Nguyễn Viết Lãm

Nguyễn Viết Lãm| 09/12/2019 16:32

Thơ Nguyễn Viết Lãm trước cách mạng 1945 nằm trong dòng chung của thơ ca lãng mạn khởi thủy từ phong trào Thơ mới và có những nét riêng của nhóm thơ Quy Nhơn Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên.

Nguyễn Viết Lãm

Trăng vào cửa tháp
Tặng Lan Viên

Ta bước theo trăng vào cửa tháp,
Âm thầm, lạnh lẽo một màu xanh,
Áo sương mỏng dính vào da thịt,
Vò võ chim trời gọi trở canh.

Chỉ nghe xao xác cành lau dại
Gió tự phương nào thổi lại đây?
Hàng gạch rêu phong bao thế kỷ,
Nỗi niềm hung phế buồn như mây.

Ai đến tìm chi vương quốc cũ,
Vành nôi xưa bặt tiếng ru hời,
Thánh thót đêm khuya từng giọt điểm,
Huyền hồ đỉnh tháp bóng trăng soi...
Quy Nhơn 1937

Nhớ đất

Có ai đành nghĩ tới cảnh phân chia.
Đất nằm đây thương nhớ đất trong kia…
Duyên nồng bao thế kỷ,
Lòng đất vẫn tương tư
Biết nói sao cho được cạn lời,
Gọi cho lớn, cho hả tình thương nhớ!
Đường đi vô trong nớ,
Cách trở mấy đò giang,
Trăng động mây ngàn,
Đèo heo hút gió.
Trời Nam Bộ mơ hồ hay sáng rõ,
Ôi ngàn trùng khói phủ thấy gì đâu,
Núi nhớ thương núi cũng bạc đầu,
Muốn nhìn tận buồn không thiên lý kính!
Cửu Long Trà Khúc trời chưa tạnh
Tình chị duyên em mấy độ đường?
Ta vẫn liền nhau dù cách biệt,
Lòng ta hòa giữa Thái Bình Dương.
Gió trưa ngọt mấy dặm đường,
Vẳng nghe tiếng hát một phương ân tình:
… Chiều chiều mây kéo về kinh,
Trường Sơn nối chặt bóng hình đôi nơi,
Chim bay mỏi cánh Tháp Mười,
Ngó về quê chị xanh trời là xanh…
Đêm tàn đã mấy trống canh,
Núi chuyển mình thao thức,
Lắng nghe lòng mạch đất,
Giọng tâm tình day dứt đêm khuya,
Có ai đành nghĩ tới cảnh phân chia,
Đất nằm đây thương nhớ đất trong kia…
1947

Bến không

Sông chở trăng theo đến cuối trời,
Thuyền liên miên lướt nước chơi vơi,
Xuôi dòng bến cũ đò không ghé,
Quán vắng buồn duyên thấy nghẹn lời.
Bến giận thuyền không một chút tình,
Trách thuyền say đuổi giấc phiêu linh,
Quên lều xơ xác bên sông lạnh,
Ngày tháng tương tư những ảnh hình.

Gió lọt phên tàn dưới nắng mưa
Trên dòng sông chảy tự nguồn xưa,
Ai ơi, đừng bảo lều không biết
Khóc níu thuyền qua những chuyến thừa.

Thuyền vẫn vô tình trôi lại trôi,
Say mê chèo đến những phương trời,
Ngọt ngào hoa thắm, trăng kiều diễm,
Quên cả bờ lau quán lẻ loi.

Trưa bệnh viện

Bệnh viện trưa. Một tiếng chim xa
Rơi giữa phòng im nói những gì?
Có lẽ ngoài kia trời đổi biếc,
Đã nhiều mây trắng rủ nhau đi.

Tối nằm không ngủ trên giường nhỏ,
Màn trắng vây quanh, đệm trắng tinh,
Mùi vải mới thay thơm rạ nếp,
Vo ve chiếc muỗi bay một mình.

Bệnh đã thua rồi. Trưa lặng yên,
Trở mình nhè nhẹ dưới chăn êm,
Sáng nay bác sĩ thân yêu bảo:
Bạn thắng rồi, bạn sẽ thắng thêm.

Chập chờn tôi lắng nghe cơn sốt
Bị đánh lui dần, sức vượng lên.
Thương tiếng chim xa sao lạc lõng,
Không vui trời nắng lại buồn riêng.

Tôi nằm đây, lòng khát quê hương,
Thiếu tiếng bờ tre trưa gió nồng,
Trà Khúc vẫn nguyên lòng sỏi trắng,
Mưa chiều nắng quái xế ngang sông.

Quê mẹ gửi tôi cho miền Bắc,
Tình thương e ấp giữa ngày đau,
Gió đêm bệnh viện chưa hề lạnh,
Ai đặt bàn tay ấm mái đầu.

Nằm trong im lặng không gian trắng
Vẳng tiếng sông xa thuyền trẩy dài,
Máy nước phòng bên ai đóng vội
Giữa trưa từng giọt tỉ tê hoài…
3/1959

Trăng thanh tân

Thiên lý tỏa hương lầu Mỹ Á,
Thuyền ai thấp thoáng bến Thanh Tân,
“Về đi anh yêu, chiều sắp muộn…”
Nghe thủy triều lên lạnh dưới chân.

Gió nói gì trên những ngọn dừa,
Lời yêu huyền bí tự muôn xưa,
Hoàng hôn đã bước qua song lạnh,
Phòng vắng run run những ánh thừa.

Quê ngoại em về thăm mấy bữa
Chỉ còn sóng biển với anh thôi,
Mảnh mai một đóa hoa trinh nữ,
Huyền hoặc trăng xanh lạc cuối trời.

Hạ Long đêm bốc vác

Tàu chúng ta không chỉ mang quặng mỏ,
Mang cả vầng trăng ra giữa Hạ Long,
Còi tàu khuya xé trời lay đá ngủ
Núi gửi chuyền nhau tiếng vọng vang lừng.

Nhìn cụm núi phục mình trên mặt nước
Đảo nằm yên hay những khúc lưng rồng?
Tim biển đập dưới chân người bốc vác
Đớp ánh lân tinh con cá lượn vòng.

Ta cắm vững bàn chân trên biển rộng,
Vai ghép cầu cho quặng chuyển ra khơi,
Tàu bạn đến, đô thành trôi giữa sóng,
Sáng bừng lên cho Tổ quốc ta vui.

Bờ quê hương có ai thương nhớ nhỉ,
Đèn Hồng Gai thao thức dãy sao khuya,
Yêu đất nước đôi vai càng không nghỉ,
Trăng hãy chờ ta, trăng vội chi về!

Sương mờ xanh, Hạ Long còn lạnh giá,
Nhưng mồ hôi mưa xối đổ lưng trần,
Tay cần trục theo tay người hối hả,
Chưa kịp nhìn, trời nước đã sang xuân!

Sao mai ơi, vội vàng chi dậy sớm,
Biển chưa nghe giọng gáy núi Đôi Gà!
Trăng dù xế, mây hồng dù đã chớm,
Vạn tấn hàng nao nức vượt khơi xa.

Dang tay đón đầu tiên hơi gió sáng,
Tự chân trời thổi nắng tới non cao,
Ta xin gửi lòng ta về hải cảng
Với cả niềm vui sóng vỗ thân tàu.
1960

Trăng khuya

Một nửa vầng trăng anh gửi em,
Nửa kia còn lại chiếu bên rèm,
Sóng khuya trằn trọc giờ chưa ngủ,
Biển nhớ người xa thức suốt đêm.

..............................................................................

Thơ tuyển rút từ tập “Nguyễn Viết Lãm thơ với 
tuổi thơ”, Nxb Kim Đồng 2003.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Infographic] Chuỗi sự kiện "Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai"
    Chuỗi sự kiện “Ươm mầm tri thức – Kiến tạo tương lai” là chương trình ý nghĩa được UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp các nhà xuất bản, nhà sách, các đơn vị, cá nhận hoạt động trong cùng lĩnh vực tổ chức thường niên, nhằm hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3, chào mừng kỷ niệm 7 năm Ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (01/5/2017 - 01/5/2024).
  • Hà Nội tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba - năm 2024
    Tại Hà Nội, mở đầu chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba - năm 2024 là sự kiện Hội Sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”, kỷ niệm 7 năm ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (01/5/2017 - 01/5/2024) được tổ chức vào 09h30 ngày 17/4/2024 tại Phố Sách Hà Nội.
  • Giới thiệu 70 tác phẩm mỹ thuật với chủ đề “Đường lên Điện Biên”
    Nhân kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), vào ngày 26/4, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ tổ chức khai mạc triển lãm “Đường lên Điện Biên”.
  • Ý nghĩa chiến thắng Điện Biên Phủ với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
    Cách đây 70 năm, quân và dân ta đã tiến hành Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, đó là thắng lợi của sức mạnh “toàn dân đánh giặc”, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. 70 năm đã trôi qua, nhưng tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị, là nguồn cổ vũ lớn lao cho toàn thể nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay...
  • Hà Nội: Sôi nổi Liên hoan cán bộ thư viện Toàn quốc tuyên truyền văn hóa đọc
    Chiều ngày 16/4, tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao quận Đống Đa, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Lễ tổng duyệt Liên hoan cán bộ thư viện Toàn quốc tuyên truyền phát triển văn hóa đọc và giới thiệu sách chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024) với chủ đề “Điện Biên – Vang mãi bản hùng ca”.
Đừng bỏ lỡ
Nguyễn Viết Lãm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO