Nguyễn Thanh Kim và cuộc du ngoạn thú vị vào cõi đời văn chương

Võ Gia Trị| 20/08/2020 11:50

(Đọc Nghiệp văn biết mấy... - NXB Hội Nhà văn 2020)

Nguyễn Thanh Kim và cuộc du ngoạn thú vị vào cõi đời văn chương

Anh Nguyễn Thanh Kim tặng tôi cuốn sách mới với cái tên sách thật lạ "Nghiệp văn biết mấy...", nó gợi cho tôi cái sự bâng khuâng ngập ngừng đầy ắp tâm sự và cảm xúc, ngôn ngữ hỡi ơi bỗng trở lên chật hẹp. Một nhà thơ viết về các nhà văn, nhà thơ mà anh ngưỡng mộ như: Nguyên Hồng, Xuân Diệu, Tế Hanh, Trinh Đường, Hoàng Cầm, Anh Thơ, Kim Lân... những bậc tài danh nổi tiếng trước anh và những người cùng lứa chống Mỹ với anh như: Bằng Việt, Đỗ Chu, Hữu Thỉnh, Hòa Vang, Y Phương, Nguyễn Trác, Trần Quốc Thực, Phạm Đức... Cái thú vị nằm ở chỗ tác giả kể về họ với những kỷ niệm riêng tư và thật như ta đang cùng anh nói chuyện với họ vậy. Đọc cuốn sách ta cảm được cái chất say của kẻ si mê văn chương, cái háo hức được gặp gỡ các văn tài đáng kính.

Trước đó tôi đã được đọc các mẩu chuyện anh kể về nhà văn Nguyên Hồng. Qua những mẩu chuyện giản dị ta nhận ra một nhà văn lớn, một nhân cách lớn và con người đó vô cùng trí lực và tài năng. Hay nói đúng hơn là ông tận cùng Việt Nam và như vậy ông luôn là cây bút độc đáo, cuốn hút bạn đọc trong nước và thế giới. Với nhà thơ Xuân Diệu, Nguyễn Thanh Kim viết với tư cách một người si mê thơ. Từ món quà giải thưởng nhận trong cuộc thi thơ ở nhà trường là tập thơ "Một khối hồng" của Xuân Diệu, anh đã đọc tập thơ nhiều lần và cất giữ nó như một báu vật. Có lẽ đây cũng là tác nhân để chúng ta có được một Nguyễn Thanh Kim thi sĩ. Trong bài viết về Xuân Diệu, hình ảnh ông hoàng thơ tình cũng mang đậm dấu ấn kỷ niệm riêng tư của tác giả bài viết. Theo tôi đó là những tư liệu sống động đáng quý. Có thể nói nhận xét của anh về "thơ Tế Hanh thâm nhập và đóng kén trong thế hệ chúng tôi" là nhận xét rất xác đáng "giọng thơ ông cứ tuôn trào như ông cảm ông nghĩ. Chính sự chân thành này trong mộng mơ khiến nhà thơ có được bạn đọc thơ ông nhiều cảm nhận thiết tha". Tác giả có duyên thơ với Tế Hanh "và sau này khi có điều kiện gặp gỡ nhà thơ Tế Hanh, tôi mới nhận ra con người và thơ ông như tôi hình dung không khác nhau là mấy". Thơ Tế Hanh đã nằm lòng trong anh.

Trong mạch cảm xúc của mình, khi viết về những tâm sự của nhà thơ Hoàng Cầm, Nguyễn Thanh Kim như được vùng vẫy và thăng hoa trong một vùng văn hóa quen thuộc. Anh kể lại thật hay câu chuyện Hoàng Cầm đọc cho Nguyên Hồng nghe bài "Bên kia sông Đuống" vừa được ông viết khi nghe tin quê hương bị giặc chiếm. Giọng Hoàng Cầm đọc trầm ấm, xúc động và Nguyên Hồng đã khóc và bị cuốn vào xúc cảm của bài thơ. Đây là những tư liệu hay và quý. Bài thơ này đã trở thành di sản không thể thiếu của thơ  thời kháng chiến 9 năm chống Pháp. Có điều là tất cả những gì tác giả viết tôi đã biết những con người ấy tôi đã từng gặp nhưng đọc lại tôi vẫn thấy mới lạ, có lẽ vì cái tình của anh, cái sự háo hức của anh giúp tôi như được sống lại, được giao cảm với những tiền nhân anh tài một thuở. 

Trong cuốn sách này, tôi thích bài viết của Nguyễn Thanh Kim về nhà văn Đỗ Chu bởi trong bài viết ta không chỉ nhận ra khá rõ chân dung nhà văn Đỗ Chu mà còn nhận ra Nguyễn Thanh Kim thi sĩ. Hình như cái chất Đỗ Chu đã thấm sâu vào con người anh. Sự ảnh hưởng này không phải là bắt chước mà là sự "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu". Nó được tạo lên từ cái thuở tác giả hăm hở tìm đọc truyện của nhà văn và ở cái cách Đỗ Chu tâm sự: "Kim này, nhờ giờ anh em mình có dăm ba chữ để sống với đời. Chịu khó viết lấy ít trang cho hẳn hoi, mà cũng chớ ảo tưởng về mình, không khéo mà vớ vẩn cả thì khổ". Qua câu nói này nhà văn Đỗ Chu đã đi đến tận cùng bản chất của văn chương. Trong văn chương Việt Nam ta đã có tùy bút của Nguyễn Tuân thì nay ta cũng có tùy bút của Đỗ Chu. Điểm chung là văn chương của hai nhà văn đều là văn chương đích thực, vừa trong sáng vừa quyến rũ. Nếu văn Nguyễn Tuân có phần điệu đà duy mĩ thì văn Đỗ Chu giản dị, sâu xa và đẫm hương đời.

Hoặc bài viết về nhà thơ Trúc Thông, một tác giả có lối viết hiện đại, Nguyễn Thanh Kim đã đưa ra một vài nhận định thú vị cùng với trích dẫn thơ Trúc Thông và sau đó anh đưa bài viết vào thể phỏng vấn về thơ trẻ và thơ Việt hiện đại. Điều tôi quan tâm là bài thơ nổi tiếng của Trúc Thông "Bờ sông vẫn gió" viết về người mẹ đã đi xa của anh. Tôi thích bài thơ này "Lá ngô lay ở bờ sông - Bờ sông vẫn gió người không thấy về" nó giúp tạo được không khí cho bài thơ có được màu sắc huyền ảo, giao thoa giữa cõi âm và cõi dương. Mặt đất như rùng mình mở ra để nhà thơ và mẹ mình có thể tâm sự cùng nhau. Đây chính là khoảng trống thần thánh, là cánh cửa đưa ta vào cõi tâm linh và việc tạo ra khoảng trống này đòi hỏi sự chính đáng của bài thơ để nó có thể trở thành bài thơ “nằm lòng” trong nhiều thế hệ. Ta thường nói đến nàng thơ và việc đối xử dân chủ với nàng thơ theo chúng tôi cũng là bản chất của sự sáng tạo.

Cũng vậy trong tập sách này, tôi thích bài tác giả viết về nhà văn Hòa Vang. Anh đã vẽ được chân dung chính xác của tài văn này. Thú vị hơn là Hòa Vang cũng vẽ lại được cái chân dung Nguyễn Thanh Kim: "Ông là dân Kinh Bắc, cũng ngơ ngơ ngác ngác cái thứ thi sĩ dở người thì trộn vào đâu được". Ta cảm nhận được đúng cách nói của Hòa Vang. Chân dung này có phần giống với chân dung tôi khi tôi viết về Nguyễn Thanh Kim "say say/ ngơ ngẩn/ kiếm tìm/ một vùng/ Kinh Bắc/ ẩn chìm/ trong thơ" (Đối thoại mới - thi phẩm 14 chữ). Điều thú vị là tôi cũng giống anh Hòa Vang ở chỗ có thời hay được đèo thi sĩ Nguyễn Thanh Kim trên chiếc xe máy "ước mơ" Dream của mình. Qua bài viết này tôi được biết thêm anh Hòa Vang cũng giống tôi có một "thời Quảng Trị máu lửa đã từng khoác áo lính". Thêm nữa chính tôi và anh Hòa Vang cũng có nhiều kỷ niệm với nhau. Thực ra tôi thích cuốn sách "Nghiệp văn biết mấy...” vì Nguyễn Thanh Kim viết về những người tôi thân quen và yêu quý như: Phạm Đức, Nguyễn Trác, Hòa Vang, Đỗ Chu, Y Phương... Và với mỗi nhà văn trong nghiệp văn của mình Nguyễn Thanh Kim đều có những góc nhìn riêng. Cũng có thể nói cuốn sách giúp bạn đọc có được cuộc du ngoạn vào cõi đời văn chương đầy thú vị. Và điều đáng nói, qua “Nghiệp văn biết mấy...” tác giả cuốn sách ngoài những tâm sự của anh “việc ta ra việc mình” còn nhiều điều thú vị “chuyện văn chuyện đời” của các nhà văn tài danh hoặc sáng tác còn khiêm tốn nhưng phần nào đó cũng góp phần vào hành trình phát triển của nền văn học Việt Nam.
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Nguyễn Thanh Kim và cuộc du ngoạn thú vị vào cõi đời văn chương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO