuỗi các hoạt động văn hóa với chủ đề "Giữ nghề xưa trên phố".
  • Điện Biên Phủ - nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật
    Sáng 19/4, tại Điện Biên, Hội đồng Lý luận - Phê bình Văn học nghệ thuật Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật”.
  • Đấu xảo Hà Nội Vang bóng một thời
    Cách đây 78 năm, đúng vào ngày 1/5, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội) đã diễn ra cuộc mít tinh khổng lồ với trên 25.000 người tham gia. Địa điểm này khi xưa được mang tên Đấu xảo - một công trình tráng lệ và đồ sộ, mang tầm vóc quốc tế.
  • Thấy gì sau động thái đăng ký mua cổ phiếu SHB của Phó Chủ tịch Đỗ Quang Vinh
    Ông Đỗ Quang Vinh, Phó Chủ tịch SHB sẽ bắt đầu mua hơn 100 triệu cổ phiếu SHB từ ngày 19/4. Nếu hoàn tất mua thành công, ông Vinh sẽ sở hữu tỷ lệ cổ phần SHB cao nhất trong HĐQT ngân hàng. Đó như một lời khẳng định về cam kết đồng hành, phát triển cùng những kỳ vọng lớn của vị Phó Chủ tịch 8x với tương lai SHB.
  • VCCA Giới thiệu triển lãm định dạng Digital các kiệt tác của trường phái lập thể
    Từ ngày 20/04/2024, Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) mở cửa triển lãm định dạng kỹ thuật số mang tên “Tái Hình Lập Ảnh”, giới thiệu kho tàng hơn 130 tác phẩm kinh điển thuộc trường phái Lập thể của 6 nghệ sĩ nổi tiếng thế giới: Pablo Picasso, George Braque, Jean Metzinger, Fernand Leger, Marie Laurencin và Marcel Duchamp.
Đừng bỏ lỡ
Nguyễn Huy Thiệp - Người kê cao nền truyện ngắn dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO