Nguyễn Việt Bắc và nỗi đau phố xâm làng

Vũ Thị Hồng Ngát| 19/05/2017 10:05

Nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã nói rằng: “Mỗi người Việt Nam đều có trong hồn mình một người nhà quê.” Điều ấy thật đúng với nhà thơ Nguyễn Việt Bắc. Dù ông rời vùng quê thấm đẫm truyền thống văn hóa Bắc Ninh, Kinh Bắc về sống và làm việc ở Thủ đô nhưng con người nhà quê trong ông chưa bao giờ hết thao thức với quê hương. Nhất là, với Buồn không đóng cửa - tập thơ mới nhất của Nguyễn Việt Bắc thì ông luôn tự nhủ lòng mình: “Nợ quê - tôi nợ rất nhiều”

Nguyễn Việt Bắc và nỗi đau phố xâm làng
Tập thơ có 59 bài thì có tới 16 bài ông dành viết về quê hương. Những câu từ giản dị nhưng lắng đọng suy tư, thấm đẫm ân tình, như những “bom chữ” nổ tung trong lòng người đọc bao xúc cảm về quê hương nhất là với những người con xa xứ.

Kinh Bắc hiện lên trong tập thơ với nhiều dáng vẻ nhưng không còn vẹn nguyên những nét đằm, duyên dáng của một Kinh Bắc truyền thống mà thay vào đó là một Kinh Bắc đang công nghiệp hóa, hiện đại hóa từng ngày, một Kinh Bắc đầy những “mảnh vỡ” chắp nối, cái cũ và cái mới cọ xát nhau trên một diện mạo mới đang hình thành.

Về quê là khoảnh khắc nhà thơ được hòa mình vào với cỏ cây, mọi giác quan được tung mở đón nhận mọi thanh sắc của quê nhà: “Với tay qua cửa được lá/ Khí trong veo như mưa rào mùa hạ/ Tiếng gà gáy ò ó o…” được soi mình vào những giá trị văn hóa trường tồn: “Luy Lâu thành cũ Luy Lâu/ Ẩn trong phơ phất cỏ lau bên đường” hay được tắm mình trong cơn “mưa ở quê” cũng có khi được “vấp ánh mắt, vấp bàn chân” vào thóc vàng đầy sân mùa gặt. Và nhất là được nếm lại những hương vị quen thuộc của quê nhà.

Tôi dắt/ Tôi về/ Tôi xưa.

Cho tôi một vé đi về tuổi thơ. - Hẳn rằng, Nguyễn Việt Bắc chọn cho mình một chỗ ngồi trên chuyến tàu ngược thời gian quay trở về quá khứ. Kỉ niệm sống dậy, ùa về trên những câu thơ:

Mùi quê

Kéo tôi trở lại làng

Thoang thoảng mùi nhựa sung phết lên diều chiều gió, mùi con ốc nhồi bén lửa đêm khuya, mùi rạ ẩm nấu cơm, mùi ngọn lang quyệt qua nhánh tỏi. Tập thơ được mở đầu một cách đặc sắc như thế. Những câu thơ như gợi mở như đưa dẫn hồn người đọc trở về với miền kỷ niệm, về với quê hương, với tuổi thơ tha thiết của mình.

Nhưng những dư vị ngọt ngào ấy chỉ thoáng qua như sương khói mùa thu bởi những thanh âm “Náo động lòng/ Đầu ngõ cuối thôn” đã đưa nhà thơ trở về với hiện tại, với cuộc sống và với chính lòng mình.

“Làng vẫn làng mà như đi lạc”, đó là tâm trạng của nhà thơ xuyên suốt toàn tập và cũng là nỗi niềm chung của người đọc khi lạc vào thế giới của nhà thơ. Làng vẫn làng, quen mà như lạ. Quen vì vẫn cảnh ấy, người ấy nhưng lạ vì mọi thứ đã không còn nguyên vẹn như xưa. Vẫn là người con gái Kinh Bắc dịu dàng, chịu thương chịu khó nhưng khi nhà máy, khu công nghiệp về đến đầu ngõ cuối thôn, khi guồng quay CNH trở lên hối hả thì “gái làng” đã mang một dáng vẻ rất khác rồi:

Tan tầm/ Ở công ty về/ Em vội vàng xuống đồng cấy lúa tới tận khuya

Cô gái ấy không phải bước ra từ những dập dìu câu quan họ mà từ công ty với những máy móc công nghiệp ồn ào về với cánh đồng, với làng quê. Cô gái đi cấy lúa đêm nhưng không còn là hình ảnh dung dị mà thơ mộng trong lời ca xưa: “Lên chùa bẻ một cành sen, ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng” thay vào đó là hình ảnh “Em vội xuống đồng cấy lúa/ Đèn trên trán tỏa một vùng sáng/ Thoăn thoắt tay/ Sương đêm ràn rạt bay”. Vẫn là công việc ấy, cô gái trong lời bài hát xưa đi cấy mà vẫn toát lên vẻ duyên dáng, khoan thai. Mọi vất vả như tan biến hết chỉ còn lại một bức tranh lao động thơ mộng hữu tình. Còn ở đây, cô gái xuống đồng, vội vàng cuống quýt bao vất vả, lo toan. Cuộc sống thời công nghiệp ồn ào, hối hả, cuốn con người theo guồng quay của nó, chỉ có sương đêm vẫn lạnh lùng vô cảm:“Sương đêm ràn rạt bay/ Sương đêm ràn rạt bay”.

Không gian thanh bình của làng xưa đã bị phá vỡ, bởi quá trình đô thị hóa nông thôn:

Làng không còn ao thả cá

Không còn bèo tấm bèo cái

Không còn người ngồi câu trong các lùm cây

Không còn bà già chống gậy

Trên đường gạch đỏ bỏm bẻm nhai trầu

Không còn trẻ con nhảy dây, chơi ô ăn quan

Mà thay vào đó là “Những nhà ống liền kề/ Đường lổn nhổn xỉ than bê tông” và nhất là những con người sống trong những “nhà ống như cái túi giữ gió” ấy không biết tự bao giờ đã “lạnh lẽo hơi người” lạnh lẽo tình người.

Người trẻ ít học đi làm

Đêm sinh nhật đập phá

… Có đứa đi làm xa không điện về mẹ lo

Có đứa giàu nhanh bố sợ

Có đứa lầm lì bỏ học

Với một người con nặng lòng với quê hương như nhà thơ Nguyễn Việt Bắc thì sự biến đổi dữ dội ấy của quê hương đã hiện hữu thành nỗi đau, sự mất mát trong chính cơ thể mình. Những mảnh vỡ của làng hay là trái tim nhà thơ tan vỡ, khiến ông phải xót xa thốt lên rằng:

Phố đóng cọc xây nhà trên ruộng lúa

Vỡ long mạch làng

Làng mảnh vỡ

Của hành tinh

Câu thơ đứt đoạn như những đứt gãy của làng, sự nghẹn ngào của nhà thơ. Để rồi “Một đêm ngủ ở nhà mình/ Mà như diều/ Cứ rùng rình/ Đứt dây”. Một con người đã cảm thấy “chán phố xá”, “bỏ xa cuộc cãi vã và tiếng ồn ào” tìm về quê hương, mong tìm lấy một sự bình yên cho tâm hồn mình nhưng về rồi lại phải đối diện với những niềm đau khác, cho nên chân đang đứng trên mảnh đất từng chôn rau cắt rốn, đêm ngủ lại nhà mình mà sao xa lạ, cứ chòng chành, chao đảo như cánh diều nhỏ bé giữa bầu trời vần vũ bão giông.

Phố xâm làng đã không còn là nỗi lo, không còn là dự cảm mà nó đã hiện hữu. Một sự xâm lấn vô cùng dữ dội để lại nỗi niềm tê tái cho nhà thơ. “Về làng quê/ Làng quê cũng chán ra đê sông Hồng”. Đi giữa quê hương mà sao lạ lẫm, như kẻ mộng du: “Tắt ngày lững thững bước đi/ Vẫn nghe lở đất/ Trăng thì chưa lên”. Cứ đi và cứ nghe thao thiết tiếng đất lở bên đông, bên đoài hay tiếng lòng mình hoang hoải tiếc nuối cho một Kinh Bắc trầm mặc xa xưa. Nhà thơ cứ thế đi, làm thành những cuộc hành trình chắp nhặt những mảnh vỡ, những hoài niệm một thời:

Tôi đi về phía sáo diều

Bóng dài nửa thửa nhạt chiều sương bay

Nắm bàn tay, xòe bàn tay

Muốn tìm lấy gió của ngày xa xưa

Tập thơ kết thúc bằng một nỗi buồn thấm thía: Buồn không đóng cửa cài then… Ra ngồi với cỏ bông sen cũng buồn. Nỗi buồn trước nhân tình thế thái, một nỗi buồn khắc khoải. Nguyễn Việt Bắc không che giấu lòng mình, cứ thế mở toang cánh cửa lòng mình để cuộc sống ùa vào với tất cả thanh âm của nó. Mở lòng đón nhận để rồi đau đớn, xót xa như hạt cát sắc cứ vô tình cứa vào lòng...

Buồn không đóng cửa, Nguyễn Việt Bắc cứ trải lòng mình lên từng con chữ và rồi nỗi buồn len lỏi vào tâm hồn người đọc; để những ai còn lương tri, những ai còn mang trong mình một người nhà quê giật mình mà gìn giữ lấy những giá trị truyền thống, giữ lấy cái hồn cốt của làng quê mình.

(0) Bình luận
  • Mùa xuân Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Mùa xuân Điện Biên của tác giả Nguyễn Địch Long.
  • Trước tượng đài chiến sĩ Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Trước tượng đài chiến sĩ Điện Biên của tác giả Lương Sơn.
  • Âm vang Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Âm vang Điện Biên của tác giả Vũ Nhang.
  • Chiếc xe thồ Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Chiếc xe thồ Điện Biên của tác giả Nguyễn Đình Quý.
  • Lớn lên từ Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Lớn lên từ Điện Biên của tác giả Nguyễn Quốc Lập.
  • Viếng mộ Đại tướng
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Viếng mộ Đại tướng của tác giả Vũ Hùng.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Nguyễn Việt Bắc và nỗi đau phố xâm làng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO